Trong thời gian vừa qua, câu chuyện tăng giá điện được hầu hết người dân quan tâm và đăng tải nhiều trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau những dự đoán về khả năng tăng giá, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chỉnh tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16/3 tới.
Theo đó, với mức tăng 7,5% này, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ. Trong khi đó, nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.
Giá điện sẽ được EVN điều chỉnh tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16/3 tới. Ảnh minh hoạ
Cùng với việc đồng ý tăng giá điện, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, trong đó năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8% (năm 2014 tỷ lệ này là 8,49%); nâng năng suất lao động toàn Tập đoàn tăng trên 9%.
Chia sẻ về quyết định tăng giá điện này, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc cho biết, trong năm 2014 Tập đoàn đã nhiều lần báo cáo Bộ Công thương điều chỉnh tăng giá điện nhưng do tình hình kinh tế nên giá điện chưa được điều chỉnh.
Cũng theo ông Tri, Bộ Công Thương đã đưa ra 3 phương án, tăng 7,5%; tăng 8,5% và phương án thứ 3 là 9,5%. Sau khi họp bàn và phân tích của các Bộ, ngành thì phương án tăng 7,5% đã được phê duyệt. Cũng nhờ việc điều chỉnh giá này, EVN dự kiến có lãi khoảng 1.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1% vốn chủ sở hữu.
Ông Tri cũng cho rằng, con số lợi nhuận này là quá thấp, bởi mức lợi nhuận bình thường cũng phải khoảng 3%. Tuy nhiên, để đạt được mức này thì giá điện có thể phải tăng 12,8%.
Ông Tri chia sẻ thêm, việc tăng giá điện lên 7,5% dự báo doanh thu năm 2015 toàn tập đoàn tăng thêm 13.000 tỷ. Đối với lợi nhuận được EVN để phục vụ công tác đầu tư xây dựng, đảm bảo điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. “EVN đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên hàng đầu chứ không phải lợi nhuận, nhưng nếu lỗ không có tiền để đầu tư tiếp thì không thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện nóng như hiện nay”, ông Tri nói.
Liên quan đến câu hỏi về việc tăng giá điện vào ngày 16/3 tới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đời sống sinh hoạt người dân, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, với mức tăng giá điện bình quân lên 7,5% thì chi phí tăng thêm cho mỗi gia đình sử dụng 50 kWh điện/tháng là 4.800 đồng. Còn riêng đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tùy theo giá thành từng hộ tiêu thụ mà tăng từ 0,06 đến 0,6% tùy từng lĩnh vực.
EVN cho biết, trong tháng 2/2015 sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 9,6 tỷ kWh. Lũy kế 2 tháng năm 2015, sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 21,69 tỷ kWh, tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy điện chiếm 33,79%, nhiệt điện than chiếm 30,76%, tua-bin khí chiếm 34,27%, nhiệt điện dầu chiếm 0,01% và nhập khẩu Trung Quốc chiếm 1,16%.
Trong tháng 2/2015 đã hoàn thành đóng điện 4 công trình lưới điện truyền tải (trạm biến áp 220kV Hải Dương 2 và nâng công suất các trạm biến áp 220kV Châu Đốc, Xuân Mai, Thành Công). Luỹ kế năm 2015 đã hoàn thành 7/64 công trình lưới điện 220kV.
Liên quan đến nhiệm vụ công tác tháng 3/2015, EVN cũng cho biết, dự kiến tháng 3/2015, sản lượng bình quân toàn hệ thống dự kiến ở mức 436 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 22.430 MW.
Để tiếp tục đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tháng cũng như đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2015, EVN sẽ khai thác hợp lý các nhà máy thủy điện, đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du cho các địa phương; các tổ máy nhiệt điện than khai thác theo kế hoạch điều tiết thuỷ điện; khai thác cao tua-bin khí theo khả năng cấp khí, đảm bảo cấp điện miền Nam và giữ mức nước các hồ thuỷ điện miền Nam.
Theo VnMedia