Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcBùi Ngọc Quang: Một tấm lòng nhà giáo, một tâm hồn thơ, nhạc giàu cảm xúc

Bùi Ngọc Quang: Một tấm lòng nhà giáo, một tâm hồn thơ, nhạc giàu cảm xúc

Thứ bảy, 26 Tháng 7 2014 02:55
Vào dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 được đọc, được nghe những bài thơ, điệu nhạc, bài hát của tác giả Bùi Ngọc Quang, mỗi người như cảm nhận được hết những rung động chân thành đầy trách nhiệm của một Nhà giáo đối với hy sinh mất mát không gì bù đắp được của các Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

2032013 171827499 xCMS

Tượng đài 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc

Ấn tượng sâu đậm, với sức lay động lan tỏa rộng lớn về đề tài này, tác giả Bùi Ngọc Quang  thể  hiện sự tri ân thông qua bài thơ, bài hát: “Đồng Lộc – Mười bông hoa bất tử” của ông được ra đời vào tháng 5/2009 khi Nhà giáo cùng đồng nghiệp nơi mình công tác đến dâng hương tại Tượng đài Liệt sĩ 10 cô gái TNXP đã anh dũng hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Hãy nghe tác giả tâm sự: “Tôi về đây với Ngã Ba Đồng Lộc. Nơi một thời “chảo lửa chiến tranh”. Dâng nén hương lên Tượng đài Liệt sĩ. Xin nguyện cầu cho các chị, các anh”... Lời thơ thật mộc mạc, giản dị nhưng thành kính, nặng nghĩa tình khi nhắc đến địa danh Ngã Ba Đồng Lộc, người đọc, người nghe thuộc thế hệ thanh niên ra đi chống Mỹ, giờ đây dễ dàng hình dung được không khí của một thời đạn bom, khói lửa, giữa sự sống và cái chết chỉ trong tích tắc. Khi đó, các đơn vị thanh niên xung phong đóng chốt tại đây đã giằng co với địch từng đoạn đường, từng thước đất để đảm bảo thông suốt mạch máu giao thông cho những đoàn xe chở hàng hóa , chuyển quân vào miền Nam đánh Mỹ. Lịch sử còn khắc ghi: Trưa ngày 24/7/1968, như mọi ngày, 10 cô gái TNXP ra làm nhiệm vụ. 16h 30’, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom đã rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, họ chưa lập gia đình...

IMG 20140619 091324 Thầy giáo Bùi Ngọc Quang, Giám đốc TTGDTX Thanh Thủy, Phú Thọ.

Tác giả gọi 10 cô gái TNXP đã hy sinh anh dũng là “ Mười bông hoa bất tử”, bởi cái chết của họ trong hoàn cảnh đối mặt với bom đạn kẻ thù tàn ác đang dày xéo quê hương ngay đến cỏ cây cũng không thể sống sót. Không gian ở đây được miêu tả trong bài hát thật khốc liệt: “ giữa bom thù trộn đất trời nắng gió… không còn cây cỏ”. Mặc dù đã hy sinh nhưng hình tượng “ Mười bông hoa”  thật sinh động đã bật lên, đối lập , tương phản với bom đạn Mỹ hung hãn, tàn bạo. Lý giải về sự mất mát to lớn của 10 cô gái TNXP ở đây, Bùi Ngọc Quang  cất cao lời thơ, điệu nhạc khảng định: “yêu tổ quốc vì trường tồn tổ quốc. Dâng tuổi thanh xuân cho những tuyến đường. Nguyện hóa thân cho mảnh đất quê hương…” Đó là sức mạnh của chính nghĩa, lẽ phải, tình yêu quê hương đất nước mà mỗi người cầm súng từ anh bộ đội, chị TNXP, người dân công hỏa tuyến, hoặc dân quân, du kích đến mỗi người dân tham gia chiến đấu, phục phụ chiến đấu đều xác định được.  Viết về  Mười cô gái TNXP đã hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc, tác giả mong muốn gửi gắm đến tất cả những Anh hùng, Liệt sĩ  đã hy sinh xương máu, cống hiến cho Tổ quốc mình để giành ngày toàn thắng. Niềm lạc quan, tươi sáng lại được cất cao ở những đoạn cuối bài hát trong đó có dư âm của chiến thắng, có mất mát thương đau nhưng không hề bi lụy, bi quan mà thực sự ấm áp, đẹp đẽ, sáng trong: “Các O ơi đã qua rồi bão tố…Đất nước thanh bình cây trái lại trổ bông. Mười bông hoa trinh nữ trắng trong. Đất mẹ yêu thương đón các chị vào lòng…” Bài thơ, bài hát “Đồng lộc- Mười bông hoa bất tử” gieo vào lòng người đọc một giai điệu da diết, khôn nguôi. Chính tác giả đã biết phát huy thế mạnh của mình đó là, lấy cảm xúc của người làm thơ, làm nhạc tạo nên tác phẩm, lời bài hát được chuyển từ lời thơ gần như nguyên vẹn, không phải sửa chữa bởi nó cùng một mạch cảm xúc, của một người – Nhà giáo Bùi Ngọc Quang là rất đáng trân trọng. Bài hát được các ca sĩ Bích Thủy, Lan Anh thể hiện khá thành công. Điều  gây được ấn tượng lâu nhất đối với người đọc, người nghe, đó là ; đã gần 20 năm trôi qua kể từ khi bài hát ra đời được truyền miệng, được phát trên sóng của  Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và địa phương… tất cả đều nhận được sự đồng cảm, sẻ chia bởi sức lay động từ thẳm sâu tâm hồn người viết và truyền đến mỗi người đọc, người nghe sự đồng điệu và lòng biết ơn.

