Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐào tạo cử nhân ngành Quản trị khách sạn gắn với định hướng phát triển nghề nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Đào tạo cử nhân ngành Quản trị khách sạn gắn với định hướng phát triển nghề nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Saturday, 21 December 2024 02:35

Nguyễn Thị Bích Phượng

Cao Thị Thanh

Phạm Thu Hà

Trần Thị Lan Hương

Trường Ngoại ngữ - Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Email: phuongntb@haui.edu.vn

Nhận bài ngày 08/12/2024. Sửa chữa xong 12/12/2024. Duyệt đăng 15/12/2024.

Abstract

In recent years, the Tourism and Service sector, specifically Hotel Management have been lacking manpower, espcially manpower with education, credentials, management ability, fluency in working skills and foreign languages. Based on the results of the surveys on manpower demand from the hotel management sector and education experience from Switzerland, Australia,… The Falculty of Hospitality Management - HaUI has been developed career oriented solutions in the bachelor's degree of Hotel Management program.

Keywords: Career orientation, Bachelor of Hotel Management, Hanoi University of Industry.

1. Giới thiệu

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, dự kiến tổng thu từ khách du lịch đạt từ 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng đóng góp khoảng 14-15% GDP [1]. Theo Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định ngành du lịch cần khoảng 485.000 lao động trong các cơ sở lưu trú cho công suất trên 70%, trong đó nhân sự quản trị cần khoảng 45.000 người [12]. Hiện cả nước có 62 trường đại học đào tạo cử nhân nhóm ngành du lịch, quản trị khách sạn, tuy nhiên, công tác đào tạo còn khoảng cách so yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Qua khảo sát, hệ thống cơ sở lưu trú của các tập đoàn Marriott International, Accor Hotels, VinGroup ... đều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự đã qua đào tạo bài bản, giỏi nghiệp vụ, sau tuyển dụng, dù nhân sự đúng ngành học vẫn tốn nhiều thời gian, chi phí đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng nghề nghiệp.

Nhận thức được thực trạng này, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiên cứu chỉnh sửa chương trình đào tạo Cử nhân ngành Quản trị khách sạn, triển khai các giải pháp nâng cao định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn,…

2. Cơ sở lý thuyết

Trong nhiều thập kỉ qua, nghiên cứu định hướng phát triển nghề nghiệp đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của một số nhà khoa học quốc tế và Việt Nam với một số nội dung nghiên cứu:

+ Lý thuyết tự xác định (Self – Determination Theory, Blais et al.): Lý thuyết tự xác định chia động cơ phát triển công việc ra làm hai nhóm: động cơ bên trong và động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong: xuất hiện khi người lao động làm một việc gì đó bởi vì họ thích thú và hài lòng khi thực hiện nó, còn động cơ bên ngoài xuất hiện khi làm một việc gì đó bởi một lý do từ bên ngoài. Động cơ bên ngoài: được chia thành nhiều loại khác nhau và các loại động cơ này có thể được sắp theo một chuỗi mức độ để thể hiện sự tiếp nhận các mục tiêu. Cụ thể, động cơ bên ngoài của người lao động có thể chia thành 5 nhóm với mức độ động cơ tăng dần (Ryan & Deci 2002; Tremblay et al. 2009): (1).Sự thụ động (Amotivation): người lao động thiếu ý định để hành động hoặc hành động một cách thụ động. (2).Sự điều chỉnh từ bên ngoài (External Regulation) tức là người lao động làm việc chỉ để có thu nhập, có phần thưởng. (3).Sự điều chỉnh do ý thức (Introjected Regulation): là sự điều chỉnh hành vi thông qua sự tự đánh giá. (4).Sự điều chỉnh theo mục tiêu (Identified Regulation): có nghĩa là người lao động làm việc vì người đó xác định được ý nghĩa hay giá trị của nó và xem như mục tiêu của bản thân mình. (5).Sự điều chỉnh để hòa nhập (Intergrated Regulation): là sự xác định rằng giá trị của một nghề nghiệp trở thành một phần cống hiến cá nhân của người lao động đối với cộng đồng [5], [8].

