Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcGIẢI PHÁP NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO KỸ NĂNG NGHỀ CHO SINH VIÊN NGÀNH QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HOÁ

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO KỸ NĂNG NGHỀ CHO SINH VIÊN NGÀNH QUẢN TRỊ KHÁCH SẠN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HOÁ

Chủ nhật, 10 Tháng 3 2024 07:44

ThS. Nguyễn Thị Giang

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Tóm tắt:

Ngành Quản trị khách sạn là một trong những ngành đào tạo chủ lực của trường Đại học VH, TT & DL Thanh Hoá. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, có vị trí việc làm tốt trong các doanh nghiệp còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này một phần là do kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên sau tốt nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên ngành QTKS trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết.

Từ khóa: kỹ năng nghề, chuẩn đầu ra, ngành Quản trị khách sạn.

1. Đặt vấn đề

Trường Đại học Văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa mang sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao các lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch; nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, khu vực Nam Sông Hồng - Bắc Trung Bộ và cả nước. Du lịch là một ngành trọng điểm của nhà trường với 3 chuyên ngành: Du lịch, Quản trị Dịch vụ Du lịch & Lữ hành và Quản trị khách sạn. Trong suốt 10 năm qua nhà trường đã cung cấp hàng ngàn nhân lực cho các đơn vị doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, việc đào tạo sinh viên ngành Quản trị khách sạn vẫn còn nặng về lý thuyết, chương trình, nội dung đào tạo chưa trang bị đủ các kỹ năng mà thị trường lao động đang cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu chủ yếu theo phương pháp truyền thống, chưa có sự đột phá về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Quá trình đào tạo gắn với rèn luyện phát triển kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được chú trọng, thực hành kỹ năng làm việc theo chuyên môn còn ít, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được quan tâm. Một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà không chú ý đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xin việc.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế cùng với đòi hỏi nâng cao chất lượng đào tạo của ngành Du lịch, cũng như vị thế của sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài “Giải pháp phát triển kỹ năng nghề cho sinh viên ngành Du lịch trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đáp ứng chuẩn đầu ra”.

2. Tổng quan nghiên cứu

     Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra ở đại học quốc gia Hà Nội, Quyết định số 3109/HD-ĐHQGHN ngày 29/10/2010. Tài liệu đã tổng hợp hệ thống chuẩn đầu ra các ngành đào tạo đại học tại Đại học Quốc gia Hà Nội trong đó có hệ thống chuẩn đầu ra đào tạo nghề Du lịch.

     Luận văn thạc sĩ của học viên Dương Hồng Hạnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội “Áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) trong đào tạo và hoạt động tác nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên Công ty lữ hành Saigontourist Hà Nội”. Luận văn đã làm rõ các vấn đề lý luận về nghề hướng dẫn du lịch, tiêu chuẩn kỹ năng nghề Hướng dẫn du lịch theo tiêu chuẩn VTOS, bên cạnh đó tác giả cũng đã phân thích thực trạng đào tạo và hoạt động tác nghiệp của đội ngũ hướng dẫn viên công ty lữ hành Saigontouris Hà Nội từ đó đưa ra những giải pháp trong việc áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho hoạt động đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

     Bài viết của Thạc sĩ Hoàng Thị Hương, Đại học Nội vụ đăng trên Tạp chí Giáo dục số đặc biệt, Kỳ 2, tháng 5 năm 2018“Nâng cao chất lượng xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học nước ta”. Bài viết đã chỉ ra thực trạng đào tạo cũng như một số ưu điểm và hạn chế của các trường đại học ở Việt Nam trong xây dựng chuẩn đầu ra. Qua đó, đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra trong xây dựng chuẩn đầu ra của các trường đại học.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết

- Phương pháp thu thập tư liệu: Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.

- Phương pháp phân tích tổng hợp: Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu.

  3.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn

- Phương pháp điều tra, phỏng vấn: Được thực hiện nhằm bổ sung hoặc đối chứng lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu.

- Phương pháp chuyên gia: Dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia để xây dựng các nội dung kỹ năng nghề Du lịch của Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

   4. Nội dung nghiên cứu

   4.1. Lý thuyết về Kỹ năng nghề nghiệp

   4.1.1. Khái niệm

Kỹ năng nghề là khả năng làm việc, năng lực hoàn thành một công việc của một người đối với một lĩnh vực cụ thể nào đó trong một thời gian nhất định,với một điều kiện nhất định. Kỹ năng nghề nghiệp chính là dựa vào sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng và thái độ.

