Phương án vẫn mang tính bảo thủ
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng liên trường, Trường ĐH vùng Đông Bắc bang Massaschusetts (Hoa Kỳ) cho rằng, với phương án thi quốc gia của Bộ GD&ĐT vừa công bố thì không khác gì mấy trong cách thức thi, nội dung thi những năm vừa qua, thay đổi chính chỉ là nhập hai kỳ thi làm một.
Quan điểm của ông Cảnh cho rằng, với phương án này nếu dùng để chuyển tiếp cho những năm sau thì được, còn nếu áp dụng lâu dài thì không phải là tối ưu. Bởi đó vẫn là theo lối học, lối thi hiện nay, chưa thể hiện là một kỳ thi vừa là đánh giá kiến thức vừa đánh giá năng lực của học sinh, nhưng xét ra đây là phương án an toàn trong năm đầu nhập hai kỳ thi làm một mà không gây xáo trộn lớn.
Từ khi Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án cho Kỳ thi quốc gia, ngay thời điểm đó ông Trần Đức Cảnh cho phương án 2 là tốt hơn hết, tuy nhiên theo ông nếu áp dụng trong năm 2015 thì hơi đột ngột, sẽ có ít nhiều rủi ro và hiện nay có lẽ ai cũng ngại.
Từng làm công tác tuyển sinh lâu năm, ông Trần Đức Cảnh chia sẻ, thời gian cho một kỳ thi như vậy tối đa là 2 ngày, thay vì 4 ngày như kế hoạch công bố, tốn kém thời gian và công sức không cần thiết. Ngày đầu tập trung thi hai môn chính, Toán và Ngữ văn 180 phút cho mỗi môn, ngày thứ hai có thể tổ chức thi đến 8 môn, 90 phút mỗi môn, theo lối thi trắc nghiệm và không phân biệt là môn nào. Nếu chưa sắp xếp tốt được thì thêm nữa ngày là nhiều.
Theo ông Cảnh cách thi hiệu quả nhất lâu dài là thi trắc nghiệm, với khoảng 120 câu hỏi cho 180 phút, có thể chia làm 3 phần khác nhau (ví dụ Toán gồm 3 phần: toán cơ bản, phân tích, và ứng dụng, câu hỏi cho môn Ngữ văn khoảng 80 câu, cộng thêm bài luận văn khoảng 45 phút. Câu hỏi từ dễ đến khó. Điểm thi thể hiện từng phần mục. Người xét tuyển không chỉ xem được số điểm cho mỗi môn mà từng phần cột điểm để đánh giá.
“Tôi vẫn hy vọng với phương án này chỉ là giai đoạn chuyển tiếp trong điều kiện hiện nay, còn lâu dài thì phương án này chưa thể hiện được kiến thức học tập và năng lực học sinh trong kỳ thi này. Tư duy giáo dục sắp tới phải làm một cách đột phá, thay đổi theo hướng hội nhập, theo cách vận hành của thế giới chung quanh, chứ không thể làm theo cách an toàn như bây giờ”, ông Cảnh nêu quan điểm.
Với quy định thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ thì sẽ được miễn thi Ngoại ngữ, điều nay có làm nảy sinh tiêu cực trong việc chạy chứng chỉ?
Ông Cảnh cho rằng, đây là cách làm lủng củng và rắc rối. Đã thi thì tất cả mọi người đều thi. “Nếu người giỏi thì hãy thi để chứng minh mình giỏi, đánh giá phải trên sự so sánh một cách công bằng”.
Học lệch sẽ vẫn còn
Theo PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, với phương án thi quốc gia này sẽ dẫn đến việc học lệch, kiến thức bị què quặt, và điều chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng luyện thi ở phổ thông. Điều này không chỉ lo ngại cho học sinh của năm nay mà các em học lớp 10 cũng vậy.
Tình trạng học lệch đã nói nhiều trong thời gian qua, và hệ quả là thí sinh chỉ cần học những môn liên quan để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Hiện nay kiến thức phổ thông vẫn được bố trí là 12 năm, do đó việc học lệch dẫn đến chất lượng con người không được đầy đủ.
Nhận định thêm về kết quả của kỳ thi quốc gia với phương án mà Bộ GD&ĐT mới công bố, liệu có tin cậy cho các trường đại học, cao đẳng xét tuyển? PGS. Nhĩ cho rằng, các trường xét tuyển chỉ căn cứ ở 3 môn, trong đó sẽ có toán hoặc văn và hai môn tự chọn theo khối thi thì có thể có cơ sở để lấy thí sinh. Tuy nhiên, với những học sinh như vậy lo ngại nhất kiến thức phổ thông sẽ không đầy đủ, kiến thức cho người học sinh phải đặt lên đầu.
Việc thi theo cụm trong Kỳ thi quốc gia theo PGS. Nhĩ phương án tổ chức thi không có vấn đề gì, bởi đây là những cụm thi nhỏ. Tuy nhiên, nhắc lại lần nữa đây vẫn là phương án thi dẫn đến học lệch. “Kiến thức của giới trẻ cần phải toàn diện, còn thi theo phương án này thì những ai học theo ban tự nhiên thì xã hội sẽ không học và ngược lại. Một con người ra đời sẽ không biết nhiệt, hóa học, vật lý như thế nào, ngược lại cũng không biết kiến thức xã hội như thế nào. Có thể mấy triệu học sinh sẽ có kiến thức què quặt” PGS. Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Trước đó, PGS. Trần Xuân Nhĩ đã đề xuất thi theo phương án 5 bài thi, giảm kiến thức ở phổ thông thì học sinh sẽ học toàn diện hơn. “Tất nhiên thi gì thì học nấy, vậy bây giờ thi ba môn thì học ba môn. Nhưng hiện đã công bố phương án thì cũng nên có bổ sung, phải đặt vấn đề tất cả các môn học ở lớp 12 phải đạt được đến mức nào đó, lấy đó để tính toán vào phần tốt nghiệp như thế nào để học sinh học toàn diện” PGS. Nhĩ cho biết.
Cũng theo PGS. Nhĩ, ở đây khó có thể tránh được tình trạng chạy điểm với thầy, nếu thầy chưa nhận thức được đầy đủ.
Những mặt chưa được được phương án này như đã nói ở trên, tuy nhiên PGS. Trần Xuân Nhĩ cho rằng ở đây vẫn có những ưu điểm nhất định, tuy không phải là căn bản như tính gọn nhẹ hơn một chút.
Theo: GDVN