Dù chỉ như những hạt cát nhỏ bé trong xã hội, mỗi con người bao giờ cũng có ít nhất một nghề để làm việc, sinh sống và phát triển. Không ít người đam mê, tâm huyết lấy nghề làm nơi ký thác và coi đó là nghiệp để theo đuổi suốt đời. Dù nghề hay nghiệp của ai chăng nữa cũng đều có niềm vui và nỗi buồn chung, riêng, khó tả. Không ai có thể mạnh miệng nói rằng, tôi làm nghề này chỉ thấy niềm vui, hoặc anh chị làm nghề kia toàn chuyện buồn…Buồn, vui trong nghề nghiệp của con người hình như đã là quy luật tất yếu của cuộc sống.
Những năm trước, cứ mỗi khi gần đến Kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, trong mỗi người làm báo bao giờ cũng rộn lên niềm vui, lòng tự hào cùng với hàng vạn đồng nghiệp trong sự chia sẻ chia, động viên, chúc mừng của bạn đọc. Thế nhưng, năm này tình hình có những đổi khác: bên cạnh niềm tự hào chính đáng của lịch sử suốt 87 năm qua báo chí nước nhà đã cống hiến vẻ vang; cũng từ nhiều tháng nay một số người trong nghề làm báo có trách nhiệm và bạn đọc tỏ ra càng nhiều băn khoăn, lo ngại trước thực trạng, rất nhiều tờ báo trong nước phản ánh một cách quá đáng những mặt trái của xã hội nhưng lại ít nói tới những vấn đề “quốc kế, dân sinh”?. Đó là cảnh lừa đảo, đâm chém, cướp giật, giết người, nạn trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn mua bán bằng cấp, mua bán dâm công khai, cảnh cờ bạc, ăn chơi kỳ lạ của một số quan chức, đại gia, người mẫu chân dài… tràn lan trên báo giấy và báo mạng. Báo chí vừa qua đã đậm nét thông tin, mổ xẻ về những căn bệnh trầm kha trong làm ăn kinh tế như thiếu tinh thần trách nhiệm, thất thoát hàng ngàn tỷ đồng, tham nhũng không giảm, tiêu biểu ở những tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà tiêu biểu là tập đoàn Vnashin, Vinalins…rồi cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, sản phẩm ế đọng, mất giá, công nhân mất việc làm dẫn đến nhiều doanh nghiệp nợ, trốn thuế và có tới hàng ngàn, hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc xin phá sản, đăng ký tạm ngừng hoạt động. Trong khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới và của riêng đất nước, báo chí nước nhà đã cố gắng phản ánh kịp thời những biện pháp tháo gỡ khó khăn của các cấp các ngành theo tinh thần Nghị quyết số 11/NĐ-CP ngày 14-2-2012 của Chính phủ. Có lẽ những liệu pháp đó do chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ vì thế tuy lạm phát có giảm so với những tháng đầu năm nhưng sức mua trong xã hội vẫn trì trệ, đời sống của đại bộ phận dân cư đang gặp rất nhiều khó khăn, thông tin càng nhiễu sự.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội phức tạp, những người làm báo trong cả nước càng thêm khó khăn trước thực trạng: số lượng báo chí phát hành liên tục sụt giảm, doanh thu bán báo và quảng cáo chỉ còn là nhỏ bé. Điều đáng buồn nhất không chỉ đối với những người làm báo mà chính là nỗi lo chung của xã hội trước những tờ báo, tờ tạp chí được coi là chính thống xuất bản đàng hoàng thì rất ít người đọc. Những tờ báo này sống nhờ chủ yếu bằng tiền mua báo lấy từ ngân sách hoặc ít ra cũng là tiền lấy từ nguồn thu của cơ quan, doanh nghiệp hay hội phí của các đoàn thể, tổ chức, hội viên. Có lẽ do những tờ báo “chính hãng” đó đã không chinh phục được người đọc bởi thông tin của họ thường là một chiều, khô khan, cứng nhắc cho nên bạn đọc từ chối. Để cứu lấy những tờ báo ế ẩm, người ta đã cho ra đời những tờ được gọi là phụ chương hay số chuyên đề với số kỳ, số trang phát hành dày hơn tờ chính. Các tờ phụ này có nội dung “mùi mẫm”, giật gân, câu khách, chủ yếu nói về