Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcHai vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam

Hai vấn đề cốt lõi của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam

Thứ năm, 18 Tháng 12 2014 07:10
TS. VŨ NGỌC HOÀNG, UVTW Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Vấn đề cốt lõi thứ nhất, trung tâm của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tập trung chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực người học.

TS Vũ Ngọc Hoàng

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng

Sau đây tôi dùng từ năng lực theo nghĩa là năng lực Người, nói cách khác là nhân cách theo nghĩa rộng, trong đó bao hàm cả phẩm chất. Có người cho rằng, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực chỉ là phương pháp, có gì quan trọng lắm đâu mà cho là cốt lõi. Thực ra không phải vậy. Đây không chỉ là phương pháp đào tạo, mà trước tiên là triết lí giáo dục, quan điểm giáo dục, khoa học giáo dục - sư phạm liên quan đến mục tiêu, chương trình, phương pháp, cách kiểm tra, thi cử, đánh giá, cơ chế quản lí, tổ chức hệ thống..., mà trước tiên và bắt đầu là vấn đề thay đổi mục tiêu giáo dục.
Theo các nhà khoa học thì ngày nay, cứ sau một số năm tri thức nhân loại lại tăng lên gấp đôi, nhiều vô kể, khoa học phát triển như vũ bão. Tốc độ ấy ngày xưa là một ngàn năm sau Công nguyên, sau đó có nhanh hơn, nhanh dần, nhưng cũng mất mấy trăm năm, rồi mấy chục năm. Điều gì đã dẫn đến tốc độ tăng kiến thức nhanh như vậy?.Hai lí do chủ yếu: sự tích lũy kiến thức của nhân loại đã đến độ có thể tạo ra những bước “nhảy” và loài người đã bước vào xã hội thông tin (thông tin nhiều và thông tin nhiều chiều, khi tương tác với nhau thì sản sinh ra thông tin mới, cứ vậy, theo cấp số nhân). Với lượng kiến thức nhiều và tốc độ tăng nhanh như vậy nên người thầy không thể nào cập nhật và truyền thụ kịp. Mặt khác, kiến thức mà thế hệ trước truyền thụ cho thế hệ sau thì phần nhiều là kinh nghiệm của hôm qua, trong khi phải chuẩn bị cho học sinh sống với ngày mai, trong thế giới biến đổi nhanh hơn nhiều so với ngày xưa. Lúc các em ra trường thì những kiến thức học được cách đó ít năm, khi mới nhập trường, nhiều nội dung có khi đã bị lỗi thời. Với cách học truyền thụ kiến thức có sẵn, học sinh chủ yếu được phát triển khả năng thừa hành, trong khi thị trường, xã hội hiện đại lại luôn luôn nảy sinh các tình huống bất ngờ, không có trong kinh nghiệm có sẵn. Chính vì thế, trên cơ sở kiến thức cơ bản, cần tạo cho học sinh hứng thú tự học, học tích cực, biết cách tiếp cận và giải quyết vấn đề, phát triển các năng lực, đáng chú ý bậc nhất là năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác. Việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực liên quan trực tiếp, chặt chẽ và trước tiên tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Chúng ta đã có một thời kì dài thực hiện chương trình theo cách tiếp cận nội dung (giảng dạy), đến nay cơ bản vẫn vậy, đổi mới cần chuyển mạnh sang tiếp cận phát triển năng lực (người học). Thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Thầy giáo là người lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy trong số những bộ sách đã được hội đồng thẩm định khoa học cấp quốc gia xác nhận là đạt yêu cầu. Việc soạn sách giáo khoa cũng không độc quyền mà cần phải có cạnh tranh, so sánh về chất lượng, để có những bộ sách tốt nhất. Cần có sân chơi bình đẳng trong việc làm sách giáo khoa, không được vừa đá bóng vừa thổi còi. Thi theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa, là kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ.
