Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGiáo sư Nguyễn Lân Dũng: Cải cách sách giáo khoa lúc này là cực kỳ phi lý

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Cải cách sách giáo khoa lúc này là cực kỳ phi lý

Thứ hai, 10 Tháng 3 2014 06:05
“Tôi nghĩ đây là câu chuyện cực kỳ phi lý. Bởi lẽ một sự thật là chúng ta chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa thì không thể có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa…”, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói với Một Thế Giới.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 là cực kỳ phi lý.

 Ngày 25.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Tại đây, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cũng đã báo cáo dự thảo đề án chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”; dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015.

Theo đó, toàn bộ sách giáo khoa ở các lớp sẽ được biên soạn và cải cách hoàn toàn mới trong thời gian 2014 – 2020. Các công việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cũng được thử nghiệm theo chương trình cải cách này…

Nhân sự kiện này, GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã có những nhận định và phân tích xung quanh câu chuyện thay sách giáo khoa.

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng việc đề án xây dựng chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 là cực kỳ phi lý.

Thưa giáo sư, ông nhận định như thế nào về dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015 mà Bộ GD-ĐT vừa báo cáo tại phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực?

Tôi nghĩ, đây là câu chuyện cực kỳ phi lý. Bởi một sự thật là chúng ta chưa hoàn thành việc xây dựng chương trình sách giáo khoa thì không thể có kế hoạch biên soạn sách giáo khoa.
Chương trình sách giáo khoa phải đáp ứng được ba mục tiêu: Hội nhập quốc tế; Phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam; Có thể sử dụng được lâu dài. Bộ GD-ĐT nói đã có sẵn chương trình của 40 quốc gia khác nhau thì chuyện xây dựng một chương trình sách giáo khoa đáp ứng được ba yêu cầu nói trên không còn là vấn đề quá khó khăn.

Tôi lại nghĩ, tại sao chúng ta không dựa vào các Hội khoa học chuyên ngành (Toán, Vật lý , Hóa học, Sinh học, Ngôn ngữ, Lịch sử, Địa lý, Địa chất). Các Hội này sẽ huy động các chuyên gia giỏi kết hợp với các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm dậy bậc phổ thông để biên soạn chương trình, chỉ cần Bộ hỗ trợ thêm các chương trình nước ngoài mà Bộ đang có.

Các chương trình sau khi soạn thảo xong phải được xét duyệt kỹ càng tại một Hội đồng cấp Nhà nước đầy đủ uy tín và với tinh thần trách nhiệm cao. Cần có sự đóng góp ý kiến của Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Đối với việc in sách giáo khoa lại là chuyện của từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản. Bộ sách nào không theo sát chương trình thì không được in nhưng việc trình bày có thể rất khác nhau. Để lựa chọn bộ sách nào để dạy, để học là tùy vào thầy cô giáo và học sinh. Chỉ có sự cạnh tranh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt cho học sinh. Đây là một sự cạnh tranh rất khoa học và lành mạnh.

Còn như theo lộ trình của đề án, năm 2015 mới bàn lại chương trình giáo dục phổ thông, sau đó mới làm thí điểm chương trình sách giáo khoa. Tiếp đó là hàng loạt các vấn đề khác như thí điểm viết lại bộ sách giáo khoa, thí điểm sử dụng sách giáo khoa … Theo tôi vừa không có sự khoa học mà sẽ bất cập nhiều vấn đề phát sinh và không đạt được kết quả.