+ Lý thuyết phát triển xã hội nghề nghiệp (Social cognitive career theory - SCCT, Lent, R.W. Brown, S.D. và Hackett, G.): Lý thuyết này căn bản dựa trên lý thuyết nhận thức xã hội (Bandura, 1986), nghiên cứu này tìm hiểu việc quyết định nghề nghiệp và sở thích học tập sẽ hình thành như thế nào, việc lựa chọn nghề nghiệp sẽ phát triển như thế nào và làm thế nào việc lựa chọn được chuyển thành hành động. Điều này đạt được thông qua sự tác động của các yếu tố: năng lực bản thân, sự kỳ vọng vào kết quả đạt được và mục tiêu nghề nghiệp (Lent et al. 1994). Kết quả nghiên cứu của mô hình SCCT cho thấy định hướng phát triển nghề nghiệp được điều chỉnh theo niềm tin dựa trên năng lực bản thân, sự kỳ vọng vào nghề nghiệp [7].

Trên cơ sở các lý thuyết đã đề cập. các nhà nghiên cứu đã có một số công trình nghiên cứu liên quan đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên:

+ Tan (2012): Trên cơ sở nghiên cứu định hướng nghề nghiệp tại Singapore trình bày hoạt động định hướng nghề nghiệp tại các trường đại học được thực hiện qua 3 giai đoạn: (1). Cung cấp thông tin; (2). Đưa định hướng nghề nghiệp thành một phần của chương trình đào tạo; (3). Định hướng nghề nghiệp gắn kết với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và sự chuyển đổi vai trò của các giáo viên nghề nghiệp từ “chuyên gia” thành “người tạo điều kiện” cho sinh viên [9].

+ Hao ( 2015): Trong nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp tại một số trường đại học của Trung Quốc đã đưa ra mô hình “ five aspects in one” - tạm hiểu là mô hình 5 khía cạnh trong định hướng nghề nghiệp cho sinh viên - bao gồm: (1). Lựa chọn các môn học chính; (2). Lên kế hoạch việc làm; (3). Nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm; (4). Phát triển nghề chuyên môn; (5). Gia nhập nghề nghiệp thành công [2].

+ Phạm Đình Duyên (2014): Trong nghiên cứu về định hướng giá trị nghề nghiệp cho sinh viên ngành sư phạm đã chỉ ra nhiều sinh viên chưa nhận thức đúng đắn về giá trị nghề nghiệp mình lựa chọn theo đuổi học tập và chưa thực sự tự giác học tập, rèn luyện nghề, chưa tâm huyết với nghề thể hiện: 26,6% sinh viên tham gia khảo sát không duy trì hứng thú với nghề, 20,7% sinh viên được hỏi trả lời nếu có cơ hội sẽ chọn lại ngành học, 12,6% sinh viên không tích cực và thường xuyên rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp [6].

+ Trần Thị Phụng Hà (2015): Trên cơ sở kết quả khảo sát từ sinh viên thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã chỉ ra thực trạng quan niệm của sinh viên với vấn đề việc làm và định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên: Phần đông sinh viên lo lắng cho tương lai có thể thất nghiệp và tự vạch cho mình chiến lược rèn luyện thái độ, kĩ năng nghề nghiệp bằng nhiều biện pháp khác nhau. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra định hướng phát triển nghề nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, có sự khác biệt theo thời gian về nhận thức, thái độ và kĩ năng nghề nghiệp [10].

+ Nguyễn Trần Sỹ và nnk (2018): Từ kết quả khảo sát 516 sinh viên cơ sở 2 Trường Đại học Ngoại Thương chỉ ra các biến quan sát nhận thức nghề nghiệp, kĩ năng nghề nghiệp và thái độ nghề nghiệp có tác động tích cực đến định hướng phát triển nghề nghiệp của sinh viên, sinh viên có nhận thức rất rõ ràng về giá trị cho nghề nghiệp nhận được từ chương trình đào tạo [4].

3. Kinh nghiệm quốc tế về định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn

3.1. Australia

Một số trường đại học của Australia được đánh giá cao về chất lượng đào tạo cử nhân  ngành Quản trị khách sạn như:  trường Southern Cross, trường Le Cordon Bleu, trường Blue Mountains International Hotel Management School, trường William Blue College, trường Holmes Institute,…Các đặc điểm nổi bật của hệ thống đào tạo ngành Quản trị khách sạn tại Australia là:

+ Cơ sở vật chất các trường chuyên ngành như Le Cordon Bleu, ICHM, Blue Mountains, William Angliss, William Blue… đều được trang bị cơ sở vật chất hiện đại cũng như sở hữu khách sạn ngay trong khuôn viên trường để sinh viên rèn luyện kỹ năng, trực tiếp tham gia vận hành, học cách quản lý khách sạn. Sinh viên được học tập và ăn ở hàng ngày trong môi trường làm việc trong tương lai, vì vậy mỗi ngày học tại đây là một ngày trải nghiệm gắn nghề nghiệp và tích lũy kinh nghiệm.