Nền giáo dục của chúng ta từ xưa đã rất nặng ứng thí và bằng cấp, học là để trả thi, để ứng phó với thi cử, để có tấm bằng làm công cụ tiến thân, trước tiên là làm quan. Đến nay, cơ bản vẫn nặng như vậy. Lại còn mặt trái của cơ chế thị trường đã xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, có không ít trường hợp mua bằng bán điểm, nhờ người khác học hộ, thi giúp; học ít cũng có sao đâu miễn là có được tấm bằng, không học mà có bằng càng tốt. Như vậy, học không phải với mục đích chính là để có năng lực, thậm chí cũng không phải để có kiến thức, mà là để có điểm, có bằng. Học là để nâng cao năng lực người, năng lực thực chất, chứ không phải để thi, mặc dù trong nhiều trường hợp vẫn cần phải có thi. Không phải học để thi mà là thi để học. Cần làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và thực chất hơn, không nặng nề như hiện nay. Nên mở rộng khung điểm để dễ phân hạng khi đánh giá. Từ hai cuộc thi quốc gia liền kề như hiện nay (tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học), nội dung và phương pháp thi giống nhau, nên còn lại một cuộc, vừa đánh giá chất lượng phổ thông vừa sơ tuyển đại học, mỗi năm có thể thi vài lần, do một trung tâm sự nghiệp đảm nhận. Thi lần này chưa đạt thì học nữa để lần sau thi, không để một cuộc thi mà quyết định cả cuộc đời, khắc phục tình trạng “học tài thi phận” như ngày xưa đã nói.
Cũng theo quan điểm chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực thì phải chuyển từ cách học ghi nhớ lời thầy, nói và viết theo thầy sang khuyến khích tư duy độc lập và sự sáng tạo của người học, bởi sáng tạo chính là năng lực. Và cách thi, như trên đã nói, không phải là kiểm tra trí nhớ mà là kiểm tra năng lực sáng tạo, khả năng phân tích, tổng hợp, luận giải và giải quyết vấn đề. Ngày nay, loài người đã sáng tạo ra những bộ nhớ bằng công nghệ thông tin để giúp con người khỏi tốn nhiều năng lượng thần kinh cho việc nhớ, dành các năng lượng ấy cho hoạt động sáng tạo. Chỉ cần dịch chuyển con trỏ, nhấp vào vị trí đã định là nhận được biết bao nhiêu kiến thức rồi. Không việc gì bắt các em phải nhớ nhiều, biết nhớ bao nhiêu là đủ, thành năng lực mới là cần. Học Toán, Lí hiện nay phải nhớ công thức quá nhiều, học Sử phải nhớ sự kiện, đến mức nặng nề, nhưng sau khi ra trường công tác hầu hết mọi người thậm chí cả đời không hề sử dụng các công thức ấy. Những công thức ấy cần học để góp phần hình thành tư duy lôgic, thế thôi, cái quan trọng là phải hiểu, biết cách vận dụng, chứ bắt phải nhớ để làm gì, nhớ rồi cũng quên thôi. Học chỉ không quên khi biến thành năng lực của chính mình. Học Sử (không chuyên) thì chủ yếu là nhằm hình thành nhân cách, không phải bắt thuộc lòng, nhớ sự kiện, đừng làm các em chán Sử, môn Sử phải là một trong những môn học vô cùng hấp dẫn, khi đã hấp dẫn rồi thì tự nó sẽ “vào” và “ở lại” trong người học. Dấu hiệu và biểu hiện đầu tiên của chất lượng là sự thích học. Đã chán học, không thích học, học như là một khổ dịch thì làm gì mà có chất lượng - năng lực được! Không cần bắt học sinh phải nhớ nhiều, phải thuộc lòng, mà cái cần là năng lực, sự sáng tạo.

