-
TRẦN THỊ THU HƯƠNG
Ban Công tác phía Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Nhận bài ngày 07/02/2024. Sửa chữa xong 14/02/2024. Duyệt đăng 17/02/2024.
Tóm tắt
Kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực việc áp dụng những quy định về định tội danh trên thực tế đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý đã bộc lộ một số vướng mắc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung làm rõ những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, phân tích một số vướng mắc trong việc định tội danh, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của việc định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.
Từ khoá: Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); định tội danh; tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, vướng mắc, hoàn thiện.
1. Đặt vấn đề
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự năm 2015) có hiệu lực thi hành vào ngày 01 tháng 01 năm 2017, trong đó nhóm tội phạm về ma tuý được quy định tại Chương XX bao gồm 13 Điều luật từ điều 247 đến Điều 259. Trong 13 Điều luật kể trên, tội tàng trữ trái phép chất ma tuý được quy định tại Điều 249, Điều 249 tách ra từ Điều 194 của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt trái phép chất ma tuý. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã đi vào thực tiễn áp dụng hơn 2 năm, nhưng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với nhóm tội phạm về ma tuý nói chung, tội tàng trữ trái phép chất ma tuý nói riêng còn chưa được ban hành. Trong bối cảnh tình hình tội phạm về ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, việc thiếu vắng những văn bản hướng dẫn cụ thể đã gây không ít khó khăn, vướng mắc trên thực tế cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong việc định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Một số vấn đề về định tội danh và định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy
Dưới góc độ khoa học, có nhiều cách tiếp cận về định nghĩa định tội danh. Giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Văn Cảm tiếp cận định tội danh là quá trình áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự và định nghĩa định tội danh là quá trình nhận thức lý luận có tính logic, là dạng của hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự cũng như pháp luật tố tụng hình sự và được tiến hành trên cơ sở các chứng cứ các tài liệu thu thập được và các tình tiết thực tế của vụ án hình sự để xác định sự phù hợp giữa các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng do luật hình sự quy định nhằm đạt được sự thật khách quan, tức là đưa ra sự đánh giá chính xác tội phạm về mặt pháp lý hình sự, làm tiền đề cho việc cá thể hóa và phân hóa trách nhiệm hình sự một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật [9, tr.496].
Trong khi đó Giáo sư, tiến sĩ Võ Khánh Vinh cho rằng định tội danh là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự cho nên định tội danh là một dạng hoạt động nhận thức, hoạt động áp dụng pháp luật hình sự nhằm đi tới chân lý khách quan trên cơ sở xác định đúng đắn, đầy đủ các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội được thực hiện, nhận thức đúng nội dung quy phạm pháp luật hình sự quy định cấu thành tội phạm tương ứng và mối liên hệ tương đồng giữa các dấu hiệu của cấu thành tội phạm với các tình tiết cụ thể của hành vi phạm tội bằng các phương pháp và thông qua các giai đoạn nhất định [10, tr.24].
Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Tuyết Miên tiếp cận định tội danh dưới góc độ chủ thể định tội và cho rằng định tội danh là hoạt động thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan Điều tra, viện kiểm sát, tòa án) và một số cơ quan khác có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để xác định một người có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì đó là tội gì, theo điều luật nào của Bộ luật Hình sự hay nói cách khác đây là quá trình xác định tên tội cho hành vi nguy hiểm đã thực hiện [7, tr.9]
Mặc dù định tội danh có thể tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau nhưng trong các cách định nghĩa trên đều có những khía cạnh thống nhất với nhau cách hiểu về định tội danh như sau: 1) Định tội danh là hoạt động nhận thức logic về sự phù hợp hay không phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra ngoài thực tiễn khách quan với quy định của pháp luật hình sự; 2) Định tội danh là hoạt động áp dụng pháp luật hình sự (theo nghĩa hẹp), hoạt động áp dụng pháp luật hình sự và pháp luật tố tụng hình sự (theo nghĩa rộng) bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và người có thẩm quyền; 3) Định tội danh là cơ sở cho việc quyết định hình phạt và giải quyết các vấn đề khác có liên quan đến trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
* Cơ sở khoa học của định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý
Định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý là hoạt động nhận thức mang tính logic cho nên để hoạt động nhận thức này diễn ra một cách hiệu quả, chủ thể nhận thức không chỉ căn cứ trên cơ sở quy định của pháp luật mà còn phải dựa trên cơ sở lý luận khoa học về mô hình pháp lý của tội phạm cụ thể [12, tr.37] mà trong khoa học luật hình sự gọi là cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là khái niệm pháp lý của loại tội phạm cụ thể, là sự mô tả khái quát loại tội phạm nhất định trong luật hình sự [13, tr.74]. Theo đó, các dấu hiệu cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma tuý như sau:
- Về khách thể của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý: tội tàng trữ trái phép chất ma tuý xâm phạm những quy định của Nhà nước về chế độ quản lý chất ma tuý, trực tiếp là hoạt động tàng trữ chất ma tuý, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Các chất ma tuý là đối tượng của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Theo quy định của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII- Các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự năm 1999 và quy định của Luật Phòng chống ma tuý năm 2021, “chất ma túy” là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành. Bởi vậy, chất ma tuý bao gồm các chất ma tuý theo nghĩa hẹp, các chất hướng thần, các cây trồng hoặc nguyên liệu thực vật có chứa chất ma tuý.
