Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiPháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em của Campuchia - Kinh nghiệm cho Việt Nam (*)

Pháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em của Campuchia - Kinh nghiệm cho Việt Nam (*)

Chủ nhật, 16 Tháng 5 2021 05:53
 

ThS. Bùi Thị Ngọc Lan

ThS. Đoàn Quỳnh Thương

(*) Bài viết thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Pháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em của Campuchia – Kinh nghiệm cho Việt Nam”, năm 2019-2020.

 

 

1. Tình trạng bạo lực trẻ em tại Campuchia

 

1.1. Những hình thức bạo lực phổ biến đối với trẻ em Campuchia

 

Campuchia một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến với dân số hiện nay khoảng hơn 16 triệu người, trong đó trẻ em chiếm khoảng 36% dân số[1]. Trẻ em Campuchia hàng ngày phải trải qua hoặc là nhân chứng của bạo lực, lạm dụng, bóc lột hoặc bỏ bê tại gia đình, trường học, cộng đồng hoặc thậm chí tại các trung tâm tôn giáo. Trẻ em Campuchia có thể là nạn nhân của bạo lực bởi chính những người lớn với vai trò chăm sóc chúng như cha mẹ, anh chị em, các thành viên gia đình khác, giáo viên, lãnh tụ tôn giáo. Bạo lực đối với trẻ em không chỉ gây tác hại đến sức khoẻ thể chất, rối loạn hành vi và sức khoẻ tinh thần của đứa trẻ mà còn tác động lâu dài đến hệ thống phúc lợi xã hội. Đối với trẻ em Campuchia, những hình thức bạo lực thường diễn ra bao gồm: bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý.

 

1.1.1. Bạo lực thể chất

 

Bạo lực thể chất là hình thức bạo lực trẻ em Campuchia thường xuyên phải trải qua. Hình thức bạo lực này có thể xảy ra tại gia đình, trường học và trong cộng đồng. Đa số thủ phạm của bạo lực thể chất đối với trẻ em là những người chăm sóc chúng như bố mẹ (đặc biệt là mẹ) và những người chăm sóc khác, anh chị em, những người thân trong gia đình có mối quan hệ gần gũi và giáo viên. Theo cuộc khảo sát về tình trạng bạo lực trẻ em tại Campuchia được thực hiện vào năm 2013 (CVACS): 1 trong 2 bé trai và bé gái đã từng trải qua bạo lực thể chất; 1 trong 2 bé trai và bé gái độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi từng trải qua bạo lực thể chất nghiêm trọng; người mẹ là thủ phạm thường xuyên nhất về bạo lực thể chất đối với trẻ em trong gia đình, giáo viên là thủ phạm thường xuyên nhất về bạo lực thể chất đối với trẻ em ngoài phạm vi gia đình; 17% học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đã từng bị tấn công một lần hoặc nhiều lần tại trường học; 43% bé trai từng bị đánh hoặc bị áp dụng hình phạt về thể chất bởi giáo viên hoặc hiệu trưởng[2]. Trẻ có thể bị đấm, đá, véo, kéo, xoắc các khớp hoặc bị đánh bằng nhiều dụng cụ khác nhau như gậy, dây đai, roi da hoặc dây chuyền, chổi, giày hoặc các dụng cụ sắc nhọn như dao[3]. Cũng theo khảo sát của UNICEF được tiến hành vào năm 2014 tại Campuchia, 50% những đứa trẻ được phỏng vấn trong cuộc khảo sát có ít trải qua bạo lực thể chất trước tuổi 18[4].

 

1.1.2. Bạo lực tình dục

 

Tại Campuchia, bạo lực tình dục đối với trẻ em có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như bóc lột trẻ em làm mại dâm, bóc lột tình dục trẻ em trong ngành du lịch và lữ hành, mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục, bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến (OCSE- Online child sexual exploitation). Bóc lột trẻ em làm mại dâm tại Campuchia thường xảy ra một trong hai loại: Bóc lột mại dâm tại các cơ sở mại dâm như nhà thổ, quán karaoke, tiệm massage, vườn bia…và bóc lột tình dục trẻ em đường phố, trong đó bóc lột mại dâm tại các cơ sở mại dâm là hình thức phổ biến hơn tại Campuchia[5] và đối tượng bị bóc lột mại dâm chủ yếu là trẻ em gái. Đối với hình thức bóc lột tình dục trẻ em đường phố, thủ phạm thường tiếp cận trẻ em trực tiếp hoặc thông qua trung gian ở những nơi công cộng như đường phố, bãi biển… Đây là hình thức thường được khách du lịch hoặc người nước ngoài sử dụng và đối tượng bóc lột tình dục chủ yếu là trẻ em trai[6].

 

Đối với hình thức bóc lột tình dục trẻ em trong ngành du lịch và lữ hành, có thể thấy Campuchia trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình bóc lột tình dục này bởi lẽ chi phí du lịch tương đối thấp và sự nghèo đói khiến cho trẻ em từ những gia đình nghèo khó đến những khu vực có tiềm năng về kinh tế như các khu kinh tế đặc biệt và thương mại tự do (FTZ- Special Economic and Free Trade Zones). Chính vì vậy FTZ trở thành những khu vực được coi là điểm nóng của bóc lột tình dục trẻ em ngành du lịch và lữ hành. Nam giới châu Á dường như là thủ phạm chính, đặc biệt là những khách du lịch đến từ Trung Quốc[7]. Ngoài ra, Campuchia còn là điểm đến của ngành “du lịch trẻ em mồ côi”. Theo nghiên cứu toàn cầu về bóc lột tình dục trẻ em trong ngành du lịch và lữ hành, những lợi ích của hoạt động tình nguyện trong du lịch ngày càng gia tăng đã khiến nhiều trại trẻ mồ côi khuyến khích các gia đình nghèo giao con cái của họ cho trại trẻ mồ côi nhằm đề xuất nhiều cơ hội “du lịch tình nguyện” cho khách du lịch[8].

 

Campuchia là nơi cung cấp, chuyển tiếp và nơi đến của nạn nhân buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục là trẻ em. Thực tế cho thấy đường dây buôn bán trẻ em để bóc lột tình dục thường từ Campuchia đến Thái Lan và Việt Nam, từ Việt Nam sang Campuchia và trẻ em thường bị bóc lột trong nhà thổ, vườn bia, tiệm massage, karaoke và các địa điểm khác[9]. Trong phạm vi lãnh thổ Campuchia, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người vì mục đích bóc lột tình dục thường từ những khu vực nông thôn lên Phnom Penh, Sihanoukville, Siem Reap hoặc tới các điểm du lịch khác[10]. Về nạn nhân của buôn bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục không chỉ có các trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là đối tượng dễ bị tác động bởi loại tội phạm này.

 

Bóc lột tình dục trực tuyến (OCSE) được thể hiện dưới nhiều hình thức như truy cập, sở hữu, sản xuất và/hoặc phân phối các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em, phát trực tuyến việc bóc lột tình dục trẻ em, nhắn tin tình dục…Tại Campuchia, việc kết nối và sử dụng Internet gia tăng nhanh chóng, cùng với những lợi ích của việc sử dụng công nghệ thông tin không thể phủ nhận những tác động tiêu cực, thậm chí là các hoạt động bất hợp pháp được thực hiện từ quá trình sử dụng Internet, trong đó có các hoạt động liên quan tới bóc lột tình dục trực tuyến. Thông qua sử dụng Internet và điện thoại thông minh những kẻ phạm tội tình dục kết nối với nạn nhân thông qua truy cập các thông tin cá nhân, lấy hình ảnh và phát triển mối quan hệ với nạn nhân với ý định sẽ tiếp xúc về tình dục. Tại Campuchia, OCSE thường gắn liền với việc khai thác tình dục trẻ em trong ngành du lịch và lữ hành. Các vụ việc về bóc lột tình dục trẻ em của người nước ngoài tại Campuchia chủ yếu liên quan tới việc sản xuất và phân phối các tài liệu về bóc lột tình dục trẻ em[11].

 

1.1.3. Bạo lực tinh thần

 

Bạo lực tình thần đối với trẻ em là hình thức bạo lực dường như ít được quan tâm và khó nhận diện nhưng tác hại của loại bạo lực này cũng tiêu cực không kém bạo lực thể chất và bạo lực tình dục. 1/4 trẻ em Campuchia đã từng trải qua bạo lực tinh thần[12] từ cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người họ hàng khác. Bạo lực tinh thần có thể xảy ra tại gia đình, trường học và trong cộng đồng[13]. Bạo lực tinh thần thường bao gồm dùng lăng mạ bằng lời nói, bắt nạt, đe doạ tâm lý. Hiện nay hình thức bắt nạt trẻ em thông qua các thiết bị công nghệ thông tin (ICTs) như điện thoại, Internet hay còn gọi là bắt nạt qua mạng (cyber bullying) đang ngày trở nên phổ biến tại Campuchia. Theo cảnh báo của UNICEF, 85,7% thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi trực truyến tại Campuchia có thể đối mặt với nguy hiểm của bạo lực trực tuyến, đe doạ trực tuyến và quấy rối trực tuyến. UNICEF cũng kêu gọi quốc gia này cần phải có hành động phối hợp để giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với trẻ em và thanh thiếu niên trực tuyến[14].

