Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP TẠI KHU KINH TẾ NGHI SƠN TRONG ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HOÁ

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP TẠI KHU KINH TẾ NGHI SƠN TRONG ĐÀO TẠO NGÀNH LUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HOÁ

Thứ năm, 05 Tháng 10 2023 06:54

ThS. Bùi Đặng Thu Thuỷ

Khoa Luật và Quản lý nhà nước, Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá

Tóm tắt:

Trong thời gian qua, ngành Luật tại Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã tiến hành hợp tác với các đối tác ngoài trường liên quan trực tiếp đến đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Mặc dù, nhà trường đã xây dựng và triển khai một số hoạt động liên kết đào tạo ngành Luật, tuy nhiên, việc liên kết đào tạo đối với ngành Luật còn những hạn chế nhất định. Việc tìm kiếm các đối tác tiềm năng khác, đặc biệt là doanh nghiệp là rất quan trọng, đây cũng là yếu tố tác động đến hoạt động đào tạo cũng như chuẩn đầu ra và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành Luật.

Từ khoá: Giải pháp liên kết; Doanh nghiệp; Khu kinh tế Nghi Sơn; đào tạo; ngành Luật; Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá.

1. Đặt vấn đề

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đặc biệt là công nghệ 4.0 và sáng chế thành công trí tuệ nhân tạo AI... giúp cho việc tiếp cận tri thức trở nên dễ dàng hơn cùng với sự liên kết mang yếu tố tư nhân hoá là xu thế tất yếu. Do đó, từ bản thân các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thay đổi tư duy đạo tạo. Thay vì đào tạo tri thức nền tảng về ngành học, chuyên ngành học nhằm tạo ra những chuyên gia chuyển sang kết hợp giữa cung cấp tri thức trên cơ sở ứng dụng lợi thế của khoa học – cộng nghệ, đồng thời rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp nhằm phát triển những nhân lực làm việc thực tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ cộng đồng. Do đó, nhu cầu liên kết đào tạo là tất yếu nhằm tận dụng thế mạnh của cơ sở đào tạo lẫn đối tác, trong đó doanh nghiệp là chủ thể có nhiều tiềm năng để nhà trường liên kết đào tạo, rút ngắn quá trình tiếp cận đầu ra cho hoạt động đào tạo của mình; đồng thời quay trở ngược lại hoàn thiện chương trình đào tạo cũng như các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khác. Đặc biệt trong đào tạo ngành luật, việc gắn kết đào tạo với doanh nghiệp mở ra những cơ hội mới cho sinh viên tìm kiếm việc làm ở các khu vực tư khác nhau, bên cạnh khu vực công vốn dĩ đặc thù và chuyên môn sâu của ngành nghề này. Ngành Luật tại Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá cũng đã thực hiện liên kết hợp tác, tuy nhiên việc liên kết với Doanh nghiệp trong đào tạo còn manh mún và nhỏ lẻ nên hiệu quả còn chưa cao. Việc liên kết đào tạo với một số Doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn sẽ tạo bước chuyển mình mới hướng tới phát triển đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành luật. Vì vậy, đề xuất các giải pháp về liên kết với Doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn trong đào tạo ngành luật - Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá hiện nay là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Một số vấn đề lý luận về hoạt động liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học

2.1.1. Một số khái niệm cơ bản

-  Đào tạo:

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, đào tạo được hiểu là “Quá trình tác động đến một con người làm cho con người đó lĩnh hội và nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo một cách có hệ thống để chuẩn bị thích nghi với cuộc sống và kỹ năng nhận một sự phân công lao động xã hội nhất định, góp phần của mình vào sự phát triển xã hội, duy trì và phát triển văn minh loài người. Về cơ bản, đào tạo là giảng dạy và học tập trong nhà trường…” [6].

Như vậy, đào tạo bao gồm cả việc dạy các kỹ năng thực hành, nghề nghiệp hay kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể nhằm giúp người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp một cách có hệ thống, làm cơ sở nền tảng cho người học thích nghi, linh hoạt với môi trường sống và khả năng đảm nhận được một công việc nhất định.

