Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGóp ý đối với một số quy định quan trọng của dự thảo quy chế tổ chức kì thi THPT Quốc gia

Góp ý đối với một số quy định quan trọng của dự thảo quy chế tổ chức kì thi THPT Quốc gia

Thứ ba, 10 Tháng 3 2015 05:27
TS. PHẠM VĂN ĐẠT - Ban Tuyên giáo Trung ương - Hội viên, Hội Luật gia Việt Nam

1. Quy chế tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia là thể chế hóa đường lối của Đảng

Cùng với những văn bản đã ban hành, tài liệu đã phát hành, sau khi tiếp thu ý kiến đối với Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia (Dự thảo), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ ban hành Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (Quy chế). Điều này, thể hiện quá trình thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng về “đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT”  .

Tuy Dự thảo cơ bản là ưu điểm nhưng cũng còn một số hạn chế đáng kể. Do vậy, cần chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục những hạn chế đó vì đây là các vấn đề cấp thiết, nổi cộm, được xã hội đặc biệt quan tâm, liên quan trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của Đảng, pháp chế, quyền lợi của thí sinh.

Trên cơ sở góp ý đối với một số quy định quan trọng của Dự thảo, tác giả bài viết khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung, khắc phục những hạn chế của Dự thảo, góp phần xây dựng Quy chế khả thi, thực sự vì lợi ích của thí sinh.

2. Tên Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Tên Quy chế là điểm xuất phát, cội rễ, thể hiện sự “chính danh” để triển khai những quy định trong nội dung của Quy chế. Do vậy, trước hết cần xác định tên Quy chế thật chuẩn. Tên Quy chế như quy định tại Dự thảo còn dài, nên diễn đạt ngắn gọn, súc tích là Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia hoặc Quy chế thi THPT quốc gia. Tên Quy chế như vậy là đủ nghĩa, đi thẳng vào vấn đề vì trong Dự thảo chứa đựng nhiều nội dung chứ không hẳn chỉ có tổ chức đối với Kỳ thi THPT quốc gia.

3. Bố cục Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Quy chế gồm 11 chương 57 điều như quy định tại Dự thảo là hợp lý, khá đầy đủ các nội dung nhằm thể hiện những quy định để điều chỉnh các quan hệ xã hội của Kỳ thi THPT quốc gia.

Cách đặt tên Chương I như Dự thảo là hợp lý, khoa học. Có nhiều văn bản cùng loại với Dự thảo, ở Phần I (hoặc Chương I) có tên là Những quy định chung. Ở đây, Bộ GD&ĐT đặt tên Chương I là Quy định chung, cho thấy không những đảm bảo chuẩn mực kỹ thuật dựng văn bản quy phạm pháp luật mà còn góp phần sáng tạo trong phương pháp hành văn của ngôn ngữ Luật học.

Tên Chương II nên rút gọn thành “Chuẩn bị kỳ thi”, Chương III cũng nên rút ngắn thành “Đối tượng, điều kiện, tổ chức đăng ký dự thi và trách nhiệm của thí sinh”, Chương VIII nên đặt là “Xét tốt nghiệp THPT”. Việc rút ngắn này thể hiện ngôn ngữ được diễn đạt cô đọng, súc tích nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ ngữ nghĩa, nội dung. Tên các chương còn lại nên giữ nguyên vì khá rõ ràng, đủ nghĩa, bao quát được nội dung những quy định của chương đó.

4. Quy định về phạm vi điều chỉnh của Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Phạm vi điều chỉnh quy định tại Khoản 1 Điều 1 là khá đầy đủ các nhóm quan hệ xã hội giữa các cá nhân, tổ chức tham gia và có liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia (gồm 11 nội dung); đó là tổ chức kỳ thi và xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, cách diễn đạt như Dự thảo vẫn còn dài, trùng lặp, cần diễn đạt lại cô đọng hơn, như sau:

"Quy chế này quy định về Kỳ thi THPT quốc gia, gồm: quy định chung; chỉ đạo, tổ chức thi; đối tượng, điều kiện dự thi, tổ chức đăng ký dự thi và trách nhiệm của thí sinh; công tác đề thi; tổ chức coi thi; tổ chức chấm thi; phúc khảo và chấm thẩm định; xét tốt nghiệp; chế độ báo cáo và lưu trữ; thanh tra, khen thưởng, xử lý các sự cố bất thường và xử lý vi phạm; tổ chức thực hiện".