 

1.2. Nguyên nhân của tình trạng bạo lực trẻ em tại Campuchia

 

Tình trạng bạo lực đối với trẻ em tại Campuchia như đã trình bày ở trên xuất phát từ những nguyên nhân sau:

 

Thứ nhất, Campuchia mặc dù đã đạt được những bước tiến đáng kể trong phát triển kinh tế nhưng vẫn là một trong những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, khoảng hơn 70% dân số với thu nhập dưới 3$/ngày[34]. Với thu nhập thấp như vậy, nhiều trẻ em Campuchia đã phải nghỉ học để làm việc hoặc vừa học vừa làm phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập. Độ tuổi làm việc trung bình của trẻ em Campuchia là 15 tuổi hoặc 12 tuổi đối với những công việc nhẹ nhàng. Việc nghỉ học sớm để làm việc khiến trẻ em Campuchia không được trang bị đủ kiến thức khi bước vào cuộc sống cũng như năng lực nhận thức còn hạn chế dẫn đến trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi bạo lực từ gia đình, cộng đồng. Theo UNICEF dự đoán cứ 10 trẻ em Campuchia 1 trẻ em liên quan đến lao động trẻ em, bao gồm cả hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất như bóc lột tình dục[15]. Ngoài ra, trẻ em Campuchia trong các gia đình nghèo khó thường bị cha mẹ bán đi hoặc gửi vào các trại trẻ mồ côi. Tình trạng trên dẫn đến trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của buôn bán người nhằm mục đích lao động cưỡng bức, bóc lột tình dục, bị bóc lột tình dục trong các ngành du lịch, lữ hành hoặc bị bóc lột tình dục vì mại dâm. Vào năm 2014, chính phủ Campuchiaa tiến hành điều tra và phát hiện rằng 70% của 12.000 trẻ mồ côi đang sống tại các cơ sở chăm sóc tư và cơ sở chăm sóc của nhà nước đều vẫn còn cha mẹ hoặc họ hàng thân thích[16]. Kinh tế gia đình khó khăn cũng dẫn đến tình trạng các bé gái kết hôn sớm giúp giảm gánh nặng kinh tế đối với cha mẹ. Có nhiều trường hợp việc kết hôn không xuất phát từ sự tự nguyện mà là sự ép buộc khiến các bé gái trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Nhiều trẻ em gái bị bạo lực tình dục hoặc hiếp dâm sau đó phải cưới người đã xâm hại mình để giữ gìn danh dự cho gia đình[17].

 

Thứ hai, các dịch vụ bảo vệ và phúc lợi đối với trẻ em tại Campuchia còn yếu, thiếu và kém về nhân sự, thiếu về tài chính cùng với sự nghèo đói dẫn đến việc cha mẹ những đứa trẻ lựa chọn những giải pháp khác như di cư bất hợp pháp hoặc đưa những đứa trẻ đến trung tâm chăm sóc hơn là chăm sóc tại nhà. Thiếu hụt sự chăm sóc cũng như hỗ trợ từ gia đình và xã hội dẫn đến gia tăng nguy cơ trẻ em phải sống và làm việc trên đường phố từ đó khiến chúng dễ trở thành đối tượng bị bị bóc lột, lạm dụng tình dục, bị buôn bán hoặc lao động cưỡng bức. Theo tổ chức phi chính phủ của Campuchia dự đoán khoảng 1.2000-1.500 trẻ em sống trên đường phố không liên hệ với gia đình và 15.000-20.000 trẻ em sống trên đường phố nhưng trở về gia đình vào buổi tối, gia tăng nguy cơ chúng bị tổn thương bởi bạo lực tình dục như bạo lực tình dục làm mại dâm. Bên cạnh đó, ngân sách chính phủ dành cho việc điều phối các cơ sở chăm sóc trẻ em còn hạn chế dẫn đến việc trẻ em trong các cơ sở này có nguy cơ sống trong các điều kiện không an toàn, không đảm bảo và có thể gia tăng bạo lực đối với trẻ em nơi đây[18].

 

Thứ ba, các quy định của pháp luật Campuchia về phòng chống bạo lực đối với trẻ em còn thiếu và nhiều bất cập. Campuchia không xây dựng đạo luật riêng về phòng chống bạo lực đối với trẻ em mà được quy định rải rác trong nhiều đạo luật khác nhau như Bộ luật hình sự, Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ các nạn nhân; Luật phòng chống buôn bán người và bóc lột tình dục; Luật giáo dục… Hệ thống tư pháp của Campuchia cũng chưa được trang bị đầy đủ để có thể bảo vệ nạn nhân là trẻ em trong các vụ bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục. Campuchia không thiết lập một cơ chế riêng biệt để tiếp nhận và giải quyết những khiếu kiện từ trẻ em và không có quy định cụ thể về việc bảo vệ trẻ em trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự[19].

 

Ngoài các nguyên nhân trên, sự bùng nổ của Internet, mạng xã hội, sự gia tăng về số lượng trẻ em sử dụng điện thoại thông minh không có sự giám sát chặt chẽ từ cha mẹ cũng tác động không nhỏ đến tình trạng bạo lực đối với trẻ em tại quốc gia này.  

 

2. Pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em

 

2.1. Các điều ước quốc tế về phòng, chống bạo lực trẻ em Campuchia đã phê chuẩn

 

Campuchia là một thành viên tích cực trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em. Theo báo thứ 4 đến thứ 6 của Campuchia theo Điều 44 Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc, Campuchia là quốc gia đầu tiên trong khu vực tổ chức nghiên cứu về Bạo lực đối với trẻ em vào năm 2013. Hiện nay, các điều ước quốc tế có liên quan đến bạo lực trẻ em Campuchia tham gia bao gồm:

 

- Công ước về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 (phê chuẩn ngày 15 tháng 10 năm 1992);

 

- Công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) năm 1979 (phê chuẩn ngày 15 tháng 10 năm 1992);

 

- Nghị định thư bổ sung đối với Công ước về quyền trẻ em về bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 (phê chuẩn ngày 30 tháng 5 năm 2002);

 

- Công ước ILO 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (1999) (phê chuẩn ngày 14 tháng 3 năm 2006);

 

- Công ước ILO 138 về độ tuổi tối thiểu năm 1973 (phê chuẩn ngày 23 tháng 8 năm 1999);

 

- Nghị định thư về ngăn chặn, đàn áp và trừng phạt nạn buôn người ở những người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (phê chuẩn ngày 02 tháng 7 năm 2007).

 

- Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc năm 2000 (Nghị định thư Palermo) (phê chuẩn ngày 02 tháng 7 năm 2007);

 

Campuchia cũng đã ký một số hiệp định song phương và đa phương liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em như sau: Biên bản ghi nhớ về Hợp tác pháp lý và tư pháp chống buôn bán người giữa Bộ Tư pháp Campuchia và Việt Nam năm 2009; Thỏa thuận hợp tác chống buôn bán người giữa Campuchia và Trung Quốc năm 2016; Biên bản ghi nhớ về chống buôn bán người giữa Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

 

Ở cấp độ khu vực, với tư cách là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông nam Á (ASEAN), Campuchia tích cực hợp tác với quốc gia thành viên khác trong hoạt động phòng, chống bạo lực trẻ em:

 

- Năm 2012, Campuchia đã đăng cai tổ chức Hội nghị ASEAN lần thứ 21 vào năm 2012, trong đó các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD) - văn kiện chính trị quan trọng đầu tiên về hợp tác nhân quyền ở khu vực;

 

- Năm 2015, Campuchia tổ chức một cuộc họp tư vấn về Dự thảo Kế hoạch hành động ASEAN về xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em.

 

- Tham gia tiến trình Bali - diễn đàn đối thoại chính sách, chia sẻ thông tin và hợp tác thiết thực để giúp khu vực giải quyết các vấn đề về buôn lậu người, buôn người và các tội phạm xuyên quốc gia liên quan;

 

Campuchia cũng đã phê chuẩn các văn kiện pháp lý của ASEAN, liên quan đến phòng, chống bạo lực trẻ em có các văn kiện:

 

- Hướng dẫn của ASEAN về bảo vệ quyền của trẻ em bị buôn bán năm 2007;

 

- Sáng kiến phối hợp giữa Bộ trưởng Mê Kông về chống buôn bán (CAMIT) kết hợp sáu quốc gia trong Tiểu vùng sông Mê Kông (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) trong liên minh chính thức để chống buôn người;

 

- Hiến chương ASEAN năm 2008;

 

- Tuyên bố Hà Nội về cải thiện phúc lợi và phát triển phụ nữ và trẻ em ở ASEAN, năm 2010;

 

- Công ước ASEAN về buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2016 (phê chuẩn ngày 25 tháng 1 năm 2016).

 

2.2. Các văn bản pháp luật quốc gia Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em

 

Để bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ trẻ em, Chính phủ Campuchia đã thông qua nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó có các văn bản pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em và các văn bản có liên quan, tập trung là:

 

- Hiến pháp Campuchia năm 1993;

 

- Bộ luật dân sự Campuchia năm năm 2007;

 

- Bộ luật hình sự Campuchia năm 2009;

 

- Luật ngăn chặn buôn bán người và bạo lực tình dục 2008;

 

- Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân năm 2005;

 

- Luật giáo dục năm 2007;

 

- Luật lao động 1997;

 

- Luật du lịch năm 2009.

 

*Hiến pháp năm 1993

 

Với tư cách là văn bản pháp lý có hiệu lực tối cao, Hiến pháp Campuchia đã quy định về bảo vệ công dân khỏi bạo lực và lạm dụng, trong đó có trẻ em. Cụ thể, Điều 38 Hiến pháp quy định: “Đạo luật bảo đảm không có sự lạm dụng thể xác đối với bất kỳ cá nhân nào… Luật pháp sẽ bảo vệ tính mạng, danh dự, nhân phẩm của công dân.” Liên quan đến trẻ em, Điều 47 Hiến pháp giải thích bổn phận của cha mẹ là “chăm sóc và giáo dục con cái họ trở thành những công dân tốt” và Điều 48 quy định rằng “Nhà nước sẽ đảm bảo việc quyền trẻ em được quy định trong Công ước về trẻ em, đặc biệt là quyền sống, quyền giáo dục, quyền được bảo vệ trong thời chiến và quyền được bảo vệ khỏi sự bóc lột kinh tế hoặc tình dục. Nhà nước sẽ bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các loại lao động có thể gây bất lợi cho giáo dục và việc đi học của trẻ, hoặc cho sức khoẻ hoặc phúc lợi của trẻ.”

 

Có thể thấy mặc dù Hiến pháp Campuchia đã có điều khoản về bảo vệ quyền trẻ em theo CRC tuy nhiên điều khoản này cũng như những điều khoản khác của Hiến pháp về bạo lực và lạm dụng không được hiểu là quy định trực tiếp về cấm các hành vi bạo lực đối với trẻ em.