- Liên kết đào tạo:

Khái niệm liên kết đào tạo hiện nay được qui định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, tiêu biểu như:

Theo Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về liên kết đào tạo trình độ đại học có quy định về liên kết đào tạo như sau: “Liên kết đào tạo là sự liên kết giữa cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo với cơ sở giáo dục liên kết đào tạo hoặc cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp theo hình thức vừa làm vừa học” (Khoản 4, Điều 2).

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP ban hành ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục cũng xác định khái niệm liên kết đào tạo như sau:

Liên kết đào tạo là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ mà không thành lập pháp nhân”.

Với liên kết đào tạo theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì hoạt động liên kết hướng đến sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thỏa mãn Điều 15 của Nghị định. Kết quả của hoạt động liên kết đào tạo theo Nghị định này là thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ mà không thành lập pháp nhân.

Như vậy, chỉ quy định của pháp luật liên quan đến định nghĩa về liên kết đào tạo mà việc xác định nội hàm hợp tác cũng có sự khác nhau giữa các văn bản, tùy thuộc vào đối tượng thực hiện việc liên kết mà phạm vi đồng thời kết quả của việc liên kết cũng khác nhau.

- Liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học:

Bên cạnh các chương trình đào tạo đơn thuần cung cấp giá trị kiến thức để tạo nên các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học cũng đã có định hướng mở sang đào tạo để phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp, chú trọng vấn đề đưa kiến thức vào đời sống và hướng tới đào tạo những con người khởi nghiệp. Từ cách hiểu chung về liên kết đào tạo, chúng ta có thể khái quát về liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học, đó là sự liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học để xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, liên kết về khoa học – công nghệ và những liên kết khác nhằm đạt được mục tiêu riêng của mỗi bên theo hướng có lợi nhất.

2.1.2. Lợi ích của gắn kết đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp

Những năm gần đây, hợp tác trong giáo dục đào tạo có xu hướng phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng về hình thức hợp tác liên kết, mức độ gắn kết. Sự phối hợp này sẽ mang lại nhiều lợi ích như sau:

Về phía doanh nghiệp:

Lợi ích lớn nhất mang lại từ hợp tác với cơ sở giáo dục đại học là có được nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhận được lợi ích từ các cơ sở giáo dục đại học trong việc tiếp cận trực tiếp với các giải pháp phát triển doanh nghiệp, phát minh, sáng chế và các dịch vụ tư vấn; thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp mình như tài trợ các hoạt động trong giảng – dạy và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục đại học...

Về phía cơ sở giáo dục đại học:

Sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học tạo dựng được thương hiệu lớn mạnh và dần xây dựng vị thế trong đào tạo tại học. Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục đại học có cơ hội mở rộng và đa dạng hoá các lĩnh vực của các đề tài nghiên cứu khoa học, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các buổi tọa đàm trao đổi, giao lưu, hội thảo khoa học các cấp. Cơ sở giáo dục đại học nâng cao được chất lượng đào tạo cũng như tìm được đầu ra phong phú cho người học, từ đó nâng cao uy tín của mình trước những yêu cầu của thị trường lao động đa dạng và luôn biến động.

Về phía sinh viên:

Việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp giúp sinh viên có cơ hội được trải nghiệm, thực tế, thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp thực tiễn, bước đầu làm quen và rèn luyện được các kỹ năng thực hành nghề nghiệp cụ thể, đồng thời trau dồi và hoàn thiện các kỹ năng làm việc nhóm, làm việc tập thể, các kỹ năng xử lý tình huống và các kỹ năng khác [8]. Việc đưa ra ý kiến và lập luận bào vệ quan điểm là một trong những kỹ năng cần thiết và quan trọng của sinh viên nói chung và đặc biệt là sinh viên ngành luật.

2.2. Khái quát về ngành Luật – Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá và Doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

2.2.1. Khái quát về ngành Luật – Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá

Khoa Luật & Quản lý Nhà nước (QLNN) tiền thân là Khoa Quản lý Nhà nước và Công tác Xã hội, được thành lập từ năm 2015, theo Quyết định số 634/QĐ- ĐVTDT ngày 25/9/2015 của Hiệu trưởng Trường Đại học VH, TT&DL Thanh Hóa. Tháng 5 năm 2018, Bộ môn Công tác Xã hội chuyển về Khoa Văn hóa – Thông tin. Từ thời điểm đó đến nay, Khoa được đổi tên thành Khoa Luật & QLNN.

