Vung vãi ngân sách
Là người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa quản lý thì theo ông, ở Việt Nam, văn hóa quản lý đang ở mức nào?
Trước hết, nói về văn hóa quản lý thì bất cứ một nền hành chính công vụ nào cũng có. Nhà nước nào, tổ chức nào thì văn hóa quản lý ấy. Theo đánh giá xếp loại thì có ba mức văn hóa quản lý: mạnh, yếu, kém. Nhưng để đánh giá được cụ thể nền văn hóa quản lý ở mức nào thì phải dựa vào rất nhiều tiêu chí, từ mối quan hệ giữa người – người, người – môi trường, đồng cấp với nhau, cấp trên – cấp dưới, việc đưa ra những quyết định quản lý... chứ không thể nói chung chung được.
Ông lý giải thế nào về chuyện có những dự thảo, đề xuất, thậm chí là cả những quyết định được đưa ra rồi song lại thiếu tính thực tế, thiếu thuyết phục, bị dư luận lên án gay gắt và phải sửa đổi hoặc hủy bỏ?
Chúng ta buộc phải chấp nhận đặc trưng cơ bản của ra quyết định quản lý. Ấy là không bao giờ có 100% quyết định đúng cả. Thậm chí, đưa ra 70% quyết định hợp lòng dân, được triển khai trong cuộc sống đã là một con số ấn tượng, đáng để hài lòng rồi; trong quá trình triển khai thực hiện thì tất nhiên vẫn cần phải điều chỉnh để những quyết định ấy hoàn thiện hơn. Quyết định quản lý luôn mang tính mạo hiểm, theo nguyên tắc tương đối và nguyên tắc ngoại lệ. Cho nên, có những quyết định đưa ra sau đó phải điều chỉnh, thậm chí bị bác bỏ, cũng là điều bình thường.
Nhưng liệu sự “bình thường” ấy có chấp nhận nổi không khi mà theo con số báo cáo của Bộ Tư pháp thì năm 2012, cả nước có hơn 10.000 văn bản trái pháp luật... Rồi những đề xuất kiểu bỏ ra 7.000 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 71 nhà hát; xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ đồng... trong khi rất nhiều công trình xây xong đã không sử dụng hết công năng, bị cho là lãng phí?
Mới đây, chúng tôi đi nghiên cứu, khảo sát tại Tây Nguyên. Có những thủy điện được xây dựng tại đó mà không được tính toán đầy đủ. Hệ quả của nó là ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của người dân. Chúng ta đang nỗ lực xóa đói giảm nghèo thì những quyết định như vậy làm cho đời sống một bộ phận dân cư trở nên khốn cùng. Với những dự thảo, đề xuất, quyết định... kiểu vung vãi tiền ngân sách thì không thể là bình thường được. Có điều bây giờ, chính những sự không bình thường ấy diễn ra khá nhiều đang khiến người ta dần coi là bình thường. Rất nguy hiểm!
Không thiếu lý lẽ để bao biện
Để đưa ra một quyết định quản lý nào đó, người ta cần phải dựa vào những yếu tố nào?
Họ phải làm đúng quy trình đã. Đầu tiên, họ phải xác định mục tiêu, mong muốn của quyết định ấy là gì; phải làm những gì để thực hiện nó, ai làm... Sau đó là xây dựng các phương án rồi đánh giá các phương án ấy để lựa chọn được phương án tối ưu. Từ đó phải cụ thể hóa nó ra như chi bao nhiêu tiền, sản phẩm sẽ là gì, ai kiểm tra chất lượng sản phẩm ấy... Nói chung, có 6 bước cơ bản để đưa ra một quyết định/văn bản đề xuất nào đó trong hoạt động quản lý.
Trên thực tế, ông có thấy người ta làm đúng?
Về mặt lý thuyết, người ta hoàn toàn có thể khẳng định mình làm đúng trình tự ấy.
Còn thực tế?
Khó đấy. Vì nó liên quan đến hoạt động ngầm của các nhóm lợi ích. Ví như quyết định bẻ cong một con đường nào đó để né nhà quan chức; hay đưa ra một quyết định phải dùng đến ngân sách, người ta cũng cố vẽ ra thật nhiều để dễ kiếm chác. Dĩ nhiên, họ không thiếu gì lý lẽ để bao biện cho việc họ đang làm đúng quy trình, dù ai cũng hiểu đằng sau những quyết định đó là gì. Tuy nhiên, để bắt tận tay, day tận trán là một việc làm hết sức không đơn giản.
Đầy đủ ban bệ, nhưng...