 

*Bộ luật dân sự năm 2007

 

Bộ luật dân sự Campuchia định nghĩa trẻ em là người dưới 18 tuổi.[20] Bộ luật đã dành một số điều khoản quy định về bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực:

 

Điều 943 (Chương 1: quy định chung - Quyển 7: Quan hệ gia đình), theo đó, “(1) Các thành viên của một gia đình sẽ tôn trọng quyền và tự do của nhau và sẽ hỗ trợ lẫn nhau. (2) Các bên liên quan trong gia đình sẽ ngăn chặn bạo lực gia đình và xâm phạm quyền con người.”

 

Điều 1048 quy định (Phần III: Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ - Chương 5: Quyển của cha mẹ)“Người có quyền cha mẹ có quyền và nghĩa vụ giáo dục con”.

 

Điều 1045 quy định “Người có quyền cha mẹ có thể kỷ luật con ở mức cần thiết”. Tuy nhiên, nếu cha mẹ lạm dụng quyền lực của mình thì có thể bị toà án đình chỉ hoặc tước đoạt quyền cha mẹ theo Điều 1048 (Phần IV - Đình chỉ hoặc tước đoạt quyền của người nắm giữ quyền cha mẹ - Chương 5 - Quyển 7). Để củng cố điều này, Luật hôn nhân và gia đình năm 1989 cũng đưa ra quy định cho phép toà án thu hồi “quyền” của cha mẹ và chuyển “quyền” này cho bất kỳ tổ chức hoặc người thân nào nếu như cha mẹ có lỗi và luật cho phép bất kỳ tổ chức nhà nước, tổ chức đoàn thể, cơ quan trực thuộc tòa án nhân dân hoặc bất kỳ người thân nào của cha mẹ có quyền gửi khiếu nại[21].

 

Các văn bản pháp luật của Campuchia đã quy định về các hình thức bạo lực trẻ em bạo lực thân thể, bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bỏ mặc và các vấn đề có liên quan như bán và buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục, lao động và bóc lột.

 

2.2.1. Bạo lực thân thể:

 

- Bộ luật hình sự năm 2009:

 

Bộ luật hình sự 2009 đã hình sự hoá một số hành vi bạo lực có thể áp dụng cho các trường hợp bạo lực thân thể trẻ em, trong đó, liên quan đến bạo lực thân thể (Điều 210) bao gồm các tội danh: Tra tấn và hành vi man rợ, Bạo lực có chủ ý, Bạo lực ít nghiêm trọng không gây ra bất kỳ vết thương nào với khung hình phạt từ 1 đến 15 năm tù, phạt tiền từ 5000 đến 10 triệu Riels tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

 

Theo quy định tại Bộ luật hình sự, mặc dù trường hợp nạn nhân là trẻ em không trực tiếp được coi là tình tiết tăng nặng đối với các tội phạm về bạo lực thân thể theo Luật hình sự Campuchia, nhưng luật cũng đã quy định nạn nhân thuộc đối tượng dễ tổn thương do độ tuổi của nạn nhân là tình tiết tăng nặng của những tội danh này.

 

- Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân năm 2005:

 

Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia có những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em chống lại các hành vi bạo lực thân thể, tinh thần và xâm lược tình dục trong gia đình. Đạo luật này quy định về việc phòng chống những hành vi bạo lực xảy ra/có thể xảy ra đối với vợ hoặc chồng, con cái là người phụ thuộc hoặc người sống cùng dưới mái nhà và người phụ thuộc vào hộ gia đình.[22] Do vậy, về phạm vi, Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân áp dụng chung cho cả trẻ em và người lớn và luật không áp dụng cho tất cả trẻ em, mà chỉ áp dụng cho trẻ em phụ thuộc.[23]

 

Bạo lực thân thể đối với trẻ em nằm trong định nghĩa hành vi “bạo lực gia đình” cần được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và các nạn nhân/những người có thể bị tổn thương bởi những hành vi này cần được bảo vệ tại Điều 3, Điều 6, Điều 8 của Luật. Theo đó, hành vi bạo lực gia đình bao gồm: (i) Hành vi ảnh hưởng đến cuộc sống; (ii) Hành vi ảnh hưởng đến sự toàn vẹn về thể chất; (iii) Tra tấn hoặc hành động tàn ác; (iv) xâm hại tình dục (sexual aggression).

 

Các hình thức “kỷ luật truyền thống” như những hình thức kỷ luật bằng cách đưa ra lời khuyên, nhắc nhở hoặc các biện pháp thích hợp để khiến vợ/ chồng hoặc con cái, người phụ thuộc có lối sống tốt hơn theo phong tục truyền thống tốt đẹp của quốc gia và việc kỷ luật được thực hiện với bản chất cao quý (từ bi, vui mừng, hạnh phúc, chân thành)… và tuân theo các nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Nhân quyền và Quyền trẻ em được Vương quốc Campuchia công nhận[24] đối với trẻ em không được coi là bạo lực hay bạo lực gia đình theo Luật này (điều này phù hợp với quy định tại Điều 1045 của Bộ luật Dân sự). “Kỷ luật truyền thống” không được hiểu là một sự trừng phạt mà chỉ nhằm mục đích dạy dỗ và kỷ luật một đứa trẻ để trẻ trở thành công dân tốt. Điều luật này được ban hành với quan điểm của các nhà lập pháp Campuchia cho rằng sự hiểu biết của trẻ con vẫn còn hạn chế và cha mẹ cần được trao quyền kỷ luật ở mức độ cần thiết khi đứa trẻ có hành động sai để giáo dục trẻ tại nhà.[25] Hình thức kỷ luật này sẽ không được phép sử dụng như một lý do để lạm dụng hoặc bạo lực gây thiệt hại về thân thể hay tinh thần cho trẻ; trường hợp người có quyền cha mẹ trừng phạt đứa trẻ vượt quá phạm vi cần thiết sẽ bị đình chỉ hoặc tước quyền cha mẹ.

 

Tuy nhiên, theo Chiến lược số 4 của Kế hoạch hành động ngăn chăn và phản ứng với bạo lực trẻ em 2017-2021, Campuchia đã đưa ra kế hoạch sửa đổi Điều 1045 của Bộ luật dân sự về hình phạt thân thế đối với trẻ em.

 

Để bảo vệ nạn nhân, Luật cũng quy định về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình. Theo đó, Luật bắt buộc và cho phép chính quyền địa phương hành động trong các trường hợp bạo lực gia đình, cụ thể là trong trường hợp bạo lực gia đình xảy ra hoặc có khả năng xảy ra, các cơ quan có thẩm quyền gần nhất có nhiệm vụ can thiệp khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực và bảo vệ các nạn nhân. Các cơ quan này có trách nhiệm lập biên bản rõ ràng về vụ việc và sau đó báo cáo ngay cho các công tố viên phụ trách.[26]

 

Ngoài ra, Luật cũng quy định toà án có thể áp đặt các lệnh bảo vệ (là các biện pháp dân sự như tách thủ phạm và nạn nhân ra khỏi nơi ở chung; cấm thủ phạm tiếp xúc với nạn nhân; đưa ra quyết định về quyền nuôi con, quyền thăm trẻ[27]) đối với người đã thực hiện/đang thực hiện/chuẩn bị thực hiện hành vi bạo lực khi có khiếu nại yêu cầu các lệnh bảo vệ từ toà án của nạn nhân hoặc đại diện của nạn nhân; cơ quan có thẩm quyền phụ trách tại nơi cư trú của nạn nhân; cán bộ, đơn vị làm nhiệm vụ tại nơi xảy ra sự việc. Đặc biệt, nếu nạn nhân của vụ bạo lực gia đình là trẻ em, người bị tâm thần hoặc người mà toà án cho rằng không thể tự mình nộp đơn khiếu nại thì bất kỳ ai biết về vụ bạo lực đều có thể thực hiện khiếu nại để yêu cầu lệnh bảo vệ nạn nhân từ toà án.[28]

 

Trong trường hợp bạo lực liên quan đến trẻ em thì luật còn quy định trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền theo dõi và bảo vệ phúc lợi cho trẻ có trách nhiệm theo dõi vụ việc; toà án sẽ chỉ định công tố viên chịu trách nhiệm theo dõi tình hình của trẻ hoặc uỷ quyền cho một tổ chức có thẩm quyền đảm bảo phúc lợi cho trẻ trong thời gian toà án đang tiến hành các thủ tục tố tụng có liên quan.[29]

 

Có thể thấy rằng Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân của Campuchia đã có thiết lập các biện pháp bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình, trong đó có trẻ em. Mặc dù vậy, các biện pháp bảo vệ được quy định trong Luật này vẫn là các biện pháp bảo vệ nạn nhân khỏi bạo lực gia đình “cổ điển” với mục đích loại bỏ thủ phạm hoặc di dời nạn nhân của bạo lực ra khỏi nơi cư trú bình thường của họ và ngăn chặn sự tiếp xúc giữa hung thủ và nạn nhân. Thực tiễn cho thấy, các biện pháp như vậy chưa thể được coi là đầy đủ để đảm bảo bảo vệ cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình bởi đối với trẻ em bởi sau vụ bạo lực gia đình, các em có thể phải đối diện với nhiều vấn đề như sự chăm sóc và đảm bảo an toàn, các phúc lợi xã hội… Mặc dù Điều 14 của Luật có quy định về vấn đề theo dõi và bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là trẻ em song quy định này còn khá chung chung và thiếu rõ ràng, trong đó không có quy định cụ thể nào về điều tra tình hình của trẻ, đánh giá sự chăm sóc đối với trẻ, xác định trẻ có an toàn hay có nguy cơ bị tổn hại đáng kể hay không cũng như không có bất kỳ yêu cầu nào đối với cơ quan có chịu trách nhiệm giám sát vụ bạo lực.