Khoa Luật & QLNN đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên với nhiều hệ đào tạo khác nhau. Hình thức đào tạo ngành luật hiện nay được đa dạng hóa tối đa để đáp ứng nhu cầu của người học, bao gồm cả hệ chính quy, liên thông chính quy và vừa làm vừa học.

Ngành Luật bắt đầu được đưa vào đào tạo tại Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa từ năm 2017, theo Quyết định số 1227/QĐ-BGDĐT ngày 10/04/2017 của Bộ GD&ĐT về việc giao cho nhà trường đào tạo ngành Luật trình độ đại học chính quy. Với đội ngũ GV có chất lượng, ngành Luật đã dần khẳng định được uy tín, thương hiệu, góp phần cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Luật luôn chú trọng đến đảm bảo chất lượng giáo dục, do đó khi mới mở chương trình đào tạo, ngành Luật đã thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo theo quy trình hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trong quá trình triển khai chương trình đào tạo, để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, ngành Luật đã lấy ý kiến phản hồi về mức độ hài lòng của sinh viên đối với giảng viên giảng dạy, kết quả khảo sát từ sinh viên là cơ hội để mỗi giảng viên tự phấn đấu và rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy.

2.2.2. Khái quát về Doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Thị xã Nghi Sơn được thành lập theo Nghị Quyết số 933/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 01/6/2020 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn, trong Nghị quyết qui định cụ thể về việc đổi tên từ huyện Tĩnh Gia thành Thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã. Đến nay, thị xã Nghi Sơn có tổng diện tích tự nhiên là 455,61 km2 với dân số là 307.304 người (của huyện Tĩnh Gia) [7], bao gồm 31 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 16 phường và 15 xã trên cơ sở nguyên trạng của huyện Tĩnh Gia cũ.

Khu kinh tế Nghi Sơn đang hoạt động có giấy phép đăng ký kinh doanh và mã số thuế theo qui định của pháp luật, chịu sự quản lý của Uỷ ban nhân dân thị xã Nghi Sơn và Chi cục thuế thị xã Nghi Sơn. Các Doanh nghiệp chủ yếu thuộc loại hình công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Về ngành nghề hoạt động, ngoài các dự án lớn nêu trên thì đa số các Doanh nghiệp tại đây đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thuỷ hải sản, may mặc, vật tư xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn, dịch vụ vận chuyển, bán buôn các mặt hàng theo qui đinh định… Có 26.78% số lượng Doanh nghiệp thành lập trước năm 2006, 56.84% số lượng Doanh nghiệp thành lập từ năm 2006 đến năm 2020, 16.38% Doanh nghiệp thành lập từ 2020 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, KKTNS có gần 900 Doanh nghiệp đang hoạt động ổn định và đóng góp vào ngân sách nhà nước trung bình hơn 2000 tỷ đồng/năm [2].

2.3. Thực tiễn liên kết đào tạo ngành Luật giữa doanh nghiệp và Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá

Về cơ chế chính sách của Nhà trường và Khoa đối với hoạt động liên kết đào tạo ngành Luật

Phù hợp với xu thế vận động phát triển của các trường đại học thế giới và trong nước, trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa luôn xác định: Liên kết trong đào tạo và nghiên cứu, chuyển giao thành tựu khoa học và công nghệ giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả 2 bên, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Cơ chế chính sách đối với hoạt động liên kết đào tạo ngành Luật tại Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được nhà trường thực hiện thống nhất toàn trường cùng với các ngành đào tạo khác. Hoạt động liên kết đào tạo của Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được thực hiện theo Quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, Ban hành kèm theo Thông tư số 07/2017/TT-BGDĐT ngày 15/3 /2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực hiện quy định pháp luật của nhà nước, Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã ban hành các Nghị quyết về tuyển sinh và liên kết đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học. Theo đó:

Thứ nhất, mục đích của hoạt động liên kết đào tạo là:

a) Thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương.

b) Tạo cơ hội học tập cho nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hoá giáo dục.

Thứ hai, hình thức liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức:

a) Liên kết phối hợp đào tạo: Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo tham gia giảng dạy một phần chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

b) Liên kết đặt lớp đào tạo: Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

Thứ ba, là cơ sở giáo dục đại học, theo quy định Trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa được phép tham gia liên kết đào tạo với ba vai trò: Cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo và Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo.

