Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtGiáo dụcMỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CÔNG TÁC KHẢO THÍ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIỂM SÁT HÀ NỘI

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CÔNG TÁC KHẢO THÍ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIỂM SÁT HÀ NỘI

Thứ ba, 28 Tháng 11 2023 08:37

 

ThS. Nguyễn Thành Chung

Trung tâm Bảo đảm Chất lượng Đào tạo,

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 

 

Tóm tắt

 

Với mục tiêu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện của người dạy và người học, nhà trường đã khẳng định được vị thế của một cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, chất lượng trong cả nước. Bài viết đã khái quát những nét cơ bản về công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trên cơ sở phân tích thực trạng của công tác khảo thí, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khảo thí ở nhà trường hiện nay.

 

Từ khóa: Giáo dục, đào tạo, khảo thí, giảng viên, sinh viên, kiểm sát,….

Abstract

 

With the goal of innovating education and improving training quality through objective and comprehensive assessment of both teachers (lecturers) and students, the University has affirmed its position as a reputable and high-quality educational institution nationwide. The article provides an overview of the basic aspects of examination work at Hanoi Procuratorate University. Based on the analysis of the current state of examination work, the article proposes several solutions to enhance the quality of examination activities at the University.

 

Keywords: Education, training, testing, lecturers, students, Procuratorate, etc.

 

1. Đặt vấn đề

 

Hiện nay, nền giáo dục của nước ta đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tự giác, chủ động, hình thành và phát triển năng lực người học trên cơ sở đó trau dồi tính linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Để đáp ứng được nhu cầu đổi mới đó thì việc kiểm tra, đánh giá (KT-ĐG) chất lượng người học cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với xu hướng đó. Vì vậy, công tác khảo thí đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong giáo dục đại học ở nước ta. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là trường duy nhất đào tạo trình độ cử nhân Luật chuyên ngành Kiểm sát. Cho nên, kể từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc trong công cuộc đổi mới giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, công tác khảo thí cũng góp phần khẳng định vị thế của cơ sở giáo dục có uy tín và chất lượng trong cả nước và khu vực. Không chỉ vậy, nhà trường còn tạo ra các “sản phẩm” đầu ra đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực Kiểm sát vững về kiến thức nghiệp vụ chuyên môn với chất lượng cao.

 

2. Nội dung nghiên cứu

 

2.1. Một số vấn đề lý luận chung về công tác khảo thí ở Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

2.1.1. Khái niệm về công tác khảo thí

 

Công tác khảo thí là tổng thể các công tác liên quan đến quá trình thi cử từ khâu ra đề thi, in sao đề thi, tổ chức thi, quản lý kết quả thi.

 

2.1.2. Nội dung của công tác khảo thí

 

a. Công tác tổ chức bốc thăm, in sao đề thi

 

Lãnh đạo Trung tâm Bảo đảm chất lượng đào tạo (TT BĐCLĐT) hoặc người được ủy quyền tổ chức bốc thăm đề thi dưới sự chứng kiến của cán bộ Phòng Đào tạo và Quản lý SV (ĐT&QLSV) và Thanh tra đào tạo trong vòng 24 giờ trước khi giờ thi học phần đó theo kế hoạch. Cán bộ TT có trách nhiệm kiểm tra thông tin về tên học phần, hệ đào tạo; chuẩn bị túi đựng đề thi; sao in đề thi, đóng gói và niêm phong túi đựng đề thi do cán bộ thanh tra giám sát quá trình này [4, tr. 9].

 

Đúng ngày, giờ theo kế hoạch sao in đề thi (trước giờ thi 30 phút) cán bộ TT BĐCLĐT mở niêm phong dưới sự chứng kiến của thanh tra và 01 thành viên trong Ban Chỉ đạo (BCĐ) tổ chức thi kết thúc học phần đó; đồng thời lập biên bản về số lượng đề thi sử dụng cho mỗi ca thi theo từng hình thức thi được thực hiện theo quy định.

 

Quá trình in sao đề thi, nếu in thừa hoặc lỗi, cán bộ in sao đề thi phải hủy bằng máy hủy tài liệu (có trong khu vực in sao đề thi). Không được phép mang bất cứ giấy tờ nào trừ túi đựng đề thi đã niêm phong ra khỏi khu vực in sao đề thi.

