Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaNguyên phi Ỷ Lan qua một số thư tịch

Nguyên phi Ỷ Lan qua một số thư tịch

Chủ nhật, 10 Tháng 3 2024 04:43

 

ThS. Nguyễn Văn Tương

Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Tóm tắt

Đền th Nguyên phi Ỷ Lan (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những điểm du lịch - tâm linh rất có giá trị nơi ngoại thành vùng đất “nghìn năm văn hiến”. Với những giá trị lớn lao về văn hóa, lịch sử, Đền trở thành điểm đến rất hấp dẫn đối với khách thập phương. Bài viết này tổng hợp các tư liệu về vị Nguyên phi nổi tiếng dưới triều Lý, vừa để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hành trạng của bà, đồng thời hi vọng ít nhiều sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho các hướng dẫn viên du lịch trên hành trình đưa khách tham quan đến khám phá vùng đất, con người nơi đây.

Từ khóa: Nguyên phi Ỷ Lan, thư tịch

1. Thân thế, sự nghiệp Nguyên phi Ỷ Lan

Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông thường được biết với tên gọi Nguyên Phi Ỷ Lan (tên gọi gắn liền với tước phong). Một số văn bản khác gọi bà là Lê Khiết Nương, Lê Thị Yến hoặc Lê Khiết; trong cuốn Mộng khê bút đàm (quyển 2), Thẩm Hoạt (học giả người Tống) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, tuy nhiên, tác giải công trình Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý đã bác bỏ nhận định, đồng thời khẳng định “Yến Loan” là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan (Hoàng Xuân Hãn, tr.76).

Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược đã sớm đề cập đến thân thế, sự nghiệp Ỷ Lan. Sự kiện “nhập cung” của Ỷ Lan diễn ra năm 1063 (năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 5), được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại khá tỉ mỉ: bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mươi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó - Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông, (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm - Lan phu nhân.

Các sử thần nhà Lê cung cấp thêm thông tin về quê hương Ỷ Lan, gắn với sự kiện năm “Mậu Thân (Long Chương Thiên Tự năm thứ 3 tức năm1068)… Đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, vì là nơi sinh của Nguyên Phi. Căn cứ vào các thông tin này, có thể khẳng định: bà Ỷ Lan sinh ra tại hương Thổ Lỗi, tương đương với một phần đất thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm - Hà Nội ngày nay.

Nơi ở của Ỷ Lan trong triều đình, căn cứ vào thông tin được chép trong Đại Việt sử lược, có thể khẳng định: quãng thời gian từ trước đến năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 7, bà ở tại gác Du Thiền. Ba năm sau khi vào cung, “Lan phu nhân” sinh thái tử Càn Đức và được vua Lý phong là Thần phi.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu (năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ hai tức năm 1069), Lý Thánh Tông thân chân cầm quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 vạn tù binh. Trận “bình Chiêm” năm 1069 rất khó khăn, Lý Thánh Tông “đánh Chiêm thành mãi không được” bèn quyết định lui quân về châu Cư Liên (Hưng Yên ngày nay). Tại đây, biết được thông tin Nguyên phi Ỷ Lan “giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm”, Lý Thánh Tông than rằng: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Nhà vua quyết định quay binh trở lại và đánh thắng Chiêm Thành.

Một năm sau, vua Chiêm là Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tương đương vùng đất thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị ngày nay). Từ đây lãnh thổ nước Đại Việt chính thức được mở rộng xuống phía Nam

Năm Nhâm Ty, (tức năm Thần Vũ thứ 4 - 1072), vua Lý Thánh Tông qua đời, Thái tử Càn Đức nối ngôi khi mới 7 tuổi. Sau khi lên ngôi, Càn Đức đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhất, “tôn mẹ đẻ là - Lan Nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rem cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”.

Theo sử gia Ngô Sỹ Liên, Nguyên phi Ỷ Lan “có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu”. Vì lời tâu này mà năm 1073, Lý Nhân Tông “tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu”, “sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”.

