Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaCuốn phả chí đầu tiên – Đọc gia tộc thấy dân tộc, một tác phẩm văn chương có giá trị (Tổng thuật Hội thảo tác phẩm Trăm năm ly hợp – Lê Khắc gia phả chí )

Cuốn phả chí đầu tiên – Đọc gia tộc thấy dân tộc, một tác phẩm văn chương có giá trị (Tổng thuật Hội thảo tác phẩm Trăm năm ly hợp – Lê Khắc gia phả chí )

Thứ năm, 13 Tháng 3 2014 03:15

tang hoa

Tổng Biên tập Đoàn Xuân Trường tặng hoa tác giả - Nhà văn, Nhà giáo, Nhà báo Lê Khắc Hoan

1-Đông hiếm có

“…Sáng 20-2-2014, tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, Câu lạc bộ Văn chương đã tổ chức hội thảo cuốn tiểu thuyết tư liệu Trăm năm ly hợp của tác giả, Nhà văn, Nhà giáo, Nhà báo Lê Khắc Hoan. Rất hiếm có cuộc hội thảo số người tham dự lại đông đảo như vậy, ngoài các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu lý luận còn đông đảo bầu bạn và con cháu dòng họ Lê Khắc từ nhiều địa phương trong cả nước về dự. Các tham luận đánh giá cao tiểu thuyết tư liệu này, một hướng mới của văn chương lấy dòng tộc làm đối tượng miêu tả…” (Nhà thơ Trần Nhương)

 

“…Hội trường Hội Nhà văn VN ngày 20.2.2014 đã thiếu chỗ, nhiều nhà văn già đáng kính đã phải đứng vì người muốn tham gia hội thảo cuốn “Trăm năm ly hợp” quá đông…” (Nhà văn Kiều Bích Hậu).

 

2-Gia tộc và Dân Tộc - Ly và Hợp

“Một dòng chảy văn hóa gia tộc cuồn cuộn, tràn bờ, hàm nghĩa  cả chính kịch và bi kịch trong Trăm năm ly hợp. Chưa bao giờ trên thị trường sách Việt xuất hiện một cuốn “gia phả” lạ biệt như thế. Lạ biệt nhất chính là thái độ và kĩ năng viết “gia phả” tộc họ mình theo cách riêng đầy nhiệt huyết và sự thẩm thấu văn hóa dòng tộc vốn là sức mạnh hàng đầu của dân tộc VN…” (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)

 

 “…Trăm năm ly hợp” là câu chuyện về một dòng họ nhưng cũng là một phần lịch sử dân tộc dưới góc nhìn của một nhà báo, nhà văn từng trải và giầu bản lĩnh. (Nhà văn Đặng Văn Sinh)

 

“…Thế kỷ XX là thế kỷ có nhiều biến động nhất ở Việt Nam. Cơn bão thời cuộc bùng lên. Những người con cùng một cha, cùng một tổ phụ bỗng dưng rơi vào hai chiến tuyến.“Chu trình ly hợp cam go khốc liệt trải dài dọc nam bắc đất nước, tràn ngang đông tây địa cầu suốt nửa sau thế kỷ XX”. (Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm)

 

Câu chuyện Ly – Hợp của trăm năm, nhưng chừng như vẫn còn một phần ba chặng đường phía trước. Ly đã đến cùng, mà hợp còn mong mỏi. Lòng người dẫu muốn, nhưng còn chính thể, thời cuộc…(Nhà văn Hoàng Minh Tường)

 

Tác giả không ngại đụng chạm đến hàng loạt những sự kiện lịch sử cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu thấu đáo như cuộc chiến xung đột ý thức hệ,  hai cuộc thiên di của dân tộc Việt trên quy mô lớn vào năm 1954 và sau năm 1975 khiến hàng triệu người ly hương, những bất cập của nền kinh tề kế hoạch hóa kéo dài dẫn đến tình trạng nước suy thoái hay sự kỳ thị của bên thắng cuộc với những người bại trận trong chính sách hòa hợp dân tộc . (Nhà văn Đặng Văn Sinh)

 

 “…Biến cố của Lê Khắc tộc cũng chính có nguyên nhân của biến cố lịch sử dân tộc. Chỉ khi hòa hợp, thống nhất dân tộc thì mục đích của cuộc chiến tranh giải phóng mới đi đến đích cuối cùng. Tôi tin rằng khắc kỷ phục lễ. Lê Khắc Hoan kể về ông nội mình như một người bấm độn tính kinh dịch cực giỏi, cụ dạy bảo trước cái cách để hòa hợp lại huyết thống của nhà mình. Bằng cách lấy chữ Khắc (克) đặt nối vào họ. Chữ Khắc này lấy từ thành ngữ cổ, Khắc kỷ phục lễ (克己) GS Đào Duy Anh giảng là đè nén lòng riêng, khiến cho hồi phục được lẽ trời. (Nhà văn Văn Chinh)