 

Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân của Campuchia không có quy định hình sự hoá các hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Điều 19 của Luật có quy định bất kỳ hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu của tội phạm hình sự có thể bị xử lý hình sự. Điều này phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (2007) và các điều khoản của Bộ luật hình sự đã được phân tích ở trên có thể được áp dụng trong các trường hợp bạo lực là sự trừng phạt thân thể và làm nhục đối với trẻ em.

 

- Quy định về trừng phạt thân thể và làm nhục trẻ em tại các cơ sở chăm sóc trẻ nội trú và các cơ sở chăm sóc thay thế cho trẻ trong cộng đồng:

 

Các cơ sở chăm sóc thay thế cho trẻ trong cộng đồng (cơ sở chăm sóc cộng đồng) và cơ sở chăm sóc trẻ nội trú tại Campuchia là những tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn thời gian đối với những trẻ cần chăm sóc hoặc bảo vệ đặc biệt như trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ là nạn nhân của bạo lực thể xác, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, bóc lột, lao động độc hại, trẻ khuyết tật, trẻ không được đáp ứng nhu cầu cơ bản. Đối với những trường hợp này, người chăm sóc trẻ tại các cơ sở chăm sóc cộng đồng và cơ sở chăm sóc trẻ nội trú sẽ nắm “quyền cha mẹ” được quy định tại Bộ luật dân sự. Bộ các vấn đề xã hội, Cựu chiến binh và Phục hồi thanh thiếu niên Campuchia đã đưa ra những quy định để bảo vệ đối tượng trẻ em này như Quy định (Prakas) số 616 năm 2006 về các tiêu chuẩn tối thiểu đối với các cơ sở chăm sóc trẻ nội trú; Quy định số 198 năm 2008 về các tiêu chuẩn tối thiểu đối với cơ sở chăm sóc trẻ thay thế trong cộng đồng. Tuy nhiên, nghiên cứu các văn bản này cho thấy các quy định này vẫn cho phép hành vi kỷ luật trẻ “chỉ khi trẻ không tuân thủ các quy tắc”.

 

2.2.2. Bạo lực tinh thần

 

- Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân năm 2005:

 

Bạo lực tinh thần (bao gồm cả đe doạ) đối với trẻ em nằm trong định nghĩa hành vi “bạo lực gia đình” cần được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và các nạn nhân/những người có thể bị tổn thương bởi những hành vi này cần được bảo vệ tại Điều 3, Điều 6, Điều 8 của Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân năm 2005. Theo đó, bạo lực tinh thần được xếp vào các hành vi “tra tấn hoặc hành động tàn ác”, bao gồm: quấy rối gây tổn hại về tinh thần/tâm lý, cảm xúc, trí tuệ những người trong gia đình; những tổn hại về tinh thần/tâm lý và thể chất vượt quá giới hạn đạo đức và giới hạn quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên đạo luật này của Campuchia quy định về việc phòng chống những hành vi bạo lực xảy ra/ có thể xảy ra đối với vợ hoặc chồng, con cái là người phụ thuộc hoặc người sống cùng dưới mái nhà và người phụ thuộc vào hộ gia đình.[30] Do vậy, về phạm vi, Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân áp dụng chung cho cả trẻ em và người lớn và luật không áp dụng cho tất cả trẻ em, mà chỉ áp dụng cho trẻ em phụ thuộc.

 

- Luật giáo dục năm 2007:

 

Điều 35 của Luật giáo dục (2007) quy định quyền được bảo vệ về thân thể và tinh thần ở trường học, theo đó, mọi trẻ em đều có quyền không bị trừng phạt về thân thể và tinh thần ở trường. Quyền này được củng cố tại Nghị định về Bộ luật đạo đức cho nghề dạy học năm 2008, tại Điều 12 quy định các giáo viên không được hành hạ tinh thần và thân thể người học; các khiếu nại liên quan đến vi phạm quyền được bảo vệ về thân thể và tinh thần ở trường học của trẻ em sẽ được gửi đến bộ chịu trách nhiệm về giáo dục hoặc tòa án. Trong các đạo luật này, không tìm thấy quy định yêu cầu cân nhắc về các vấn đề bảo vệ trẻ em đối với việc sử dụng kỷ luật đối với trẻ tại trường.

 

Về vấn đề hình phạt đối với học sinh tại trường học, Quy định số 922 về các vấn đề liên quan đến việc áp dụng hình phát đối với học sinh năm 2006

 

do Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia ban hành đã cấm hoàn toàn hình phạt dưới mọi hình thức đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.

 

2.2.3 Bạo lực tình dục

 

- Bộ luật hình sự năm 2009:

 

Bộ luật hình sự năm 2009 cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên được quan hệ tình dục, mọi hành vi hiếp dâm, mại dâm, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi sẽ bị coi là tội nghiêm trọng và bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Những hành vi không đứng đắn đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi sẽ bị phạt tù từ 1 đến 3 năm.

 

- Luật ngăn chặn buôn bán người và khai thác tình dục Campuchia năm 2008 (Luật TIPSE):

 

Luật TIPSE năm 2008 đưa ra định nghĩa khá toàn diện về bót lột trẻ em trong mại dâm tại Điều 23. Luật hình sự hoá mại dâm trẻ em và các hành vi phạm tội khác có liên quan đến khai thác mại dâm trẻ em. Theo đó, hình phạt cho hành vi “mua dâm trẻ em” từ 2 đến 5 năm tù nếu đứa trẻ từ 15 tuổi trở lên; tù 7 đến 15 năm tù nếu trẻ dưới 15 tuổi[31]. Trẻ vị thành niên bị khai thác mại dâm được pháp luật coi là nạn nhân và không phải là người phạm tội, miễn trách nhiệm hình sự. Có thể thấy rằng luật TIPSE đã phù hợp với quy định của luật quốc tế về mại dâm trẻ em.

 

* Lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến (OCSE)

 

Luật TIPSE đã quy định về “văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em” và trong đó có đề cập đến khai thác tình dục trẻ em trực tuyến. Tại Điều 40 Luật TIPSE định nghĩa khá cụ thể “văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em”[32], luật đưa ra hình phạt từ 2 đến 5 năm, phạt tiền từ 4.000.000 đến 10.000.000 Riels đối với người có hành vi phân phối, bán, cho thuê, trưng bày, trình chiếu, trình bày tại một nơi công cộng văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em[33]. Quy định của Luật TIPSE chưa hoàn toàn tương thích với Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 bởi theo Luật TIPSE hình ảnh về bộ phận sinh dục của trẻ phục cho mục đích tình dục là văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em không nằm trong định nghĩa về “văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em”. Bên cạnh đó, quy định của Luật về khai thác tình dục trẻ em trực tuyến cũng chưa đầy đủ, rõ ràng như còn thiếu một số quy định về hành vi “online grooming” - kết thân để lạm dụng tình dục; hành vi sở hữu văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em mà không nhằm mục đích phân phối... Chính phủ Campuchia đã đưa vấn đề này vào xem xét trong quá trình xây dựng luật, trong bản Dự thảo mới V.1 về Luật tội phạm mạng tại Điều 27.

 

Tuy đã có quy định đầy đủ hơn về các hành vi khai thác tình dục trẻ em trực tuyến xong trong Dự thảo luật này cũng như các văn bản luật và chính sách có liên quan của Campuchia chưa đề cập tới nghĩa vụ pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ Internet trong việc báo cáo, xóa hoặc chặn quyền truy cập vào các trang web hoặc nội dung trực tuyến có chứa văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em. Bên cạnh đó, mặc dù Luật ngăn chặn buôn bán người và khai thác tình dục Campuchia đã hình sự hoá các hành vi buôn bán, khai thác tình dục con người, đồng thời quy định các chế tài dân sự, tuy nhiên, luật vẫn không đưa ra các biện pháp bổ sung để bảo vệ trẻ khỏi những tổn hại phát sinh sau hành vi phạm tội.

 

* Bạo lực tình dục trẻ em trong gia đình

 

Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia quy định về bạo lực tình dục trẻ em là một dạng bạo lực trong gia đình (Điều 3, 6, 8). Những quy định về bạo lực tình dục đối với trẻ em trong luật này chỉ áp dụng đối với trẻ em phụ thuộc.

 

* Khai thác tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành (SECTT)

 

Luật pháp Campuchia không có các điều khoản xác định hoặc hình sự hóa khai thác tình dục trẻ em trong du lịch và lữ hành. Song, Luật du lịch năm 2009 đã có quy định trách nhiệm chung giữa Bộ Du lịch và các bộ, cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn khai thác tình dục trong du lịch. Luật du lịch cũng xác định các biện pháp xử lý hành chính đối với trường hợp khách du lịch và khách lữ hành tham gia vào hoạt động liên quan đến buôn bán trẻ em, khai thác mại dâm trẻ em, mua bán dâm trẻ em, phổ biến văn hoá phẩm khiêu dâm như vô hiệu hoá thị thực nhập cảnh, trục xuất[34].

 

2.2.4 Bỏ mặc trẻ em

 

Nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái mình trở thành những công dân tốt của cha mẹ đã được quy định trong Hiến pháp của Campuchia (Điều 47). Trên cơ sở đó, Bộ luật hình sự 2009 của Campuchia đã hình sự hoá hành các hành vi bỏ mặc trẻ em với mức hình phạt tù từ 2 năm đến 15 năm, phạt tiền từ 4.000.000 đến 10.000.000 Riels: hành vi tước đoạt thức ăn hoặc sự chăm sóc của trẻ vị thành niên (Điều 337, 338); không gửi trẻ vị thành niên đến trường mà không có lý do chính đáng (Điều 343).

 

2.2.5. Bán và buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục

 

Luật TIPSE đã thông qua các luật pháp riêng biệt về buôn bán trẻ em (bao gồm cả buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục). Luật TIPSE đưa ra những quy định riêng biệt và cụ thể về di chuyển bất hợp pháp và mua, bán, trao đổi trẻ em trong đó bao gồm cả những hành vi có liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em như định nghĩa về di chuyển trẻ em bất hợp pháp (Điều 8); định nghĩa về mua, bán, trao đổi người (Điều 13). Theo Luật TIPSE, các hành vi di chuyển bất hợp pháp và mua, bán, trao đổi trẻ em được coi là tình tiết tăng nặng của tội di chuyển bất hợp pháp và mua, bán, trao đổi người với khung hình phạt ở mức cao, từ 15 đến 20 năm tù (Điều 10,11,12,15).