Sự kiện này được Đại Việt sử lược chép lại khá tương đồng về nội dung, chỉ khác về số cung nữ bị chôn theo: 72 cung nữ ở cung Thượng Dương đều bị “bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông”(tr.162).

Ngô Sỹ Liên đưa ra lời bình: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bây giờ vua hãy còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián”.

Sử cũ không chép cụ thể về Linh Nhân Hoàng thái hậu trong quãng thời gian từ năm 1073 đến trước năm 1097. Song với vai trò “nhiếp chính” của Hoàng Thái hậu cùng tình hình nước Đại Việt khá yên ổn, thanh bình trong hơn hai mươi năm cuối thế kỷ XI, có thể khẳng định: Ỷ Lan là người có tài trị quốc an dân. Đây cũng là quãng thời gian quân đội Đại Việt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt đã thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tống từ năm 1075 đến năm 1077.

Một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, bà nói: Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc làm. Thuốc đắng khó uống nhưng chữa được bệnh... Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt trước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ vô địch”. Vua Lý Thánh Tông đã rất phục nhãn quan trị nước của bà.

Kể từ năm 1088, nhà Lý dành nhiều sự quan tâm tới Phật giáo khi “phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư (có thuyết nói là cho tiết việt), cùng với Tể tướng đứng trên điện, xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên hạ…Định các chùa trong nước làm ba hạng: đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Thời gian này, nhà chùa có “điền nô và kho chứa đồ vật” nên triều đình quyết định “cho quan văn chức cao kiêm làm Đề cử.

Năm Đinh Sửu, tức năm Hội Phong thứ 6 (1097), “bấy giờ trong nước giàu đủ”, Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng “nhiều chùa Phật”.

Năm 1103 “Thái hậu phát tiền ở kho Nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã phải bàn đi ở đem gã cho những người góa vợ” (năm 1103)”. Sự kiện này được Đại Việt sử lược chép chi tiết hơn về thời gian: tháng Hai. Hành động nhân đức này của bà đã được sử thần Ngô Sỹ Liên hết sức ca ngợi: Con gái nhà nghèo đến phải cầm thân làm mướn, con trai nhà nghèo đến nỗi không có vợ , đó là cùng dân trong thiên hạ. Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy

Trong việc chấn hưng, phát triển Phật giáo, Ỷ Lan là người “chỉ đạo dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa” (năm 1115). Tác giả Đại Việt sử ký toàn thư không thống kê chi tiết bà dựng nhưng căn cứ vào mốc thời gian có thể đưa ra đoán định: ngôi chùa hiện thuộc địa phận xã Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội chính là một trong “hơn trăm chùa” được Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng cách đây hơn 9 thế kỷ.

Liên quan đến Nguyên phi Ỷ Lan và Phật giáo, phải kể đến bộ Thiền uyển tập anh (6 quyển) “người đời Trần soạn. Ghi chép sự tích, và tông phái về thiền học của nước ta, từ cuối đời Đường, qua các đời Đinh-Lê đến đời Lý-Trần” cuốn sách bằng chữ Hán, được đánh giá là tài liệu cổ nhất của Phật giáo Việt Nam. Thiền uyển tập anh được soạn giả Kim Sơn (thiền phái Trúc Lâm) soạn vào năm 1337. Năm 1976, Lê Mạnh Thát dựa trên bản in năm 1715 đã dịch bộ sách này.

Thiền uyển tập anh ghi lại một số sự kiện liên quan tới Ỷ Lan như sau:

Cuộc đối đáp giữa Ỷ Lan với Quốc sư Thông biện: “Ngày 15 tháng 2, mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1016) Phù Thánh Linh Nhân hoàng thái hậu có lần đến trai tăng ở chùa Sư, cùng với các bậc kỳ túc thăm hỏi ý nghĩa Phật và Tổ, có gì hơn thua ? Phật trú phương nào? Tổ ở nơi đâu? Đến đất nước này từ lúc nào? Trao truyền đạo đây, ai trước ai sau. Còn niệm tên Phật, đạt tâm Tổ, tuần tự truyền nhau, thì chưa biết cái nào là tôn chỉ?”…

Sau đấy, “Thái hậu rất vui, bèn phong Sư làm Tăng lục, ban cà sa tía và hiệu Thông Biện đại sư, cùng thêm hậu thưởng để tỏ lòng yêu chuộng. Không lâu, Hậu triệu Sư vào cung, phong làm Quốc sư, hỏi han yếu chỉ của thiền”.