 

3-Hãy gọi tên thể loại là GIA PHẢ CHÍ

“…Ở Việt Nam, hầu như họ nào cũng có tộc phả, nhà nào cũng có gia phả. Trước đây viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, nay hầu hết dịch ra chữ quốc ngữ, được lưu giữ nơi tôn nghiêm nhất trong mỗi gia đình. Tôi được đọc nhiều tộc phả, gia phả nhưng thấy có lẽ đây là cuốn “gia phả chí” công phu, phong phú nhất … (Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm)

 

“Trăm năm ly hợp” là một cuốn sách khó định danh thể loại. Nó là sự kết hợp giữa lối viết biên niên sử với thể loại truyện ký mang phong cách sử thi trên cơ sở dữ liệu có thật. (Nhà văn Đặng Văn Sinh)

 

Trong văn học hiện đại, các thể loại có khuynh hướng thâm nhập vào nhau, bổ sung cho nhau, tạo nên tính phong phú về thể loại- tạo nên thể loại mới. Lê Khắc Hoan đã tạo ra một lối văn riêng rất độc đáo - thể loại gia phả chí hiện đại. Trăm năm ly hợp  mở đường và cung cấp phương pháp, kinh nghiệm làm PHẢ CHÍ. (Ông Đỗ Vũ Chung, trưởng ban Nội chính tỉnh ủy Quảng Ninh).

 

“…Trăm Năm Ly Hợp là một cuốn PHẢ kiểu mới, không đơn thuần là bản thống kê thế thứ, chi nhánh đơn thuần mà được biểu đạt như một thiên tiểu thuyết, một hồi ký, ký sự kể chuyện lịch sử một dòng họ…” (Nhà giáo Hoàng Minh Thắng)

 

“…Truyện ký ư? Gia phả chí ư? Có sao đâu. Ký viết giỏi, ghi chép biết chọn lọc, khái quát thì đọc vẫn thú vị và hay hơn hẳn tiểu thuyết mà viết dở. Gia phả ư? Thì cũng đã có bao nhiêu tiểu thuyết của ta từng viết về các dòng họ ở nông thôn trong thời hợp tác và chiến tranh đó sao?…” (Nhà văn Vũ Nho).

 

“… Tác phẩm thuộc loại truyện ký, ký sự tư liệu, kết cấu theo thời gian, theo nhóm nhân vật, nhưng vẫn có mối liên kết xuyên suốt. Tác giả triển khai theo diện, rồi tập trung vào điểm, làm rõ nét những nhân vật chính”. (Nhà văn Hoàng Minh Tường)

 

“…Tác giả kể chuyện nhà chuyện họ của mình, gọi là phả chí, thì đúng là phả chí, nhưng có nhiều đoạn là hồi ức hồi tưởng, là suy ngẫm sự đời, lại phảng phất cái lối viết của các truyện truyền kỳ, truyện... diễn nghĩa (Nhà văn Nguyên An).

 

“Tác giả gọi là “Lê Khắc Gia Phả Chí” nhưng thực chất là môt ký sự rất sống động, tỷ mỉ, chính xác đến từng sự kiện, từng chi tiết. Điều này rất khó, vì nếu sai sót, thiên vị thì sẽ bị phản ứng từ ngay trong gia đình, dòng họ, sẽ “lợi bất cập hại” (Nhà văn Nguyễn Khắc Trường)

 

 “…Về tên thể loại của cuốn sách. Xin cứ gọi là gia phả chí như tác giả đã đặt, chữ chí ()trong Hoàng Lê nhất thống chí, tạp chí… có nghĩa là gốc là ghi lấy, chép bài văn, sách biên chép các sự vật (ở đây là Gia phả dòng họ Lê Khắc.) Gia phả chí khác với Gia phả. Gia phả, khi được một người có chữ () có tâm (心)theo thế thứ mà biên chép thành bài văn, làm cho người việc (hành trạng) sống động lên thì ấy là Gia phả chí. Một cuốn Gia phả chí được đặt trân trọng dưới ngai thờ tổ tiên, như ngọn cờ chấn hưng sĩ khí, lại như cây quyền trượng gia pháp…” (Nhà văn Văn Chinh)

 

