Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐại học Bình Dương 18 năm góp phần xây dựng nền giáo dục mở

Đại học Bình Dương 18 năm góp phần xây dựng nền giáo dục mở

Thứ sáu, 25 Tháng 9 2015 08:52
 

GS.VS Cao Văn Phường
Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương

Ngày 24 tháng 9 năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định số 791/TTg cho phép thành lập Trường Đại học dân lập Bình Dương.

Thay phuong

Ngày 31 tháng 7 năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT GS.TS. Phạm Vũ Luận đến thăm Phân hiệu Đại học Bình Dương – Cà Mau. GS.VS Cao Văn Phường Chủ tịch HĐQT – Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương (bên trái) tặng hoa Bộ trưởng

Từ những năm 1995, những người tâm huyết với giáo dục như: Ông Nguyễn Văn Thật, ông Hoàng Hà, ông Bùi Việt Trì, ông Nguyễn Văn Bảo, ông Nguyễn Thạnh, ông Mai Hà San, ông Huỳnh Văn Hoàng đã đứng ra xin phép lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ và Bộ Giáo dục & Đào tạo thành lập trường đại học và lấy tên “Trường Đại học Bình Dương không phải là Đại học Sông Bé”, mặc dầu Sông Bé là tên của tỉnh, sau này tỉnh Sông Bé đã chia tách thành hai tỉnh là tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Như vậy tên Trường Đại học Bình Dương là sự trùng hợp ngẫu nhiên, là thiên định. Nhờ vậy mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ rất đồng tình ủng hộ và đã đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo và Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập “Trường Đại học dân lập Bình Dương”.
Trường Đại học Bình Dương là trường đại học thứ hai ở Sông Bé ra đời sau Phân hiệu Đại học Mở Bán công Tp.HCM tại Sông Bé ra đời năm 1992 có sứ mệnh: “Góp phần đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực mà không sử dụng ngân sách của nhà nước”.
18 năm qua, trãi qua bao thăng trầm, vượt lên tất cả và được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương, Trường Đại học Bình Dương từng bước được củng cố, chất lượng giáo dục ngày được nâng cao, uy tín của nhà trường ngày càng được khẳng định trong hệ thống giáo dục, được nhiều bạn bè trong và ngoài nước biết đến.
Trước hết:

  • - Đại học Bình Dương là trường đại học được xây dựng trên nền tảng triết lý, quan điểm, mục tiêu rõ rang phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới. Phương pháp giáo dục hiện đại “Cộng học” được xây dựng trên nguyên tắc 4 chữ H: “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” - Là nền tảng để con người hoàn thiện trách nhiệm của mình với bản thân, với gia đình, với cộng đồng xã hội, với thiên nhiên, là những giá trị đích thực mà mỗi con người cần phải có.

