Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcBộ trưởng Giáo dục nói về việc 30 điểm trượt nguyện vọng 1

Bộ trưởng Giáo dục nói về việc 30 điểm trượt nguyện vọng 1

Thứ sáu, 11 Tháng 8 2017 07:20
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết để khắc phục việc thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, Bộ sẽ hoàn thiện về mặt kỹ thuật, ra đề thi phân hóa rõ nét hơn.

20160808142744-img-9209-1502428835552

Hàng loạt vấn đề nóng được dư luận quan tâm đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ nêu lên tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.

Theo ông Nhạ, nhìn lại một cách tổng thể, khách quan kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH 2017 thì rõ ràng với phương thức thi trắc nghiệm, chúng ta được nhiều hơn. Nếu như năm ngoái, điểm 10 thường rơi vào trường hợp rất giỏi hoặc "học tủ" thì năm nay có thay đổi một chút. Bởi lẽ, đề thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức rộng, trải dài, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao.

Tuy nhiên, ông Nhạ cũng đặt câu hỏi, báo chí đưa bằng cụm từ "mưa điểm 10" liệu có thực sự chính xác? Thực tế, kết quả thi có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9-10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước. "Cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9-10 tuy có nhiều hơn nhưng trung vị vẫn là 4-6 điểm chứ không hẳn là "mưa điểm 10" như dư luận bình luận"- Bộ trưởng Nhạ nói.

Liên quan đến vấn đề nóng mà dư luận quan tâm là thí sinh "30 điểm vẫn trượt", ông Nhạ cho rằng năm nay chúng ta áp dụng minh bạch, công khai thông tin trong tuyển sinh. Bộ cho các em đăng ký nhiều nguyện vọng, có thể thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm. Vì sự minh bạch do công nghệ thông tin hỗ trợ rất tốt nên nhiều thí sinh cùng đăng ký vào một số trường tốt, ngành "hot" như Y, Dược, Công an, Quân đội... trong khi chỉ tiêu các trường này không tăng, thậm chí là giảm tới 50%, nên điểm chuẩn các trường/ngành này cao là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông Nhạ cũng cho biết để khắc phục việc thí sinh 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1, Bộ sẽ ra đề thi phân hóa rõ nét hơn. "Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện về mặt kỹ thuật để năm sau đề thi có sự phân hóa tốt hơn nữa" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.

Về vấn đề cộng điểm ưu tiên mà nhiều thí sinh và phụ huynh cho là bất cập, ông Nhạ cho hay là chủ trương tốt và đầy nhân văn, không chỉ ở nước ta mà nước khác cũng áp dụng. Và không chỉ cộng điểm ưu tiên khi thi mà còn có chính sách hỗ trợ, ưu tiên trong suốt quá trình. Tuy nhiên, hiện nay tình hình thay đổi, khu vực 1-2-3 sự chênh lệch điều kiện đã khác xưa thì Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe để có điều chỉnh cho phù hợp.

Về việc nhiều trường ĐH không tuyển được thí sinh, ông Nhạ cho rằng "chất lượng kéo theo số lượng". Trường nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn. "Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt thì thí sinh sẽ yên tâm hơn khi đăng ký nhập học.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, các trường đại học phải nhìn vào cung - cầu của thị trường để cải thiện, nâng cao chất lượng cũng như định hướng phát triển. Không phải ngành nào có thế mạnh là đổ xô đào tạo trong khi thị trường không cần.

Cũng có chung quan điểm này, TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cho rằng nhiều trường có lượng thí sinh đến nhập học không như kỳ vọng, đó là do thí sinh có lựa chọn của mình. Theo ông Sơn, các trường cần dành nhiều thời gian hơn cho tư vấn, nghiên cứu thị trường, truyền thông tốt để việc tuyển sinh thuận lợi hơn.

Theo Nld.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516