Ngày 3/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Chỉ thị, đối với các trường và lớp dạy 2 buổi/ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh 2 buổi/ngày, không giao bài tập ngoài sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, sẽ xử lý nghiêm các trường, tổ chức, cá nhân vị phạm quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm.
Nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm đồng tình với Chỉ thị của Bộ Giáo dục đưa ra, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ngược chiều.
Không giao bài, con không ngồi học
Chị Thu Trang (Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học lớp 1 chia sẻ rằng, đối với Chỉ thị nghiêm cấm giao bài tập về nhà nhiều phụ huynh tỏ ra khá mâu thuẫn. Bản thân chị khi đăng ký cho con vào trường đang học có mong muốn con vừa học vừa chơi, để con phát triển tự nhiên, không bị áp lực việc học.
“Con học cả ngày trên trường, môn Toán, Tiếng Việt cũng làm hết bài tập ở trường, nhưng con đang học chính tả, về nhà không kèm thêm thì con không biết viết gì cả. Nên cho dù cô giáo không giao bài về nhà thì mẹ vẫn bắt học, vừa cho con tập rèn chính tả vừa tạo cho con thói quen tự giác học”. – chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho rằng: “Việc học của con không nên phó mặc hết cho nhà trường, bố mẹ cũng có trách nhiệm kèm cặp con, có điều cô giáo có thể cho ít bài hơn chứ không nên bỏ hẳn việc giao bài về nhà và không nên cho dạng bài nâng cao. Các con đang chuyển từ việc chơi là chính ở mẫu giáo sang vừa học vừa chơi ở lớp 1, nên học kiến thức trong sách giáo khoa là đủ”.
Trong khi đó, chị Trần Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) có con đang học lớp 2 lại có quan điểm khá ngược: “Cô giáo nên giao bài tập về nhà thì tốt hơn, để rèn cho con có thói quen ngồi vào bàn học bài”.
Chị Hà cũng chia sẻ rằng, vẫn biết là con học cả ngày trên trường, tối về cần thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, nhưng nếu cô không cho bài về nhà thì con sẽ không ngồi vào bàn học. Hôm nào không có bài hoặc ít bài về nhà thì không làm sao cho con ngồi vào bàn học được vì con bảo cô không cho bài về nhà, mà trẻ con thì chỉ nghe lời cô giáo thôi.
“Bố mẹ cho ôn thêm 1-2 phép tính thì mặt đã sưng lên rồi, nhưng cô giáo cho làm vài bài thì cứ nem nép làm luôn, không phải nhắc bao giờ” – chị Hà nói về đứa con trai năm nay học lớp 2.
Do đó, theo chị Hà có thể giao ít bài nhưng vẫn nên giao bài tập về nhà cho học sinh để các con luyện nhớ và có thói quen học bài ở nhà mỗi ngày.
Riêng với việc khuyến khích cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp, chị Hà tỏ ra không đồng tình với cách làm này. Theo chị, như thế bố mẹ không thể biết được con học đến đâu, tiến độ học tập và kiến thức ra sao, bây giờ đã không chấm điểm rồi mà bố mẹ lại không được nhìn tận mắt sách, vở của con thì không được.
Phụ huynh tên Trần Loan cũng chia sẻ qua Báo Giáo dục Việt Nam rằng: “Không cho mang sách vở về nhà, liệu trên lớp các em có thuộc được những kiến thức mới đặc biệt từ các môn khoa học, sử, địa không? Mang về nhà học sinh còn xem lại được bài cũ và chuẩn bị bài mới nữa…”
Về việc giao bài tập về nhà cho con, một phụ huynh giấu tên cũng bày tỏ quan điểm: “Tôi thấy những học sinh tiếp thu được bài, hiểu và làm được bài là tốt rồi, giáo viên không cần giao bài về nhà để đỡ vất vả, không vi phạm những điều đã cấm”.
Tuy nhiên, phụ huynh này cho rằng “với nhiều học sinh tiếp thu chậm, khó khăn không hoàn thành bài thì làm thế nào theo được chương trình của Bộ Giáo dục. Quy định trên chỉ tạo cho học sinh có thói quen không học bài về nhà, chỉ phù hợp với học sinh thông minh, học đâu hiểu đó thôi, còn học sinh chậm thì…”
Học thêm hay không học, nhiều phụ huynh ý kiến
Trước Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, độc giả lấy tên là “Kỹ sư Lâm” cho rằng: “Phải cấm tiệt dạy thêm, nên có đường dây nóng để dân phản ánh, phải kỷ luật hoặc đuổi người cố tình vi phạm thì dần dần mới vào nền nếp được”.
Độc giả Quốc Hùng cũng đồng tình với ý kiến trên tuy vẫn còn nhiều băn khoăn khi cho rằng: “Các vị ủng hộ không học thêm, tôi cũng thế. Nhưng lớp đông, chương trình nặng làm sao các con nắm vững kiến thức. Ai chả muốn con mình giỏi, tôi cũng thế”. Cấm dạy thêm nhưng liệu có cấm đi học thêm được không?...
Trong khi đó, một độc giả lấy tên Trâm Anh lại có ý kiến ngược lại: “Tôi vẫn muốn cho con đi học thêm, vì học thêm có hai hoặc ba buổi trong tuần thì vẫn còn đầy thời gian chơi mà”.
Phụ huynh tên duyhoang có chia sẻ: “Đối với tiểu học, việc dạy thêm và học thêm trở thành gánh nặng và áp lực rất nhiều cho phụ huynh trong thời gian qua, nhiều phụ huynh vừa cho con học giáo viên chủ nhiệm để khỏi bị “đì”, vừa cho con học thêm giáo viên khác”. Phụ huynh này cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sâu sắc để có thể thực hiện tốt quyết định này, có như vậy phụ huynh mới bớt lo lắng.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Thu Trang cho biết thêm, trước đây bản thân chị đã từng đi học một môn hai cô, học cô giáo dạy trên lớp và học cô giáo mình thích, bởi tâm lý nếu không học sợ bị cô giáo “trù”. Bây giờ việc học thêm cũng không khác là mấy trước đây.
Chị Trang kể, từng nói chuyện với một phụ huynh trong lớp của con. Chị có con trai lớn năm nay học lớp 7 cũng đi học thêm hai cô giáo một môn cũng bởi lý do sợ bị cô giáo “trù”.
Theo chị Trang, như vậy mất nhiều thời gian của con vì con học cả ngày rồi, chiều tối lại lao vào học thêm, trong khi có những giờ học thêm chẳng mang lại kiến thức nào cho con cả. Việc dạy thêm học thêm là tùy theo nhu cầu của học sinh, tuy nhiên phụ huynh nên cân nhắc đăng ký cho con học sao cho hợp lý, để con có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi.
Đối với chị Thu Hà, chị cho rằng, các con còn bé nên chưa cần học thêm, học trên lớp rồi về nhà bố mẹ kèm thêm cho con buổi tối, vừa dạy vừa trò chuyện cùng con. Nhiều phụ huynh nói là có ít thời gian để kèm cặp con buổi tối, nhưng mỗi tối một tiếng kèm con học cũng không phải là nhiều.
Theo: GDVN