Bài Kệ của Nguyên phi Ỷ Lan: “Thái hậu đã từng có bài kệ Ngộ đạo rằng: sắc là không, không tức sắc, không là sắc, sắc tức không, sắc không đều không bận, mới hiểu được chân tông”

Bài Kệ được dịch:

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc - không đều chẳng quản

Mới được hợp chân tông.

Thái hậu Ỷ Lan cũng là người rất quan tâm đến nông nghiệp qua việc “định rõ lệnh cấm giết trộm trâu” với những hình phạt rất nghiêm khắc - Tháng 2, năm 1117, Hoàng thái hậu nói: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước”. Bấy giờ vua xuống chiếu kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp , vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.

Ngày 25/7 cùng năm, Ỷ Lan qua đời, bà được “Tôn dâng tên thụy là Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu”, chôn cất theo hình thức “hỏa táng”, “mùa thu, tháng 8, táng Linh Nhân hoàng thái hậu ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức”. Sự kiện này cũng được Đại Việt sử lược chép lại: Mùa thu, tháng 7 - Lan Thái hậu từ trần, thụy là Phù Khánh Linh Nhân Thái hậu. Tháng 8, an táng Thái hậu Linh Nhân. Hỏa táng Thái hậu có ba người được táng theo. Đêm ấy rồng hiện ra.

Bên cạnh những đóng góp to lớn cho triều đình và xã hội Việt Nam thời Lý và được sử sách ca ngợi, hơn một lần Ỷ Lan đã bị các sử thần nhà Lê chê trách, liên quan đến vụ án cung Thượng Dương.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, “Mùa xuân, tháng giêng, ngày Canh Dần, vua băng ở điện Hội Tiên. (Bầy tôi) dâng hiệu là Ứng Thiên Sùng Nhân Chí Đạo Uy Khánh Long Tường Minh Văn Duệ Vũ Hiếu Đức Thánh Thần Hoàng Đế, miếu hiệu là Thánh Tông… Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ 1. Bấy giờ vua mới 7 tuổi”. Sau khi lên ngôi, Càn Đức “tôn mẹ đẻ là - Lan Nguyên phi làm Hoàng thái phi, tôn mẹ đích là Thượng Dương thái hậu họ Dương làm Hoàng thái hậu, buông rem cùng nghe chính sự, Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc”.

Theo sử gia Ngô Sỹ Liên, Nguyên phi Ỷ Lan “có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu”. Vì lời tâu này mà năm 1073, Lý Nhân Tông “tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu”, “sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”.

Sự kiện này được Đại Việt sử lược chép lại khá tương đồng về nội dung, chỉ khác về số cung nữ bị chôn theo: 72 cung nữ ở cung Thượng Dương đều bị “bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông”.

Ngô Sỹ Liên đưa ra lời bình: “Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư? Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bây giờ vua hãy còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to. Thái sư Lý Đạo Thành phải ra trấn bên ngoài, biết đâu chẳng vì can gián”.

Hệ quả của thảm án cung Thượng Dương là sau này, khi Ỷ Lan “dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm chùa”, theo tác giả Đại Việt sử ký toàn thư là do: Tục truyền rằng thái hậu hối về việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ vô tội mà bị chết, làm nhiều chùa Phật để sám hối rửa oan.

Vụ án cung Thượng Dương còn có góc nhìn khác; năm 2009, Nguyễn Đức Toàn đưa ra “Lời bàn về Thái hậu Ỷ Lan qua biển gỗ đền Phú Thị”, theo tác giả, tấm biển bằng gỗ này có niên đại năm Nhâm Thân niên hiệu Bảo Đại thứ 7 (1932), do Cử nhân Hoàng Thúc Hội soạn, “căn cứ đối chiếu với tư liệu thần tích tại đền lúc đó lại có lời bàn tương đối độc lập so với lời tục truyền trong chính sử”.