 

Nhìn chung, các quy định về di chuyển, mua, bán, trao đổi trẻ em của luật TIPSE phù hợp với Nghị định thư Palermo và Công ước ASEAN về buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em buôn bán trẻ em, ngoại trừ Điều 12 quy định về việc tuyển dụng bất hợp pháp trẻ em nhằm mục đích khai thác chưa tương thích với Điều 3 - Nghị định thư Palermo. Theo đó, Điều 12 TIPSE quy định việc tuyển dụng trẻ em với mục đích khai thác là bất hợp pháp chỉ khi nó được thực hiện bằng các biện pháp lừa dối, lạm quyền, giam cầm, ép buộc, đe doạ hoặc bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào, điều này không phù hợp với Điều 3 - Nghị định thư Palermo khi Nghị định thư này quy định rằng việc tuyển dụng trẻ em cho mục đích khai thác được coi là hành vi “buôn bán người” bị cấm bất kể phương tiện, thủ đoạn nào được sử dụng.

 

Bên cạnh luật TIPSE, Campuchia cũng đã ban hành các tài liệu pháp lý khác có liên quan đến buôn bán người và khai thác tình dục như: Chính sách và tiêu chuẩn tối thiểu về bảo vệ quyền của nạn nhân buôn người[35].

 

2.2.6. Lao động trẻ em và bóc lột

 

- Luật lao động năm 1997:

 

Luật lao động năm 1997 của Vương quốc Campuchia cho phép sử dụng lao động là trẻ vị thành niên. Luật lao động quy định độ tuổi tối thiểu để lao động là 15 tuổi, người chưa thành niên từ 12 đến 15 tuổi có thể được thuê để làm công việc nhẹ,[36] tuy nhiên, các loại lao động trẻ em đều được coi là nguy hiểm và phải chịu sự kiểm tra lao động.

 

Để quản lý lao động trẻ em, luật yêu cầu người sử dụng lao động phải có sổ đăng ký trẻ em dưới mười tám tuổi đang làm việc dự trên ngày tháng năm sinh của trẻ và quyển sổ này phải được nộp cho thanh tra lao động để theo dõi và quản lý. Luật cũng cho phép thanh tra và kiểm sát viên lao động đến thăm và thực hiện việc kiểm tra các cơ sở lao động (ngoại trừ một số lĩnh vực việc làm như người giúp việc gia đình hoặc hộ gia đình (trừ trường hợp lao động cưỡng bực hoặc bắt buộc[37]) về vấn đề thực thi các quy định của pháp luật về sức khoẻ, điều kiện làm việc và vấn đề an toàn[38]; thanh tra lao động có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra trẻ vị thành niên đang tham gia lao động. Nếu bác sĩ đánh giá công việc trẻ đang làm quá nặng nhọc đối với trẻ thì người sử dụng lao động phải thay đổi công việc cho trẻ hoặc chấm dứt việc làm của trẻ.[39] Có thể coi đây là một biện pháp giúp quản lý lao động trẻ em hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho nhà quản lý phát hiện vừa hạn chế được các trường hợp bạo lực trẻ em trong môi trường lao động. Tuy nhiên, luật loại trừ một số lĩnh vực việc làm như người giúp việc trong gia đình hoặc hộ gia đình ra khỏi diện có thể bị thanh tra lao động kiểm tra có thể khiến thanh tra lao động không thể phát hiện và kiểm soát được hành vi bóc lột lao động đối với những hình thức lao động này.

 

2.2.7. Khiếu nại về bạo lực trẻ em

 

Điều 530 Bộ luật hình sự Campuchia quy định chế tài đối với người biết về vụ việc ngược đãi hoặc lạm dụng tình dục trẻ em dưới 15 tuổi mà không báo với cơ quan có thẩm quyền, theo đó, hình phạt là tù giam từ 1 năm đến 3 năm và phạt tiền từ 2.000.000 Riels đến 6.000.000 Riels.

 

2.2.8. Đường dây trợ giúp trẻ em

 

Với mục đích kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi bạo lực trẻ em cũng như giúp đỡ, hồ trợ các nạn nhân nhanh nhất, Chính phủ Campuchia đã tạo lập các đường dây nóng đặc biệt 1288 và (023) 997919 nhận cuộc gọi 24h mỗi ngày về các hành vi bạo lực. Ngoài ra, các đơn vị cảnh sát tỉnh cũng có đường dây nóng riêng. Năm 2017, Thủ đô Phnom Penh đã công bố đường dây nóng số 1299 cho tất cả các trường hợp khẩn cấp xảy ra trên địa bàn thủ đô.

 

Qua những phân tích trên đối với nội pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em, có thể thấy rằng Chính phủ Campuchia đã thông qua một số luật liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, Campuchia vẫn chưa có luật quy định về bảo vệ trẻ em toàn diện khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng, bỏ bê hoặc bóc lột theo yêu cầu của Điều 19 của CRC mà thay vào đó là một số luật bảo vệ đối tượng trẻ em cụ thể trong các tình huống nhất định. Bên cạnh đó, trong hệ thống pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo luật trẻ em vẫn còn thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi và các thủ tục về phòng chống và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực đã được quy định trong các văn bản luật, điều ảnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng và hiệu quả thực thi pháp luật Campuchia về phòng, chống bảo lự trẻ em. Theo UNICEF, hạn chế này trong hệ thống pháp luật Campuchia một phần do kiến thức và kỹ thuật lập pháp của Campuchia còn hạn chế[40].

 

3. Thực tiễn thực thi pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em và một số kinh nghiệm cho Việt Nam

 

3.1. Thực tiễn thực thi pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em

 

3.1.1. Hệ thống thiết chế bảo vệ trẻ em của Campuchia

 

Để đưa các chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống bạo lực trẻ em nói riêng đi vào thực tiễn đời sống, Chính phủ Campuchia đã giao trách nhiệm thực thi cho các cơ quan ban ngành. Chịu trách nhiệm chính và chủ yếu trong công tác bảo vệ trẻ em tại Campuchia là Bộ các vấn đề xã hội, cựu chiến binh và phụ hồi thanh thiếu niên (MoSVY). MoSVY có thẩm quyền thiết lập chính sách, pháp luật, các tiêu chuẩn về bảo vệ trẻ em và các hướng dẫn để theo dõi và kiểm soát chất lượng các chương trình bảo vệ trẻ em. Để hỗ trợ MoSVY, Chính phủ Campuchia đã thành lập Hội đồng quốc gia Campuchia vì trẻ em (CNCC) - đây là cơ quan của chính phủ có vai trò điều phối quốc gia về thực hiện, phối hợp, xem xét, đánh giá tất cả các chính sách và chương trình liên quan đến trẻ em Campuchia. Tại địa phương, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các chương trình bảo vệ trẻ em tại địa phương là các sở các vấn đề xã hội, cựu chiến binh và phục hồi thanh niên (DoSVY), các văn phòng xã hội, cựu chiến binh và phục hồi thanh niên (OSVY), CNCC đã thành lập các văn phòng CNCC cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các chương trình hoạt động khác của CNCC. Hiện nay, trên cả nước có 14 văn phòng CNCC cấp tỉnh đã được thành lập, bao gồm văn phòng CNCC ở Kompong Chhnang, Oddar Meanchey, Kampot, Kratie, Preah Viget, Banteay Meanchey, Svay Rieng, Kep, Takeo, Siem , Preah Sihanouk, Kandal, Pursat và Prey Veng, trong đó, Giám đốc sở các vấn đề xã hội, cựu chiến binh và phục hồi thanh thiếu niên tại địa phương là chủ tịch CNCC tỉnh.

 

Nhằm đấu tranh phòng, chống các tội phạm liên quan đến bạo lực trẻ em, Chính phủ Campuchia đã thành lập các cơ quan chuyên ngành. Ví dụ như:

 

- Ủy ban quốc gia lãnh đạo ngăn chặn nạn buôn người, buôn lậu, bóc lột lao động và bóc lột tình dục của phụ nữ và trẻ em (tiền thân là Lực lượng đặc nhiệm quốc gia chống buôn bán người được thành lập tháng 3 năm 2007). Uỷ ban này bao gồm 11 bộ của chính phủ là bộ Nội vụ, Tư pháp, Phụ nữ, Xã hội, Giáo dục, Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng, Thông tin, Lao động và Du lịch, cùng với ba cơ quan chính phủ với nhiệm vụ lãnh đạo việc đàn áp hoạt động buôn bán người, buôn lậu, lao động và khai thác tình dục của phụ nữ và trẻ em. Ủy ban đã thành lập sáu nhóm làm việc kỹ thuật bao gồm phòng ngừa, bảo vệ và tái hòa nhập, thực thi pháp luật, công lý, hợp tác quốc tế và các vấn đề trẻ em. Để hỗ trợ cho Uỷ ban quốc gia lãnh đạo ngăn chặn nạn buôn người, buôn lậu, bóc lột lao động và bóc lột tình dục của phụ nữ và trẻ em, Chính phủ cũng đã thành lập một Ban thư ký với nhiệm vụ thực hiện các chiến lược để chống buôn bán người được phát triển bởi các nhóm làm việc đa bộ, giám sát và thực hiện các chiến dịch, phối hợp và hợp tác với đại diện của các tổ chức phi chính phủ quốc tế và quốc tế; phối hợp với các tòa án; nộp báo cáo 3 tháng một lần cho lực lượng đặc nhiệm quốc gia. Ủy ban phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em cũng được thành lập ở cấp huyện trên toàn quốc.