 

Trường hợp cán bộ TT BĐCLĐT hoặc người được ủy quyền không đến sao in đề thi theo đúng kế hoạch và không thể bố trí được thời gian in sao đề thi bổ sung, TT BĐCLĐT không tổ chức in sao đề thi và học phần đó không được tổ chức thi. Giám đốc TT phải chịu trách nhiệm trước Ban giám hiệu về việc này. Đối với một số học phần thi trắc nghiệm kết hợp tự luận có nhiều mã đề (tin học, tiếng Anh), TT xin ý kiến hội đồng tổ chức thi kết thúc học phần để tiến hành in sao đề thi trước giờ thi từ 02 đến 06 giờ đồng hồ để đảm bảo thời gian tiến hành ca thi.

 

Sau khi in sao xong đề thi, trước thời điểm thi 10-15 phút, cán bộ TT BĐCLĐT bàn giao cho giám thị mỗi phòng thi số lượng đề thi tương ứng với số lượng SV (thí sinh) đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần, được thể hiện trên biên bản giao nhận đề thi tới từng phòng thi, có chữ ký giao nhận đề thi của cán bộ (CB) coi thi.

 

b. Công tác tổ chức thi

 

Sau khi kết thúc học phần cuối kỳ, Phòng ĐT&QLSV tiến hành xây dựng kế hoạch thi kết thúc học phần trình Ban giám hiệu (BGH) ký ban hành và công khai trên bảng tin, egov của nhà trường. Sau đó, TT BĐCLĐT nhận được kế hoạch thi kết thúc học phần sẽ tiến hành xây dựng các loại văn bản trình BGH ký ban hành: Quyết định thành lập BCĐ thi kết thúc học phần, thành phần gồm có Phó hiệu trưởng phụ trách TT BĐCLĐT làm trưởng ban, Lãnh đạo TT làm ủy viên thường trực, Trưởng phòng Đào tạo, Trưởng khoa chuyên môn làm ủy viên; Quyết định thành lập Ban in sao đề; Thông báo phân công cán bộ coi thi (được gửi tới các đơn vị trong nhà trường để các đơn vị phân công cán bộ coi thi dựa trên đề xuất của TT BĐCLĐT); Quyết định thành lập Ban coi thi [4, tr. 10].

 

TT BĐCLĐT chủ trì việc tổ chức thi kết thúc học phần có trách nhiệm: Lập danh sách; Phân công cán bộ coi thi; Bốc thăm đề thi; in sao đề thi; Giám sát việc chấp hành quy chế thi của cán bộ coi thi và SV; Thu bài thi và quản lý bài thi; Tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức thi,…

 

Cán bộ coi thi có mặt trước giờ thi 30 phút. Cán bộ coi thi yêu cầu SV/ thí sinh xuất trình thẻ SV (hoặc CCCD) trước khi vào phòng thi. Sắp xếp chỗ ngồi và phổ biến quy chế thi cho SV. Trường hợp SV không mang theo giấy tờ tùy thân, CB coi thi cho SV làm cam đoan xác nhận của SV cùng lớp hoặc xác nhận của CB Phòng ĐT&QLSV và hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu như những nội dung cam đoan không đúng sự thật. Các trường hợp SV hoãn thi kết thúc học phần phải nộp đơn xin hoãn thi tại phòng thi cho CB coi thi. CB coi thi có trách nhiệm ghi rõ các trường hợp vắng thi có lý do và không có lý do vào danh sách thi và đưa vào túi niêm phong cùng với bài thi. Trường hợp vì lý do khách quan SV/thí sinh xin bảo lưu quyền thi sau khi đã tổ chức thi, đơn hoãn thi phải có xác nhận của Lãnh đạo khoa và nộp cho CB Phòng Đào tạo chậm nhất 2 ngày sau khi thi.

 

CB coi thi 100% có mặt tại phòng thi đã được phân công theo kế hoạch coi thi, chấp hành đúng quy định, quy chế của CB coi thi. Cuối mỗi buổi thi, CB coi thi phải ghi đầy đủ thông tin vào danh sách thi, yêu cầu SV/thí sinh ký nộp bài, kiểm tra đầy đủ bài thi, các thông tin trên bảng điểm, túi đựng bài thi, đơn hoãn thi, dán niêm phong và nộp cho Phòng Đào tạo. Tất cả các bài thi được quản lý tại Phòng ĐT&QLSV.

