Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaNhà giáo Văn Đình Ưng và tập thơ Chiều Tây Thiên

Nhà giáo Văn Đình Ưng và tập thơ Chiều Tây Thiên

Thứ năm, 02 Tháng 10 2014 08:05
(GD&XH): Sáng 26/9 vừa qua, tại Thư viện Hà Nội, Câu Lạc bộ Thơ nhà giáo Việt Nam đã tổ chức giới thiệu với đông đảo bạn yêu thơ, tập thơ Chiều Tây Thiên của tác giả Nhà giáo, Tiến sĩ Văn Đình Ưng. Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc lời bình của Tiễn sĩ Nguyễn Danh Bình, nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại về tập thơ này:

Những câu thơ hay nhất - Từ những lời bình thường

(Nhân đọc tập thơ Chiều Tây Thiên của Văn Đình Ưng)

Cũng như Văn Đình Ưng, tôi thích hai câu thơ “Những câu thơ hay nhất - Từ những lời  bình thường” của nhà thơ Raxun Gamzatốp, và như thế tôi cũng thích Văn Đình Ưng khi biết anh vẫn làm thơ với triết lý thơ càng mộc mạc đơn giản càng hay.

Chiều Tây Thiên” là tập thơ gồm 70 bài mà tác giả đã góp gom tuyển chọn từ các sáng tác của mình trong 16 năm. Thi hứng của tác giả được khởi nguồn từ tình yêu quê hương đất nước, từ nhìn ra thế giới, từ sự trân trọng con người, đặc biệt là trân trọng những nhân vật kiệt xuất có công với dân với nước, từ tình yêu lứa đôi và tình cảm gia đình v.v… Những bài thơ trong “Chiều Tây Thiên” đậm chất lịch sử, văn hóa, khi hào sảng dạt dào, lúc thủ thỉ lắng sâu. Và toát lên từ mỗi trang viết là sự giản dị, chân thành, là vẻ đẹp nội tâm đúng như tác giả ngoài đời vốn bao giờ cũng chân chất, chân thành, nghiêm cẩn trong công việc, chu đáo với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Trong bài viết này, tôi không có tham vọng giới thiệu tập thơ với tất cả những chiều, diện đa dạng của nó. Tôi chỉ xin điểm qua một số câu thơ hay (theo cảm nhận của bản thân) mà tôi thấy thích.

IMG 9033 1

Trước hết, xin nói về chất thi sĩ trong  “Chiều Tây Thiên”. Nhiều người nghĩ người làm công việc quản lý thường là người khô khan, nguyên tắc, chặt chẽ, thậm chí là lạnh lùng nữa. Văn Đình Ưng là người đã kinh qua nhiều vị trí quản lý khác nhau, nhưng anh vẫn có nhiều xúc cảm thăng hoa, bay bổng và ấm áp. Trái tim thi nhân của anh thường rung động trước mùa thu, và thường là những rung động khá tinh tế:

                                                                Mùa thu mưa rất khẽ

                                                                Mưa đan trong nắng vàng

                                                                Mưa rơi cùng lá rụng

                                                                Ướt cả chiều bâng khuâng

                                                                                                            (Mưa)

Mưa rơi ướt cây lá thì rõ rồi nhưng mưa rơi “ướt cả chiều” thì chỉ có thi sĩ mới phát hiện ra được.

Và đây nữa, tình yêu Hà Nội của thi nhân giăng mắc giữa mùa thu:

                                                                Tình yêu giấu vào trong nỗi nhớ

                                                                Nỗi nhớ đan vào mỗi vòm cây

                                                                                (Mùa thu Hà Nội)

Ai đã từng đến Đà Lạt, đọc những câu thơ sau, chắc sẽ cảm ơn Văn Đình Ưng bởi anh đã nói hộ cho mình:

                                                Dưới mây bay là những thảm hoa lấp lóa

                                                Thảm hoa kia bay hay là tôi đang bay

                                                                                 (Đà Lạt hôm nay)

Phải cảm ơn nhà thơ vì ta ngất ngây giữa thành phố hoa Đà Lạt, muốn nói điều gì mà chưa nói được thì đã được nhà thơ nói hộ.