Theo quan điểm của nhóm tác giả, kỹ năng nghề QTKS là khả năng làm việc, năng lực hoàn thành công việc của một người đối với lĩnh vực QTKS như lễ tân, nhà hàng, buồng, bar, bếp… trong một thời gian nhất định với một điều kiện nhất định. Kỹ năng nghề QTKS chính là dựa vào sự tích hợp nhuần nhuyền các kiến thức, kỹ năng và thái độ về nghề QTKS.

4.1.2. Nội dung, hình thức phát triển kỹ năng nghề nghiệp

Thực tế phát triển kỹ năng nghề nghiệp hiện nay, người ta thường gom các kỹ năng cá nhân, kỹ năng phương pháp, kỹ năng xã hội thành nhóm kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn là kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn nghề - kỹ năng kỹ thuật cụ thể như khả năng học vấn trình độ chuyên môn cho mỗi công việc, ngành nghề nhất định và kinh nghiệm).

Như vậy, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, nghĩa là giúp người học không chỉ có các kỹ năng cứng (kỹ năng chuyên môn) mà phải có các kỹ năng mềm (kỹ năng xã hội, kỹ năng phương pháp, kỹ năng cá nhân), có như vậy, người học mới tham gia tốt vào thị trường lao động. Theo đó, để phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người học thì phải phát triển quá trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho người học.

Có nhiều hình thức để hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp như đào tạo theo hình thức chính quy, hoặc phi chính quy tại các cơ sở đào tạo; đào tạo tại nơi làm việc; tự đào tạo; bồi dưỡng cá nhân; trải nghiệm bản thân. Tuy nhiên, đào tạo theo hình thức chính quy, phi chính quy luô là hình thức chính để hình thành và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho người học, người lao động.

4.2. Đánh giá thực trạng đào tạo kỹ năng nghề Quản trị khách sạn tại trường Đại học VH, TT & DL Thanh Hoá

4.2.1. Ưu điểm

- Sau lần vi chỉnh năm 2021, CTĐT ngành QTKS được xây dựng và phát triển theo hướng tiếp cận năng lực nhằm tăng cường phát triển năng lực của người học. Theo đó, CĐR của CTĐT ngành QTKS chú trọng đến nâng cao tỷ lệ thực hành, thực tế, thực tập doanh nghiệp và tốt nghiệp, rèn nghề cho SV, tích hợp các nội dung kiến thức tránh sự trùng lặp nội dung giữa các HP, đưa vào chương trình những kiến thức, kĩ năng mới, nhằm đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn việc làm, đồng thời đưa ra khỏi chương trình những học phần lỗi thời, không còn phù hợp.

- Đội ngũ GV luôn trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, NCKH. 80% đội ngũ giảng viên giảng dạy các học phần kỹ năng hiện nay đều đã tham gia khóa tập huấn nghiệp vụ Du lịch theo tiêu chuẩn VTos, 50% giảng viên chuyên ngành đã được cấp chứng chỉ đào tạo viên Vtos nên các hoạt động giảng dạy và học tập đa dạng, linh hoạt, đã vận dụng được các tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch VTOS vào giảng dạy các học phần thực hành. Do đó, đáp ứng cơ bản các tiêu chí của chuẩn đầu ra (CĐR).

- Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, rèn luyện kỹ năng được trang bị các mô hình phòng thực hành Lễ tân, Phòng thực hành nhà hàng, Phòng thực hành Chế biến món ăn, Phòng thực hành buồng, Phòng thực hành pha chế bar Ở các phòng này được trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực hành, rèn luyện cho các học phần thực hành kỹ năng (Bếp, Bar, nhà hàng, lễ tân, buồng, tổ chức sự kiện,…)

- Công tác kết nối doanh nghiệp đã làm tốt. đã có nhiều chương trình hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên ngoài việc học thực hành tại trung tâm thì đã được trải nghiệm môi trường thực tế thường xuyên nên đã phát huy và nâng cao được kỹ năng nghề của mình.

