Không thấy tàn bạo, chỉ thấy sự háo hức
Sau khi Tổ chức Động vật châu Á có đề nghị cấm Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh và cho rằng đây là lễ hội phản cảm, gây trơ lì với người xem đặc biệt là trẻ em, người dân làng Ném Thượng đã có chia sẻ với chúng tôi.
Chị Nguyễn Thị Hiền (22 tuổi, làng Ném Thượng) chia sẻ: "Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến của Tổ chức động vật châu Á. Đây là lễ hội cả năm mới có một lần, tất cả dân làng đều háo hức chờ đợi đến ngày này mà tại sao lại đề nghị dừng lại"
"Còn nhớ ngày bé tý, được may một bộ áo dài để đi rước, vui lắm, trẻ con chạy quanh lễ rước. Đến chừng này năm, chưa năm nào tôi bỏ lỡ lễ hội", chị Hiền chia sẻ thêm.
Chị Hiền cho hay không thấy lễ hội này dã man, tàn bạo gì cả, thường ngày người ta vẫn giết lợn gà trâu bò để ăn vẫn không làm sao.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chị Trần Thị Thêu (27 tuổi, làng Ném Thượng) cho biết chị mới lấy chồng về làng Ném thượng được 3-4 năm, năm nào cũng tham gia lễ hội và thấy nó rất độc đáo.
"Từ ngày về nhà chồng mỗi năm đến ngày lễ hội thấy cả nhà háo hức lắm thế là mình cũng háo hức theo, cả làng cả xóm vui vẻ với lễ hội, cả nhà đi hội hết, ở nhà cũng làm lễ cúng tổ tiên nữa. Vậy nên tôi thấy lễ hội không có gì là xấu mà phải bỏ, hình ảnh chém lợn không phải ai cũng xem được vì hội rất đông người, chen chúc nhau nên cũng không có gì đáng sợ".
Người dân háo hức xem màn rước lợn.
Chị Phạm Thị Hương, (người làng Ném Thượng) cho hay, nhà bố mẹ chị năm nay được chọn để nuôi "ông ỉn" để cho lễ hội sắp tới, gia đình phải chăm sóc cẩn thẩn chứ không phải ai cũng nuôi được.
"Nếu như nói lễ hội của làng tôi là dã man thì nhìn lại lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng còn dã man hơn. Người ta để trâu chọi nhau rồi lấy thịt bán. Còn chúng tôi là chém lợn để tế thần để cầu yên lành cho cả làng thì không thể coi dã man được. Hơn nữa hình thức là chém nhưng thực ra cũng chỉ là vung đao mạnh rồi cứa nhẹ vào “ông ỉn”, chị Hương chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo chị Hương, lễ hội là từ hàng ngàn đời xưa để lại chứ không phải bây giờ người dân tự sáng lập ra, đây là nét văn hóa truyền thống nên những tầng lớp con cháu phải gìn giữ là đúng, không thể đứng bên ngoài để phán xét lễ hội của vùng khác như thế.
"Mỗi nơi có một nét văn hóa khác nhau, như chúng tôi nhìn vào lễ hội chọi trâu chúng tôi cũng thấy dã man lắm, và ngược lại người ngoài nhìn vào lễ hội của chúng tôi", chị Hương chia sẻ thêm.
Cũng chung quan điểm trên, anh Nguyễn Hoàng (25 tuổi, Ném Thượng) chia sẻ: Hội là của cả làng tổ chức, làm theo từ nhiều đời trước. Một lễ hội truyền thống không phải nói cấm là cấm được mà bỏ là bỏ ngay được. Nếu như bị đánh giá quá phản cảm thì cần có thời gian để thay đổi, thay đổi từ từ cho hợp lý hơn.
"Bản thân tôi thì thấy không dã man mà thấy được sự háo hức cũng như thành kính của người dân quê mình", anh Hoàng khẳng định.
Người làng Thượng không trơ lì hơn nơi khác
Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Trương, Phó chủ tịch UBND phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết việc Tổ chức Động vật châu Á đánh giá lễ hội Chém lợn phản cảm và tàn bạo là hơi quá.
Theo như tổ chức này nói, việc chém những con lợn còn đang khỏe mạnh làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, ông Trương cũng cho rằng điều này không chính xác vì những cảnh đó diễn ra thường ngày và trẻ em cũng được giáo dục từ nhỏ là không được những làm việc đó với ai khác ngoài động vật mà mình nuôi ra chứ không phải động vật hoang dã.
Ông Trương dẫn lời của GS Trần Ngọc Thêm có nói trên một bài báo rằng nếu thế thì thống kê lại tội phạm xã hội thì có bao nhiêu người dân vi phạm và hỏi xem người dân làng Ném Thượng có trơ lì cảm xúc và tàn ác hơn nơi khác không. Và GS kết lại bằng câu không bao giờ có chuyện đó.
"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm. Bên cạnh đó, là người quản lý ở đây, tôi thấy mọi người dân Ném Thượng cũng đều như tất cả các người dân nơi khác. Thậm chí họ chấp hành chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước tốt hơn, họ xây dựng cuộc sống, kinh tế tốt hơn, văn hóa xã hội ổn định."
Nghi lễ Chém lợn trong Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh.
Ông Trương cho biết thêm, hiện nay vẫn duy trì lễ hội, cái gì mà nó phản cảm thì giảm bớt nó đi. Cụ thể là hai năm vừa qua, việc chém lợn được đưa vào khu vực cỗ ngọc chứ không làm ở ngoài sân đình như trước kia.
Tục chém lợn chỉ là một nội dung nhỏ trong Lễ hội Chém lợn thôi, trong lễ hội còn nhiều nội dung khác phần lễ phần hội. Lễ thì ở nhà cúng ông bà tổ tiên, ở đình thì cúng thành hoàng làng tin tởng vào cái hiện thực giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, dân làng xích lại gần nhau hơn.
Hội thì còn nhiều nội dung như hát quan họ, chọi gà, đu quay và nhiều trò chơi dân gian khác để mang tính giáo dục tốt, đậm đà bản sắc dân tộc và bản sắc riêng của địa phương.
“Mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng, có nét riêng, phương Tây các tổ chức khác cho là thịt lợn thịt gà là dã man nhưng đó là phục vụ cuộc sống con người. Ở nước ngoài 2 người đấm bốc đấm nhau trên sàn đấu máu me đầy người, khán giả dưới vẫn vỗ tay thế sao không gọi đấy là dã man, đấu bò tót sao không dã man”, ông Trương cho hay.
Ông Trương cho rằng, thời đại hiện nay, phương tiện thông tin đại chúng phát triển, hình ảnh có thể lan rộng và đưa lên mạng một cách dễ dàng thành ra những tổ chức, các nước khác hoặc những người trong nước có suy nghĩ khác nhau.
"Tuy nhiên, lễ hội Chém lợn là lễ hội trong làng, không phải lễ hội cấp phường, một quy mô nhỏ, không vi phạm pháp luật, làm những gì tốt đẹp giáo dục được cho cộng đồng dân cư thì làm. Chúng tôi không bán vé cho người đến xem cũng không bắt ai đến xem, nếu suy nghĩ ở góc độ khác rằng không phù hợp với bản thân, sống ở dân tộc văn hóa khác không phù hợp với phong tục tập quán thì đừng xem và có đánh giá như vậy". ông Trương nói.
Theo Báo Đất Việt