Thứ tư, về địa điểm đặt lớp, các lớp liên kết đào tạo được đặt tại cơ sở chính của cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo, cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, hoặc cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo (nếu đủ điều kiện).

Về các hoạt động nổi bật trong liên kết đào tạo ngành Luật của Nhà trường từ lúc thành lập tới nay

- Hoạt động liên kết với các cơ sở giáo dục khác:

Nhà trường nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học ngày 21/7/2011, đến năm 2013 bắt đầu thực hiện các hoạt động liên kết đào tạo với một số các cơ sở đào tạo ở các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Nam. Đến nay phạm vi liên kết đào tạo của nhà trường đã mở rộng tới 9 địa phương gồm: Quảng Trị, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu, Đắc Lắc, Bình Đình và Hà Nội. Trong đó, liên kết đào tạo ngành Luật đã được thực hiện tại tỉnh Đắc Lắc với đối tác là trường Trung cấp Trường Sơn, hiện nay đang đào tạo khóa thứ ba (Luật 12-ĐL). Cho tới nay với ngành Luật, liên kết với đối tác tỉnh ngòai để mở lớp đào tạo vẫn là hoạt động liên kết đào tạo chủ yếu của Nhà trường. Trung tâm GDTX&LK là đơn vị đấu mối thường xuyên đang tích cực tìm kiếm đối tác để mở rộng hơn nữa hoạt động liên kết đào tạo ngành Luật.

-  Hoạt động liên kết đào tạo với doanh nghiệp và các tổ chức khác:

Tại Khoa Luật & Quản lý nhà nước, đã triển khai một số hình thức hợp tác cơ bản là:

- Gửi sinh viên đi thực tế, thực tập tại một số doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, cụ thể:

Đối với khu vực nhà nước, các cơ quan nhà nước đã từng được liên hệ và tiếp nhận sinh viên của khoa đến thực tập, thực tế gồm: Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 tỉnh Thanh Hóa; Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc – đường Nguyễn Du, TT. Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá; Viện kiểm sát nhân dân thành phố Sầm Sơn; Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 2 – Thành phố Thanh Hóa; UBND các phường trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Đối với các doanh nghiệp, văn phòng công chứng: Các doanh nghiệp từng được liên hệ và tiếp nhận sinh viên đến thực tế, thực tập như Công ty Luật TNHH Năm Châu, thành phố Thanh Hóa; Văn phòng công chứng Lê Thành Phương tỉnh Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn; Công ty TNHH Đá xanh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc; Công ty TNHH Bình Minh 168, thành phố Thanh Hóa; Công ty cổ phần xây dựng và nội thất DT-home, thành phố Thanh Hóa; Công ty cổ phần xi măng VICEM Bỉm Sơn - Phường Ba Đình, Thị xã Bỉm Sơn, Tỉnh Thanh Hóa.

- Phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để đưa sinh viên Luật sang dự khán một số phiên tòa: Với phương châm “dạy và học Luật từ thực tiễn”, hoạt động dự khán nhằm đem lại kiến thức thực tế cho sinh viên Luật về một phiên toà hoàn chỉnh. Trong các chuyến đi này, sinh viên được yêu cầu tìm hiểu về trình tự và thủ tục tiến hành một phiên tòa giải quyết tranh chấp hoặc phiên toà hình sự, hiểu thêm được vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong phiên toà (Hội đồng xét xử, Thư ký, Kiểm sát viên, Luật sư, nguyên đơn, bị đơn…). Ngoài ra, các bạn được tiếp cận cách lập luận, nhận định của hội đồng xét xử, cách biện hộ của luật sư và vai trò của viện kiểm sát trong phiên tòa, từ đó giúp các bạn hiểu rõ hơn các nguyên tắc, quy định pháp luật cũng như thực tiễn xét xử.