GS có thể dẫn ra những ví dụ cụ thể để minh chứng cho những điều mình khẳng định ở trên?
Tôi có thể dẫn chứng ngay trong bộ môn sinh học là môn tôi nghiên cứu khá sâu. Bộ sách giáo khoa Sinh học là cố gắng rất lớn của nhiều tác giả, nhưng rất tiếc là chương trình lại không hợp lý. Có rất nhiều vấn đề được đưa ra nhưng kiến thức lại dừng ở mức độ rất "nông".
Tôi đã mua trên 70 cuốn sách giáo khoa Sinh học ở bậc phổ thông ở các nước và thấy chương trình ở ta không giống bất kỳ nước nào. Chương trình học quá nặng nhưng kiến thức lại mờ nhạt (có lẽ do chịu ảnh hưởng của sách giáo khoa Sinh học trước đây của Liên Xô).
Hầu như tất cả các môn học ở Khoa Sinh, Trường ĐH Sư phạm đều có trong chương trình phổ thông. Như vậy có thể thấy sách giáo khoa Sinh học trong chương trình phổ thông có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết trong khi số giờ lại quá ít.
Tôi đã thử hỏi nhiều em đang học cấp III và thấy các em hiểu biết rất mù mờ và hầu như chả mấy em thích thú với môn Sinh học. Em nào định thi vào Sinh, vào Y, vào Dược thì đi tìm sách Đại học để đọc thêm vì phải cạnh tranh rất cao trong khi sách phổ thông quá sơ lược.
Hơn nữa, ra đề thi Tốt nghiệp THPT nếu theo nguyên tắc không được hỏi trùng các đề đã ra thì vô cùng khó, vì cuốn sách giáo khoa lớp 12 quá... mỏng! Các em đã học quá nhiều chuyên ngành như: động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao, vi sinh vật học, giải phẫu và sinh lý người, di truyền học, tiến hóa học, sinh thái học..., trong khi số lượng giờ dạy quá ít ỏi mỗi tuần. Vừa khó học, khó nhớ, lại không muốn học thì học sinh sẽ không thể hiểu để tiếp thu.

GS có sáng kiến gì cho việc cải cách sách giáo khoa trong thời gian tới?
Tôi thấy việc thay đổi chương trình sách giáo khoa cần có sự tham khảo chương trình ở các nước. Tôi chú ý đến chương trình của hai nước: Pháp và Nepal.

Pháp là một nước khoa học phát triển nhưng học sinh phổ thông không học Sinh học (Biologie) mà chỉ học môn Khoa học về sự sống và về Trái đất. Đó là cách dạy tích hợp những kiến thức về sự sống và về Trái đất nói chung. Còn ở Nepal, một nước rất nghèo, họ lại coi kiến thức phổ thông hết lớp 10 là đủ. Họ dành hai lớp 11 và 12 để phân ban sâu, chỉ có 4 phân ban: Quản trị & Kinh doanh, Xã hội & Nhân văn, Toán-Lý và Hóa- Sinh.

Các nước Anh, Pháp, Australia... đều dạy môn Sinh học theo phương pháp tích hợp.
Trước đây, ta đã mời chuyên gia Australia sang giúp xây dựng một chương trình sinh học theo hướng tích hợp. Không hiểu vì sao lại không được sử dụng?! Tôi thấy cần sớm thay đổi chương trình Sinh học ở bậc phổ thông để không chênh lệch nhiều với các nước khác trên thế giới. Kiên quyết dạy theo phương pháp tích hợp.

Dạy sao cho học sinh có được hiểu biết chung về sự sống, kể cả những khám phá mới nhất về sự sống (tất nhiên bằng những khái niệm dễ hiểu và dễ nhớ). Chi tiết nào thầy không nhớ nổi thì đừng bắt học sinh phải nhớ. Đừng ngụy tạo ra quan điểm thay đổi như thế thì giáo viên không dạy được. Nếu thấy cần, có thể cho học sinh “rẽ ngang”, không học tiếp đại học thì nên theo hướng phân ban sâu như Nepal. Chuyện này cần thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Cần tổ chức các cuộc Hội thảo sâu sắc về nên phân ban sâu hay không phân ban. Bỏ hẳn kiểu phân ban chênh nhau quá ít thời gian như hiện nay.



                                                                                                         Theo: Một thế giới

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516