4-Về nghệ thuật thể hiện

“Giọng văn kể chuyện gần gũi với lối kể chân mộc, chậm rãi, điềm tĩnh, khúc triết, mạch lạc có hơi hướng chuyện kể của cổ sử. Rất kiệm lời bình phán. Dường như có thế nào thì anh kể thế. Không giữ kẽ rào đón. Thật đến mức không thể thật hơn. Nhưng do mạch cảm xúc điều hòa, không phô lộ, dồi dào năng lực diễn cảm, nên văn anh không vì thế mà kém phần tinh tế, hoặc đơn điệu, khô khan. Anh hấp dẫn bạn đọc bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác. Anh khéo léo dẫn chuyện, chuyển đoạn bằng sự biến hóa khá linh hoạt các kiểu cách, các thể loại văn chương. Chẳng hạn, trích dẫn Nhật ký, Thư từ. Và nhiều khi dùng cả thủ pháp dựng, một nghệ pháp phổ biến của tiểu thuyết…” (Nhà văn Ma Văn Kháng)

 

“Cuốn “Gia phả chí” nếu viết như sử thì đọc sẽ chán, ít ai kiên tâm đọc được hết. Nhưng nếu viết thành truyện, thành văn (có hư cấu) thì tính chân thực kém, không thuyết phục. Văn ở đây có dáng dấp của sử, có phong vị của truyện, có bóng dáng của , có chỗ lại bảng lảng như tùy bút tạp văn. Chất uymua, cái “hài” thấp thoáng hầu khắp các chương sách. Lê Khắc Hoan không chủ đích làm văn mà đã tạo ra một lối văn riêng rất độc đáo, tạo ra thể loại gia-phả-chí-hiện-đại, tổng hòa nhiều yếu tố sửvăn…" (Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm)

 

“…Đặt tên cho từng chương cũng là quá trình công phu tìm tòi chọn lọc. Mỗi tên chương hàm chứa nội dung chủ yếu như chương Một “Con đàn cháu đống tan tác ly hương”, chương 13 “ Thế hệ vàng trong lửa đỏ ly hợp”, chương vĩ thanh “Hồi kết dở dang”…(Đại tá Phan Khắc Thuận)

 

“…Tôi đã đọc hàng trăm cuốn gia phả của các dòng họ nhưng chưa thấy một cuốn nào viết thực như Lê Khắc Gia phả chí. Thông thường, trong gia phả người ta thể hiện toàn cái hay cái tốt. Nhưng cuốn gia phả của anh Lê Khắc Hoan kể lại cả chuyện hay và chuyện dở, thành công và thất bại, hạnh phúc và đau thương…” (Nhà toán học Lê Vĩnh Thọ)

 

“Đọc phả chí, nhưng độc giả tưởng mình đang đọc tiểu thuyết, một cuốn tiểu thuyết giàu chất sử thi. Tác giả, Văn Trí, với nhiệm vụ người dẫn chuyện, nhân vật chính của tác phẩm, bản thân đã là một số phận nhiều biến cố, lại là một người duyên nợ với văn chương, ông đưa người đọc đi hết từ tình huống này đến tình huống khác, gặp các nhân vật điển hình, chứng kiến đủ những cảnh ngộ ái, ố, hỉ, nộ. Bút lực của ông, khi như một anh chàng “Trương Ba” siêu thủ, bằng con dao bầu, éc một tiếng đã trình làng một phản thịt với thủ , giò, ba chỉ, tim, cật, lòng , dồi, tiết canh…, khi lại như một nghệ nhân kỳ tài, trạm trổ từng cánh tủ, từng bức hoành phi câu đối. Nhà văn Hoàng Minh Tường)

 

“…Lê Khắc Hoan thể hiện được sức mạnh và đặc sắc của một nhà báo rất có nghề khi viết tập phả ký giàu chất văn chương. Tác phẩm có rất nhiều đoạn tả và dựng sống động bằng giọng văn cười cười hài hài của con người đang muốn làm giảm đi nỗi đau đớn bi thương của sự thể, có rất nhiều trang liên tục đưa ra các thống kê, công việc, số liệu, công văn, chỉ thị... của lối viết tiểu thuyết tư liệu vận dụng thủ pháp báo chí, và cũng có nhiều đoạn lại thiên về mô tả, lược thuật của dòng nghệ thuật văn xuôi sử thi. Việc đan cài pha trộn các lối viết như vừa kể ở trên, quả nhiên đã tạo ra một sự nhất quán mà linh hoạt, một giọng điệu có chủ âm mà vẫn đa thanh (Nhà văn Nguyên An).

