Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtPháp luậtVụ xử oan ông Chấn: Thẩm phán có thể nhận 12 năm tù

Vụ xử oan ông Chấn: Thẩm phán có thể nhận 12 năm tù

Thứ năm, 02 Tháng 10 2014 02:05
Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm xử ông Chấn bị tù oan 10 năm đã bị khởi tố để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Với tội danh của mình, ông Chiêm có thể đối diện mức án 12 năm tù.  

Liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn, như báo Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, Cục Điều tra hình sự – Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (SN 1949, trú tại huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội) để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, trong phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Phạm Tuấn Chiêm với vai trò là Chủ tọa phiên tòa đã tuyên y án sơ thẩm, đó là buộc ông Chấn phải nhận án chung thân về tội “Giết người” mà không xem xét một cách thấu đáo các tình tiết trong vụ án, khiến tên hung thủ thật sự ra tay sát hại dã man chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Trong khi đó, từ một người nông dân thật thà chất phác và vô tội, ông Chấn đã trở thành kẻ tội đồ, bản thân ông và gia đình đã phải chịu biết bao đau đớn, tủi khổ và sự nhục nhã trong suốt hơn 10 năm qua.

dfsgsdnam-tu

Thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã khiến ông Nguyễn Thanh Chấn nhận án oan suốt 10 năm qua.

Trước đó, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật trong phiên xét xử bị cáo Lý Nguyễn Chung, cha của hung thủ này bày tỏ, việc xử oan ông Chấn là lỗi của cơ quan tố tụng, con trai ông hoàn toàn không liên quan gì.

Bình luận về việc đưa ông Phạm Tuấn Chiêm ra truy tố với hành vi ““Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, báo Dân Việt đã đưa tin, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, việc làm của thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm đã vi phạm một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán, chủ tọa phiên tòa trong đánh giá chứng cứ dẫn đến việc tuyên bản án oan sai. Với chức vụ tại thời điểm xảy ra vụ án và những hành vi này, ông Chiêm khó có thể tránh được tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 285 BLHS mà VKSNDTC đã khởi tố. Với hậu quả đã gây ra, ông Chiêm có thể đối mặt với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 12 năm.

Tuy nhiên, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng hoặc nếu có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể và hậu quả gây ra chỉ là hậu quả rất nghiêm trọng, thì tòa án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 3 năm tù), nhưng không được dưới 6 tháng tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể hoặc chỉ là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46, là người đã bị xử lý nhiều lần về hành vi thiếu trách nhiệm nhưng vẫn tái phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị phạt đến 12 năm tù.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Nguyên (Giám đốc Công ty Luật Hưng Nguyên, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cũng khẳng định, với sai phạm của mình, việc đưa ông Phạm Tuấn Chiêm ra truy tố là điều hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, luật sư Nguyên cũng bày tỏ, nếu chỉ quy trách nhiệm cho một mình Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Tuấn Chiêm thì chưa thỏa đáng và thuyết phục dư luận. Bởi theo quy định của bộ luật TTHS thì chỉ HĐXX mới có thẩm quyền phán quyết và đưa ra bản án nhân danh nhà nước để buộc tội đối với bị cáo, phiên tòa phúc thẩm xử vụ ông Nguyễn Thanh Chấn có ba thẩm phán, họ có quyền ngang nhau trong đưa ra quyết định của mình, vì thế họ phải liên đới chịu trách nhiệm trong phán quyết của mình.

Nguồn: DSPL

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516