đời tư các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu hay các hoa hậu, hoa khôi… và nhiều số phận bị can, bị cáo của các vụ án nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người đọc hiếu kỳ, muốn được thoả mãn sự tò mò cá nhân. Chính các yếu tố ly kỳ, bí ẩn, úp úp, mở mở mà người viết chủ yếu dùng phương pháp “phóng đại”, “có một nói tới một trăm, một ngàn” đã giúp các phụ chương này bán chạy đem lại nguồn thu kếch xù để rồi toà soạn ăn chia với những “cai đầu dài” chuyên đi làm báo thuê. Chính sự lấn át có chiều quá đáng trên thị trường phát hành, cho nên mới đây đã nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa vài tờ báo ở TP Hồ Chí Minh với một số tờ báo có ấn phẩm phụ. Có người cho rằng những ấn phẩm phụ kia đã xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo, đích thị là báo “lá cải.” Phía các tờ báo có ấn phẩm phụ thì bắt bẻ lại: thế nào là báo lá cải, tại sao lại gọi báo tôi là báo lá cải, căn cứ nào?. v.v và v.v.Những cuộc tranh luận ầm ĩ, “nảy lửa” đã làm cho người đọc càng rối bời, không biết đâu là sự thật; Những người làm báo và quản lý báo chí nghiêm túc càng thêm đau đầu, khó lý giải? Trước tình hình có chiều hướng gia tăng những ấn phẩm báo chí giật gân, câu khách ít mang tính định hướng giáo dục, gần đây Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Chu Trinh (Quảng Nam) đã cảnh báo rằng: “Cứ nhìn chúng ta đang cung cấp cái gì trên sạp báo trước khi lên tiếng phê phán trình độ của sinh viên hiện nay”. Vậy trách nhiệm của những người làm báo đối với lớp trẻ hiện nay đến đâu thật đáng để suy nghĩ?
Các nhà quản lý và bạn đọc luôn đòi hỏi báo chí phải phản ánh sự thật. Tuy nhiên, không phải sự thật nào nhà báo cũng được tiếp nhận thông tin một cách thuận lợi và không phải sự thật nào nhà báo cũng được thông tin. Ngay cả đến những điều bình thường nhất khi nhà báo muốn tìm hiểu những điều bạn đọc cần giải đáp từ phía các cơ quan chức năng nhưng cũng bị cản trở và gây khó. Thường thì người ta luôn từ chối khi nhà báo đề cập đến những đơn khiếu nại, tố cáo, những bức xúc của bạn đọc khi các cơ quan, tổ chức có những việc làm sai trái. Quá trình nhà báo đi xác minh điều tra, tìm hiểu sự việc thường bị ngăn cản. Trong thực tế, nhiều nhà báo đã bị hành hung, gần đây nhất đó là 2 nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam bị đánh trong khi đang tác nghiệp tại hiện trường vụ cưỡng chế đất đai ở huyện Văn Giang, Hưng Yên. Nhiều trường hợp khác phóng viên, nhà báo bị hành hung đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng không dễ tìm ra thủ phạm. Ngày nay, phóng viên, nhà báo là một nghề nguy hiểm, thực sự nguy hiểm.
Vấn đề luôn có tính thời sự đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó là, cần tạo ra hành lang pháp lý một cách khoa học, thoả đáng để nhà báo tiếp nhận thông tin kịp thời, trung thực nhất trước khi chuyển tải tới người đọc. Ngày 9-6 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói với các cán bộ quản lý và phóng viên khi đến thăm, làm việc với Báo Nhân dân và Tạp chí Cộng sản như sau: “Cần nhận rõ điều gì làm nên sức hấp dẫn của tờ báo, phải chăng là nói đúng sự thật một cách truyền cảm, thuyết phục, nói những điều mà người nghe đang cần”.`Vâng, “nói đúng sự thật… và nói những điều mà người nghe đang cần” là tiêu chí hàng đầu và quan trọng nhất để mỗi tờ báo phấn đấu, vươn tới, khẳng định được vị thế của tờ báo đối với bạn đọc. Đây cũng là điều lý giải vì sao không ít tờ báo chính thống lại ít độc giả tự nguyện tìm đến bỏ tiền của mình để mua và đọc báo./.
Trương Huyền