Tác giả tấm biển gỗ có ý thanh minh, minh oan cho Ỷ Lan trong thảm án Dương Thái hậu khi cho rằng: Dương Thái hậu “chưa chắc đã không đem lòng  đố kỵ”… “âm  mưu  đoạt con, ngấm ngầm sàm tấu để  giam cầm người  mẹ. Thiết tưởng, ấy là do họ  Dương  kia làm nên mà bọn cung nhân thì hùa theo bè đảng”. Hoàng Thúc Hội đưa ra giả thiết về vụ án cung Thượng Dương “là do họ Dương kia tự gây nên mầm  nghiệt  họa chăng! (Chứ) không phải như vậy, thì chỉ lấy việc ghen ghét không được tham  dự  chính  sự, thì người nhân đức, đâu đến nỗi tàn sát, lại liên lụy tai vạ đông đến tận 76 cung nhân ư”. Hành động Lý Lý Nhân Tông tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu được nhìn nhận là cái “hiếu” của “kẻ làm con thờ cha mẹ”.

2. Nguyên phi Ỷ Lan trong thần tích, cổ tích

Về thân thế, con người và sự nghiệp Ỷ Lan trong thần tích, phải kể đến bản diễn ca thần tích: Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn (Văn diễn ca bằng quốc ngữ thần tích sao chép từ bản cổ về Hoàng Thái hậu thứ ba triều Lý) tương truyền do Thị nội cung tần Trương Thị Ngọc Trong sáng tác. Bản diễn ca này được chép trong cuốn Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả (Tài liệu hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.959) gồm 606 câu, dưới bản Diễn ca thần tích tác giả ghi thời gian hoàn thành là tháng Tám năm 1759 (tức năm Cảnh Hưng thứ 20 đời Lê Hiển Tông).

Tác giả Tân An trong bài viết Nữ sĩ Trương Thị Ngọc Trong đã tóm tắt nội dung bài diễn ca thần tích như sau: Nguyên phi Ỷ Lan tên thật là Khiết Nương (nàng Khiết), cha là người nông dân họ Lê, người thôn Thổ Lỗi (như diễn ca viết Lỗi hương chốn ấy có nhà họ Lê), huyện Gia Lâm. Năm Khiết Nương 12 tuổi thì mẹ đẻ mất, cha lấy mẹ kế họ Ðồng; không lâu sau thì cha cũng qua đời, Khiết Nương sống với mẹ kế. Hai người rất thương quý nhau. Khiết Nương thường đi lễ chùa làng, cầu duyên. Năm Giáp Thìn 1064, vua Lý Thánh Tông đã 38 tuổi mà chưa có con, đến chùa Thổ Lỗi cầu tự, rồi cho tổ chức hội để tuyển cung nữ tại vùng quê này. Trong khi mọi người nô nức đi hội, là con nhà nghèo, Khiết Nương vẫn đi làm cỏ ngoài ruộng. Một ông hàng dầu đi qua, trò chuyện với Khiết Nương, thấy ở trên đầu nàng có đám mây ngũ sắc, đã đoán rằng Khiết Nương sẽ là cung phi. Vua Lý Thánh Tông thấy Khiết Nương một mình bên đám cỏ lan, lấy làm lạ, đã cho gọi vào hỏi chuyện, rồi cho đón vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Một thời gian sau, theo lời vua, Ỷ Lan sai một Thái giám là Nguyễn Bông đi cầu tự. Tới chùa Thánh chúa ở làng Vòng (nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bông gặp nhà sư Ðại Ðiên, được Ðại Ðiên bày kế cho Bông đầu thai để làm vua ở kiếp sau. Nguyễn Bông rình nhìn trộm Ỷ Lan tắm, bị bắt quả tang. Bông bị tội chém (ở làng Vòng có cánh đồng Bông, tương truyền là nơi xử tội Nguyễn Bông), Ỷ Lan có thai, đủ mười tháng thì sinh Thái tử Càn Ðức và được phong làm Thần phi. Vài năm sau, bà lại sinh Hoàng tử (sau được phong là Sùng Hiền hầu).