Về hoạt động lập biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp:

Hiện tại, khoa Luật và Quản lý nhà nước tham mưu cho lãnh đạo nhà trường lập 5 Biên bản ghi nhớ với các đối tác gồm:

Văn phòng công chứng Nguyễn Thành Nam – Lô 12LK5, KĐT mới Đông Sơn, phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Biên bản ghi nhớ số 1051/BBGNHT ký ngày 09/9/2021);

Ủy ban nhân dân phường Nam Ngạn – số 343 Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Biên bản ghi nhớ số 1052/BBGNHT ký ngày 09/9/2021);

Công ty cổ phần Tập đoàn cung ứng nhân lực & XNK Thiên Ân – Trụ sở CN Thanh Hóa tại: số 09/775 – đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Biên bản ghi nhớ số 1383/BBGNHT ký ngày 21/9/2021);

Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế - Chi nhánh Miền Trung – Trụ sở CN Thanh Hóa tại: tầng 09, Tòa nhà Vietel, Đại lộ Lê Lợi, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Biên bản ghi nhớ số 1382/BBGNHT ký ngày 21/9/2021);

Văn phòng công chứng Lê Thành Phương, địa chỉ tại: 107 Lê Lợi, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Biên bản ghi nhớ số 1381/BBGNHT ký ngày 21/9/2021).

Hiện nay, Bộ môn và Khoa luôn chú trọng và tìm kiếm các đối tác tiềm năng mới hợp tác trong đào tạo để mở rộng phạm vi hợp tác, doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động mới để tạo môi trường mới cho sinh viên học tập và thực thành, thực tế nghề nghiệp; có đối tác mới trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2.4. Những hạn chế, khó khăn trong liên kết đào tạo ngành Luật của Nhà trường với Doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn

Hoạt động liên kết đào tạo ngành Luật giữa nhà trường và Doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn bên cạnh những tiềm năng to lớn về điều kiện thực hành nghề hay các vấn đề về môi trường và cơ sở vật chất cho đào tạo thì cũng không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn như:

Thứ nhất, mục tiêu đào tạo ngành Luật là đào lạo Luật chung, không tào tạo chuyên về một ngành Luật cụ thể như các cơ sở đào tạo Luật khác có ngành Luật kinh tế, luật quốc tế... Việc đào tạo Luật chung nhằm cung cấp kiến thức nền tảng bao quát về Pháp luật nói chung cũng như các ngành luật nói riêng, nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với mục đích, yêu cầu của Doanh nghiệp khi tuyển chọn sinh viên đã tốt nghiệp ngành Luật.

Thứ hai, hiện nay trên cơ sở các văn bản pháp lý này, nhà trường chưa có một cơ chế hay văn bản hướng dẫn cụ thể nào về định hướng việc liên kết đào tạo nói chung cũng như liên kết đào tạo ngành Luật nói riêng.

Thứ ba, Khu kinh tế Nghi Sơn có số lượng Doanh nghiệp rất lớn, việc lựa chọn Doanh nghiệp và đặt vấn đề liên kết hợp tác trong đào tạo ngành Luật cần nhiều thời gian, và tốn nhiều nhân lực và tài chính.

Thứ tư, Khu kinh tế Nghi Sơn cách thành phố Thanh Hoá hơn 50 km về phía nam, việc sinh viên đang theo học tại nhà trường, phần lớn sinh viên sinh sống tại thành phố nên việc đi lại cũng sẽ gặp khó khăn với các em.

Thứ năm, việc liên kết này cần được duy trì thông qua các hoạt động đào tạo cần liên tục, Khoa và nhà trường đang khá hiếm các hoạt động hợp tác với Doanh nghiệp trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

2.5. Đề xuất một số giải pháp liên kết giữa Nhà trường và các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật

Thứ nhất, nhà trường và Khoa nên lựa chọn kết nối mang tính chất chủ chốt, lâu dài, duy trì với một số Doanh nghiệp có tiềm năng đối với hoạt động đào tạo ngành Luật. Khu Kinh tế Nghi Sơn là một tổ hợp lớn gồm nhiều Doanh nghiệp, vì vậy, Khoa và nhà trường cần xem xét và đánh giá, quyết định một số Doanh nghiệp tiêu biểu, có cơ chế hoạt động ổn định, tài chính đảm bảo theo đúng qui định của pháp luật.

Thứ hai, cần có văn bản của Nhà trường qui định về việc liên kết đào tạo ngành Luật với Doanh nghiệp. Trên cơ sở đó xác định cụ thể quyền và nghĩa vụ giữa nhà trường và doanh nghiệp khi tham gia hợp tác đào tạo. Văn bản cũng cần xác định rõ các quyền và nghĩa cụ của sinh viên tham gia hoạt động liên kết đào tạo tại doanh nghiệp. Và nhà trường cũng nên có kế hoạch chi tiết về chi kinh phí giành riêng cho hoạt động liên kết đào tạo với Doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà trường và sinh viên, cũng như tạo nền tảng để Khoa duy trì việc liên kết.