giao-duc-mo-can-xay-dung-he-thongphu-hop-de-phat-trien-nen-kinh-te-tri-thuc-anhĐể có năng lực, để có sáng tạo thì phải biết phát huy thế mạnh riêng có của mỗi người, không ai giống ai. Các nhà khoa học đã nói ở con người có những trí khôn khác nhau, cấu tạo bảy trí khôn và mấy chục vùng vỏ não khác nhau, người này có thể rất giỏi việc này và kém việc kia, người khác thì ngược lại, có thể giỏi việc kia mà không giỏi việc này... Thế thì tốt nhất, hiệu quả nhất là phát triển thế mạnh ở mỗi người. Cứ thế, nhiều người cộng lại thì cả một xã hội của những người giỏi. Từ rất sớm, Bác Hồ đã nói là giáo dục phải giúp cho sự phát triển “đầy đủ những năng lực sẵn có” của người học; còn C.Mác thì nói chức năng của giáo dục là “phát triển năng lực - bản chất người” (ông ghép chữ năng lực và chữ bản chất thành một từ mới là năng lực - bản chất người). Để giải phóng và phát triển tối đa năng lực của người học, đòi hỏi phải tôn trọng và phát huy “con người cá nhân”, cái tự do như C.Mác nói, cái bản lĩnh riêng, nhân cách chính mình, năng lực riêng có, chứ không phải là cá nhân chủ nghĩa. Ngày xưa, nền văn minh của châu Á có lúc phát triển hơn châu Âu. Ngày ấy, châu Âu còn trong đêm dài con người của thần quyền. Nhưng sau đó, qua các phong trào phục hưng, khai sáng, họ nâng đỡ “con người cá nhân”, từ đó, châu Âu đã phát triển vượt lên, bỏ châu Á lại phía sau. Đổi mới giáo dục cũng nên chú ý mặt “con người cá nhân” này. Tất nhiên, không chỉ có mặt đó, không để lệch từ cực này sang cực kia, mà cần chú ý đồng thời, song song cả hai mặt là “con người cá nhân” và “con người cộng đồng - xã hội”, con người của “tự do” và con người của “tất yếu”. Trên nền tảng cộng đồng mà phát triển các cá nhân (cái tự do được bước sang từ vương quốc tất yếu, như cách nói của Ăngghen). Với động lực và trên cơ sở phát triển tối đa những cá nhân mà thúc đẩy phát triển cả cộng đồng. Lấy mối quan hệ với cộng đồng để xây dựng và làm thước đo đánh giá nhân cách cá nhân.
Năng lực là cái “tự nó”, “của chính nó”, là tư duy độc lập; phát triển là “tự phát triển”, không ai ban phát được, không thể cho, không thể vay mượn được. Năng lực không phải được tạo ra nhờ người khác truyền thụ, mà được phát triển trong quá trình tư duy, tự học và thực hành. Hầu hết trí thức lớn đã trở thành trí thức thông qua tự học là chính. Nếu truyền thụ một chiều, áp đặt thì làm sao có năng lực được? Người học phải được “bình đẳng”, được tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận, có chính kiến riêng của mình. Thực hiện giảng ít mà học nhiều. Không phải thầy giáo chỉ truyền dạy những điều gì mình có, mà phải giảng dạy cái học sinh cần. Thầy giáo không phải chủ yếu là người truyền thụ tất cả kiến thức của mình có cho người học mà chỉ giới thiệu những giá trị cốt lõi, còn lại chủ yếu là gợi mở, giúp cách học, cách tiếp cận, cách phân tích và tổng hợp, giải quyết vấn đề, tức là nhằm phát triển năng lực. Thầy giáo bây giờ không phải là “thầy dạy”, mà là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, là người giúp các em biết cách học mới, cách tự học, tổ chức việc học cho các em, tức là, nói gọn lại, là “thầy học”, tức là làm thầy về việc học. Thầy giáo không phải là người áp đặt tư duy mà là người luôn phát huy dân chủ, là người “bạn lớn”, bình đẳng, “bạn đồng hành” cùng các em trong quá trình đi tìm chân lí; là một nhà tâm lí giáo dục, luôn tác động vào để kích thích những yếu tố bên trong, sự tự tin, độc lập và bản lĩnh, những yếu tố “tự nó” của người học phát triển.
Quá trình phát triển năng lực luôn gắn với quá trình hoạt động thực tiễn, tổ chức thực hiện công việc. Vì vậy, phương châm gắn học với hành, nhà trường với xã hội, thông qua công việc mà tiếp tục học, là phương châm có giá trị lâu dài.