- Về mặt khách quan của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý: Hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý được hiểu là hành vi cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma tuý ở bất cứ nơi nào (trong nhà, ngoài vườn, chôn dưới đất, để trong vali, cho vào thùng xăng xe, cất giấu trong quần áo, tư trang mặc trên người hoặc theo người…)[1] mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma tuý.
- Về chủ thể của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý: là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự và đã thực hiện hành vi phạm tội. Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu là tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Về mặt chủ quan của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý: tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được rõ hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý là nguy hiểm cho xã hội, nói cách khác chủ thể nhận thức được hành vi mình thực hiện trái với quy định của pháp luật hình sự, thấy trước được hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Như vậy, định tội danh tội tàng trữ trái phép chất ma tuý là hoạt động nhận thức mang tính logic thể hiện sự đánh giá của chủ thể định tội danh (có thể là cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và các chủ thể khác theo quy định) về sự phù hợp hay không phù hợp giữa hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý xảy ra trong thực tế với các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Định tội danh tội tàng trữ trái phép chất ma tuý có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, trong đó về mặt pháp lý định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý tạo tiền đề cho việc ra quyết định hình phạt đúng, quyết định tội danh đúng, không bắt oan, bắt sai người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, từ đó góp phần bảo đảm quyền con người cơ bản được pháp luật bảo vệ.
2.2. Những vướng mắc trong thực tiễn định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý
Có thể thấy, một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý chủ yếu liên quan tới quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với quy định về các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự năm 2015 nói chung, tội tàng trữ trái phép chất ma tuý nói riêng cũng đã gây những khó khăn nhất định trong việc định tội danh đối với loại tội này. Cụ thể như sau:
2.2.1. Trong trường hợp chỉ có duy nhất lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma tuý mà lời khai có sự khác nhau trong các giai đoạn tố tụng dẫn tới tính thiếu nhất quán trong việc định tội danh giữa tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội buôn bán chất ma tuý. Đối với những vụ án mua bán trái phép chất ma tuý khi nguồn chứng cứ hạn chế thì việc chứng minh hành vi phạm tội chủ yếu dựa vào lời khai của người phạm tội về động cơ mục đích thực hiện hành vi phạm tội mà không xác định được rõ được người mua dẫn tới ranh giới định tội danh giữa tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội mua bán trái phép chất ma tuý là “mong manh”. Việc xác định động cơ mục đích tàng trữ chỉ dựa vào lời thừa nhận của người tàng trữ trái phép chất ma tuý khai sẽ dẫn đến những khó khăn trong việc đánh giá động cơ mục đích đó bởi việc đánh giá phụ thuộc vào ý chí của người thực thi pháp luật và người tàng trữ trái phép chất ma tuý.[2] Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 khung hình phạt đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội mua bán trái phép chất ma tuý có sự khác nhau. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 249 mức hình phạt đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý từ 01 năm- 05 năm, tội mua bán trái phép chất ma tuý từ 02 năm- 07 năm. Có thể thấy mức hình phạt đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội mua bán trái phép chất ma tuý là khác nhau, cho nên để né tránh trách nhiệm hình sự về tội hoặc hình phạt nặng hơn, đặc biệt khi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 cho phép bị can được tiếp xúc với thân nhân, người bào chữa cởi mở hơn so với quy định trước đây cho nên không loại trừ trường hợp sau khi được tư vấn bị can có thể thay đổi lời khai tại bất kỳ giai đoạn tố tụng nào theo hướng có lợi cho họ [11, tr.5]. Đối với một số vụ án trong quá trình điều tra lúc đầu đối tượng khai nhận mục đích cất giấu hoặc vận chuyển ma tuý nhằm mục đích bán nhưng sau đó lại thay đổi lời khai cất giấu hoặc vận chuyển ma tuý để sử dụng[3] dẫn đến những khó khăn trong quá trình định tội. Có nhiều quan điểm khác nhau về định tội danh khi có sự thay đổi lời khai của người phạm tội như:[4]
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Từ khi bị bắt quả tang đến khi truy tố, nếu bị can, bị cáo đều khai nhận khối lượng ma tuý tàng trữ nhằm mục đích bán thì truy tố, xét xử về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Đến giai đoạn xét xử nếu bị cáo không thừa nhận mục đích để bán thì căn cứ vào lời khai của người tàng trữ từ khi bị bắt quả tang, bị tạm giữ cho đến khi truy tố để buộc tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng chất ma túy thuộc Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự, chỉ có duy nhất lời khai của người có ma túy về mục đích tàng trữ trái phép chất ma túy, không cần biết họ để làm gì, thì xét xử về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015.
