Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMơ màng tập huấn dạy tích hợp

Mơ màng tập huấn dạy tích hợp

Thứ sáu, 27 Tháng 11 2015 02:05
Bồi dưỡng tập huấn giáo viên dạy tích hợp, liên môn là khâu cực kỳ quan trọng để đón đầu và đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục. Tuy nhiên, nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng đã thất bại

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đang tiến hành tổ chức các chuyên đề tập huấn cho giáo viên (GV) phương pháp dạy học liên môn, tích hợp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều buổi tập huấn đã chẳng đi đến đâu khi nhiều GV đến nay vẫn không hiểu rõ tích hợp, liên môn là gì. Trong khi đó, việc tổ chức một tiết học tích hợp quá khó vì GV không chịu hợp tác.

“Cuộc chiến” giữa giáo viên các môn

GV lịch sử một trường THPT tại TP HCM cho hay trong một chương trình tập huấn vừa qua về tích hợp văn, sử, địa, hầu hết GV ở đó đều mơ màng về tích hợp, liên môn. Buổi tập huấn đã không mang lại kết quả và không có hướng giải quyết cụ thể khi không GV môn nào chịu nhường môn nào.

mo-mang-tap-huan-day-tich-hop

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP HCM) trong giờ họcẢnh: Tấn Thạnh

“Trong buổi tập huấn, một GV môn văn tại tỉnh Đồng Nai cho biết với tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập”, một mình GV môn văn có thể đảm nhận mà không cần phải nhờ đến môn sử. Trong khi đó, một GV sử “phản pháo” rằng để có tác phẩm này là cả một quá trình lịch sử mà GV văn không sao thay thế được. Những tranh luận như vậy đã không có hồi kết” - GV nêu trên cho biết.

ThS Nguyễn Viết Đăng Du, GV Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM), cho biết theo kế hoạch, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn cho các GV cốt cán, các tổ trưởng bộ môn. Sau đó, những GV này sẽ về tập huấn lại cho GV khác. Thế nhưng, từ thực tế tập huấn, bồi dưỡng, khả năng tích hợp và tổ chức được một tiết học tích hợp rất thấp. Chẳng hạn, khi tích hợp văn với sử, GV môn văn sợ môn sử làm mất chất văn; ngược lại, GV sử sợ môn văn làm mất đi các sự kiện, ngày tháng. “Bộ GD-ĐT đồng nhất thời gian cho mọi chủ đề tích hợp, liên môn là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, theo quy định của bộ, mỗi chủ đề 2-3 tiết nhưng có những chủ đề dạy học với thời lượng như vậy không giải quyết được gì” - thầy Du nhận xét.

Ông Lê Tấn Lĩnh, GV môn địa lý Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP HCM), cho rằng trong dạy học tích hợp, liên môn, việc hợp tác, bỏ cái “tôi” cá nhân của từng GV là vô cùng quan trọng. Ví dụ, ở lớp 10, trong bài “Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của trái đất”, theo hướng tích hợp, nội dung này sẽ có kiến thức liên quan đến bài “Chuyển động tròn đều” của môn vật lý. Nhưng nội dung này, môn vật lý học sau môn địa 1 tháng, nếu GV không hợp tác với nhau thì việc dạy học sẽ trùng lắp.

Quy trình ngược, thiếu định hướng

Theo hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM, về lý thuyết, có vẻ Bộ GD-ĐT suy nghĩ đơn giản như những kiến thức gần giống nhau thì tích hợp lại, ghép lại. Tuy nhiên, thực tế không như tưởng tượng bởi hiện nay, dù được tập huấn nhưng việc tích hợp rất khiên cưỡng theo kiểu giống nhau thì ghép lại, như ca sĩ xếp hàng chờ đến lượt của mình thì hát, GV chờ đến phần của mình thì lên dạy, không cần biết học sinh đã được GV môn khác dạy những gì.

Ông Nguyễn Viết Đăng Du cho rằng Bộ GD-ĐT lựa chọn đối tượng GV đi tập huấn không phải là những người quá già nhưng có thể cảm nhận sự ngán ngẩm ở các thầy cô. Chưa tính đến hiện nay, một bộ phận không nhỏ GV đã lớn tuổi, nói họ thay đổi cách dạy là vô cùng khó khăn. Theo ông Du, nếu có sách giáo khoa hoặc tài liệu tích hợp, liên môn trước để GV căn cứ vào đó phân chia công việc thì không sao nhưng bộ lại đang làm theo quy trình ngược, kêu GV tự soạn rồi bồi dưỡng, tập huấn trong khi lâu nay, GV được đào tạo để dạy đơn môn. Như thế là rất chỏi nhau. “Nhiều trường tại TP HCM sẽ thực hiện thử tiết dạy tích hợp từ học kỳ II, Sở GD-ĐT sẽ thẩm định được hay chưa được nhưng bản thân GV không định hướng được yêu cầu của Bộ GD-ĐT nên mơ hồ. Chưa kể, các tỉnh, thành khác thì mạnh ai người đó làm” - thầy Du băn khoăn.

Ông Lê Tấn Lĩnh cho biết theo chủ trương này, mỗi GV sẽ tự tìm hiểu hoặc nhờ các GV bộ môn khác phối hợp để có một bài giảng tích hợp, liên môn. Chẳng hạn môn địa, với bài học về “địa hình núi đá vôi” thì ngoài kiến thức môn địa, GV phải vận dụng thêm kiến thức của môn hóa để giải thích. Trong yêu cầu về tích hợp này còn đòi hỏi bài học phải có tính ứng dụng, vận dụng cho học sinh.

“Để có một bài giảng tích hợp, GV phải soạn lại toàn bộ giáo án. GV cực hơn rất nhiều trong khi sách giáo khoa hiện nay chưa đổi, chưa giảm tải và quá nặng về kiến thức” - thầy Lĩnh nhìn nhận.

Làm sao bồi dưỡng cho 800.000 GV?

Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết cả nước hiện có khoảng 800.000 GV phổ thông. Việc tập huấn cho GV về xây dựng các chuyên đề tích hợp, liên môn đã được bộ thực hiện từ nhiều năm qua. Bộ GD-ĐT đang tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng GV cốt cán về xây dựng các chuyên đề dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó có xây dựng các chuyên đề tích hợp, liên môn.

Nhằm tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã xây dựng trang mạng giáo dục “Trường học kết nối” để tất cả GV phổ thông đều được tham gia sinh hoạt chuyên môn, tham gia các khóa tập huấn qua mạng và được hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia, giảng viên ở các trường sư phạm trên cả nước.

Theo Nld.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516