+ Các trường ngành Quản trị khách sạn tại Australia đang thực hiện đào tạo theo phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Các chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển dựa trên mô hình của Thụy Sĩ. Sinh viên ngành khách sạn sẽ học lý thuyết 6 tháng, thực tập 6 tháng với cơ hội hưởng lương cao. Thời gian thực tập tại các trường là 6 – 18 tháng tùy trường và chương trình đào tạo. Trong quá trình thực tập, sinh viên được đào tạo để áp dụng các kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, trau dồi các kỹ năng mềm cần thiết như: kĩ năng giao tiếp, quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, marketing, dịch vụ khách hàng, khả năng lãnh đạo và điều hành nhà hàng, khách sạn,… 

+ Vừa học vừa làm với chương trình thực tập hưởng lương: Bên cạnh việc học lý thuyết chương trình đào tạo thường xen kẽ lý thuyết và thực hành trong thời gian học để sinh viên có thể nắm vững kiến thức lẫn nâng cao kỹ năng làm việc. Sinh viên sẽ được thực tập trong thực tiễn tại các khách sạn có chất lượng từ 4 sao trở lên để đảm bảo khả năng làm việc thực tế tốt nhất sau khi ra trường và được nhận lương trong suốt quá trình thực tập từ 6-9 tháng với mức lương thực tập dao động từ $AUD12,000- $AUD30,000. Khi kết thúc thời gian thực tập, bên cạnh việc tạo dựng được mối quan hệ tốt với các nhà tuyển dụng, sinh viên dễ dàng có cơ hội được giữ lại làm việc tại nơi mình thực tập hoặc nhận được thư giới thiệu từ các chuyên gia trong ngành nếu bạn hoàn thành tốt công việc của mình.

3.2. Thụy Sĩ

Thụy Sĩ là cái nôi đào tạo quản trị khách sạn, là nơi thành lập trường quản trị khách sạn đầu tiên trên thế giới – Ecole Hôtelière de Lausanne năm 1893. Hệ thống các trường đào tạo quản trị khách sạn danh tiếng tại Thụy Sĩ là: Học viện Glion, Học viện Khách sạn Montreux (HIM), Học viện SHMS, Học viện Nghệ thuật Ẩm thực (CAA), Học viện Les Roches,…Chương trình đào tạo Quản trị khách sạn tại các trường của Thụy Sĩ được đánh giá cao với một số đặc điểm nổi bật:

+ Sinh viên cũng được chú trọng phát triển các kỹ năng mềm với một số triết lý cơ bản trong đào tạo là: Tôn trọng khách hàng; Sự chính xác, nghiêm khắc, chú ý đến từng chi tiết, thận trọng, tin cậy; Sự chuyên nghiệp và không ngừng đổi mới.

+ Chương trình học theo hướng là kết hợp lý thuyết + thực hành. Lồng ghép nhiều yếu tố kinh doanh thực tế trong chương trình đào tạo. Các học phần chú trọng cả về kiến thức chuyên ngành (nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, …) kết hợp với yếu tố kinh doanh qua các học phần quản lý chi phí, doanh thu, phân tích tài chính, marketing, quản lý tổ chức sự kiện,… Do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp không chỉ làm việc được trong khu nghỉ dưỡng, khách sạn, tổ chức du lịch mà còn có thể thử sức ở các lĩnh vực khác như kinh doanh, tài chính, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…

+ Đặc biệt chú trọng phát triển kỹ năng nghề nghiệp: Thực tập là một phần bắt buộc trong chương trình đào tạo ngành quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ. Sinh viên được yêu cầu hoàn thành 1-3 kỳ thực tập, tương ứng 6 -18 tháng (tùy trường, tùy khóa học). Trong kỳ thực tập, sinh viên sẽ có cơ hội: Ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế công việc; Phát triển thêm nhiều kỹ năng mềm khác; Tạo dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ nghề nghiệp; Xây dựng hồ sơ năng lực hay có cơ hội nhận được thư giới thiệu việc làm nếu hoàn thành tốt kỳ thực tập,…

4. Kết quả nghiên cứu và các giải pháp hỗ trợ định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội 

Định hướng phát triển nghề nghiệp là một phần quan trọng trong hoạt động đào tạo, giúp cho sinh viên hoàn thành tốt quá trình học tập và gia nhập nghề nghiệp thành công. Vì vậy làm tốt hoạt động định hướng phát triển nghề nghiệp trong quá trình đào tạo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.   