Quy định như vậy, ngắn hơn Dự thảo 18 chữ nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ nội dung, ý nghĩa. Bởi vì, Quy chế này quy định về Kỳ thi THPT quốc gia, có rất nhiều nội dung đã được liệt kê, mỗi nội dung đó đều phản ánh, liên quan đến thi và xét tốt nghiệp THPT. Do vậy, trong ngữ cảnh này, không cần thiết phải diễn đạt tất cả các nội dung (hoặc một nội dung nào đó) gắn với THPT như quy định “xét công nhận tốt nghiệp THPT” của Dự thảo.

5. Quy định về đối tượng áp dụng của Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia

Đối tượng áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 1 gồm "trường phổ thông", "trường Đại học, Cao đẳng" (ĐH, CĐ), "trường trung cấp chuyên nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia kỳ thi" là còn thiếu các đối tượng quan trọng như một số cơ quan Nhà nước; cơ quan báo chí, truyền thông; đoàn thể và nhân dân. Bởi vì, tại Điểm c Khoản 1 Điều 5, Điểm a Khoản 3 Điều 48, Điều 54 cũng đã đề cập đến các đối tượng này. Do vậy, Bộ GD&ĐT cần dự liệu đầy đủ (nếu có thể được) các đối tượng áp dụng Quy chế để liệt kê đầy đủ hoặc chỉ cần quy định ngắn gọn là "Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi THPT quốc gia". Những tổ chức, cá nhân tham gia Kỳ thi THPT quốc gia, với vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ sẽ được quy định cụ thể trong Quy chế.

6. Quy định về mục đích của Kỳ thi THPT quốc gia

Kỳ thi THPT quốc gia nhằm 3 mục đích, được quy định tại Khoản 1 Điều 2 là đầy đủ, súc tích, phản ánh đúng bản chất và mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, ở đây cần quy định cụ thể “Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào ngày … tháng 6 hàng năm…, nhằm mục đích:” thì tốt hơn để khẳng định tầm vóc của một Kỳ thi THPT quốc gia. Xét từ nhiều góc độ việc quy định cụ thể ngày tháng của Kỳ thi THPT quốc gia hàng năm là điều bình thường, khả thi, khoa học, thể hiện sự chuẩn xác của chương trình, kế hoạch ngành Giáo dục Việt Nam, khẳng định tầm quan trọng của Kỳ thi THPT quốc gia. Điều này, cũng như ngày 1 tháng 1 hàng năm, đó là ngày Tết dương lịch. Việc quy định cụ thể này cũng có thể cần có thời gian, lộ trình, dựa trên cơ sở khoa học xác đáng. Tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 3538, Khoản 5 Điều 13 cũng đã quy định những mốc thời gian cụ thể cho những công việc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và những năm tiếp theo.

Tại Khoản 2 Điều 1 Quyết định số 3538 đã quy định thi THPT quốc gia năm 2015 vào ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6. Tuy nhiên, mới đây, “Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015”. Cũng như sự thay đổi nhanh chóng về hướng dẫn miễn thi môn Ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT, sự thay đổi này thể hiện sự nhanh nhạy nhưng cũng chứng tỏ những chính sách của Bộ GD&ĐT đưa ra chưa thật tốt, đôi khi gây phản cảm đối với những cá nhân, tổ chức hữu quan và xã hội, làm nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Như vậy, Bộ GD&ĐT càng cần thiết nâng cao tính kế hoạch, quy định ngày thi cụ thể hàng năm đối với Kỳ thi THPT quốc gia ngay trong Quy chế. Xuất phát từ nhiều góc độ, quy định thi THPT quốc gia vào các ngày 9, 10, 11 và 12 tháng 6 hàng năm như Quyết định số 3538 là hợp lý. Bởi vì, sau khi kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia, còn rất nhiều công việc liên quan như chấm thi, công bố kết quả, tuyển sinh ĐH, CĐ, v.v…