Năm 1072, Lý Thánh Tông mất, Lý Càn Ðức nối ngôi lúc còn nhỏ tuổi, nên Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tạm cầm quyền chính trị. Trong thời gian nhiếp chính, bà có cho xây dựng nhiều chùa chiền ở nhiều nơi... Lý Nhân Tông không có con. Học trò của sư Ðại Ðiên cho rằng, Lý Nhân Tông do Thái giám Nguyễn Bông đầu thai nên không thể có con. Lý Nhân Tông cùng Thái hậu bèn nuôi con trai của Sùng Hiền hầu là Dương Hoán và lập làm Thái tử. Dương Hoán lại là hóa thân của thiền sư Từ Ðạo Hạnh, sau lên ngôi với hiệu là Lý Thần Tông. Cuối bài diễn ca nêu rằng, Khiết Nương nhờ tin vào đạo Phật, có công đức nên được giàu sang danh vọng, khi mất hóa thành Phật. Câu kết diễn ca viết rằng:

Ðời sau lấy đấy làm gương

Làm phúc được phúc, tỏ tường chép ghi.

Lý triều đệ tam Hoàng Thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn trước hết là tác phẩm văn chương, viết bằng chữ Nôm dưới thể “lục-bát”, lời nhẹ nhàng, gần gũi:

Cứ ngày mai sớm bửng tưng

Khiết Nương mai, cuốc việc hằng ra đi.

Xa nghe chiêng trống một khi

Ðồn rằng xe ngọc ngự về Lỗi hương

Tiêu thiều nhạc vỗ dậy vang

Rợp ngàn cờ mở tán trương sáng lòa...

Tuy nhiên, không thể phủ nhận chất “sử” trong bài diễn ca, Theo Tân An, “những sự kiện chính yếu như việc vua Lý Thánh Tông đi cầu tự ở chùa Thổ Lỗi, thấy Ỷ Lan bên đám cỏ lan, như việc Ỷ Lan phu nhân sinh thái tử Càn Ðức, việc Ỷ Lan Hoàng Thái hậu tạm nắm quyền chính sự... khá khớp với chính sử đã chép”.

Ngoài thần tích, Ỷ Lan còn là đối tượng khảo cứu của bộ Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam. Phần “Khảo dị” về chuyện cổ tích Tấm Cám, Tác giả Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam có dẫn một dị bản khác về chuyện Tấm Cám (Nguyễn Đổng Chi, Nxb Giáo dục, 1957). Dị bản này đã có những lí giải tương đối hợp lý cho câu hỏi vì sao Ỷ Lan lại được gọi là Bà Tấm (chùa do Hoàng Thái hậu xây dựng được dân gian gọi là Chùa Bà Tấm). Theo đó, nhân vật Cám là chị, nhân vật Tấm là em “Ở làng Thổ-lỗi (hay Siêu-loại) huyện Gia Lâm có ông Lê Công Thiết và vợ là Vũ Thị Tinh chuyên trồng dây nuôi tằm. Một đêm vợ nằm chiêm bao thấy mình nuốt mặt trăng, sau đó sinh một cô gái tên là Cám (hoặc Khiết Nương). Vợ chết, chồng lấy vợ kế là Chu Thị, sinh một gái khác là Tấm”. Phần tiếp theo của truyện “cũng diễn ra với đủ các tình tiết bắt cá, nuôi bống và nhặt xương bống chôn chân giường đúng như truyện trên vừa kể, chỉ có khác ở chỗ Bụt lại là nhà sư Đại Liên, tu ở chùa Linh nhân”.