Kết quả nghiên cứu hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo cử nhân Quản trị khách sạn quốc tế tại Thụy Sĩ và Australia cho thấy: Là những quốc gia rất thành công trong phát triển ngành du lịch, chất lượng đào tạo nhân lực ngành Quản trị khách sạn đã được kiểm chứng và  thành công trong thực tế với một số điểm chung nổi bật là: 

Sự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn để phục vụ đào tạo nghề tại trường; 

Chương trình đào tạo theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; 

Có sự gắn bó giữa nhà trường và các cơ sở lưu trú trong suốt quá trình đào tạo, nhà trường là địa chỉ phối hợp đào tạo theo yêu cầu thực tế và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng đã qua đào tạo cho các khách sạn, resort,…

Thời gian thực tập thường kéo dài từ 6-18 tháng, sinh viên được phát triển và rèn luyện năng lực làm việc chuyên nghiệp thông qua môi trường thực tế.

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, Khoa Quản trị Nhà hàng - Khách sạn đã phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản trị khách sạn: 

Thứ nhất, về tăng cường nhận thức định hướng phát triển nghề nghiệp: Tỷ lệ chuyển ngành, thôi học toàn khóa ngành Quản trị khách sạn Khóa 13 (2018 – 2022) là hơn 11%, điều này gây lãng phí thời gian, chi phí cho cả bản thân người học, gia đình và nhà trường, đồng thời có những tác động tiêu cực đến tâm lí sinh viên. Vì vậy, công tác định hướng nghề nghiệp cần được thực hiện từ khi bắt đầu tuyển sinh, cung cấp cho các thí sinh thông tin cần thiết về ngành học, để khi quyết định lựa chọn học ngành Quản trị khách sạn, sinh viên đã có sự hiểu biết cơ bản về ngành nghề. Bên cạnh đó, duy trì và phát triển hoạt động của các câu lạc bộ nghề nghiệp như câu lạc bộ lễ tân, câu lạc bộ pha chế, câu lạc bộ nghiệp vụ Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, hoặc phối hợp cùng Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi nghề nghiệp như: “Cuộc thi Nghiệp vụ khách sạn”,  “Cuộc thi Bàn tay vàng pha chế”,…Mặc dù đang trong giai đoạn đầu của việc triển khai các hoạt động tăng cường nhận thức nghề nghiệp, nhưng kết quả bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực: tỷ lệ chuyển ngành, thôi học toàn khóa ngành Quản trị khách sạn đã giảm từ 11% đối với  Khóa 13 (2018-2022) xuống mức 8,3% đối với Khóa 14 (2019-2023).

Thứ hai, về cơ sở vật chất: Với sự đầu tư của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo đã được đầu tư mới đồng bộ, đạt tiêu chuẩn 4* ngay trong khuôn viên nhà trường và được đưa vào phục vụ giảng dạy đào tạo các ngành Du lịch, Quản trị dịch vụ lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống từ năm học 2022 - 2023 sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ sinh viên tiếp cận gần hơn với thực tế nghề nghiệp.

Thứ ba, về chỉnh sửa chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị khách sạn đã được chỉnh sửa theo hướng có sự tương đồng cao với các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, trao đổi trong quá trình đào tạo và hướng tới mục tiêu kiểm định chất lượng quốc tế. Cụ thể trong chương trình hiện nay khối lượng đào tạo dành cho các học phần Tham quan các mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú, Thực hành, Thực tập chiếm hơn 30% thời lượng của chương trình đào tạo. Khoa cũng dự kiến xây dựng lộ trình đào tạo để sinh viên có thể tiếp cận dần với nghề nghiệp ngay từ năm thứ nhất qua các học phần: Tổng quan ngành quản trị nhà hàng – khách sạn, Nghiệp vụ pha chế cơ bản,…, đồng thời đảm bảo bố trí các học phần thực tập cơ sở ngành, thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp được bố trí nối tiếp trong học kì với thời lượng 15 tín chỉ thực tập tại cơ sở lưu trú. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở lưu trú khi tiếp nhận sinh viên thực tập và bố trí công việc có hưởng lương cho các bạn thực tập sinh ngành Quản trị khách sạn. 