2.2.2. Quy định về hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý chưa đủ khối lượng thể tích chất ma tuý tối thiểu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự chưa rõ ràng dẫn đến những cách hiểu khác nhau trên thực tế. Theo cách hiểu thứ nhất, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự là quy định về một trong những tình tiết định tội, do đó khi một người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy với khối lượng, thể tích được quy định từ Điểm b đến Điểm i Khoản 1 Điều này mà có các điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thì ngoài việc áp dụng một trong các điểm từ điểm b đến điểm i, còn phải áp dụng thêm Điểm a Khoản 1 mới đầy đủ. Cách hiểu thứ hai cho rằng, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 249 chỉ áp dụng cho những trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm từ Điểm b đến Điểm i Khoản 1 Điều 249. Do đó, chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy khi khối lượng hoặc thể tích chất ma túy không đạt mức tối thiểu được quy định từ Điểm b đến Điểm i khi người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 248, 250, 251 và 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2.2.3. Việc xử lý đồng phạm về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý cũng còn vướng mắc trên thực tế. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bãi bỏ quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý mà trước đây đã được ghi nhận tại Bộ luật Hình sự năm 1999. Điều này thể hiện quan điểm của pháp luật Việt Nam không coi sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội cho nên hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành. Trong trường hợp những nhóm người cùng rủ nhau mua chất ma tuý về sử dụng đủ trọng lượng ma tuý theo quy định thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý với hình thức đồng phạm. Ví dụ theo Cáo trạng số 174/CT- VKSQ8 ngày 17/8/2018, Nguyễn Duy Linh, Dương Quốc Khánh, Lê Hoàng Chí Hùng, Huỳnh Trọng Thảo, Lê Trung Tín, Hồ Thu Thảo, Nguyễn Công Thành, Trần Thị Tuyên, Đặng Bích Huyền, Nguyễn An Thư, Kiều Ngọc Ly cùng bàn bạc về nhà Nguyễn Duy Linh ở Quận 8 và mua ma tuý sử dụng. Các bác bị can trên bị truy tố theo Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015, ba bị can đến sau với mục đích sử dụng chất ma túy không biết mua từ bao giờ, ai mua là Thành, Thảo, Ly cũng bị truy tố về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý. Nếu trong trường hợp, rủ nhau sử dụng chất ma tuý nhưng đến nơi đã có sẵn chất ma tuý trên bàn và sử dụng thì việc định tội danh dưới hình thức đồng phạm của tội tàng trữ trái phép chất ma tuý [6, tr.25] như trường hợp trên đã phù hợp hay chưa? Bởi lẽ đồng phạm trong trường hợp này là đồng phạm về sử dụng chất ma tuý. Trên thực tế việc xử lý đối với những trường hợp rủ nhau mua chất ma tuý về sử dụng hết sức khó khăn vì phần lớn những người này đều là những nghiện ma túy, thuê địa điểm trong thời gian ngắn rồi rủ những người khác đến để cùng sử dụng ma túy. Phần lớn các vụ việc loại này khi phát hiện bắt giữ thường là không thu giữ được vật chứng, hoặc có thu được thì khối lượng ma túy còn lại rất ít không đủ để giám định hoặc cấu thành tội phạm khác.