Ngoc Quang 

Nếu như ở bài “Đồng Lộc – Mười bông hoa bất tử” người đọc, người nghe được thưởng thức bài thơ, lời hát, điệu nhạc chân tình, thành kính nhưng giàu chất lạc quan, tin tưởng thì ở bài “Đi tìm cha” của ông là cảm xúc sâu lắng, nhớ nhung và đầy hoài niệm của một sự mất mát máu thịt không gì bù đắp được.  Phần đầu bài hát, tác giả vẽ lại hình ảnh của dãy Trường Sơn hùng vĩ, một thời gắn liền với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà ở đó lớp lớp thanh niên trai trẻ, đẹp đẽ đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” ( Tố Hữu ). Tôi rất thích hình ảnh tác giả đã dùng khi nói về Trường Sơn “Dải Trường Sơn điệp trùng xanh ngắt. Tạo dựng mái nhà ôm ấp bóng hình cha”. Thật tự hào, thân thương và tin tưởng khi tác giả - người con biết nhìn nhận về cha mình một cách chân thực, khiêm tốn, biết gắn kết người thân với non song, đất nước, với tất cả người người, lớp lớp cùng ra trận. Hình ảnh  khỏe khoắn, vững chãi tạo nên sức mạnh, niềm tin. Đọc câu thơ, nghe lời hát không hề thấy buồn tủi, cô đơn. Theo tôi,  trong bài hát này hình ảnh Trường Sơn như “mái nhà”  đã “ôm ấp bóng hình cha” là câu hay nhất!  Sự thật trong đời sống không thể tính được những mất mát, nhớ thương khi người cha ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc đã hơn nửa thế kỷ mà vẫn bặt tin. Chính vì vậy tác giả cho rằng dãy Trường Sơn kia chỉ còn “ ôm ấp bóng hình” thôi . Cũng như hàng ngàn, hàng vạn người lính khác lên đường đánh giặc, trên khắp nẻo đường đất nước, đặc biệt trước giờ ra trận, bao giờ họ cũng mang trong tâm trí của mình là hình ảnh quê nhà… nhưng rất tiếc chỉ còn là kỷ niệm.  Chia sẻ với nỗi nhớ thương, day dứt của bao gia đình khác; giờ đây sau ngày hòa bình thống nhất đất nước đã hơn 30 năm nhưng vẫn chưa thấy cha trở về. Tác giả nén đau thương, ngậm ngùi khi viết: “Bao nhiêu năm chiến tranh đã đi xa. Bao nhiêu năm lặng thầm trong thương nhớ. Hạnh phúc đến vo tròn trong nước mắt”. Vâng, biết bao gia đình ngày nay cũng trong hoàn cảnh như tác giả: Dẫu rằng hạnh phúc đã đến với cả dân tộc trong đó có gia đình mình nhưng chỉ là “ hạnh phúc vo tròn trong nước mắt”. Tác giả muốn giấu kín nỗi đau như để riêng mình chịu đựng!?.

Đọc lại, nghe lại những bài thơ, lời hát của tác giả Bùi Ngọc Quang viết về các Anh hùng Liệt sĩ nhân Ngày 27/7 năm nay là để đồng cảm, sẻ chia, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân đối với những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, anh dũng ngã xuống vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Điều ghi nhận ở đây chính là cảm xúc chân thực của một tấm lòng Nhà giáo, ông đã có gần 40 năm tuổi nghề, với hơn 30 năm làm cán bộ quản lý, hiện là Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong sự nghiệp “Trồng người” của mình, Nhà giáo Bùi Ngọc Quang luôn đặt ra, coi trọng những yêu cầu về giáo dục truyền thống lịch sử vẻ vang, lòng biết ơn đối với các Anh hùng, Liệt sĩ, người có công với nước cho các thế hệ đồng nghiệp và học sinh của mình không thể lãng quên mà gắng học tập, noi theo. Trên cương vị đó, ông luôn giữ vai trò là người “ truyền lửa” một cách khoa học và tinh tế nhất. Trong “gia tài” của mình, Bùi Ngọc Quang còn có gần 200 bài thơ, nhiều bài hát khác nữa… chúng tôi xin được bàn đến vào một dịp sau. 

(Mời bạn đọc xem Video clip, Cán bộ, Giáo viên và học sinh TTGDTX huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đến thắp hương tưởng nhớ tại Đài Liệt sĩ 10 nữ TNXP đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc: http://giaoducvaxahoi.vn/component/k2/item/4435-ttgdtx-huy-n-thanh-th-y-th-p-huong-tu-ng-ni-m-tu-ng-ni-m-mua-hat-tri-an-10-co-gai-d-ng-l-c.html)

Hà Nội 24/7/2014 

Đoàn Xuân Trường

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516