Chất lượng giáo dục - đào tạo luôn là mục tiêu hàng đầu, là yêu cầu thường xuyên đối với quá trình phát triển và đổi mới giáo dục. Nền giáo dục nước ta sau 25 năm đổi mới đất nước đã có những thành tựu rất đáng kể, trong đó, đáng kể đầu tiên là sự phát triển về quy mô, số lượng, bằng mấy chục lần trước đây, về cơ bản đã chuyển từ một nền giáo dục cho thiểu số người đi học thành một nền giáo dục đại chúng, phổ cập, cho mọi người. Trong quá trình phát triển đó, tuy vẫn có một số tiến bộ về chất lượng so với trước đây, nhưng nhìn chung vẫn là thấp, so với yêu cầu, với thế giới, với khu vực và so với công sức đã bỏ ra. Điều đó cũng có phần dễ hiểu! Trong điều kiện nguồn lực và kinh nghiệm có hạn, chưa thể đồng thời giải quyết tốt cả chiều rộng và chiều sâu, cả số lượng và chất lượng. Và chính điều đó càng đòi hỏi đổi mới lần này phải tập trung hàng đầu và nhiều hơn cho vấn đề chất lượng. Đổi mới không có mục đích tự thân, mà đổi mới là phải nhằm nâng cao chất lượng, chuyển từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang chú trọng phát triển theo chiều sâu. Phát triển nhân cách, năng lực là yêu cầu cao nhất của chất lượng, đó chính là thực chất của chất lượng. Bệnh thành tích luôn trái với yêu cầu chất lượng. Bằng cấp không thay thế cho chất lượng. Học với mục đích để thi, để có bằng cấp là phổ biến trước đây và hiện nay, điều đó cũng là biểu hiện của bệnh hình thức, hư học, chưa phải thực học. Không phải học để thi mà phải là thi để học. Cần kết hợp việc thi với kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình đào tạo, để thúc đẩy việc học.
Vấn đề cốt lõi thứ hai, là cần tổ chức một nền giáo dục mở, gắn với xã hội học tập. Trước tiên phải xuất phát từ yêu cầu phát triển nhân cách, năng lực người học, tiếp đến là đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội, mà tổ chức nền giáo dục.
Ngày nay, thế giới biến đổi với tốc độ rất nhanh, điều kiện và công việc hết sức đa dạng. Để sống và làm việc trong môi trường như vậy thì không phải học một lần là xong, rồi cứ thế làm việc mãi, mà đòi hỏi phải bổ sung kiến thức liên tục, phát triển năng lực thường xuyên, suốt đời. Đó là yêu cầu khách quan phải tổ chức một nền giáo dục mở, thực học, hạn chế tối đa những biểu hiện hư học, bệnh hình thức, chuyển từ học một lần sang học suốt đời, không chỉ học ở trong trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, ra trường rồi vẫn tiếp tục “học nữa, học mãi” như cách nói của Lênin. Theo lí thuyết hệ thống, một hệ thống đóng, khép kín sẽ bị thoái hoá. Cần có một hệ thống mở để trao đổi thông tin liên tục với cuộc sống của thế giới xung quanh, để có sức sống, không ngừng hoàn thiện. Tổ chức của hệ thống giáo dục truyền thống thường bị “đóng khung” trong các khái niệm “cứng” về trường, lớp, chương trình, nội dung, thời gian học... Nay sẽ là một nền giáo dục “mở”, thuận tiện cho việc học tập suốt đời, với khái niệm không gian trường lớp “mở” và sự học không có điểm dừng; với chương trình giáo dục luôn phát triển và nội dung “mở”, có phần “cứng” bắt buộc có giới hạn và phần “mềm” tự chọn ngày một mở rộng hơn; với thời gian học có thể ngắn hơn (nếu giỏi) hoặc dài hơn (nếu kém), có thể học liên tục và có thể học gián đoạn từng phần theo học phần, tín chỉ tùy theo hoàn cảnh mỗi người; với việc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ sở đào tạo và cấp bậc học một cách thuận tiện, liên thông; với cơ chế thoáng mở đầu vào (tuyển sinh) và quản lý chặt chẽ chất lượng ở đầu ra; với cơ chế và phương pháp dân chủ đối với người học, không áp đặt một chiều, dân chủ với giảng viên và tự chủ đối với cơ sở đào tạo; với sự đa dạng hoá các loại hình và phương thức đào tạo có chính quy và không chính quy, có tập trung, tại chức, có trực tiếp và từ xa, giáo dục thường xuyên và đào tạo liên tục; với sự đa dạng hoá về hình thức sở hữu (công lập, tư thục, dân lập). Trước đây đã có trường dân lập, sau đó thực hiện cổ phần hoá để còn lại 2 loại hình là công lập và tư thục. Thực chất của việc cổ phần hoá kiểu này đã có nhiều trường hợp là tư nhân hoá các trường dân lập, biến các trường không vì lợi nhuận thành các trường hoạt động vì lợi nhuận. Chính Các Mác đã dự báo rằng, sở hữu xã hội sẽ ngày càng phát triển và việc đó dẫn đến quy luật tất yếu tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hình thức dân lập là một loại sở hữu xã hội, cần được khuyến khích.