- Đại học Bình Dương đã trở thành Trường Đại học đa lĩnh vực, hệ thống chương trình mục tiêu, nội dung đào tạo các ngành nghề khác nhau, các cấp học khác nhau từ Cao đẳng – Đại học – Thạc sĩ – Tiến sĩ luôn được hoàn thiện đảm bảo tính cơ bản, hiện đại và phù hợp trong điều kiện Việt Nam, đảm bảo cho các hoạt động giáo dục của nhà trường gắn chặt với hoạt động thực tiễn xã hội. Trong 18 năm qua nhà trường đã đào tạo hơn 60.000 sinh viên, trong đó 41.423 sinh viên hệ chính quy, 18.577 sinh viên hệ không chính quy, và đã cung cấp cho xã hội hơn 350 thạc sĩ, 22.719 cử nhân Đại học và Cao đẳng, Trung học Chuyên nghiệp, trong đó có 8.798 sinh viên tốt nghiệp hệ đào tạo không chính quy. Phần lớn các em đều có việc làm, nhiều em đảm trách những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, xí nghiệp, nhiều em thành đạt ở nước ngoài.
- Chúng ta có quyền tự hào Trường Đại học Bình Dương là một trong số ít trường đại học ngoài công lập thực hiện tốt chính sách xã hội hóa giáo dục, chúng ta đã phát huy tốt tiềm năng của xã hội để hình thành cơ sở trường lớp, ký túc xá “Ba trong một” đảm bảo điều kiện cho hơn 8.000 sinh viên theo học không phải thuê mướn trường lớp, có hệ thống ký túc xá do dân đầu tư xây dựng. Đặc biệt, trường đã đầu tư xây dựng Phân hiệu Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau hiện có hơn 2.500 sinh viên theo học góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Cà Mau còn nhiều khó khăn. Những kết quả trên là minh chứng: Đại học Bình Dương góp phần thực hiện chính sách mở trong giáo dục của Đảng và Nhà nước thông qua con đường xã hội hóa giáo dục.
- Nhà trường đã xây dựng đồng bộ hệ thống tổ chức bộ máy, huy tụ được hơn 700 cán bộ khoa học trong và ngoài nước tham gia thường xuyên các hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ, trong đó có 450 giáo viên cơ hữu, có 64 Viện sĩ, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ tham gia vào Hội đồng Khoa học và Đào tạo của trường. Chúng ta đã kết nối và hình thành các chương trình hợp tác với các Đại học & Viện nghiên cứu các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ba Lan, Nga, Belarus…
- Tuy là trường đại học ngoài công lập, nhưng tổ chức bộ máy của nhà trường đảm bảo nguyên tắc luật pháp của nhà nước, nhà trường tạo mọi điều kiện có được thuận lợi cho các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên hoạt động có hiệu quả. Nhà trường đảm bảo đầy đủ các chính sách cho người lao động, tạo những điều kiện thuận lợi cho cá nhân phát huy năng lực của mình đóng góp xây dựng và phát triển. Nhà trường có quỹ tiết kiệm hơn 5 tỷ đồng, hàng năm nhà trường trích % lãi suất tiết kiệm chi khen thưởng hỗ trợ cho sinh viên nghèo vượt khó, những sinh viên học tập rèn luyện xuất sắc.
18 năm qua, nhà trường đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng tham gia các chương trình khoa học, xây dựng nông thôn mới, xây dựng cầu đường, trường học, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, làm cho các hoạt động của nhà trường luôn luôn kết nối với các địa phương, đặc biệt những vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản đã đạt được vừa nêu trên, nhà trường còn nhiều tồn tại cần tiếp tục giải quyết:
Về nhận thức, mặc dù đã có Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhà trường cũng đã xây dựng chiến lược “Xây dựng và phát triển Trường Đại học Bình Dương”. Tuy nhiên về nhận thức trong chúng ta còn nhiều vấn đề cần thảo luận làm rõ để hiểu đúng bản chất của vấn đề “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo không phải giáo dục có vấn đề gì nghiêm trọng phải đổi mới căn bản toàn diện mà vấn đề cần phải tư duy lại cho đúng, cho phù hợp với xu thế mới. Trong điều kiện mà công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội; Công nghệ thông tin xâm nhập vào mỗi ngõ ngách của cuộc sống, xâm nhập vào tất cả các lĩnh vực, góp phần tạo nên thế giới mở. Đặc biệt công nghệ thông tin làm thay đổi nhận thức về giáo dục, từ triết lý, quan điểm, mục tiêu, nội dung, khái niệm, phương pháp giáo dục, đặc biệt là giá trị và đạo đức của con người trong thế giới mở khi mà công nghệ thông tin xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống xã hội, buộc con người muốn tồn tại phát triển phải thích ứng thông qua học tập rèn luyện, học liên tục, học suốt đời, học để hiểu đúng về bản thân mình, giá trị đích thực mà mình có được để thực hiện thành công mối Liên kết cạnh tranh – cạnh tranh liên kết. Sự kết nối này chỉ có thể có được bền vững khi mỗi người phải thật sự là người có trách nhiệm, hoàn thành có chất lượng công việc mình đảm trách. Học để trở thành công dân có trách nhiệm góp phần xây dựng thế giới mở phát triển ổn định. Nếu chúng ta (loài người) không làm được điều đó thể giới trở nên hỗn độn. Vì vậy trong thời gian đến nhà trường mong quý thầy cô tích cực tham gia vào các cuộc tọa đàm, hội thảo về “Xây dựng nền giáo dục mở” do Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.
Tiếp tục hoàn thiện các chương trình mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, mở thêm ngành đào tạo mới bậc cao học, bậc tiến sĩ. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, củng cố mối quan hệ hợp tác truyền thống với đại học các nước và các đại học trong nước, củng cố mở rộng chương trình đào tạo từ xa thông qua phát thanh truyền hình, mạng internet, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, học tập thường xuyên của nhân dân.

Tập trung đầu tư nguồn lực về con người và cơ sở vật chất cho phát triển Đại học Bình Dương trở thành đại học đào tạo thực hành có chất lượng. Đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin phục vụ phát triển giáo dục và y tế cộng đồng.

Nhân kỷ niệm 18 năm thành lập Đại học Bình Dương, tôi xin chân thành cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh Cà Mau và các tỉnh thành bạn. Cám ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, các trường đại học, các viện nghiên cứu trong và ngoài nước đã ủng hộ giúp đỡ nhà trường trong suốt 18 năm qua.
Tôi xin chân thành cám ơn, quý thầy cô và các em sinh viên đã sát cánh cùng nhà trường ngay trong những lúc nhà trường gặp khó khăn. Nhà trường tưởng nhớ, ghi ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Văn Giàu; Giáo sư, Viện sĩ Trần Văn Khê; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo là cố vấn Hội đồng Khoa học và Đào tạo đã góp nhiều ý kiến quý báu cho nhà trường. Nhà trường ghi công Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vì những đóng góp quý báu của ông cho nhà trường. Ghi công ông Nguyễn Văn Thật, ông Trần Thuận Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuấn, ông Nguyễn Văn Thưởng, ông Mai Hà San, và các ông bà trong hội đồng sáng lập và những cán bộ, nhân viên đã cùng sát cánh với nhà trường trong những năm tháng khó khăn ban đầu.
Với những thành tựu thu được là nền tảng để Đại học Bình Dương khắc phục những tồn tại, tiếp tục củng cố phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường, góp phần tích cực xây dựng nền giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân, góp phần đào tạo ra những công dân Việt Nam có trách nhiệm trong thế giới mở.
Xin chúc quý thầy, cô và các em sinh viên luôn gặp nhiều may mắn và thành công trong công tác và cuộc sống.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516