4.2.2. Hạn chế và nguyên nhân

- Chương trình đào tạo được vi chỉnh đáp ứng CĐR của chương trình đào tạo. Tuy nhiên, một số Học phần trong chương trình rất cần thiết để tạo kỹ năng mềm cho sinh viên tuy nhiên không được chọn học như HP Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, lý do vì đội ngũ giảng viên nhà trường chưa đáp ứng được học phần này. Bên cạnh đó, còn nhiều học phần rất phù hợp với xu hướng phát triển của ngành du lịch hiện nay nhưng không được đưa vào chương trình ( ví dụ như HP quan hệ và chăm sóc khách hàng, Quản trị rủi ro…) vì lý do đội ngũ giảng viên nhà trường chưa thể đáp ứng được học phần này. Trong khi đó, HP Quản trị kinh doanh khách sạn là học phần cốt lõi của chương trình nhưng lại cả ba tín chỉ là lý thuyết, không có tín chỉ thực hành, như vậy e rằng có ảnh hưởng đến việc phát triển kỹ năng quản trị doanh nghiệp KS cho sinh viên. Tất cả những hạn chế trên sẽ phần nào làm giảm chất lượng phát triển chương trình đào tạo của ngành.

- Đội ngũ giảng viên giảng dạy chuyên ngành trong những năm gần đây ít được tham gia các hội thảo chuyên ngành du lịch, ít được đi khảo sát thực tế, đặc biệt không có cơ hội đi khảo sát học tập kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực khách sạn - Nhà hàng trong và ngoài nước nên chưa có nhiều cơ hội để cập nhật thông tin và xu hướng của hiện tại. Bên cạnh đó, vẫn còn một số ít GV chưa chịu khó cập nhật các phương pháp dạy học tiên tiến, chưa đáp ứng tốt nhu cầu học tập tích cực của SV. Khả năng ngoại ngữ của giảng viên còn hạn chế nên bị hạn chế việc nghiên cứu các tài liệu nước ngoài để bổ sung kiến thức và kỹ năng. Trong khi những tài liệu này rất nhiều những thông tin mới về thế giới trong lĩnh vực du lịch.

Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề cho giảng viên trong xu hướng phát triển của ngành.

- Cơ sở vật chất phục vụ dạy học, rèn luyện kỹ năng nghề về cơ bản là hoàn thiện nhưng chưa đạt chuẩn như các mô hình khách sạn nhà hàng đạt tiêu chuẩn 4,5 sao, đặc biệt chưa được đầu tư hệ thống phần mềm quản lý, phần mềm chẹck in nên hiệu quả phát triển kỹ năng nghề chưa cao, chưa thực sự đáp ứng với nguyện vọng của NH trong các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ chuyên môn của nghề, đặc biệt là kỹ năng nghề lễ tân.

- Sinh viên được đi thực tập, trải nghiệm ở doanh nghiệp nhiều nhưng chỉ mới dừng lại ở thực hành kỹ năng phục vụ Buồng và Bàn là chủ yếu. Còn các kỹ năng như Lễ tân, Quản lý bộ phận, chế biến món ăn….thì ít có cơ hội được các doanh nghiệp KS – NH tạo điều kiện cho tham gia. Nguyên nhân là do các bộ phận này rất nhạy cảm nên các doanh nghiệp cũng khó sắp xếp cho sinh viên thực tập ở các bộ phận này. Do vậy, phát triển kỹ năng nghề ở các nghề lễ tân, chế biến món ăn là hạn chế.

       5. Thảo luận

       - Về phía nhà trường

       Cần cải thiện cơ sở vật chất của nhà trường như lớp học, thư viện và internet để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học cũng như quá trình giảng dạy của giảng viên.

Nhà trường cần đầu tư phòng thực hành theo chuẩn, đặc biệt là các phòng mô phỏng nghiệp vụ lữ hành - khách sạn. Hiện nay, phương pháp giảng dạy “blended learning” (Học tập tích hợp và làm việc nhóm) cho sinh viên là rất hiệu quả và phù hợp cho sinh viên ngành du lịch nói chung và ngành quản trị khách sạn nói riêng. Trong hoạt động đào tạo sinh viên, cơ sở vật chất là yếu tố cần và đủ để sinh viên được vừa học vừa thực hành, thực tế. Để thực hành nghiệp vụ nhà hàng, buồng, lễ tân và chế biến món ăn sinh viên phải được trải nghiệm các trang thiết bị như: bếp, quầy bar, bàn ăn, khăn ăn, đĩa chén, muỗng nĩa, giường, chăn, ga, gối, đệm, trang thiết bị hỗ trợ cho nghiệp vụ lễ tân… theo tiêu chuẩn của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng cao cấp.

