Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtNhững “án oan” ông Chấn sẽ giảm khi có Bộ luật Tố tụng Hình sự mới?

Những “án oan” ông Chấn sẽ giảm khi có Bộ luật Tố tụng Hình sự mới?

Thứ ba, 01 Tháng 12 2015 01:34
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM) sẽ giải đáp câu hỏi trên và phân tích nhiều điểm tiến bộ của Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.

Báo điện tử infonet.vn xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Kiều Hưng:

Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vừa được thông qua với những điểm mới mang tính đột phá như một làn gió mới thổi vào công tác cải cách tư pháp trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Giới luật sư hết sức hoan nghênh sự ủng hộ, ghi nhận của các các tầng lớp trí thức và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua những điểm mới này. 

Bằng những điểm mới này và sự thực hiện nghiêm túc của các cơ quan tư pháp, tôi tin tưởng rằng, những vụ án oan như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Lương Ngọc Phi… sẽ dần dần giảm và tiến tới không có trong lĩnh vực tố tụng của Việt Nam.

ongnguyenthanhchan

Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết oán tù oan 10 năm (Ảnh: NLĐ)

Trong số những điểm mới được thông qua, có thể thấy nổi bật lên hai điểm, đó là quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can và quyền của người bào chữa, quyền được có người người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo … 

 

Về quy định ghi âm, ghi hình, số liệu cho thấy chưa tới 46% đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng UBTVQH nhận thấy việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo là cần thiết, nên đã ủng hộ và trình Quốc hội thông qua. 

Về các điểm mới liên quan đến quyền của người bào chữa, luật sửa đổi lần này đã quy định khá cụ thể theo hướng đảm bảo quyền của luật sư được thực thi, như bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận người bào chữa và thay bằng thủ tục đăng ký bào chữa. Tuy quy định mới vẫn là một thủ tục, nhưng quy định này đã rõ ràng hơn về điều kiện chấp nhận và từ chối người bào chữa. Văn bản thông báo người bào chữa sẽ có giá trị xuyên suốt quá trình tố tụng thay vì phải cấp đi cấp lại nhiều lần như quy định cũ. 

Ngoài ra, luật tố tụng mới cũng quy định khá cụ thể trong trường hợp bị từ chối luật sư do người thân thích của người bị bắt mời thì Điều tra viên phải cùng người bào chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam để xác nhận việc từ chối. Quy định này giúp giải tỏa tâm lý và phòng ngừa những ép buộc do phía Điều tra viên tạo ra. Quyền được hỏi, có mặt trong các hoạt động hỏi cung, điều tra của người bào chữa cũng được luật định.

Về quyền được bào chữa, nếu liên kết một loạt các quy định mới liên quan lại với nhau, nhận thấy, tuy không dùng thuật ngữ “quyền im lặng” vào luật, nhưng nội dung của nó hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của “quyền im lặng”. 

Đầu tiên, Quyền bào chữa của người bị buộc tội được làm rõ hơn quy định cũ, đó là: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định ...”. Trong khi luật cũ, không quy định rõ quyền này. 

Tiếp đó, là quy định người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, đồng nghĩa với việc anh có quyền giữ im lặng đối với những lời khai chống lại hay buộc tội mình cho đến khi có luật sư hoặc quyết định tự bào chữa cho mình. 

Về thời điểm có mặt của luật sư, quy định mới cho phép người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Đây là quy định hết sức tiến bộ, phù hợp với thế giới, tạo điều kiện cho người bị bắt có luật sư ngay từ đầu. 

Có ý kiến lo lắng người bị bắt sẽ không biết luật sư nào để nhờ bào chữa thì quy định mới cũng dự liệu và quy định khá rõ ràng: “Trường hợp người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa”. 

Tuy nhiên, khi áp dụng một quy định mới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn và trở ngại nhất định, điều này rất cần sự ủng hộ, phối hợp từ phía các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra. Thiết nghĩ, trong thời gian chờ luật mới có hiệu lực, các cơ quan tố tụng nên bắt đầu làm quen với các quy định này, mà trước hết là tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền bào chữa và được bào chữa theo tinh thần của quy định mới này.

Nguồn: Infonet

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516