 

Bên cạnh các cơ quan kể trên, trong hoạt động tư pháp, Cảnh sát Quốc gia Campuchia (CNP) cấp tỉnh có thẩm quyền vận hành các đơn vị bảo vệ chống buôn người và vị thành niên thuộc Ban Thư ký chống buôn bán người cấp tỉnh. Nạn nhân của các tội phạm buôn bán người, hiếp dâm hoặc các tội phạm tình dục khác là trẻ em; trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình; trẻ em là nạn nhân trong một vụ án đang được khởi tố sẽ được đưa tới các đơn vị này. Cảnh sát Quốc gia Campuchia (CNP) cấp tỉnh sẽ liên hệ trực tiếp với công an cấp xã để thực hiện các biện pháp bảo vệ những trẻ em này hoặc thông báo cho sở các vấn đề xã hội, cựu chiến binh và phục hồi thanh niên địa phương.

 

- Ủy ban du lịch an toàn trẻ em hoặc Ủy ban phòng chống buôn bán và bóc lột tình dục trẻ em có liên quan đến du lịch, bao gồm các cán bộ và quan chức cấp cao của Bộ Du lịch Campuchia đã được thành lập tại 24 tỉnh và thành phố của đất nước. Các uỷ ban này góp phần thực thi hiệu quả luật pháp và hướng dẫn quốc gia về bảo vệ của trẻ em từ buôn bán và khai thác tình dục trong lĩnh vực du lịch bằng các phương pháp: nâng cao nhận thức và năng lực của các quan chức trong ngành du lịch, các cơ sở phục vụ khách du lịch và trong cộng đồng du lịch về quyền trẻ em, các công ước quốc tế liên quan đến trẻ em, chính sách và cơ chế của chính phủ để chống buôn bán lao động và khai thác tình dục trẻ em và các cam kết của chính phủ đối với các thỏa thuận quốc tế.

 

3.1.2. Một số hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em tại Campuchia

 

Qua những phân tích trên có thể thấy Campuchia đã xây dựng được hệ thống các quy phạm pháp luật và các cơ quan bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực nói riêng. Song, quá trình thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em ở đất nước này vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục:

 

Thứ nhất, còn tồn tại sự không nhất quán trong việc giải thích và áp dụng luật. Khi các tội phạm về các tội liên quan đến bạo lực trẻ em bị phát hiện, bắt giữa và đưa ra xét xử tại toà án, việc triển khai quy định của Bộ luật hình sự và các luật chuyên ngành có sự không nhất quán và thống nhất. Có thể đưa ra một số ví dụ như theo báo cáo của Action Pour Les Enfants (APLE)[41] thì có 10% các vụ án có liên quan đến bạo lực trẻ em đã bị phát hiện và xử lý là các vụ án về sản xuất văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, hình phạt đối với loại tội phạm này bao gồm hình phạt tiền (quy định tại Điều 41 Luật ngăn chặn buôn bán người và khai thác tình dục Campuchia năm 2008), tuy nhiên hình phạt này rất ít khi được đưa vào cáo trạng[42].

 

Cũng theo báo cáo của APLE, trong thực tiễn xét xử của toà án Campuchia, những trường hợp có liên quan đến quan hệ tình dục bằng miệng, người phạm tội có thể và nên bị buộc tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi và phải chịu mắc án tù tối đa 10 năm(Điều 42) nhưng trên thực tế những người phạm tội đó bị toà án kết tội có hành vi không đứng đắn đối với người vị thành niên dưới 15 tuổi (Điều 43) với bản án tối đa chỉ 3 năm tù giam[43].

 

Thứ hai, tỷ lệ truy tố và kết án đối với các vụ án bạo lực trẻ em tại Campuchia còn thấp. Ủy ban về quyền trẻ em Liên hợp quốc cũng đã từng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vấn đề này[44]. Theo nghiên cứu của APLE, tội phạm về bạo lực tình dục trẻ em không chỉ có công dân Campuchia mà tội phạm từ các nước phương Tây và các khu vực khác nhau của châu Á chiếm tỷ lệ không nhỏ. Báo cáo của APLE cho biết, trong năm 2015, APLE đã góp phần khiến 26 vụ án được đưa ra xét xử tại toà án sơ thẩm, các đối tượng phạm tội đã bị kết án về các tội Mua, bán, trao đổi người để chuyển qua biên giới (Điều 16 Luật TIPSE), Mua bán dâm tăng nặng (Điều 27 TIPSE), Mua bán dâm trẻ em (Điều 34 LSHTSE), Gạ gẫm mại dâm trẻ em (Điều 35 LSHTSE), Hành vi không đứng đắn với người vị thành niên dưới 15 tuổi (Điều 43 LSHTSE) và Hiếp dâm (Điều 239 Bộ luật hình sự) với các tình tiết tăng nặng - tình trạng của nạn nhân (Điều 240 Bộ luật hình sự). Tính trung bình, tòa án cấp sơ thẩm đã kết án 26 người phạm tội mỗi người 4,28 năm tù; bồi thường cho 18/26 nguyên đơn; bốn người phạm tội là người nước ngoài bị trục xuất. Trong đó, tám người phạm tội nhận được hình phạt thấp hơn mức án tối thiểu: hai tội phạm người Trung Quốc và bốn người Campuchia bị buộc tội Mua, bán hoặc trao đổi người để chuyển biên giới (Điều 16 TIPSE) đã bị kết án 2 năm tù, trong khi mức án tối thiểu cho tội này được đặt ra là 15 năm[45]. Bên cạnh đó, APLE cũng cho rằng trong các vụ án về bóc lột tình dục trẻ em đã được đưa ra xét xử tại toà án, hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài phạm tội không phải là bắt buộc mà theo quyết định của các thẩm phán[46].

 

Theo báo cáo của Chính phủ Campuchia năm 2010, không có một cá nhân nào bị truy tố vì vi phạm luật liên quan đến lao động trẻ em; theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2015, mặc dù chính phủ đã truy tố và kết án những kẻ buôn người, nhưng họ đã không truy tố hay kết án bất kỳ quan chức nào[47].

 

Nỗ lực truy tố và kết án những người phạm tội của cơ quan và cá nhân thực thi pháp luật về bạo lực trẻ em tại Campuchia có thể bị cản trở bởi mức độ tham nhũng cao trong các cơ quan tư pháp.

 

Thứ ba, chất lượng nhân viên xã hội có vai trò quan trọng để có một hệ thống bảo vệ trẻ em vững chắc, song hiện nay, phần lớn nhân viên xã hội ở Campuchia không được đào tạo chính thức; ở cấp xã, Campuchia không có nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Mặc dù Nghị định số 34 được ban hành vào tháng 3 năm 2017 đã quy định các xã sẽ được đưa các đề xuất về nhu cầu về cán bộ xã hội và nhu cầu đào tạo nghề nghiệp (Điều 22); đồng thời Hướng dẫn chi tiêu dịch vụ xã hội của Bộ Nội vụ được ban hành vào tháng 2 năm 2018 cũng đã đề xuất phân bổ ngân sách cho trợ lý xã để hỗ trợ Công tác xã hội ở các xã[48], tuy nhiên, có thể sẽ mất vài năm để các nhân viên xã hội chuyên nghiệp được đào tạo và làm việc tại các xã, đồng thời một số vấn đề như cách quản lý việc thực hiện trách nhiệm của xã trong ngắn và trung hạn; vấn đề trách nhiệm đối với trẻ em không thể ở cùng cha mẹ hoặc họ hàng sẽ thuộc ở lại với xã hoặc hay sở các vấn đề xã hội, cựu chiến binh và phục hồi thanh niên địa phương

 

Thứ tư, Campuchia thiếu một hệ thống toàn diện để thu thập và báo cáo dữ liệu về bạo lực trẻ em, điều này đã hạn chế khả năng giám sát, đánh giá và ngăn chặn hành vi phạm tội.

 

Mặc dù Campuchia có nhiều dữ liệu về bảo vệ trẻ em nhưng các dữ liệu này khá lẻ tẻ. Với mục đích cải thiện hiệu quả điều tra và truy tố các vụ án về bạo lực gia đình, đặc biệt là các vụ án có liên quan đến bạo lực tình dục, mại dâm, lạm dụng tình dục, Chính phủ Campuchia đã phát triển một số cơ sở dữ liệu nhằm thu thập thông tin về các hành vi phạm tội. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu hiện có của Campuchia chưa hoàn toàn liên kết với nhau và không thể truy cập được ở cấp tỉnh và thành phố, trên thực tế, Campuchia chưa thể xác định được tổng số vi phạm liên quan đến các hình thức bạo lực trẻ em, tổng số vụ án, số bị an đã bị điều tra, truy tố. Chính phủ Campuchia cần có một hệ thống quản lý thông tin về bảo vệ trẻ em dễ dàng theo dõi và cho phép can thiệp nhanh chóng, đồng thời, phục vụ hiệu quả cho việc điều tra, truy tố các vụ án về bạo lực trẻ em.

 

Thứ năm, quá trình thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng chống bạo lực trẻ em tại Campuchia còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn tài chính. Hội đồng quốc gia Campuchia vì trẻ em là một cơ chế điều phối quốc gia để thực hiện, xem xét và đánh giá tất cả các chính sách và chương trình liên quan đến trẻ em Campuchia song trong thực tiễn hoạt động, CNC vẫn thiếu nguồn tài chính cần thiết để thực hiện vai trò điều phối của mình; ở nông thôn lực lượng cảnh sát chưa được trả lương hợp lý[49]. Vấn đề thiếu nguồn ngân sách cho hoạt động bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực trẻ em nói riêng còn dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực, trang thiết bị, sự đào tạo kiến thức và kỹ năng cần thiết đối với lực lượng thực thi pháp luật. Điều này dẫn tới hậu quả là chất lượng điều tra hạn chế và chỉ một số ít nạn nhân của tội phạm về bạo lực trẻ em được xác định, đặc biệt là những vụ án liên quan tới lạm dụng tình dục trực tuyến cần điều tra chuyên sâu và cần các kiến thức, kỹ năng, trang thiết bị đặc biệt.

