Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcBa mặt trận chính để thực hiện canh tân giáo dục và đào tạo

Ba mặt trận chính để thực hiện canh tân giáo dục và đào tạo

Thứ hai, 28 Tháng 7 2014 06:41

GS. Mạc Đường

Trường Đại học Bình Dương

1. Đặt vấn đề

Canh tân (renovation) giáo dục là một chuỗi hoạt động đổi mới toàn diện và cơ bản các hệ thống trong cấu trúc giáo dục hiện hành cho phù hợp với dòng chảy của đổi mới kinh tế - xã hội, hướng tới một xã hội công nghiệp mang tính hiện đại vào năm 2020 và sau năm 2020 đang là một nhu cầu rất cấp bách. Bởi vì, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong 3 trụ cột chính (kinh tế, xã hội) của đổi mới để tạo động lực thúc đẩy phát triển xã hội. Hơn thế nữa, GD&ĐT còn tác động mạnh đến tăng trường kinh tế và cải cách bộ máy hành chính của xã hội trong tiến trình đổi mới sắp tới. Mặt khác, năm 2015 là mốc lịch sử trọng đại khi 10 nước ASEAN thực hiện Hiến chương ASEAN cùng hướng tới một cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 (Hiến chương được ký tại Singapore vào ngày 20-11-2007) trong đó, GD&ĐT được xem là mục tiêu để phát triển nguồn nhân lực cho ASEAN (được ghi trong Điều 7 của Hiến chương).

2. Mục đích của canh tân giáo dục

Mục đích canh tân giáo dục, theo tôi là để xây dựng 3 nguồn nhân lực trí thức phục vụ cho sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn sắp tới. Đó là nguồn nhân lực đại trà, nguồn nhân lực cho tương lai và nguồn nhân lực cho hiện tại. Tình thế chung trên thế giới hiện nay đang trên đà biến đổi xã hội nhanh chóng và cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Khả năng đột biến xã hội tiềm ẩn ngày càng nhiều khiến cho sự quan ngại về quốc thái dân an ngày càng lớn. Canh tân giáo dục để đào tạo một nguồn nhân lực hùng hậu được trang bị những kiến thức ứng xử phù hợp với thời đại là một vấn đề sống còn của các quốc gia hiện nay.

Có thể nói, canh tân giáo dục được xem như là quá trình cẩn trọng chọn lựa những kinh nghiệm và giá trị tinh túy của nền giáo dục quốc ngoại phù hợp với điều kiện xã hội của nước ta hiện nay. Trong đó, việc chắt lọc kinh nghiệm và giá trị của nền giáo dục Việt Nam trong quá khứ lịch sử là điều cơ bản quyết định không được xem thường. Giáo dục là một nội dung cơ bản của văn hóa. Xây dựng và tôn tạo một nền văn hóa Việt Nam mang đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam thì GD&ĐT cũng phải có bản sắc dân tộc. GD&ĐT tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. GD&ĐT cùng với văn hóa có mục tiêu chung là xây dựng con người, tạo ra một lớp người để thúc đẩy sự phát triển xã hội bền vững, xây dựng lực lượng sản xuất mới nhằm tiến bước nhanh trên con đường thịnh vượng (prosperity), tạo ra những công dân có nhân cách tốt cho quốc gia, góp phần đẩy lùi tội phạm xã hội, tăng cường sức mạnh xã hội công dân.

Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là quá trình chuyển đổi tổng thể về nội dung, hình thức, từ giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, cho đến mô hình quản lý, chuẩn xác định giá trị của các cơ sở giáo dục và đào tạo,... được thực hiện theo một lộ trình hợp lý nghiêm ngặt và không trì trệ, nhưng không ồ ạt như một phong trào theo bề nổi.