Trong nền giáo dục mở ấy, vòng đời của sách giáo khoa cũng sẽ ngắn lại, vì phải cập nhật nhanh kiến thức mới; sẽ phát triển các hình thức giáo dục “điện tử” phù hợp, với việc sử dụng phổ biến và chủ yếu sách giáo khoa điện tử (phù hợp việc cập nhật nhanh kiến thức mới); với việc dạy và học từ xa, qua mạng và các phương tiện truyền thông; với hệ thống thư viện điện tử và các trung tâm cung cấp kiến thức qua mạng rất nhiều ưu thế về phổ biến kiến thức; với việc quản lí công khai, minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho mọi người, cho xã hội tham gia giám sát và quản lí; công nghệ thông tin sẽ tham gia không chỉ truyền thụ kiến thức, đào tạo từ xa, mà còn tham gia công tác kiểm tra, thi cử, kiểm định, quản lí...
Một câu hỏi đặt ra là công nghệ thông tin (CNTT) có thay thế người thầy được không? Câu trả lời là: không thể và có thể! Các phần về xây dựng nội dung thông tin, phương pháp tiếp cận, truyền cảm, đặc biệt là nêu tấm gương về nhân cách thì CNTT không thể thay thế được người thầy. Còn phần truyền thụ kiến thức, truyền bá thông tin thì CNTT có nhiều ưu thế hơn thầy. Tất nhiên, muốn truyền thụ, truyền bá thì trước đó phải xây dựng nội dung thông tin - là công việc không thể thay thế của người thầy. Nhưng nếu có một ông thầy giỏi cộng với CNTT thì có thể thay thế cho nhiều ông thầy không giỏi. Theo đó, CNTT tạo điều kiện cho nhiều học sinh, ở nhiều nơi, có thể cùng tiếp xúc với ông thầy giỏi, để có chất lượng cao hơn và đồng đều hơn; tức là CNTT cũng là “người thầy” để giúp học sinh có thể tự học mọi lúc, mọi nơi, có thầy trực tiếp hoặc không có thầy trực tiếp giảng dạy. Cần chủ động sử dụng lợi thế của CNTT và cách tổ chức thông tin đi theo công nghệ ấy để đổi mới và phát triển giáo dục.
Trong nền giáo dục mở đó cần tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích khu vực ngoài công lập phát triển tối đa trong sự bình đẳng với khu vực công lập. Theo thông tin tôi biết cách đây ít năm thì ở nước Nhật, trong đào tạo cao đẳng và đại học, khu vực ngoài công lập chiếm gần 80%, còn công lập chỉ hơn 20%. Ở nước ta thì ngược lại, ngoài công lập mới khoảng 20%. Có người nói nước ta là ưu việt, nghèo hơn nhiều mà bao cấp rộng. Tôi thì nghĩ ngược lại, đó là sự bất hợp lý. Khả năng ngân sách thì có hạn, lại phải bao cấp cho quá nhiều trường, một nền đại học giá rẻ lại muốn chất lượng cao (?), đó là chưa kể cách đầu tư trong nhiều trường hợp hiệu quả thấp. Cần phát triển mạnh khu vực ngoài công lập, ít ra cũng phải 50%. Công lập và ngoài công lập giống như hai cánh của một con đại bàng, muốn bay cao và bay xa thì phải cân bằng, một cánh to, một cánh nhỏ thì không cất cánh được (đây chỉ là sự ví von để dễ hình dung). Vai trò ngoài công lập ở trung cấp, cao đẳng và đại học sẽ tăng nhiều so với hiện nay, chẳng những trong việc cung cấp nguồn nhân lực đại trà mà kể cả nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo tôi biết, phần lớn các trường đại học nổi tiếng ở nước Mỹ là các trường ngoài công lập, tất nhiên đó là các trường phi lợi nhuận. Ngoài công lập phi lợi nhuận có ưu điểm về cơ chế quản lý thông thoáng so với các trường công lập, lại có ưu điểm về mục tiêu so với các trường có lợi nhuận. Để cho khu vực ngoài công lập có thể phát triển tốt cần tập trung giải quyết việc bình đẳng giữa công và tư, trong cơ hội tiếp cận nguồn lực, trong hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên, trong tuyển dụng, bảo hiểm, vinh danh, khen thưởng, và nhất là trong quan niệm xã hội… Trong khu vực ngoài công lập thì cần có chính sách ưu đãi rõ ràng đối với phi lợi nhuận./.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516