7. Quy định về yêu cầu đối với Kỳ thi THPT quốc gia

Yêu cầu đối với Kỳ thi THPT quốc gia quy định như Khoản 2 Điều 2 chưa đầy đủ, còn sơ sài, chưa thể chế hóa hết đường lối lãnh đạo của Đảng trong Nghị quyết số 29. Do vậy, cần bổ sung thêm yêu cầu "giảm áp lực và tốn kém cho xã hội". Đồng thời, cần lược bỏ từ “các” nhằm khẳng định các yếu tố (tiêu chí) trong yêu cầu đối với Kỳ thi THPT quốc gia là như nhau, không thể tách rời và phải đồng thời đạt được thì mới đạt yêu cầu của Kỳ thi này; cần thay thuật ngữ “người học” bằng “thí sinh” để diễn đạt chính xác hơn. Do vậy, Khoản 2 Điều 3 nên diễn đạt lại như sau:

"Kỳ thi phải đảm bảo yêu cầu: nghiêm túc, khách quan, công bằng, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; kết quả thi phản ánh đúng trình độ của thí sinh".

Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo tinh thần Nghị quyết số 29 là vì lợi ích của thí sinh, bảo đảm tính khoa học để xét tốt nghiệp, làm cơ sở tuyển sinh ĐH, CĐ, nhằm phục vụ lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, nếu không yêu cầu “giảm áp lực và tốn kém cho xã hội” đối với Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không có những quy định cụ thể ở những chương sau của Quy chế nhằm bảo đảm tính khoa học, hợp lý, hợp lòng dân. Thực chất, yêu cầu đối với Kỳ thi THPT quốc gia vừa là mục tiêu, vừa là cội rễ, là yếu tố chủ đạo trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế. Quán triệt đường lối lãnh đạo của Đảng để góp ý Dự thảo nhằm có được một Quy chế tốt. Bởi vì, trong Quy chế dẫu có những quy định không tốt; nếu chưa được chính Bộ GD&ĐT bổ sung, thay thế bằng quy định khác thì vẫn cứ được thực hiện vì đó là văn bản pháp luật; vì nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay chưa cao, để thực hiện những quyền lợi của mình, nhân dân (cụ thể ở đây là thí sinh và gia đình) không có sự lựa chọn nào khác, vẫn phải chấp nhận và thực hiện những quy định mà mình không mong muốn, phải đánh đổi, hy sinh một số quyền lợi khác. Đảng lãnh đạo và phục vụ nhân dân nên đã định hướng phát huy dân chủ. Tuy nhiên, cần phải có phương tiện, điều kiện, cơ chế bảo đảm để thực hiện dân chủ. Ở đây, nếu Bộ GD&ĐT không xuất phát, không vì lợi ích của chủ thể quản lý mà xuất phát từ lợi ích của thí sinh để xây dựng và ban hành những quy định trong Quy chế thì sẽ thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng tốt hơn, những quy định đó sẽ khả thi hơn, là phương tiện để phát huy dân chủ, bảo vệ lợi ích của thí sinh. 

8. Một số quy định quan trọng khác cần chỉnh sửa, bổ sung

8.1. Chỉnh sửa ngay hoặc có lộ trình chỉnh sửa chú thích [5]. Nên quy định lấy kết quả của 3 năm học THPT chứ không riêng lớp 12, kết hợp với điểm thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp nhằm đánh giá một cách toàn diện, nâng cao ý thức, trân trọng đối với toàn bộ chương trình THPT; phòng, tránh tiêu cực như việc “đối phó”, “học dồn”, “chạy chọt”, v.v… khi học sinh vào học lớp 12.