Để thực hiện canh tân giáo dục có hiệu quả, theo thiển ý của tác giả, mọi hành động giáo dục (educational action) nên tập trung nhân tài, vật lực vào 3 mặt trận chính:

1. Mặt trận giáo dục và đào tạo thường xuyên.

2. Mặt trận giáo dục và đào tạo mầm non - tiểu học.

3. Mật trận giáo dục và đào tạo cao đẳng, đại học.

3. Ba mặt trận chính để canh tân GD&ĐT

3.1. Giáo dục và Đào tạo thường xuyên

GD&ĐT thường xuyên xưa nay được phát triển theo tinh thần “bổ túc văn hóa” ra đời từ năm 1954 và sau đó được bổ sung thêm các hình thức “giáo dục tại chức”, “giáo dục ngoại khóa” và “giáo dục từ xa”. Song, giáo dục thường xuyên nước ta là nền giáo dục không chính quy phù hợp với người lớn tuổi và thiếu niên không có điều kiện tham gia hệ thống giáo dục phổ thông chính quy. Ngày nay chúng ta nên hiểu rằng, giáo dục thường xuyên là “một chính sách xã hội” của quốc gia hiện đại, trong đó học tập là một trong những vấn đề nhân quyền, nội dung dân chủ của xã hội công dân. Mục đích của giáo dục thường xuyên ở nước ta theo luật định là: “giúp cho mọi người vừa học, vừa làm, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm và thích nghi với đời sống xã hội. Nhà nước có chính sách thực hiện giáo dục thường xuyên, thực hiện giáo dục cho mọi người, xây dựng xã hội học tập” (theo Điều 44, Luật Giáo dục năm 2005).

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã xem giáo dục thường xuyên là chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho cuối thế kỷ XXI. Người ta dự đoán rằng, với nền kinh tế trí thức và nền công nghệ thông tin - điện tử, với đời sống đô thị bao trùm toàn cầu, xã hội đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực mới đông về số lượng và có kiến thức phổ thông cao về chất lượng. Nguồn nhân lực ấy sẽ xây dựng một xã hội tương lai đầy biến động mà nay ta rất khó lường. Vì vậy, giáo dục thường xuyên hay còn gọi là giáo dục suốt đời (thuật ngữ thường dùng trong các nước ASEAN hiện nay) và xây dựng xã hội học tập theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2005-2010 (QĐ số 112 GD-ĐT ngày 18-5-2005) vẫn cần bổ sung và đẩy mạnh thực hiện như là vấn đề quan trọng của chiến lược nguồn nhân lực hướng tới một xã hội công nghiệp mang tính hiện đại vào năm 2020 và những năm tiếp theo. Phải tổ chức lại và đầu tư đúng mức cho công tác giáo dục thường xuyên kết hợp xây dựng xã hội học tập như là một chuyên ngành giáo dục đặc biệt nhằm khuyến khích mọi người tự nâng cao dân trí, tự rèn luyện kỹ năng học tập vì một nền văn minh mới đang xuất hiện, vì lợi ích của bản thân và gia đình trong một xã hội đang chuyển đổi. Phải xem trọng và chính qui hóa hình thức giáo dục tại chức, giáo dục ngoại khóa, giáo dục từ xa và xem giáo dục thường xuyên là cơ sở hạ tầng xã hội của nền giáo dục đào tạo quốc gia. Không nên xem giáo dục thường xuyên như một hình thức giáo dục - đào tạo bổ túc phi chính quy. Tuy đã có chủ trương về xây dựng xã hội học tập của Chính phủ từ năm 2005. Nhưng cho đến nay, giáo dục thường xuyên ở nước ta vẫn còn trì trệ, chậm trễ, thiếu sức sống bền vững và chưa có vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho tiến trình đổi mới hướng tới năm 2020 và các năm tiếp theo.

Giáo dục thường xuyên là mặt trận tổng hợp đa ngành nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới ở nước ta trước những đòi hỏi cấp bách phát triển nhanh nhằm xây dựng một nguồn nhân lực cơ bản và đại trà về số lượng, phù hợp với nhu cầu đổi mới xã hội Việt Nam hiện nay đang đặt ra. Cần đổi mới tư duy về giáo dục thường xuyên và xem nó như là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

