Theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó các em ở bán trú tại trường được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu và 15kg gạo/tháng. Đến nay, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS, 1 trường bán trú tiểu học và 1 trường bán trú THCS được hưởng chế độ bán trú. Việc chuyển đổi sang mô hình trường bán trú đã giúp tỷ lệ học sinh chuyên cần của huyện Bắc Quang đạt gần 100%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 70%. Thời gian qua, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Tiến đã thực hiện tốt mô hình bán trú. Nhờ mô hình này, các em chăm chỉ học tập hơn và tích cực giúp nhau cùng tiến bộ. Năm học nào nhà trường cũng có học sinh dự thi học sinh giỏi cấp cụm, huyện.
Cô nuôi chuẩn bị bữa ăn cho học sinh tại Trường PTDT Bán Trú THCS Trịnh Tường Bát Xát, tỉnh Lào Cai
Thầy Hoàng văn Linh, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Đồng Tiến cho biết: Trước đây, khi chưa thực hiện mô hình bán trú, nhà trường vẫn có 4 phòng làm chỗ ở tạm cho gần 50 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải học xa nhà. Thời điểm đó, mặc dù còn rất nhỏ nhưng các em phải tự chăm lo cuộc sống, từ góp gạo đến mua rau, nấu ăn nên cuộc sống bám trường, đến lớp của các em gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 4/2012, chuyển đổi sang mô hình bán trú, nhà trường được hỗ trợ kinh phí tu sửa lại trần và cửa sổ của 10 phòng ở, nhà bếp, nhà ăn cho các em học sinh, giúp học sinh ở bán trú có điều kiện học tập và sinh hoạt tốt hơn. Đến nay, nhà trường có tổng số 365 em học sinh thì có tới 175 em đang ở bán trú tại trường.
Tại Trường Tiểu học Lao Chải, huyện Sa Pa, Trường PTDT Bán trú THCS Trịnh Tường, huyện Bát Xát đã có nhiều thay đổi và thực hiện có hiệu quả từ mô hình bán trú giúp các em giảm đi những “gánh nặng” khi đến trường. Trước đây học sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa phải đi bộ từ 5-20 km để đến trường. Những ngày mưa lũ, giá rét, ngày mùa, học sinh nghỉ học rất nhiều, việc huy động học sinh ra lớp gặp không ít khó khăn. Khi thực hiện mô hình bán trú các em được ăn, ngủ, học ngay tại trường và chỉ về nhà vào ngày cuối tuần. Bên cạnh việc bố trí ăn, ở hợp lý, khoa học; học sinh bán trú còn được tổ chức rèn luyện, giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Học sinh đã tự biết tổ chức cuộc sống tập thể, đoàn kết, giữ gìn vệ sinh. Sau giờ lên lớp, giáo viên và học sinh đã tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, nuôi lợn thịt để cải thiện bữa ăn… Nhờ đó, giúp học sinh thêm yêu lao động và có thêm kỹ năng sống để về tuyên truyền trong gia đình, thôn bản. Các trường đã tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội, tết các dân tộc, để học sinh giao lưu, hiểu biết văn hóa các dân tộc; tạo thêm sự thân thiện, gắn kết giữa các em học sinh với nhau. Đối với học sinh dân tộc thiểu số, cái thiếu nhất vẫn là kỹ năng sống, tự lập và hoạt động tập thể. Mô hình trường bán trú được mở rộng đã giúp các em nhanh chóng hòa nhập được với thầy cô và bạn bè. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lao Chải, cô giáo Trần Thị Thoa cho biết thêm: “Đây là hướng đi đúng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng khó. Lợi ích dễ nhận thấy nhất mà mô hình trường bán trú mang lại chính là khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học. Nếu như những năm học trước, nhà trường phải tốn nhiều công sức vận động học sinh quay lại trường, thì từ năm học này, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm đi đáng kể. Các em cũng phần nào yên tâm sống và học tập dưới sự chăm lo về vật chất, tinh thần của nhà trường và các cấp, các ngành.
Các Trường PTDTBT tập trung chú trọng tới các hoạt động giáo dục đặc thù, dạy học sinh từ những điều nhỏ nhất để giúp học sinh nêu cao tinh thần tự giác, tự quản. Qua đó, ngôi Trường PTDTBT đã trở thành ngôi nhà chung của các em. Theo em Lồ Thị Sáy, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lao Chải cho biết: “Em ở trường từ khi học lớp 1 đến nay đã được gần 5 năm; đi học, em thích ở lại trường hơn về nhà. Vì ở đây em có nhiều bạn. Tối nào cô giáo cũng giúp ôn bài, làm bài tập. Về nhà, bài tập khó cũng không biết hỏi ai. Được đi học như thế này em rất vui, bố mẹ em cũng rất yên tâm”.
Phòng ở bán trú tại Trường TH Lao Chải Sa Pa, Lào Cai
Hiệu quả của mô hình Trường PTDTBT có tác động to lớn đến việc thay đổi nhận thức của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số về giáo dục, từ đó, đã huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục vùng cao. Để đạt được kết quả tốt hơn nữa, các trường PTDTBT đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện phối hợp tốt với Sở Giáo dục và Đào tạo; sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và sự quyết tâm của từng em học sinh. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tất cả vì học sinh thân yêu. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình Trường PTDTBT vẫn còn những hạn chế như: địa hình chia cắt, phức tạp, diện tích rộng, dân cư phân tán, nên khó khăn đến việc bố trí, quy hoạch xây dựng trường, lớp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, phong tục tập quán lạc hậu, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh ra lớp. Trường PTDTBT được hình thành trên cơ sở chuyển đổi từ Trường Phổ thông, do vậy, phần lớn diện tích khuôn viên của các Trường không đáp ứng đủ diện tích xây dựng các hạng mục và các công trình phục vụ cho các hoạt động của Trường PTDTBT như, phòng ở nội trú, nhà ăn, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh… đã hạn chế không nhỏ đến công tác quản lý, nuôi dưỡng và các hoạt động của học sinh bán trú.
Có thể thấy, mô hình Trường PTDTBT được mở rộng đã góp phần quan trọng trong việc tăng tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng phổ cập ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Để mô hình Trường PTDTBT ngày càng phát huy được những ưu điểm nổi bật; chúng tôi đề nghị, các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn các tỉnh có loại hình trường học này, hãy quan tâm, chỉ đạo và đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đối với thể hệ trẻ ở những vùng còn nhiều khó khăn, trở ngại trên đất nước ta./.
Đình Thơm