 

Hạn chế này một phần xuất phát từ việc Ngân sách chính phủ không phân loại ngân sách bảo vệ trẻ em riêng biệt; hơn nữa, các hoạt động bảo vệ trẻ em được thực hiện thông qua các bộ khác nhau cho nên rất khó để có được thống kê cụ thể tổng số tiền chi tiêu. Các báo cáo hiện nay đều sử dụng ngân sách của Bộ Xã hội, Cựu chiến binh và Phục hồi Thanh niên (MoSVY) để chỉ ra tỷ lệ ngân sách chi cho lĩnh vực này. Trên thực tế, tỷ lệ ngân sách của MoSVY trong ngân sách quốc gia đã tăng từ 2% vào năm 2009 lên 4% vào năm 2016, ngân sách được phân bổ đã tăng từ 45,4 triệu đô la Mỹ năm 2009 lên 178,5 triệu đô la Mỹ trong năm 2016, tuy nhiên, một phần đáng kể của ngân sách để phục vụ người về hưu và cựu chiến binh, chỉ để lại một tỷ lệ nhỏ được chi cho các dịch vụ khác, bao gồm cả trẻ em. Ở cấp thấp nhất là cấp xã, phần lớn ngân sách của Hội đồng xã cũng được dành cho cơ sở hạ tầng vật chất, chỉ có nguồn vốn hạn chế dành cho dịch vụ xã hội, cho trẻ em và phụ nữ.[50]

 

Thứ sáu, các cơ quan thực thi pháp luật chưa được phép sử dụng các kỹ thuật điều tra bí mật để phát hiện và điều tra các trường hợp lạm dụng tình dục trực tuyến khiến cho quá trình điều tra và truy tố chủ yếu phụ thuộc vào lời khai của nạn nhân và người phạm tội. Các kỹ thuật điều tra bí mật nếu được phép sử dụng cũng sẽ mang lại hiệu quả phòng ngừa tội phạm không nhỏ. Hiện nay, chủ yếu thực thi pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em bắt đầu sau khi tội phạm đã được thực hiện.

 

Thứ bảy, kiến thức về lạm dụng tình dục nam giới ở Campuchia của cơ quan, người có thẩm quyền thực thi pháp luật và thực hiện công tác phúc lợi xã hội còn hạn chế, do vậy, còn thiếu sự đồng cảm với các nạn nhân của lạm dụng tình dục là nam giới. Điều này xuất phát từ một số vấn đề được coi là truyền thống trong xã hội Campuchia, nam giới được coi là đối tượng mạnh mẽ, bất khả xâm phạm và có khả năng tự bảo vệ mình, do đó, dù cho nam giới trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục, họ cũng không cần hỗ trợ. Trong những năm gần đây một số tổ chức phi chính phủ tại Campuchia đã bắt đầu quan tâm thực hiện các chương trình hỗ trợ nam giới và cung cấp các khoa đào tạo có liên quan cho các cơ quan, cá nhân thực hiện công tác phúc lợi xã hội và thực thi pháp luật.

 

Thứ tám, cơ quan cảnh sát thiếu sự chủ động trong việc điều tra các báo cáo về bạo lực trẻ em, đặc biệt là khai thác tình dục trẻ em mà có xu hướng chờ đợi cho đến khi có lượng thông tin đáng kể mới bắt đầu điều tra, điều này hạn chế khả năng can thiệp sớm của Chính phủ đối với các vụ việc bạo lực trẻ em ở Campuchia. Một nghiên cứu của UNICEF đã chỉ ra rằng rất ít trường hợp cảnh sát tiếp cận nạn nhân của bạo lực trẻ em để chủ động thuyết phục/yêu cầu nạn nhân nộp đơn tố cáo (chỉ có hai trong số 54 trường hợp) và đó là trường hợp cảnh sát đang điều tra một vụ án có nhiều nạn nhân và đã chủ động yêu cầu các em nộp đơn khiếu nại và đứng ra làm chứng chống lại kẻ phạm tội[51].

 

Thứ chín, hệ thống tư pháp Campuchia đang phát triển nhưng vẫn chưa được trang bị đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công lý của trẻ em, cho dù là nạn nhân của bạo lực trẻ em hay là nhân chứng. Hiện nay, Campuchia không có cơ chế độc lập để nhận và giải quyết các khiếu nại của trẻ em liên quan đến các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Các cơ chế khiếu nại theo quy định của pháp luật hiện hành bị đánh giá là không dễ tiếp cận ở cấp độ cộng đồng và không thân thiện với trẻ em. Pháp luật hiện hành quy định thủ phạm có quyền mời luật sư qua dịch vụ pháp lý của Hiệp hội luật sư nhưng không trao cho nạn nhân quyền tương tự.

 

Thứ mười, sự phối hợp ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, sự phối hợp trong và giữa các bộ có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em còn yếu kém và các vấn đề bảo vệ trẻ em hiếm khi được tích hợp vào các kế hoạch phát triển cấp xã.

 

Mười một, pháp luật Campuchia không có quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em và hỗ trợ nạn nhân/nhân chứng trong và sau quá trình tố tụng hình sự từ phía cơ quan nhà nước và hệ thống pháp luật của Campuchia còn thiếu một đạo luật bảo vệ trẻ em toàn diện[52]. Trong thực tế, các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Campuchia đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hành vi bạo lực trẻ em ra toà và bảo vệ các em. Trong nghiên cứu của UNICEF, phần lớn trẻ em (65%) Campuchia đang sống ở nơi trú ẩn do các NGO thành lập tại thời điểm diễn ra phiên toà của mình và rất nhiều gia đình đánh giá cao sự hỗ trợ của các NGO. Trong các kết luận năm 2015, Ủy ban về Quyền của trẻ em liên hợp quốc cũng đã lưu ý về sự thiếu vắng các chương trình phục hồi và tái hòa nhập gia đình, cộng đồng cho nạn nhân của bạo lực trẻ em của Nhà nước ở Campuchia. Trong khi đó, tại Campuchia, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực quyền trẻ em vẫn bị hạn chế khi tham gia xây dựng chính sách, luật pháp và chiến lược của chúng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em.

 

3.2. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam

 

Nhận thức được tình trạng bạo lực trẻ em trong nước và trên thế giới ngày càng ra phức tạp và có sự gia tăng về số lượng vụ việc, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và truyền thống văn hoá của dân tộc. Ở Việt Nam, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực trẻ em được quy định trong Hiến pháp năm 1992 và được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, luật như Bộ luật hình sự năm 2015, Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình năm 2008, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Trẻ em năm 2016,…và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

Trên cơ sở đánh giá hệ thống pháp luật Campuchia về phòng, chống bạo lực trẻ em và thực tiễn thi hành, có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực trẻ em nói riêng.

 

Một là, cần luôn chú trọng công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, đặc biệt là kiến thức, kỹ năng và pháp luật về phòng, chống xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Xây dựng đa dạng các kênh truyền thông, giáo dục để giúp cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ và trẻ em dễ dàng cập nhật các thông tin, kiến thức và kỹ năng mới.

 

Hai là, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ trẻ em, trong đó, cần chú trọng hoàn thiện hệ thống thiết chế, xây dựng và đào tạo các cán bộ xã hội ở cấp địa phương, đảm bảo nguồn ngân sách cho các hoạt động bảo vệ trẻ em của địa phương, đồng thời cải thiện sự phối hợp cấp quốc gia của các cơ chế bảo vệ trẻ em các cấp.

 

Ba là, cần xây dựng kế hoạch thực hiện và phân bổ ngân sách phù hợp cho việc thực hiện các chính sách, chương trình bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực trẻ em nói riêng tại các địa phương và cơ sở giáo dục - đào tạo, chăm sóc.

 

Bốn là, tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ làm việc về quyền trẻ em để cung cấp hướng dẫn cho các cơ quan thực thi pháp luật, như cảnh sát và thẩm phán, để đáp ứng tốt hơn với lạm dụng trẻ em.

 

Năm là, xây dựng hệ thống thông tin quản lý quốc gia toàn diện về bảo vệ trẻ em để xác định, hỗ trợ và theo dõi tiến trình của hầu hết trẻ em dễ bị tổn thương và cung cấp thông tin công khai để hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền trẻ em và các nhóm công dân để bảo vệ trẻ em tốt hơn và ngăn ngừa lạm dụng.

 

Sáu là, các bộ, ngành, địa phường cần thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực trẻ em, sớm phát hiện và xử lý những hành vi tham nhũng ở các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, cần có một hệ thống liên quan đến công dân, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên tham gia và giám sát việc thực hiện tại địa phương các chính sách và chương trình liên quan đến quyền trẻ em.

 

Bảy là, cần thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực trẻ em để khắc phục những xung đốt, lỗ hổng trong pháp luật và đảm bảo pháp luật phù hợp với thực tiễn.

 

Tám là, cần xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn để nâng cao kiến thức và kỹ năng về phát hiện, điều tra tội phạm về bạo lực trẻ em, đặc biệt là tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến - một hình thức tội phạm mới đang có sự gia tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm và đa dạng về thủ đoạn cho cán bộ các cơ quan điều tra hình sự, cơ quan xét xử.

 

Chín là, cần xây dựng và triển khai các cơ chế bảo vệ trẻ em, hỗ trợ/giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực trẻ em; các chương trình phục hồi, tái hoà nhập gia đình và cộng đồng cho các nạn nhân của bạo lực trẻ em.

 

 

Chú thích


[1] UNICEF (2017), “The State of the World’s Children 2017”, 174, as referenced in ECPAT International (2018), “Cambodia, ECPAT Country Overview: A report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children”.


[2] Steering Committee on Violence Against Children, Findings from Cambodia’s Violence Against Children Survey, 2013.

[3] United Nations Children’s Fund, Legal Protection from Violence. Analysis of Domestic Laws Related to Violence against Children in ASEAN member states, UNICIEF EAPRO, Bangkok, 2015, tr.81.