Bản “Khảo dị” của Nguyễn Đổng Chi còn cung cấp thêm nhiều thông tin khác, liên quan đến tích “Nguyễn Bông đầu thai”, “hoàng hậu họ Dương” và “bảy mươi mốt cung nữ” … Tác giả Nguyễn Đổng Chi đã dẫn tư liệu từ cuốn Lý triều đệ tam hoàng hậu sự tích nhưng đáng tiếc là nguồn tài liệu này đến nay không còn.

Ngoài ra, năm 1998, Hoàng Xuân Hãn công bố cuốn La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3 phần III Văn học, Nxb. Giáo dục. Phần viết về Ỷ Lan (Chuyện Ỷ Lan) từ trang 971 đến trang 1054 dựa trên cở sở khảo cứu bản phiên âm thần tích của Trương Thị Ngọc Trong. Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hã bố cục Chuyện Ỷ Lan làm 3 phần chính, sau bài tựa là các mục: 1/ Gốc chuyện; 2/ Tác giả chuyện Nôm; 3/ Văn bản và cuối cùng là bảng kê các từ hay nghĩa cổ.

Liên quan đến Chuyện Ỷ Lan, TS Trương Đức Quả đã Góp thêm cách hiểu một số từ trong chuyện Ỷ Lan (bài viết in trên Tạp chí Hán Nôm, số 1 (74) 2006; Tr.63-68). Mục đích của tác giả khi công bố bài viết là muốn “góp thêm một cách hiểu về tác giả và cách hiểu một số từ trong Chuyện Ỷ Lan của cố học giả Hoàng Xuân Hãn”.

Còn theo Nguyễn Khắc Thuần [1]: chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách “Thiền uyển tập anh” rất có giá trị sau này. Còn Với vị thế tác giả bài Kệ nổi tiếng, PGS. TS. Nguyễn Đăng Na [2] trong cuốn Văn học thể kỷ X-XIV  đã xếp Ỷ Lan là một trong những “tác gia văn học thời Lý - Trần”.

Tài liệu tham khảo

1.Tân An, Nữ sĩ Trương Thị Ngọc Trong, Báo Nhân dân cuối tuần, số ra ngày 13/3/2012.

2.Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1957.

3.Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí, Tập 3 (bản dịch).

4.Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, NXB Thanh niên 2005.

5.Đại Việt sử lược, Nhà xuất bản Vạn Hạnh, Sài Gòn phát hành năm 1976, tái bản năm 1999.

6.Lê Định, Ở quê hương bà Ỷ Lan, báo Hà Nội Mới, 3 - 4 - 1995.

7.Lê Thị Thu Hà - Bùi Xuân Đình, Trở lại vấn đề quê hương Ỷ Lan, Thông báo Văn hóa dân gian 2002, NXB KHXH, Hà Nội, 2003.

8.Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý. Nhà xuất bản Hà Nội, 1996.

9.Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 3 phần III Văn học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.

10. Nguyễn Đăng Na, Văn học thế kỷ X-XIV. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.

11. Trương Đức Quả, Góp thêm cách hiểu một số từ trong chuyện Ỷ Lan, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (74) 2006.

12. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 3, 2002.

13. Bùi Thiết, Bà Tấm - Nguyên phi Ỷ Lan quê ở đâu?  báo Người Hà Nội, số ra ngày 6 - 5 - 1995.

14. Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (tập 2, "Lược truyện về Ỷ Lan"). Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.

15. Xuân Thuỵ, Bàn thêm về quê hương bà Tấm Ỷ Lan, báo Hà Nội Mới, ngày 3 - 11 - 1994.

16. Trương Thị Trong, Kinh Bắc Như Quỳnh Trương thị quý thích thế phả, Tài liệu hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.959

17. Nguyễn Gia Tường (dịch), Đại Việt sử lược, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1993.

18. Viện KHXH Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nxb KHXH, 1993.

 

[1] Việt sử giai thoại (tập 2, "Lược truyện về Ỷ Lan"). Nhà xuất bản Giáo dục, 1999.

[2] Văn học thể kỷ X-XIV do PGS. TS. Nguyễn Đăng Na làm chủ biên. Nxb Khoa học xã hội, 2004.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516