Thứ ba, nhà trường cần có cơ chế, chính sách bằng văn bản cụ thể để các chủ doanh nghiệp được tham gia vào quá trình biên soạn chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo, nhằm đảm bảo tính khách quan và theo xu hướng phát triển của xã hội là đào tạo theo nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo đó, giảng viên chuyên ngành và hội đồng chuyên môn khoa có thể hiểu rõ kiến thức chuyên môn mà sinh viên cần có cũng như những mong muốn và yêu cầu của Doanh nghiệp giành cho sinh viên ngành Luật.

Thứ tư, Khoa nên phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học, các buổi seminar khoa học, hoặc các buổi nói chuyện giao lưu giữa Khoa, doanh nghiệp với sinh viên chuyên ngành luật nhằm tạo sự kết nối giữa Doanh nghiệp với Khoa và sinh viên ngành Luật.

Thứ năm, duy trì liên hệ thường xuyên giữa sinh viên đang làm việc tại Doanh nghiệp với Khoa và nhà trường, có thể gặp mặt thông qua toạ đàm cùng sinh viên của ngành nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả và thiết thực cho sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thứ sáu, tăng cường liên hệ và đưa sinh viên đến thực tế, thực tập, thực hành nghề tại các Doanh nghiệp mà Khoa chọn liên kết. Thiết lập thành qui trình và duy trì thực hiện theo từng năm học. Việc cho sinh viên tiếp cận với Doanh nghiệp sớm ngay từ khi đang còn đào tạo trong nhà trường mang tính đào tạo ngành nghề gắn với thực tiễn sâu sắc, tạo sự hứng thú cho sinh viên, cũng như giới thiệu nguồn lực mới cho Doanh nghiệp.

Thứ bảy, phối hợp hỗ trợ và tư vấn pháp lý cho Doanh nghiệp nhằm tăng cường hợp tác, để giảng viên chuyên ngành Luật tạo thương hiệu đối với ngành cũng như với cộng đồng trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, tăng tính hiệu quả trong tuyển sinh trên cơ sở chất lượng giảng viên trong đào tạo. Ngoài ra việc tư vấn pháp lý trực tiếp cho Doanh nghiệp còn tạo môi trường thực hành nghề cho sinh viên luật trong quá trình hoàn thiện và phát triển kỹ năng thực hành nghề.

3. Kết luận

Quá trình liên kết đào tạo ngành luật giữa Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá và doanh nghiệp tại Khu Kinh tế Nghi Sơn cần nhiều thời gian, công sức, nhân lực và tài chính. Nhưng việc liên kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động đào tạo ngành luật và sự phát triển của các doanh nghiệp liên kết. Để hướng tới đạt được những điều đó, cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng, thúc đẩy, phát triển việc hợp tác và liên kết đào tạo ngành Luật, xây dựng ngành Luật của nhà trường phát triển mạnh mẽ và bền vững.

 Tài liệu tham khảo

[1]. Ngô Quang Anh (2016), Hoàn thiện mô hình dự án liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực công nghệ cho doanh nghiệp, Luận văn Thạc sĩ Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn.

[2]. Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Hà Nội.

[3]. Báo cáo thống kê hàng năm của Chi Cục Thuế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

[4]. Bộ Giáo dục và đào tạo, Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT về qui chế đào tạo trình độ đại học, Hà Nội.

[5]. Trần Nam Chung (2020), Nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học - cao đẳng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Công thương, 23/2/2023.

[6]. Hội đồng quốc gia (2009), Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr. 735.

[7]. Uỷ ban Thường Vụ Quốc Hội, Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 01/6/2020 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Hà Nội.

[8]. Hoàng Thị Minh (2018), Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải nguy hại tại một số cơ sở sản xuất tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên.

[9]. Trang thông tin điện tử của Khu kinh tế Nghi Sơn với nội dung Giới thiệu về Khu Kinh tế Nghi Sơn, truy cập ngày 20/9/2023.

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516