Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcTrường đại học quay cuồng trong ma trận “nộp – rút” hồ sơ xét tuyển

Trường đại học quay cuồng trong ma trận “nộp – rút” hồ sơ xét tuyển

Thứ sáu, 14 Tháng 8 2015 01:21
Hoàn toàn bị động, làm thủ công với hàng nghìn hồ sơ… là thực trạng mà các trường ĐH đang phải đối mặt khi thực hiện nộp – rút hồ sơ đăng ký xét tuyển năm nay.

infonet hs4

Thí sinh đến rút hồ sơ tại ĐH Sư phạm TPHCM

Đề phòng thí sinh ảo trong các tổ hợp xét tuyển

Hầu hết lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng, với việc mỗi thí sinh chỉ có 01 phiếu đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 thì số thí sinh ảo nộp hồ sơ đăng ký vào trường sẽ gần như không có. Thế nhưng, mỗi thí sinh có 4 nguyện vọng trong lần xét tuyển đầu tiên sẽ dẫn đến lượng thí sinh ảo rất lớn giữa các ngành và tổ hợp xét tuyển trong danh sách đăng ký đang được các trường công bố công khai.

Lãnh đạo ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, do thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng ưu tiên (tối đa 04) trong 01 đợt xét tuyển nên vị trí thứ hạng của thí sinh xem trong danh sách được công bố trên website của trường  theo từng ngành và tổ hợp môn bị ảo rất cao. Ví dụ, thí sinh đang đứng ở vị trí 100 so với chỉ tiêu là 80 của ngành A thì chưa hẳn là thí sinh không trúng tuyển vì còn rất nhiều thí sinh cũng đăng ký ngành đó nhưng ở các ưu tiên khác.

Theo ThS Trần Văn Châu, Phó trưởng Phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TP.HCM, thí sinh không nên quá phụ thuộc vào danh sách đăng ký xét tuyển vào các nhóm ngành trên website của trường. Trước ngày chốt hồ sơ (20/8), những thông số này sẽ còn liên tục thay đổi nên các thí sinh chỉ nên xem những thông số này là số liệu để tham khảo.

infonet hs5

Các trường đều phải thực hiện việc tìm, trả hồ sơ bằng cách thủ công

Bù đầu với việc rút hồ sơ

Nếu như các năm trước các trường ĐH chủ động được lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường mình thì năm nay, các trường hoàn toàn bị động. Vì thế, các trường đã gặp không ít khó khăn từ việc nhập dữ liệu, trả hồ sơ, xóa dữ liệu… trong khi phần mềm tuyển sinh của Bộ GDĐT vẫn còn rất nhiều trục trặc.

Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh của Bộ GDĐT tại TPHCM cho biết, có không ít trường phải sử dụng phần mềm riêng của mình hoặc nhập dữ liệu thí sinh một cách thủ công bằng exel. Thêm vào đó, những thông tin thí sinh năm nay theo phần mềm của Bộ GDĐT không hiển thị khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên khiến các trường rất khó khăn trong việc cập nhật thông tin chính xác.

Website của ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo: “Danh sách cập nhật các thí sinh đã được bộ phận nhập hồ sơ vào chương trình, tuy nhiên các thông số thi tuyển như điểm thi, khu vực, đối tượng,... phải lấy dữ liệu từ Bộ nên tạm thời sẽ bị trống ở các mục đó. Chỉ khi trường xử lý dữ liệu mới có kết quả trên. Như vậy để các thí sinh tiện theo dõi hãy xem ở cuối danh sách”.

ThS Trần Văn Châu cho biết, năm nay trường hoàn toàn bị động, thậm chí không thể xác định được điểm dự tuyển là bao nhiêu, dẫn đến các thí sinh cũng rơi vào tình trạng bị động. Mọi công tác từ nhận hồ sơ, nhập dữ liệu, trả hồ sơ, xóa dữ liệu đều phải làm thủ công nên không tránh được tình trạng ùn ứ hồ sơ. Có không ít trường hợp thí sinh bị mất các giấy tờ cần thiết khi đến rút hồ sơ khiến nhà trường phải mất rất nhiều thời gian tìm ngược từ số báo danh đến hồ sơ. Cán bộ phòng đào tạo của nhà trường đã phải làm việc đến 20h để cố gắng trả hồ sơ cho thí sinh một cách nhanh nhất.

Điều khiến không ít trường lo lắng là trong vài ngày cuối của đợt xét tuyển nguyện vọng 1, khi lượng hồ sơ đã tương đối ổn định thì có thể thí sinh sẽ ào ào đến rút hồ sơ khiến các trường khó có thể đáp ứng kịp. ĐH Sư phạm TP.HCM đang tính đến phương án trình Bộ GDĐT cho phép trong những ngày này, nhà trường được trả hồ sơ cho thí sinh trước rồi mới xóa dữ liệu trên phần mềm sau để tránh thiệt thòi cho thí sinh.

Theo cán bộ tuyển sinh của các trường ĐH, rất nhiều thí sinh lúng túng trong việc xác định ngành, tổ hợp xét tuyển dẫn đến trường hợp nộp vào – rút ra nhiều lần, gây khó khăn,mệt mỏi cho cả nhà trường và thí sinh. Vì thế, nhiều trường đã có những cách xử lý như ĐH Kinh tế TP.HCM là gọi điện, nhắn tin cho những thí sinh có tổng điểm nằm trong khả năng không trúng tuyển vào trường đến rút hồ sơ, tránh cho các em mất cơ hội vào trường khác.

ĐH Sư phạm TP.HCM cũng khuyên những em có tổng điểm dưới 17 điểm không nên nộp hồ sơ vào trường, tránh mất thời gian và lãng phí không cần thiết.

Trước thông tin Bộ GDDT cho phép rút hồ sơ tại địa phương, lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM cho biết, đây là cách làm không khả quan, vì hiện nay, toàn bộ hồ sơ, dữ liệu, mã số của thí sinh đều cho các trường ĐH quản lý nên Sở GDĐT các địa phương không thể trả hồ sơ cho thí sinh được.

Theo Infonet

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516