- Về phía giảng viên

Giảng viên giảng dạy các học phần chuyên ngành biên soạn chương trình môn học, bài giảng, giáo trình các học phần/môn học/mô-đun chuyên môn theo hướng tích hợp giữa lý thuyết và thực hành. Trong đó, thời lượng dành cho phần thực hành chiếm tỷ lệ từ 70-75% tổng thời gian học tập.

Giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy của giảng viên/giáo viên, học tập của học sinh/sinh viên theo hướng tích cực, chủ động. Nội dung bài giảng của giảng viên/giáo viên phải được thiết kế mang tính trực quan, sinh động và cụ thể với các mẫu, phiếu, biểu, hình ảnh, phim… gắn với thực tế nghề nghiệp, gắn với doanh nghiệp. Đồng thời, thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá trên cơ sở đánh giá "năng lực", bao gồm cả 3 yêu cầu: kỹ năng, kiến thức, thái độ. Cuối kỳ, thay vì thi viết, học sinh/sinh viên được thi thực hành và vấn đáp để kiểm tra các đơn vị "năng lực" đã được học. Tập trung chủ yếu vào việc đánh giá "năng lực" chuyên môn nghiệp vụ và giao tiếp ngoại ngữ. Đây chính là cách đánh giá rất sát thực với lực học của học sinh/sinh viên.

- Về phía sinh viên

Sinh viên ngành khách sạn cũng cần có kế hoạch tự trau dồi các kỹ năng , đặc biệt là các kỹ nghề. Kỹ năng nghề được coi là một yêu cầu bắt buộc đối với nhân lực ngành du lịch. Việc tham gia vào các học phần về kỹ năng như: “Lẽ tân, Buồng, Nhà hàng, Chế biến món ăn” sẽ giúp cho sinh viên tự tin hơn, giúp sinh viên nâng cao năng lực nghề nghiệp của mình. Những học phần này sẽ là cơ sở để sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình học tập 4 năm tại trường. Kỹ năng này sinh viên có thể trau dồi thông qua quá trình học, quá trình thực tập, thực hành nghề nghiệp, làm thêm và kể cả khi bước vào môi trường làm việc thực sự. Hiện nay kỹ nghề ở các nghiệp vụ của sinh viên ngành khách sạn đang không đồng đều và yếu, nhiều tác động bên ngoài rất dễ làm thay đổi định hướng học tập của sinh viên, những băn khoăn suy nghĩ không biêt mình đã chọn nghề đúng hay chưa? Tốt nghiệp ra trường có dễ xin việc không? Các doanh nghiệp cần sinh viên những kỹ năng gì? Tại sao điều kiện đầu tiên tại nhiều đơn vị tuyển dụng thường là cần người có kỹ năng nghề sau khi tốt nghiệp và với đặc thù của ngành khách sạn thì kỹ năng nghề của sinh viên là rất cần thiết và quan trọng.

6. Kết luận

Ngành Quản trị khách sạn là một trong những ngành đào tạo chủ lực của trường Đại học VH, TT & DL Thanh Hoá. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm, có vị trí việc làm tốt trong các doanh nghiệp còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này một phần là do kỹ năng nghiệp vụ của sinh viên sau tốt nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên ngành QTKS trong quá trình đào tạo là vô cùng cần thiết.

Tài liệu tham khảo

1. Đại học Quốc gia Hà Nội (2010), Hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra ở đại học quốc gia Hà Nội, Quyết định số 3109/HD-ĐHQGHN ngày 29/10/2010

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Hướng dẫn xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, Công văn số2196/BGDĐT-GDĐH ngày 22/4/2010.

3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết số: 29 – NQ/TW ngày 04/11/2013.

4. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020, Hà Nội

5. Đỗ Mạnh Cường (2011), Một số vấn đề về dạy học tích hợp trong đào nghề ở Việt Nam hiện nay, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục nghề nghiệp, Trường đại học sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Đức Chính (2008), Thiết kế và đánh giá chương trình giáo dục đại học, Hà Nội, Đại học Quốc Gia Hà Nội

7. Trần Khánh Đức (2009), Phát triển chương trình đào tạo, Hà Nội

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516