Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaVõ Huy Tâm – một nhà văn đôn hậu và chân tình

Võ Huy Tâm – một nhà văn đôn hậu và chân tình

Thứ sáu, 08 Tháng 11 2013 02:14
Võ Huy Tâm sinh năm 1926, mất năm 1996. Quê ở Nam Định, nhưng cả cuộc đời mình ông gắn bó với vùng mỏ, với những người thợ mỏ. Từ một người thợ mỏ, một cán bộ công đoàn hoạt động ở vùng địch hậu thời kháng chiến chống Pháp, ông trở thành một nhà văn có nhiều thành tựu – đặc biệt là mảng đề tài về công nhân.

Vùng mỏ là tiểu thuyết đầu tay của Võ Huy Tâm đã được tặng giải Nhất Giải thưởng văn nghệ của Hội văn nghệ Việt Nam 1952. Ông viết Vùng mỏ từ tháng 8/1949 - 31/1/1951 thì xong, phần đầu viết ở Cẩm Phả, phần cuối viết ở chiến khu Việt Bắc.

Khi đó Võ Huy Tâm mới chỉ đọc thông, viết thạo (năm 1961 Võ Huy Tâm mới vào học lớp 1, Trường Bổ túc công nông), chưa có khái niệm gì về ngữ pháp, về từ loại.

Khi viết thấy cần ngắt thì ông đặt dấu phảy, dứt mạch thì đặt dấu chấm, mỗi khi muốn cho câu “mềm” đi thì thêm các từ “thì”, “là”, “mà”… vào.

Vốn là một cán bộ công đoàn, đọc các bài báo viết về vùng mỏ khi ấy, Võ Huy Tâm thấy không thỏa mãn, ông có ý định viết hẳn một cuốn truyện, dự định đặt tên là Đình công.

Võ Huy Tâm đã được đọc Tam quốc chí diễn nghĩa nên lúc đầu ông định viết theo kiểu chương hồi, nhưng vì không biết làm những câu thơ mở đầu, kết thúc một hồi theo kiểu tiểu thuyết Tàu, nên mới chuyển sang hình thức như ta biết hiện nay.

Đình công được nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng góp ý, sửa chữa rồi được giải thưởng và in đi in lại nhiều lần với tên Vùng mỏ. Thuở nhỏ từng được học Vùng mỏ, sau này trong công tác lại có dịp gần gũi với Võ Huy Tâm, tôi hỏi ông kỷ niệm sâu sắc nhất của ông với Vùng mỏ? Ông bảo: “Nhờ nhà trường giảng dạy Vùng mỏ mà nhiều người biết đến tên tôi.

Đi tới đâu tôi cũng không lo chỗ nghỉ trọ - nhất là đến các trường cấp 2, cấp 3. Các thầy, cô giáo rất nhiệt tình, chỉ phải một nỗi là đều nghèo, nên mặc dù rất quý khách, đôi khi tôi cũng chỉ được tiếp bằng nước đun sôi để nguội”…

Giữa những năm 70, Võ Huy Tâm không công tác ở báo Văn nghệ nữa mà chuyển sang Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam, ông có điều kiện về Quảng Ninh – nơi vợ con ông sinh sống nhiều hơn. Bà Võ Huy Tâm cũng là thợ mỏ, nhà đông con cho nên trong thời bao cấp lại càng túng thiếu, vất vả.

Võ Huy Tâm sống tằn tiện, giản dị đến mức không còn có thể tằn tiện, giản dị hơn được nữa. Quanh năm tôi chỉ thấy ông có hai bộ quần áo: Một bộ quần simili màu sáng, áo sơ mi vải pôpơlin. Lần nào ở Quảng Ninh lên ông cũng ghé vào nhà tôi chơi, có khi ngồi nói chuyện vài ba tiếng chưa dứt ra được.

Có nhiều chuyện về Võ Huy Tâm mà đến nay, nhớ lại tôi vẫn rất xúc động. Một lần đến nhà tôi, vừa uống xong ngụm nước, ông cười bảo:

- Này, lòng lợn thế mà bổ ra phết, ông ạ!

- Sao anh biết?

- Thì hôm qua mình vừa mua một lạng rưỡi về ăn, đêm nằm không ngủ được, nhớ bà xã đáo để!

Kể xong ông vẫn cười hồn hậu, thật thà, còn tôi thì thắt ruột lại vì thương cảm, mặc dù mình cũng chẳng hơn gì, nghĩ đến cái gì cũng thèm, lúc nào cũng muốn ăn, đến nỗi anh chị em văn nghệ ăn cơm tháng ở nhà ăn 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) đã gọi tôi là “Cái thùng nước gạo”, hễ thừa cơm, thừa thức ăn là sẻ ngay cho tôi.

Khi đó cả nước đều nghèo, ai cũng thiếu thốn nhưng thấy ông là một nhà văn có tên tuổi, mà vẫn khó khăn đến vậy tôi buồn lắm và trong cái buồn ấy cũng có phần “trông người mà ngẫm đến ta”.

Những lần lên Hà Nội, ông đều ở và làm việc tại một căn phòng áp mái ở phía sau Nhà xuất bản Hội Nhà văn (khi đó cả trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản đều ở 65 Nguyễn Du), mà chúng tôi vẫn gọi đùa là cái “chuồng chim”. Lần ấy leo lên “chuồng chim” thăm ông, tôi thấy ông đang cởi trần ngồi viết. Võ Huy Tâm kéo ghế mời tôi ngồi và xin lỗi: “Tôi vừa hết chè, ông uống nước trắng vậy!”. Biết Võ Huy Tâm chẳng mấy khi mua chè, tôi bảo ông:

- Anh em mình ra đầu phố uống nước chè, hút thuốc cuốn vậy! (khi đó bọn chúng tôi chỉ dám mời nhau hút thuốc lá cuốn thôi).

Thấy tôi mời quá nhiệt tình, không có cách gì từ chối được, ông kéo tôi ra đầu hồi, chỉ vào dây phơi quần áo:

- Đi thế nào được, có mỗi bộ quần áo thì mình vừa giặt. Bây giờ phải ngồi viết và đợi cho nó khô đã, rồi có đi đâu mới đi được!

Chuyện thật mà cứ như đùa, tôi thành thật xin lỗi ông, rồi ra đầu phố mua ấm chè, chục điếu thuốc cuốn.

Lại có một lần Võ Huy Tâm bảo tôi: “Tôi vừa gặp một chuyện hú vía, nhưng may mình là nhà văn nên không việc gì”. Rồi ông kể: “Lần nào từ Quảng Ninh lên Hà Nội, mình cũng chỉ mang đủ tiền mua vé ô tô.

Hôm vừa rồi, kẻ cắp nó móc mất, đành đi liều không vé. Khi chú phụ lái sừng sộ hỏi vé, tôi bí quá đành đưa liều thẻ nhà văn ra xin đi nhờ. Chú ấy luống cuống xin lỗi: “Bố là nhà văn hả, thế mà bố chẳng nói với con ngay!”.

Những năm cuối đời, Võ Huy Tâm xây dựng một trang trại ở trên núi. Ông nói với tôi để yên tĩnh mà viết lách, nhưng tôi biết đó là cái cách để ông tự giải quyết khó khăn về đời sống của gia đình mình…

Theo: Trần Bảo Hưng /gdtd.vn

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516