 

Ngót nửa ngàn trang in với biết bao số phận. Bi thương có. Vẻ vang huy hoàng có. Tủi nhục cùng cực đến phẫn uất, xót xa…cũng có. Nhưng  sao tôi không nhìn ra một thoáng mày chau hằn học! Tịnh không ! Chỉ thấy một chữ Tâm, xuyên suốt nửa ngàn trang giấy! (Nhà thơ Kim Thu)

 

 “…. Chỉ có ngòi bút tài năng mới có thể biến câu chuyện của dòng họ thành tác phẩm văn học hấp dẫn bạn đọc. Hơi bị tiếc cho tác giả vì muốn làm một lúc cả hai việc  ghi chép gia phả" nhất nhất người và việc đều ghi chép y nguyên sự thật", và sáng tạo văn chương. Tôi nghĩ rằng đây là cuốn gia phả đầy đủ dành cho con cháu nhiều đời của dòng họ Lê Khắc. Còn khi dành cho bạn đọc nói chung trong cả nước thì ông ký giả kiêm nhà văn Văn Trí cần rà soát lại tỉ mỉ, rút bớt những chi tiết bắt buộc đầy đủ của gia phả, tác phẩm sẽ lí thú và hấp dẫn hơn rất nhiều…” (Nhà văn Vũ Nho)

 

5-Một dòng họ ưu tú – một tác phẩm văn chương               

 “…Âm hưởng chủ đạo của tác phẩm này không phải là một giọng ca buồn thương bi thiết; vả chăng nếu có, thì đó chỉ là một bè trầm len lỏi trong khúc hoan ca một giao hưởng tràn đầy hào hùng.Lê Khắc là một họ tộc có chiều dày lịch sử và sức sống mạnh mẽ… Lê Khắc là một dòng họ vinh hiển… Lê Khắc cũng là một dòng họ hiếu học… Không thể kể hết những tên tuổi, những tấm gương trong sáng đẹp đẽ trong công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương đất nước của những người con Lê Khắc. Một tình yêu thiết tha Tổ quốc, quê hương. Một ý chí vươn lên, qua truân chuyên để nên bậc siêu quần. Một dòng họ trải qua mấy trăm năm dâu bể, thăng trầm vẫn bền bỉ dạt dào mạch nguồn truyền thống tốt đẹp ông cha. Một dòng họ có sức sống mãnh liệt, có chí anh hùng…” (Nhà văn Ma Văn Kháng)

 

Những công trình biên khảo như thế này, trong mấy chục năm qua  gần như vắng bóng trên thị trường sách.  “Trăm năm ly hợp” là hiện tượng hy hữu, lần đầu tiên, một cuốn sách viết về lai lịch dòng họ xuyên suốt chiều dài lịch sử cả trăm năm với bao nhiêu “tang thương ngẫu lục” cần được nghiên cứu chẳng những dưới góc độ khoa học mà còn phải xem xét dưới dạng văn học với tư cách là một công trình  biên khảo mang phong cách sử thi…” (Nhà văn Đặng Văn Sinh)

 

“…Vì sao cuốn sách được khen tới mức này, được đánh giá cao tới mức này không được giải?” (Nhà báo Hà Anh).

 

“Tôi yêu thích quyển sách này, coi thực sự là một tác phẩm văn học. Một điều nữa cần nói là tấm lòng của người viết, với một dòng họ lớn “cành vàng lá ngọc”, mấy chục năm qua bị phân biệt đối xử vì chủ nghĩa thành phần, nhưng Lê Khắc Hoan không có một dòng oán trách với thế thái nhân tình. Sách được bố cục chặt chẽ, sinh động, với giọng văn khi trang nghiêm, khi u-mua hóm hỉnh, khiến người đọc không mệt, không chán. Tôi lấy làm tiếc khi bình chọn để trao giải thưởng Hội nhà văn năm 2013, tác phẩm này chỉ thiếu 1 phiếu…” (Nhà văn Nguyễn Khắc Trường)

 

“…Cuốn sách đã đạt được hai giá trị văn hóa, cả giá trị vật thể lẫn phi vật thể. Vật thể là ở chỗ nó ghi lại lịch sử riêng tư của một dòng họ trong hình thái “gia phả” truyền thống. Phi vật thể là ở chỗ nó đạt đến phẩm chất văn chương phi - thể - loại trong chính vóc vạc tiểu thuyết lịch sử.

 

Nhìn rộng ra, nó đã miêu tả và lý giải thật sắc nét, sống động cái sức mạnh lớn nhất của người Việt trong lịch sử tồn tại bi tráng của mình, đó là sức mạnh gia tộc.” (PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)

 

Nếu có thêm những gia phả chí như “Trăm năm ly hợp”, hậu sinh sau này chắc chắn sẽ có những bức tranh toàn cảnh sống động và chân thật về cuộc hành trình bi tráng, khốc liệt, thấm đẫm máu, nước mắt, hạnh phúc và đau khổ, nối tiếp các thê hệ trên con đường hình thành một nước Việt chìm nổi và mến yêu của hôm nay và mai sau. (Nhà văn Hoàng Minh Tường)

                                                                                     Đoàn Xuân Trường

                                                                           TBT Tạp chí Giáo dục và Xã hội

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516