Cầu Hàm Rồng ngày 19/5/1964. Ảnh tư liệu
Sáu mươi năm về trước, đế quốc Mỹ quyết định mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, Mỹ đã xác định cầu Hàm Rồng là trọng điểm bắn phá nhằm hủy diệt cây cầu huyền thoại, cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Bằng không quân, Mỹ đã điên cuồng tấn công vào Hàm Rồng và các khu vực trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa. Chỉ trong 2 ngày (3 và 4/4/1965), Mỹ đã huy động tới 454 lượt máy bay ném hàng nghìn tấn bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng. Trong cuộc đối đầu lịch sử này, quân và dân Thanh Hóa đã anh dũng chiến đấu làm nên một thiên anh hùng ca, có một không hai trong lịch sử, bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn.
Trận địa pháo cao xạ ở mặt trận Hàm Rồng. Ảnh tư liệu
Trong suốt chiều dài lịch sử cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nơi đây đã hạ gục 117 máy bay, trong đó có hai máy bay B52 và một máy bay không người lái, từ đó âm mưu "biến cầu Hàm Rồng thành đống sắt vụn", hòng chặt đứt tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam của người Mỹ thất bại. Theo các tài liệu đã được công bố, chưa có cuộc chiến nào trong lịch sử nước Mỹ mà chỉ trong hai ngày họ bị thiệt hại số máy bay và người lái nhiều như vậy.
Cầu Hàm Rồng vẫn sừng sững hiên ngang nối đôi bờ sông Mã
Chiến thắng Hàm Rồng có ý nghĩa quan trọng, giúp hậu phương miền Bắc giữ vững mạch máu lưu thông, không ngừng chi viện cho tiền tuyến, đóng góp to lớn vào Đại thắng Mùa xuân năm 1975, Giải phóng hoàn toàn miền Nam, Thống nhất đất nước./.
PV. Thiệu Ninh