Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, có hàng loạt sai phạm trong quá trình triển khai các dự án kinh tế.
Thống nhất “cơ bản”
Tại cuộc họp báo của Chính phủ ngày 2-3, trả lời câu hỏi của báo chí về kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó có dự án Formosa, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 công văn với nội dung hoan nghênh tinh thần thanh tra một cách khách quan; giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện các kết luận theo thanh tra, tức là thống nhất cơ bản các vấn đề thanh tra.
Dự án Formosa đang được triển khai tại Khu Kinh tế Vũng Áng Ảnh: Đức Ngọc
Ngoài ra, Thủ tướng thống nhất với đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thời gian cấp giấy phép đầu tư của dự án Formosa là 70 năm; thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về các chính sách về pháp luật, thuế...
Về việc dự án Formosa nằm trên khu vực “nhạy cảm” lại có nhiều lao động nước ngoài làm việc, ông Nên cho biết tất cả dự án đều phải có ý kiến của các cơ quan chức năng. Quan điểm của Chính phủ phát triển kinh tế đều phải đi đôi với bảo đảm an ninh quốc phòng...
“Chúng tôi không xé rào” (?!)
Chiều cùng ngày, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Thái Sinh, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, về các sai phạm tại dự án Formosa do TTCP chỉ ra.
Về quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh đối với kết luận thanh tra, ông Thái Sinh nói: “Trong kết luận, TTCP có nêu nhiều nội dung; sau khi TTCP có kết luận, tỉnh đã có giải trình ngay. Chính phủ giao cho các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính trả lời các vấn đề. Các bộ không đồng ý với kết luận của TTCP, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản về việc đó. Vì vậy, nếu căn cứ riêng vào văn bản của TTCP thì sẽ không đầy đủ. Sau khi có kết luận của TTCP, những vấn đề gì cần phải tiếp thu thì tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các huyện, ngành triển khai ngay. Chúng tôi đã 2 lần báo cáo Thủ tướng rồi”.
Trước các ý kiến “việc cấp phép đầu tư cho Formosa 70 năm là tự ý “xé rào”, ông Thái Sinh giải thích thêm: “Đã có 2 văn bản cho ý kiến của Chính phủ chứ không phải chúng tôi không xin phép. Sau khi Formosa trình dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh đã sao gửi cho 11 bộ ngành ở trung ương, 11 bộ ngành đó đều đồng ý. Chúng tôi quay lại vòng 2 trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ có 2 văn bản về việc đó là đồng ý giao cho UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng cấp phép. Nội dung văn bản đồng ý về mặt nguyên tắc cho Hà Tĩnh triển khai dự án của Formosa đầu tư, đề nghị làm các thủ tục theo quy định. Trong dự án, trình 70 năm và Chính phủ đã đồng ý, đương nhiên là có “70 năm” trong đó”.
Dự án Formosa là tổ hợp dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW; tổng diện tích hơn 3.300 ha; tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Đến tháng 12-2014, có khoảng 40.000 lao động đang làm việc tại dự án Formosa, trong đó có 5.659 lao động là người Trung Quốc.
TTCP nêu hàng loạt sai phạm
Có rất nhiều sai phạm được TTCP chỉ ra trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, Luật Đầu tư quy định thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Đối với dự án Formosa, TTCP chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời gian hoạt động của dự án là trên 50 năm nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng đã “xé rào” cấp phép 70 năm.
Theo TTCP, tính đến thời điểm kết thúc thanh tra, Công ty Formosa chưa kê khai và chưa nộp khoản tiền 136,76 tỉ đồng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Quá trình kiểm tra 1.120 gói thầu xây lắp tại 402 dự án cấp huyện, TTCP phát hiện 664 gói thầu (chiếm gần 60%) được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu sai với quy định Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng.
TTCP xác định đã có dấu hiệu buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai trong một thời gian dài ở Hà Tĩnh dẫn đến khiếu nại, tranh chấp. Đặc biệt, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để lấy đất cho dự án Formosa để xảy ra một số khuyết điểm lớn gây thất thoát ngân sách và tiềm ẩn khiếu kiện phức tạp.
Theo TTCP, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền 493,6 tỉ đồng. Đến thời điểm này, các đơn vị liên quan đã khắc phục số tiền hơn 300 tỉ đồng.
Theo Nguoilaodong