3.2. Giáo dục và Đào tạo mầm non và tiểu học

GD&ĐT mầm non và tiểu học là nơi đào tạo nguồn nhân lực làm chủ đất nước vào nửa cuối thế kỷ XXI. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều quốc gia ở Châu Âu, nhất là các nước Bắc Âu và ở châu Á như Hàn Quốc, Brunei, Singapore người ta đã có những hoạt động canh tân mạnh mẽ nền giáo dục mầm non và tiểu học nhằm tạo nên một nhân cách tương lai phù hợp với tiến trình phát triển hiện đại. Nội dung và chương trình GD - ĐT trên mặt trận giáo dục mầm non và tiểu học mới hướng tới cuối thế kỷ XXI là một vấn đề khoa học giáo dục cần được xem trọng hơn nữa và mở rộng nghiên cứu sâu hơn để ứng dụng vào thực tế. Chúng ta cần biên soạn những sách giáo khoa nặng về hình ảnh trực quan và những câu chuyện thực về lòng nhân ái, yêu cha mẹ, xóm làng, về lòng quả cảm giúp đời, gương liệt sĩ, tinh thần hòa nhập cộng đồng, về kiến thức thế giới ngày nay, về biên giới, hải đảo, về các dân tộc ở nước ta, về văn hóa giữa các vùng của đất nước,… Đặc biệt, học sinh mầm non và tiểu học cần biết về kiến thức biến đổi khí hậu (bão lụt, sóng thần, động đất, sạt lở đất...) và thực tập kỹ năng tránh tai nạn thiên nhiên (1). Việc giáo dục kỹ năng sống phù hợp với đời sống đô thị hiện đại của thế kỷ XXI – thời đại công nghệ thông tin và du lịch chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống đời thường của nhân loại, thời đại mà nguồn nhân lực xã hội đòi hỏi tiêu chuẩn sử dụng khác nhiều so với những năm của thế kỷ XX vừa qua. Biên soạn sách giáo khoa cho tuổi mầm non và tiểu học không dễ dàng và ít có chuyên gia khoa học tham gia công việc hệ trọng này. Giáo dục mầm non và tiểu học là đặt nền móng cho nhân cách con người. Nhân cách con người Việt Nam hiện đại bắt đầu từ công việc giáo dục mầm non và tiểu học. Chấn hưng đạo đức xã hội xuống cấp cũng phải từ giáo dục mầm non và tiểu học. Xây dựng chủ nghĩa xã hội đích thực cũng phải bắt đầu từ giáo dục mầm non và tiểu học. Từ cái gốc mầm non và tiểu học sẽ phát triển thành một nền giáo dục phổ thông trung học và nền giáo dục đại học quốc gia để hình thành nguồn nhân lực trí thức mới cho xã hội.

3.3. Giáo dục và Đào tạo cao đẳng, đại học

 

Giáo dục đại học bao gồm các hình thức, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (theo Điều 38, Luật Giáo dục năm 2005 đã sửa đổi, bổ sung năm 2010) là công việc đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện đường lối đổi mới hiện nay và xây dựng xã hội công nghiệp mang tính hiện đại phát triển bền vững hướng tới năm 2020 và các năm tiếp theo. Đây là nhu cầu rất căn bản và cấp bách chưa được đáp ứng một cách viên mãn, dù rằng những thành tựu của GD&ĐT đại học ở nước ta hiện nay là không nhỏ. Sự ra đời nhiều trường đại học một cách nhanh chóng theo quan niệm số lượng đã mâu thuẫn sâu sắc với sự thiếu thốn trầm trọng cán bộ giảng dạy đại học, làm khủng hoảng hơn việc giáo trình giảng dạy có chất lượng và phương pháp giảng dạy nặng về “rao giảng”. Thầy dạy chạy đua với giờ “rao giảng” vì thù lao giảng dạy, không thực hiện nghiêm chỉnh việc chuyển sang phương pháp giảng dạy theo tín chỉ. Tâm lý sinh viên chán học, bỏ học là hiện tượng khá phổ biến trong những năm gần đây, khiến cho nhiều người tự hỏi : “nền giáo dục đại học nước ta sẽ đi đến đâu và sẽ đổi mới như thế nào? Đó là một câu hỏi có tầm cỡ lớn và rất phức tạp dành cho những tập thể chuyên gia giáo dục bàn luận trước.

