Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaQuốc phục, lễ phục

Quốc phục, lễ phục

Thứ năm, 16 Tháng 5 2013 01:31
Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tích cực lấy ý kiến rộng rãi của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu văn hóa và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để sớm hoàn chỉnh đề án về lễ phục ngoại giao nhà nước. Đã có rất nhiều ý kiến phong phú, phân tích từ nhiều góc độ, cả khoa học lẫn thực tiễn, nhưng rồi cuối cùng xem ra vẫn chưa đi tới nhất trí. Nhưng quyết tâm của cơ quan xây dựng đề án là phải đi đến hồi kết. Nghĩa là mọi sự bàn cãi, cân nhắc cuối cùng phải được phán quyết. Theo dõi cả một quá trình dài, có người nói vui – mà không hẳn là không có lý – rằng, nói lý thuyết cho nhiều, nhưng cuối cùng nôm na là trang phục phải được sử dụng theo thói quen tự nhiên, đơn giản và dễ sử dụng.

Lối nói nôm na trên để bày tỏ một quan niệm không quá cứng nhắc trong việc nhất thiết cứ phải áo dài khăn đóng đi làm ngoại giao, nhưng đồng thời cũng không phản bác việc các cụ cao tuổi – kể cả các vị lãnh đạo - sử dụng trang phục này trong các dịp tế lễ trong nước mỗi khi có những lễ trọng, từ cấp làng xã, dòng họ cho đến cấp quốc gia. Vì vậy, khi nói quốc phục (trang phục truyền thống của một quốc gia, dân tộc) thì vẫn nên dùng áo dài khăn đóng cho nam giới và áo dài truyền thống cho nữ giới; còn lễ phục khi đi làm ngoại giao thì nên cân nhắc để lựa chọn. Quốc phục được sử dụng như một lễ phục trang trọng trong các hoạt động được tổ chức trong nước. Cụ thể như sử dụng trong các Lễ trình quốc thư (Chủ tịch nước mặc quốc phục để tiếp khách; trong trường hợp này, quốc phục được hiểu như một thứ lễ phục, thể hiện bản sắc truyền thống dân tộc mà người đứng đầu quốc gia là đại diện). Quốc phục còn có thể được sử dụng trong các hoạt động Lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng được tổ chức trang trọng trong nước, từ những lễ hội đình làng (cấp thôn xóm ấp...) cho đến Giỗ Tổ Hùng Vương (cấp quốc gia). Một số ý kiến cho rằng không bắt buộc sử dụng quốc phục trong các lễ cưới xin, ma chay mang tính nội bộ các gia đình, dòng họ. Tất nhiên nếu các vị cao niên có thói quen sử dụng trong những trường hợp này thì chúng ta trân trọng.

Riêng đối với lễ phục ngoại giao, ý kiến còn phân tán, nhất là lễ phục ngoại giao cho nam giới. Đối với các nhà ngoại giao nữ, ý kiến khá rõ ràng. Đa số các ý kiến đều ủng hộ trang phục áo dài bởi đây là bộ trang phục rất đặc trưng của phụ nữ Việt Nam, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt từ bao đời nay. Nhưng đối với các nhà ngoại giao nam, có hai luồng suy nghĩ: Một xu hướng cho rằng không mặc quốc phục (áo dài khăn đóng) đi làm ngoại giao tức là đánh mất bản sắc dân tộc; xu hướng khác cho rằng bản sắc không chỉ ở quần áo mà là phong thái, cử chỉ, nhất là phải toát lên trí tuệ Việt Nam. Những người theo xu hướng này cho rằng, đối với vóc dáng người Việt Nam, lễ phục ngoại giao nên là bộ veston (âu phục), vừa lịch sự trang nhã vừa gọn gàng tiện lợi trong sử dụng. Bộ trang phục áo dài khăn đóng tuy được cha ông chúng ta sử dụng từ lâu nhưng với lối sống hiện đại, nó trở thành hơi nặng nề, xông xênh khiến nhà ngoại giao có phần thiếu tự tin khi giao tiếp. 

Chưa rõ kết quả cuối cùng của việc bình chọn lễ phục ngoại giao sẽ thế nào, nhưng tin rằng với phong thái của con người Việt Nam từ bao đời nay, với niềm tự hào là người Việt Nam trong thế kỷ 20 vang dội chiến công đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn, với lòng tự tin trước những thành tựu của công cuộc đổi mới trong xu thế hội nhập với thế giới hiện đại, cho dù bộ trang phục nào được lựa chọn để dành cho những người đại diện dân tộc đi làm nhiệm vụ đối ngoại cũng sẽ không làm mất đi bản sắc dân tộc. 

Theo: GD&TĐ

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516