8.2. Để bảo đảm tính giáo dục và răn đe, cần chỉnh sửa theo hướng giải quyết nhanh, kịp thời, công khai những đối tượng vi phạm quy định tại Điều 49, Điều 50, Điều 51, v.v…

8.3. Bổ sung quy định để giải quyết tình huống đặc biệt quan trọng (nhưng rất dễ xảy ra) theo hướng có lợi nhất cho thí sinh; đó là mất, hỏng một phần hoặc toàn bộ bài thi không do lỗi của thí sinh vì chưa có quy định nào giải quyết vấn đề này. Quy chế cần phải dự liệu, quy định, điều chỉnh một cách rõ ràng, hiệu quả, bảo vệ thí sinh đối với tình huống này như cho điểm tối đa đối với phần, toàn bộ bài thi bị mất, hỏng không do lỗi của thí sinh. Đó là nguyên lý của sự công bằng, không thể yêu cầu thí sinh làm lại phần hoặc toàn bộ bài thi bị mất, hỏng đó.

8.4. Cần tăng cường những quy định về sử dụng khoa khọc kỹ thuật, công nghệ thông tin, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, v.v… bổ sung cho những quy định tại Điều 10, Điều 11 và những chương điều, quy định về các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện có hiệu quả Kỳ thi THPT quốc gia  .

9. Kết luận

Dự thảo thể hiện quá trình soạn thảo khá công phu của Bộ GD&ĐT, là biểu hiện sinh động của quá trình thể chế hóa đường lối đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT của Đảng đã được nêu ra trong Nghị quyết số 29. Trên cơ sở phân tích ưu điểm, hạn chế và đặc biệt là đưa ra khuyến nghị mang tính phương án khắc phục hạn chế đối với một số quy định quan trọng của Dự thảo, tác giả bài viết hy vọng những khuyến nghị đó sẽ góp phần hoàn chỉnh Dự thảo để có một Quy chế mang tính khả thi cao, thực sự vì lợi ích thí sinh./.

Chú thích

1. Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, ngày 9/9/2014 của Bộ GD&ĐT phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 (Quyết định số 3538); Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23 tháng 10 năm 2014 của Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2015 (Công văn số 6031).

2. Bộ GD&ĐT (2014), Hỏi – Đáp về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

4. Các cơ quan của Nhà nước Cộng hòa xã hội Việt Nam cần bổ sung: Bộ Tài chính (liên quan đến kinh phí), Bộ Quốc phòng (có các trường quân sự được giao chủ trì cụm thi), Bộ Công an (có các trường công an được giao chủ trì cụm thi và liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự, v.v… của kỳ thi), UBND cấp tỉnh, Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Công an cấp tỉnh, v.v…  

5. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, những tổ chức của cha mẹ thí sinh tại các trường, người sống, làm việc quanh cụm thi và một số tổ chức, cá nhân khác có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia, liên quan, có ảnh hưởng tới Kỳ thi THPT quốc gia, v.v…

6. Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, pháp lý, khí hậu, v.v... 

7. PV (2014), Dự thảo quy chế thi THPT 2015: 7 điểm mới đáng chú ý nhất, http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-thao-quy-che-thi-thpt-2015-7-diem-moi-dang-chu-y-nhat-1009556.htm, ngày 18/12.

8. Công văn số 6031 thay thế Công văn số 5633/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 10 tháng 10 năm 2014. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, hướng dẫn miễn thi môn Ngoại ngữ trong Công văn số 5633 đã bị thay thế, hướng dẫn này chưa 1 lần được thực thi đã hết hiệu lực.

9. Vấn đề này đã được Phạm Văn Đạt đưa ra trong phần 3.2 bài "Đường lối của Đảng và thể chế hóa trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam hiện nay", đăng trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 45(106)/2014; đã được thể hiện một phần trong Dự thảo này nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tài liệu tham khảo

Bộ GD&ĐT (2014), Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/212544/du-thao-quy-che-to-chuc-ky-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia.html, ngày 18/12.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516