2.2.4. Việc xác định hàm lượng các loại chất ma tuý theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự còn gặp những vướng mắc trên thực tế. Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015 liệt kê các chất ma tuý không dựa trên tính nguy hiểm của các chất ma tuý theo quy định của Nghị định số 73/2018/NĐ-CP[5]mà chỉ đề cập tới một số chất ma tuý phổ biến, các chất ma tuý còn lại sử dụng thuật ngữ “các chất ma tuý khác ở thể rắn” hoặc “các chất ma tuý khác ở thể lỏng”. Trên thực tế, trong những vụ việc mà chất ma tuý ở thể rắn có nhiều chất hợp thành như Methamphetamine + MDMA + Ketamine hoặc Methamphetamine + MDMA + Methylphenidate[6] việc giám định hàm lượng chất ma tuý ở thể rắn chỉ giám định khối lượng, không giám định hàm lượng bởi lẽ theo quy định của pháp luật chất ma tuý ở thể rắn thì không phải giám định hàm lượng. Bởi vậy, trong những vụ án chất ma tuý thu được ở thể rắn có nhiều chất hợp thành thì phải yêu cầu giám định khối lượng cho nên trong quá trình yêu cầu giám định phải yêu cầu cơ quan giám định khối lượng từng chất ma tuý và trong trường hợp cơ quan giám định không thể xác định được khối lượng từng chất ma tuý thành phần gây khó khăn cho việc định lượng hàm lượng chất ma tuý.
2.3. Một số kiến nghị
Xuất phát từ những điểm hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời để nâng cao hiệu quả của việc định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, tác giả xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
2.3.1. Cần ban hành văn bản hướng dẫn về việc định tội danh đối với tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội buôn bán chất ma tuý trong trường hợp chỉ có duy nhất lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma tuý và đồng phạm trong các vụ án liên quan tới tội tàng trữ trái phép chất ma tuý để có sự phân định rõ ràng giữa hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
2.3.3. Để tránh gây ra những cách hiểu khác nhau về tình tiết định tội được quy định tại Điểm a Khoản 1 của Điều 249, có thể sửa lại cách diễn đạt như sau:
“Người nào tàng trữ trái phép chất ma tuý mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a. Khối lượng ma tuý dưới mức thấp nhất quy định từ Điểm b đến Điểm i Khoản 1 Điều này, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này…”.
2.3.3. Để đảm bảo tính thống nhất việc định lượng các chất ma tuý, các chất ma tuý được quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự cần phải được phân loại theo danh mục được quy định tại Nghị định 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định các danh mục chất ma tuý và tiền chất. Bên cạnh đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về trường hợp giám định các chất ma tuý ở thể rắn có nhiều chất hợp thành nhằm tạo thuận lợi hơn chủ thể định tội trong quá trình định tội danh đối với tội này.
3. Kết luận
Trong giai đoạn hiện nay, việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành đối với những nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn định tội danh tội tàng trữ trái phép chất ma tuý như định tội danh giữa tội tàng trữ trái phép chất ma tuý và tội buôn bán trái phép chất ma tuý trong trường hợp chỉ có duy nhất lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma tuý; đồng phạm trong các vụ án liên quan tới tội tàng trữ trái phép chất ma tuý để có sự phân định rõ ràng giữa hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý; định lượng, hàm lượng ma tuý… Hoàn hiện những quy định trên có ý nghĩa quan trọng và tạo tiền đề cho việc giải quyết các vụ án hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý đượcchính xác, góp phần duy trì trật tự xã hội và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
[1] Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
[2] Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.
[3] Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự năm 2015.
[4] Chính phủ (2018), Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định danh mục chất ma tuý và tiền chất.
[5.] Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp (2007), Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII- Các tội phạm về ma tuý của Bộ luật Hình sự năm 1999.
[6] Chu Tấn Hải & Nguyễn Thị Phương Hoa (2020), Bàn về quy định của Bộ luật Hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 5/2020.
[7] Dương Tuyết Miên (2007), Định tội danh và quyết định hình phạt, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
[8] Hoàng Thị Minh Sơn (2008), Hoàn thiện các quy định về thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự, Tạp chí Luật học số 7/2008.
[9] Lê Văn Cảm (2005), Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học luật hình sự (Phần chung), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[10] Lê Văn Đệ (2010), Định tội danh và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.
[11] Ma Văn Hùng (2018), Việc định tội danh đối với hành vi tàng trữ, mau bán trái phép chất ma tuý, Tạp chí Kiểm sát số 15/2018.
[12] Phan Thị Hồng Thắng (2015), Định tội danh đối với tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm chất ma tuý trên hoặc chiếm đoạt chất ma túy (trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Đắk Lắk), Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội.
[13] Trường Đại học Luật Hà Nội (2010), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, tập 2, NXB Công an nhân dân.