Thứ tư, sự tham gia của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào quá trình đào tạo: Ngay từ khâu xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo, Khoa đã chủ động khảo sát xin ý kiến của đại diện các khách sạn, resort. Bên cạnh các ý kiến đánh giá các nội dung chương trình đào tạo theo Phiếu khảo sát, đã ghi nhận các ý kiến đóng góp về kĩ năng nghề nghiệp, mức độ yêu cầu từ góc độ người sử dụng lao động đối với người học là căn cứ quan trọng để Khoa đề xuất các nội dung chỉnh sửa chương trình đào tạo. Quá trình thực hiện đào tạo, từ năm học 2022 - 2023 đến nay đã triển khai sự phối hợp đào tạo kĩ năng và phát triển năng lực nghề nghiệp từ các chuyên gia của các doanh nghiệp trong các học phần (ví dụ: sự tham gia đào tạo của Trưởng bộ phận Buồng của khách sạn Daewoo trong học phần nghiệp vụ buồng dành cho sinh viên Khóa 15, 16, 17, 18). Đặc biệt là trong quá trình thực tập dài hạn tại các cơ sở lưu trú sinh viên đã được đào tạo tại chỗ theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo hình thức đào tạo liên thông từ thấp đến cao, từ lao động giản đơn đến giám sát, quản lí các cấp.

5. Kết luận

Định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên một vấn đề cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt đối với nhóm ngành Du lịch nói chung và ngành Quản trị khách sạn nói riêng. Khoa Quản trị Nhà hàng – Khách sạn, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai các giải pháp hỗ trợ định hướng phát triển nghề nghiệp cho sinh viên từ giai đoạn tuyển sinh lựa chọn ngành nghề đến quá trình đào tạo trong nhà trường và tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của các giải pháp cần sự hỗ trợ từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, từ các bên liên quan tham gia vào quá trình đào tạo (người học, đơn vị tuyển dụng,…) và cần tiếp tục có các nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

[1] Chính phủ (2020), Quyết định 147/QĐ-TTg ban hành ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. 

[2] Hao, D. Sun, V.J &Yuen.M (2015),  Toward a model of career guidance and counseling for university students in China,  Internationnal Journal for the Advancement of Counselling, 37(2), 155-167

[3] Lê, Đ.P (2019), Một số vấn đề về giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp trong đào tạo nhân lực, Viện khoa học Giáo dục nghề nghiệp, nguồn: http://nivet.org.vn/, truy cập ngày 1/10/2022. 

[4] Nguyễn, T.S, Trương, B.P. & Huỳnh, H.H (2018), Các yếu tố tác động đến  định hướng nghề nghiệp của sinh viên cơ sở II  Trường Đại học Ngoại thương, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 106, trang 107-123.

[5] Niemec C.P. & Ryan R.M (2009), Autonomy, competence, and relatedness in the classroom: Applying self-determination theory to educational practice, Theory and Research in Education, vol 7(2), 133-144. 

[6] Phạm Đình Duyên (2014), Thực trạng và biện pháp giáo dục định hướng giá trị nghề sư phạm cho sinh viên các trường ĐH - CĐ hiện nay, Tạp chí khoa học, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, số 54.

[7] Randall Stross (2019), Hướng nghiệp trong thời đại 4.0, NXB Lao động.

[8] Stoeber, J.Mutinelli & Corr P.J (2016), Perfectionism in students and positive career planing attitudes, Personality and Individual Differences, 97, 256-269.

[9] Tan,E. (2012), Career guidance in Singapore schools, The Career Development Quarterly, 50(3), 257-263.

[10] Trần Thị Phụng Hà (2015), Định hướng giá trị nghề nghiệp của sinh viên đại học Cần Thơ, Tạp chí Khoa học, Trường ĐH Cần Thơ, số 34, tr 113-125.

[11] Nguồn: https://tuoitre.vn/sang-xu-nguoi-hoc-quan-ly-khach-san-nha-hang-221364.htm truy cập ngày 10/8/2024.

[12] Nguồn: http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/61056/dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nganh-du-lich  truy cập 12/8/2024.

ABSTRACT

 

 

 

 

In recent years, the Tourism and Service sector, specifically Hotel Management have been lacking manpower, espcially manpower with education, credentials, management ability, fluency in working skills and foreign languages. Based on the results of the surveys on manpower demand from the hotel management sector and education experience from Switzerland, Australia,…The Falculty of Hospitality Management - HaUI has been developed career oriented solutions in the bachelor's degree of Hotel Management program.

Keywords:

 

Career orientation, Bachelor of Hotel Management, Hanoi University of Industry

Last modified on

Bình luận

Leave a comment

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516