[4] Jordanwood, M., 2016. Protecting Cambodia’s Children? Phnom Penh: World Vision Cambodia, tr.14

[5] ECPAT, Country review a report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children,tr8

[6] Jordanwood, M., 2016. Protecting Cambodia’s Children? Phnom Penh: World Vision Cambodia, tr.8

[7] Chea Vannak (2017), “More than 2 million Chinese tourists expected by 2020”, Khmer Times, http:// www.khmertimeskh.com/5088631/2-million-chinese-tourists-expected-2020/.

[8] Hawke, Angela and Raphael, Alison (2016), Offenders on the Move: Global Study on Sexual Exploitation of Children in Travel and Tourism Bangkok: ECPAT International, 40.

[9] U.S. Department of State (2016), “Trafficking in Persons Report”, 119, https://www.state.gov/j/tip/rls/tiprpt/2016/, truy cập ngày 20 tháng 03 năm 2020.

[10] Catrin Rosquist, “No Child's Play: Migration, Child Labour and Sexual Exploitation in Thailand and Cambodia”, Tourism Watch, https://www.tourism-watch.de/en/content/no-childs-play-migration-child-labour-and-sexual-exploitation-thailand- and-cambodia, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2020.

[13] Cambodia Action Planto Prevent and Respond to Violence Against Children 2017-2021, tr.5

[15] ECPAT, Country review a report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children.

[16] U.S. Department of State, “Cambodia 2016 Human Rights Report”, tr.28

[17] ECPAT, Country review a report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children, tr.14

[18] Như trên, tr.9

[19] ECPAT, Country review a report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children, tr.4.

[20] Tiểu mục I - Phần 4 - Chương 1 - Quyển 2 - Bộ luật dân sự Campuchia 2007.

[21] UNICEF, Promoting and protecting the rights of children: a formative evaluation of UNICEF’s child protection programme in Cambodia, Final report - Volume 1 (August 2017 - September 2018).

[22] Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[23] Một đứa con riêng bị cha dượng ngược đãi hay một đứa trẻ bị một người chú sống trong nhà lạm dụng thân thể hay tình dục có thể không được bảo vệ theo luật này vì nạn nhân trong những trường hợp này không phải là người phụ thuộc.

[24] Xem thêm Điều 8 Luật Phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[25] Committee on the Rights of the Child, Combined fourth to sixth reports submitted by Cambodia under article 44 of the Convention, due in 2018, (B,62).

[26] Xem thêm Điều 9 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[27] Xem thêm Điều 25 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[28] Xem thêm Điều 22 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[29] Xem thêm Điều 28 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

[30] Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân năm 2005.

[31] Xem Điều 34 Luật TIPSE.

[32] Sexual Exploitation of Children in Cambodia Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Cambodia.

[33] Xem Điều 41 Luật TIPSE.

[34] Xem Điều 50 và Điều 68 Luật du lịch Campuchia 2009.

[35] Child Safe Organizations, Report: KHMER NGO for education (KHEN), 2016, pp.30.

[36] Xem thêm Điều 177 Luật lao động Campuchia năm 1997.

[37] Xem Điều 15 Luật lao động Campuchia năm 1997.

[38] Xem Điều 233 Luật lao động Campuchia năm 1997.

[39] Xem Điều 178 Luật lao động Campuchia năm 1997.

[40] Promoting and protecting the rights of children: a formative evaluation of UNICEF’s child protection programme in Cambodia, Final report - Volume I August 2017 - September 2018, pp. 5 

[41] APLE là một tổ chức phi chính phủ quốc tế được thành lập tại Phnom Penh - Campuchia vào năm 2003 với mục đích đối phó với bạo lực tình dục, bóc lột tình dục trẻ em và hỗ trợ các nạn nhân trẻ. Tổ chức này làm việc với các chính phủ, các cơ quan quốc tế trong việc phòng ngừa, bảo vệ nạn nhân và thúc đẩy quá trình tố tụng.

[42] APLE, Expert paper, Travelling child sex offenders in Cambodia, pp.2

[43] APLE, Expert paper, Travelling child sex offenders in Cambodia, pp.2.

[44] APLE & ECPAT InternationalSexual Exploitation of Children in Cambodia Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Cambodia to the Human Rights Council 32nd Session (January-February 2019) UPR third cycle 2017 – 2021, 47, pp.11.

[45] APLE, Expert paper, Travelling child sex offenders in Cambodia, pp.3.

[46] ECPAT, Country overview: A report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children - Cambodia, pp.26.

[47] UNICEF, A statistical profile of child protection in Cambodia, pp.15, https://www.unicef.org/cambodia/media/711/file/Cambodia_Report_Final_web_ready_HIGH.pdf%20.pdf

[48] Promoting and protecting the rights of children: a formative evaluation of UNICEF’s child protection programme in Cambodia, Final report - Volume I August 2017 - September 2018, pp.7.

[49] UNICEF, A statistical profile of child protection in Cambodia, pp.15, https://www.unicef.org/cambodia/media/711/file/Cambodia_Report_Final_web_ready_HIGH.pdf%20.pdf

[50] UNICEF, A statistical profile of child protection in Cambodia, pp.15, https://www.unicef.org/cambodia/media/711/file/Cambodia_Report_Final_web_ready_HIGH.pdf%20.pdf

[51] APLE & ECPAT InternationalSexual Exploitation of Children in Cambodia Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Cambodia to the Human Rights Council 32nd Session (January-February 2019) UPR third cycle 2017 – 2021, 49, pp.11.

[52] APLE & ECPAT InternationalSexual Exploitation of Children in Cambodia Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Cambodia to the Human Rights Council 32nd Session (January-February 2019) UPR third cycle 2017 – 2021, 50, pp.11.

 

Tài liệu tham khảo

 

1. Công ước về quyền trẻ em (CRC) năm 1989.

 

2. Công ước ASEAN về buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2016.

 

3. Hiến pháp Campuchia năm 1993.

 

4. Bộ luật dân sự Campuchia năm năm 2007.

 

5. Bộ luật hình sự Campuchia năm 2009.

 

6. Luật ngăn chặn buôn bán người và bạo lực tình dục Campuchia năm 2008.

 

7. Luật phòng chống bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân Campuchia năm 2005.

 

8. Luật hôn nhân và gia đình Campuchia năm 1989.

 

9. Luật giáo dục Campuchia năm 2007.

 

10. Luật lao động Campuchia năm 1997.

 

11. Luật du lịch Campuchia năm 2009.

 

12. Dự thảo mới V.1 về Luật tội phạm mạng Campuchia.

 

13. APLE & ECPAT (2019), International Sexual Exploitation of Children in Cambodia Submission 9 July 2018 for the Universal Periodic Review of the human rights situation in Cambodia to the Human Rights Council 32nd Session (January-February 2019) UPR third cycle 2017 – 2021.

 

14. APLE, Expert paper, Travelling child sex offenders in Cambodia, truy cập tại link: https://www.ecpat.org/wp-content/uploads/2016/10/4.2-Expert-Paper-Action-Pour-Les-Enfants-APLE.pdf ngày 17/3/2020.

 

15. Committee on the Rights of the Child, Combined fourth to sixth reports submitted by Cambodia under article 44 of the Convention, due in 2018.

 

16. Child Safe Organizations (2016), Report: KHMER NGO for education (KHEN).

 

17. ECPAT (2018), Country overview: A report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children - Cambodia.

 

18. UNICEF (2018), Promoting and protecting the rights of children: a formative evaluation of UNICEF’s child protection programme in Cambodia, Final report - Volume 1 (August 2017 - September 2018).

 

19. UNICEF (2017), “The State of the World’s Children 2017”, as referenced in ECPAT International (2018), “Cambodia, ECPAT Country Overview: A report on the scale, scope and context of the sexual exploitation of children”.

 

20. United Nations Children’s Fund (2015), Legal Protection from Violence. Analysis of Domestic Laws Related to Violence against Children in ASEAN member states, UNICIEF EAPRO, Bangkok.

 

21. U.S. Department of State (2016), “Cambodia 2016 Human Rights Report”.

 

22. Hawke, Angela and Raphael, Alison (2016), Offenders on the Move: Global Study on Sexual Exploitation of Children in Travel and Tourism Bangkok: ECPAT International.

 

23. U.S. Department of State (2016), “Trafficking in Persons Report”, 119, https://www.state.gov/j/tip/rls/tiprpt/2016/, truy cập ngày 20 tháng 03 năm 2020.

 

24. Catrin Rosquist, “No Child's Play: Migration, Child Labour and Sexual Exploitation in Thailand and Cambodia”, Tourism Watch, https://www.tourism-watch.de/en/content/no-childs-play-migration-child-labour-and-sexual-exploitation-thailand- and-cambodia, truy cập ngày 20 tháng 3 năm 2020.

 

25. APLE Cambodia (2014), “Investigating Travelling Child Sex Offender”, https://aplecambodia.org/wp-content/uploads/2015/03/Analytical-Report-on-Investigating-Traveling-Child-Sex-Offenders-Web-Version.pdf

 

26. Child protection UNICEF Programme 2019-2023, https://www.unicef.org/cambodia/media/2336/file/CountryProgramme_Child%20Protection.pdf?fbclid=IwAR10o8xgN7PF1wWB4TUL8a4lXmg7cGYp1UccRKY1v5QhcopvneAz0GkKnZw, truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2020.

 

27. Cambodia Action Planto Prevent and Respond to Violence Against Children 2017-2021, https://www.unicef.org/cambodia/press-releases/safer-internet-day-unicef-calls-concerted-action-prevent-bullying-and-harassment-857, truy cập ngày 4 tháng 4 năm 2020.

 

28. UNICEF (2018), A statistical profile of child protection in Cambodia, https://www.unicef.org/cambodia/media/711/file/Cambodia_Report_Final_web_ready_HIGH.pdf%20.pdf, truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2020.

 

29. ECPAT, Global monitoring status of action against commercial sexual exploitation children, Cambodia, 2nd edition, https://www.ecpat.org/wp-content/uploads/2016/04/a4a_v2_eap_cambodia.pdf, truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2020.

 

 

 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516