Văn Đình Ưng  đã đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất quen lạ khác nhau, cả trong nước và ngoài nước. Dù những chuyến đi có mục đích, tính chất khác nhau, nhưng trong  hành trang trở về, thường là anh mang theo một món quà đặc biệt: Bài thơ cho bạn đọc. Điều thật đáng trân trọng là giữa bao lo toan bộn bề của cuộc sống, không hiếm khi phải sống giữa những bon chen và thị phi mà mình không muốn, anh vẫn giữ và khơi dậy được nguồn cảm xúc sáng trong để viết lên những bài thơ chân thật từ đáy lòng. Đó là điều thật không dễ dàng nhưng anh đã làm được mặc dù đã phải trải qua rất nhiều trăn trở để hướng tới cái đẹp, để sẻ chia những vui buồn ở chốn nhân gian:

                                                Sẻ vui, chia nỗi buồn đau

                                                Vặn vò chữ nghĩa tìm câu thơ lòng

                                                                  (Thì ra em cũng tuổi Dần)

Người làm thơ thường đa cảm, đa mang nhưng cái đa cảm, đa mang của mỗi nhà thơ có những sắc thái riêng, thể hiện cái tôi của mình. ở Văn Đình Ưng cái đa cảm, đa mang ấy trải dài theo thời gian và như muốn tràn ra mênh mang cả cõi người:

                                                     Nghe mùa đông gõ cửa

                                                                Biết một năm sắp qua

                                                                Biết ai thương, ai nhớ

                                                                Biết lòng ta nhớ ai?...

                                                                (Nếu không có mùa đông)

Những câu thơ đầy tâm trạng trên đã đặt con người ở vị trí trung tâm, cũng tức là con người được trân trọng. Và với tâm hồn đa cảm như vậy, nhà thơ không thể không rung động trước tình yêu đôi lứa.

Xuân Diệu đã từng định nghĩa khái quát về tình yêu: “Yêu là chết trong lòng một ít...” Cũng với cái nhìn như vậy nhưng nỗi khổ đau trong tình yêu đã được thể hiện cụ thể trong thơ Văn Đình Ưng bằng những hình tượng có sức ám ảnh:

                                Những đám mây thấm đẫm tình yêu

                                Thấm đẫm bao nhiêu nước mắt

                                                                                (Mưa Đà Lạt)

Nhưng tình yêu không chỉ có khổ đau, mà tình yêu còn là hạnh phúc. Hạnh phúc là cứu cánh của tình yêu. Khi yêu, ai chẳng muốn mối tình mà mình dâng hiến trổ hoa thơm, cho trái ngọt. Và khi không thể cùng nhau đi suốt một đời thì nỗi buồn còn đọng mãi. Ta hãy lắng lòng mình cùng thi nhân hoài niệm về mối tình đầu cứ dần xa:

                                                Về Hạ Long quê em

                                                Bến phà xưa đã vắng

                                                Chiều đông trôi tĩnh lặng

                                                Mối tình đầu dần xa

                                                                      (Về Hạ Long)

Tương tư là một trạng thái của tình yêu. Người xưa nói tương tư thì “Như đứng đống lửa như ngồi đống than”. Bồn chồn và nhớ nhung cồn cào cháy bỏng, tương tư tạo nên chất men ma mị, tạo nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn lạ kỳ của tình yêu, tạo nên ngọn lửa bên trong nhiều khi như muốn đốt cháy trái tim người. Thật bất hạnh cho ai khi đã chót yêu người rồi mà không được đền đáp. Và cũng thật ngang trái, có khi dẫn đến biển động bão giông nếu ai đã có tổ ấm của riêng mình mà vẫn vướng phải vòng tương tư định mệnh v.v... Văn Đình Ưng đã triết lý về tình yêu thông qua triết lý về tương tư:

                                Tương tư ai cũng vướng vào mấy phen

                                Nghĩ rằng biển lặng trời yên

                                Nào hay sóng vỗ dội lên cuộc đời

                                                                  (Tương tư)

Tác giả của “Chiều Tây Thiên” có hai câu thơ viết về tình yêu đọc lên cứ xao xác mãi trong hồn:

                                                Em như cơn gió thổi

                                                Chuyển mùa giữa lòng anh

                                                                                (Tình em)

Hai câu thơ thật gợi, mở cho ta nhiều liên tưởng. Có gì đó không thật định hình nhưng dù liên tưởng cách gì thì cũng đều hướng ta về những dự cảm đẹp của tình yêu. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ cái mùa đang chuyển mà nhà thơ nói đến ở đây chính là những ngày đầu thu, thoắt nắng, thoắt mưa với những ngọn gió man mác thổi dài trên mái nhà ngõ phố; cái mùa dễ gợi trong ta cảm giác cô đơn trống vắng rất cần đến tình yêu.

Thật mừng cho Văn Đình Ưng vì anh có một tình yêu thủy chung hạnh phúc với cuộc hôn nhân bền vững cho đến nay đã hơn ba mươi năm. Trong tình yêu và hôn nhân, có thiếu gì lúc ta thích mà “nửa bên kia” không ưng, ta muốn mà “nửa bên kia” chẳng thuận, dù ta hay “nửa bên kia” của ta ai chẳng muốn có một tình yêu êm đềm như khúc hát biển xa. Ta hãy nghe Văn Đình Ưng nói đến biện chứng này của tình yêu bằng trải nghiệm tình yêu của chính mình:

                                                ... Có lúc bão giông có ngày mưa xối

                                                       Vẫn êm đềm khúc hát biển xa

                                                                     Sóng cuộn vào bờ cát

                                                                                      Vỡ òa

                                                                                (Thơ tình quả trám)

Làm sao để có được tình yêu êm đềm như khúc hát biển xa, có lẽ ta nên hỏi chính tác giả? Riêng tôi, tôi đã thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên ở chính trang thơ của Văn Đình Ưng khi anh viết:

                                                Anh đứng đợi em âm thầm trước ngõ

                                                Tiếng lá rơi như bước chân em đang về

                                                                                                (Về đi em)

Ta đã rất quen thuộc với hình tượng người vợ chờ chồng hóa đá vọng phu. Còn ở đây, chính nhà thơ cũng đang hóa đá ở tuổi ngoài sáu mươi. Đây là hiện tượng lạ mà không lạ đối với những ai biết giữ gìn, vun đắp cho ngọn lửa tình yêu mãi ấm nồng theo năm tháng.

                Văn Đình Ưng đã nghỉ hưu. Anh đã thanh thản khi rời nhiệm sở. Anh tâm sự:

                                                Đời giáo chức, rồi đời công chức

                                                Có gì hơn thanh thản khi về

                                                                                (Bên hồ Đại Lải)

Thanh thản khi về hưu là điều không phải ai cũng có được. Muốn có được trái ngọt phải có sự vun trồng. Điều mong muốn bây giờ của tác giả “Chiều Tây Thiên” là:

                                                “Ta về sắm cái cần câu

                                                Chiều ra hồ nước thả sầu bắt vui

                                                                                (Về hưu làm gì?)

Về hưu Văn Đình Ưng có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến gia đình, người thân, bạn bè và làm những gì mình thích mà trước đây chưa có điều kiện thực hiện. Nhưng mặc dù anh đã viết khi lên thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên rằng nhờ “tiếng chuông rũ bớt bụi đời”, nhưng anh không phải là người đã “rửa tay gác kiếm”. Còn đó cả bầu tâm huyết với đời. Tin rằng bạn đọc sẽ tiếp tục được đọc những vần thơ tràn đầy tình đời, tình người của anh sau những “Vặn vò chữ nghĩa tìm câu thơ lòng”.

TS. Nguyễn Danh Bình

Nguyên Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516