Ông có cho rằng, những văn bản/quyết định quản lý dù rất “vô duyên”, rất thiếu thực tế mà vẫn được đưa ra, thông qua thì đó không chỉ là vấn đề trách nhiệm của người/cấp có thẩm quyền ban hành?
À, dĩ nhiên rồi. Những quyết định quản lý không phải cứ thẳng băng mà chạy, từ khi có ý tưởng đến lúc ban hành đâu. Ở ta, việc thẩm định chính sách, quyết định thì bao giờ cũng đầy đủ ban bệ, nhưng kết quả thẩm định lại có vấn đề. Ấy là bởi, cái yếu nhất trong khâu quản lý của ta là khâu kiểm tra (từ khâu làm kế hoạch cho đến khi ra bản quyết định, triển khai thực hiện), nó liên quan đến chất lượng của những quyết định. Ai cũng biết điều đó nhưng chẳng mấy ai làm.
Phải chăng vì nó khó quá?
Nó khó vì thiếu công khai minh bạch, những quan hệ ngầm mới tồn tại được. Hơn nữa, ở ta chưa có văn hóa từ chức, có mấy người dám từ chức vì thiếu năng lực, vì ra quyết định sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng...
Thiếu văn hóa quản lý
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ ở ta có những quyết định quản lý xa rời thực tế là vì người đưa ra quyết định đang thiếu được đào tạo căn bản. Ông thấy sao?
Đúng rồi. Nói đi thì cũng phải nói lại. Sở dĩ có những quyết định quản lý xa rời thực tế thì trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về người lãnh đạo. Một bộ phận họ thiếu thông tin, không có khả năng bao quát thông tin, trong khi một trong những cơ sở quan trọng nhất để đảm bảo quyết định tương đối phù hợp là thông tin đầu vào. Thứ hai là rất nhiều người không được đào tạo thành nhà quản lý bài bản, biết được rằng nhà quản lý là ai, cần phải làm gì... Thường thì cán bộ lên từ từ rồi được cử đi học lớp quản lý nhà nước, lớp lý luận chính trị theo quy định hiện hành.
Tức là nguyên nhân vì chúng ta chưa coi quản lý là một nghề?
Thực ra, trong khối doanh nghiệp thì họ hoạt động chuyên nghiệp hơn khi coi quản lý là nghề. Còn khối hành chính công thì chưa hẳn vì có quá nhiều cán bộ quản lý lãnh đạo vẫn bị thiếu văn hóa quản lý, dù đội ngũ quản lý nhiều nơi còn có thừa. Đó mới là gốc rễ của vấn đề.
Ông có nghĩ đó cũng có một phần trách nhiệm của các ông – những người làm công tác đào tạo khoa học quản lý?
Chúng tôi đào tạo ra nhiều thế hệ bổ sung vào đội ngũ những người làm quản lý. Nhiều người trong số họ đã trưởng thành. Thế nhưng, đào tạo trong nhà trường là một chuyện. Còn khi đi làm thì mấy người áp dụng hết những điều đã học đâu (cười), vì lý do thì nhiều lắm, trong đó có cả vấn đề lợi ích ngầm mà tôi đã đề cập.
Bây giờ, những quyết định quản lý thiếu thực tế, kiểu vung vãi ngân sách... sẽ vẫn còn tái diễn, bởi xóa bỏ lợi ích ngầm là không đơn giản?
Đúng. Khó lắm!
Chả lẽ chúng ta cứ “cam chịu” thế ư?
Vẫn có cách làm chứ. Muốn làm thay đổi văn hóa quản lý thì phải thay đổi công tác cán bộ lãnh đạo quản lý, phải làm sao để họ làm công tác ấy có văn hóa hơn. Nói chung, khi nào chuyển hẳn sang nhà nước phục vụ dân chúng thì chúng ta sẽ cơ bản chấm dứt chuyện về những quyết định quản lý quan liêu, vừa ban hành đã bị đề nghị bãi bỏ.
Đến khi nào sẽ chấm dứt được hẳn tình trạng quản lý quan liêu, thưa ông?
(Cười) Chúng ta hãy cứ hy vọng đi.
Xin cảm ơn ông!
“Bây giờ, có rất nhiều quyết định quản lý, dù người ta nhận thức được rằng nó sai sót đấy, không thỏa đáng đấy, nhưng vẫn cứ phải gật đầu chấp thuận. Là bởi sự chi phối của ông A, ông B nào đó ở cấp trên đã “có lời””, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh.
Theo: kienthuc.net.vn