Theo tôi, đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT đại học có 4 vấn đề đang ở trong tầm tay chúng ta. Một là, trường đại học không chỉ là cơ sở giáo dục như luật định mà phải có chức năng là trung tâm xây dựng đời sống văn hóa dân cư địa phương (quận, huyện) tại chỗ. Trường đại học là nơi truyền bá và là biểu tượng của văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông, văn hóa bảo vệ môi trường, văn hóa cộng đồng. Trường kết hợp với địa phương, liên kết tổ chức văn nghệ, thể thao, hướng nghiệp, khuyến học, từ thiện nơi địa bàn trường đứng chân. Hai là, các trường đại học công lập và tư thục đều có khoa GD&ĐT thường xuyên với đa dạng ngành nghề và chuyên đề để mọi người có thể tham gia hoặc tham dự học tập (không quy định lứa tuổi bắt buộc). Ba là, thực hiện đào tạo và giảng dạy theo hệ thống tín chỉ để người học với mục đích được nâng cao tri thức không nhận bằng hoặc nhận bằng tốt nghiệp đại học. Bốn là, tuyên truyền và phổ biến kiến thức về nhân cách và đạo làm người, kết hợp với việc phát động phong trào học tập nhân cách và đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh viên. Năm là, cán bộ giảng dạy trường đại học nên liên kết với các trường tiểu học và trung học phổ thông ở địa phương để truyền bá cho giáo viên tiểu học và trung học những kiến thức cơ bản về đại học (2).

4. Kết luận

Để đổi mới căn bản và toàn diện nhằm canh tân nền GD&ĐT sẽ “bung ra hàng núi việc cần phải làm ngay”, trong đó không thể xem nhẹ nền giáo dục phổ thông hiện hành. Song, ba mặt trận nói trên, theo tôi nghĩ, là 3 khâu yếu nhất trong tổng thể nền GD&ĐT nước ta so với nhu cầu phát triển hướng tới xã hội công nghiệp mang tính hiện đại vào năm 2020 và sau năm 2020. Sự yếu kém này nằm trong trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên môi trường giáo dục quốc tế đang diễn ra trước mắt về việc chuẩn bị cho nguồn nhân lực cuối thế kỷ XXI là một hiểm họa. Chúng ta đã chuẩn bị nguồn nhân lực mới như thế nào cho sự hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và cho tiến trình đổi mới ở nước ta trong giai đoạn sắp tới?

Chú thích

(1) Ở Nhật bản, học sinh tiểu học được trang bị kiến thức về động đất và tổ chức những sinh hoạt thường kỳ tập dượt kỹ năng tránh động đất tại trường học.

(2) Tôi đã thăm một trường đại học ở Bangkok (Thái Lan) và một trường đại học ở Thụy sĩ vào năm 1995 và thấy tại các trường này có hệ thống từ mầm non, tiểu học liên thông với trung học, đại học và sau đại học. Ban giám hiệu cho tôi biết, một em bé học mầm non có thể học tới trình độ sau đại học tại trường nên rất ổn định về tâm lý học đường, phụ huynh học sinh rất yên tâm, nhà trường hiểu rõ học sinh để đào tạo. Trường thường tổ chức những cuộc tọa đàm khoa học nội bộ cho giáo viên các cấp để cùng nhau trao đổi kiến thức về phương pháp dạy học và tâm lý giáo dục học đường từ thực trạng giảng dạy tại trường. Thiết nghĩ, phải chăng, đây là một mô hình đại học mở rộng (Open University ) đích thực của thế kỷ XXI?.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Giáo dục 2005 (đã sửa đổi bổ sung năm 2010). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội tr 34-35.

2. Luật Giáo dục Đại học (2012). NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

3. L’enseignement supérieure au XXIe siècle – Vision et action (UNESCO), Paris, 5-9 octobre 1998.

4. M.Kaila, Universités d’Égée – “Éducation et développement durable”, Paris 1988.

5. D. Mac, Institute of Social Sciences, Ho Chi Minh city – “Universities, Human Environment and Sustainable urban development”, Paris 1988.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516