Nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp có tỷ lệ đỗ cao
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam cho biết: “Việc thi tốt nghiệp năm 2014, nếu chúng ta làm nghiêm túc, số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT chỉ đạt khoảng 60% là cùng.
Thời tôi còn đương chức, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao lắm chỉ đạt 70-80%, làm gì có chuyện đỗ tới gần 100%. Việc ồ ạt cho học sinh đỗ tốt nghiệp mới chỉ diễn ra trong mấy năm gần đây…”
Theo PGS.TS Nhĩ, việc đỗ tốt nghiệp THPT với tỷ lệ gần 100% là chuyện hiếm có, chúng ta nên xem lại cách thi, cách ra đề của Bộ GD-ĐT. Vì học sinh đã học thì phải thi và thi cử để đánh giá ở bậc học phổ thông là rất cần thiết, nhưng phải đánh giá đúng.
Việc tổ chức thi năm nay còn quá hình thức, từ cách ra đề thi đến cách chấm thi không đạt mục đích của một kỳ thi. Cách làm về giáo dục như vậy là bảo thủ, chưa đổi mới. Trong khi đó, Bộ vừa có đề án về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục lấy khâu thi cử làm đột phá.
“Theo tôi, nếu đột phá là phải có đánh giá giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Đó là nhiệm vụ của ngành Giáo dục. Nếu tất cả đều đỗ thì cần gì phải thi. Đã thi là phải có đánh giá và sàng lọc, còn nếu ai cũng đỗ thì thi làm gì.
Tôi cho rằng, việc thi như hiện nay không phản ánh được chất lượng đào tạo và cũng không đáp ứng được yêu cầu của một kỳ thi” – PGS Nhĩ nêu quan điểm.
Hiệp hội các trường ngoài Công lập và Cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần có ý kiến với Bộ nên kết hợp thi tốt nghiệp với tuyển sinh đại học, cao đẳng và phải đánh giá đúng đắn, nghiêm túc thì mới tiết kiệm được công sức, tiền của.
Theo ông Nhĩ, thời tôi còn đương chức, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chỉ 70%
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao như năm nay, đúng như nhiều chuyên gia, dư luận dự báo trước, nhưng Bộ vẫn cứ làm như đã làm, vẫn tổ chức thi phổ thông. Sắp tới là tuyển sinh đại học, cao đẳng. Mọi việc vẫn như cũ, chưa có gì thay đổi.
Theo PGS Nhĩ, việc xét điểm trung bình tốt nghiệp, trong tình hình tiêu cực diễn ra tràn lan cùng với bệnh thành tích như hiện nay, nhiều trường sẵn sàng cho học sinh đủ điểm để thuận lợi trong việc xét tốt nghiệp.
Như vậy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100% là chuyện phổ biến và có thể biết trước. Nếu muốn đánh giá chính xác hơn, chúng ta không chỉ đánh giá mỗi điểm tổng kết năm học lớp 12 mà phải đánh giá cả quá trình từ lớp 10 đến lớp 12.
“Ví dụ, nếu chỉ đánh giá trong năm học lớp 12, nếu chẳng may có học sinh học rất tốt lớp 12 bị đau ốm, mà chỉ đánh giá riêng kết quả học tập năm lớp 12 thì sẽ rất thiệt thòi cho em học sinh đó. Do đó, chúng ta đưa phương pháp đánh giá liên tục trong 3 năm THPT, sự đánh giá sẽ khách quan hơn và bắt buộc học sinh phải có sự cố gắng liên tục.
Còn nếu chỉ đánh giá riêng lớp 12 và đưa ra tỷ lệ 50% chính là đang tạo điều kiện tiêu cực cho các trường, việc đỗ tốt nghiệp không 100% thì sẽ 99%” – PGS Nhĩ phân tích.
Theo Infornet.vn