 

Cán bộ giám sát TT BĐCLĐT có nhiệm vụ quản lý số lượng CB coi thi (thừa hoặc thiếu); số lượng CB coi thi và SV vi phạm quy chế thi trong từng phòng của từng môn thi, ca thi, ngày thi,...; kiểm tra tính nghiêm túc trong các phòng thi. Đồng thời, CB giám sát tổng hợp biên bản báo cáo tình hình thi của các môn, ca thi, ngày thi ngay sau khi kết thúc ca thi. Sau khi kết thúc công tác tổ chức thi hết học phần, cán bộ TT BĐCLĐT sẽ xây dựng báo cáo tổng kết và thông báo công tác thi kết thúc học phần trình BGH ký.

 

c. Công tác tổ chức chấm thi

 

Khi nhận túi phách, TT BĐCLĐT tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức chấm thi và quyết định phân công CB chấm thi trình BGH ký ban hành.

 

Trong quá trình tổ chức chấm thi, khi bàn giao túi đựng bài thi và đáp án chấm thi tới CB chấm thi sẽ được thể hiện trong biên bản mở túi bài thi và biên bản giao nhận đáp án thi. Trong quá trình chấm thi, những sự việc phát sinh như: bài thi có số phách giống nhau, thiếu bài thi, thiếu số phách,... sẽ được lập biên bản ghi nhận có chữ ký của CB chấm thi, giám sát chấm, thanh tra chấm thi,...

 

Kết thúc công tác chấm thi, CB chấm thi tổng hợp điểm vào biên bản chấm thi từ phiếu chấm thi; sau đó bàn giao cho TT BĐCLĐT. Khi tiếp nhận biên bản chấm thi, cán bộ TT BĐCLĐT photo lưu trữ 01 bản, bản gốc biên bản chấm thi sẽ được bàn giao tới Phòng ĐT&QLSV để lưu hồ sơ phục vụ xét tốt nghiệp.

 

2.1.3. Yêu cầu đổi mới công tác khảo thí

 

Đó là một số yêu cầu sau: - Đổi mới công tác khảo thí trước hết cần tập trung xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách đồng bộ tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác khảo thí; - Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công tác đào tạo và quy hoạch phát triển nhân lực của từng ngành, địa phương trong từng giai đoạn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; - Tập trung vào quản lý chất lượng đào tạo: chuẩn hóa đầu ra và điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở ứng dụng các thành tựu mới về khoa học giáo dục, khoa học công nghệ, công khai đánh giá chất lượng trong và ngoài cơ sở đào tạo; - Đẩy mạnh CNTT vào giảng dạy, quản lý chất lượng đào tạo; - Đổi mới căn bản chính sách phát triển đội ngũ GV, CB quản lý đào tạo.

 

2.2. Công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

Trong 3 năm gần đây (2019-2022) đa số CB, GV của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đều đồng thuận cao trong việc đánh giá về mức độ cần thiết của công tác khảo thí (90% ý kiến đánh giá cần thiết và rất cần thiết). Kết quả này cũng khẳng định Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã có những bước đi chính xác cũng như thực hiện tốt các nội dung của công tác khảo thí, khẳng định những mặt tích cực mà công tác khảo thí đem lại.

 

2.2.1. Công tác tổ chức bốc thăm, in sao đề thi

 

Mức độ đánh giá của CB, GV trong công tác in sao đề thi được đánh giá mức độ từ trung bình trở lên, không có nội dung nào được đánh giá ở mức độ yếu. Trong đó, tính bảo mật của đề thi nhận được đánh giá cao nhất với mức độ 95% đối với CB, 93% đối với GV [6, tr. 1]. Đây là nội dung quan trọng nhất trong khâu làm đề thi, được GV, CBQL thực hiện một cách nghiêm túc. Đối với các nội dung còn lại được đánh giá cao, điều này cho thấy công tác làm đề thi đảm bảo được tính quy phạm trong giáo dục, chấp hành đúng theo quy chế nên cần phát huy hơn nữa về cách thức, phương pháp thực hiện để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

 

Việc tổ chức sao in đề thi tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ở mức độ tốt 76%, đánh giá ở mức độ khá 20%, chỉ có 2% CB, GV đánh giá ở mức độ trung bình và yếu [6, tr. 2].

 

Cụ thể hơn, trong đánh giá công tác tổ chức sao in đề thi, tác giả đã tiến hành hỏi CB, GV của nhà trường, hầu hết trong số họ đều trực tiếp vào quá trình tổ chức thực hiện, từ khâu tạo lập văn bản quy định, xây dựng kế hoạch chương trình,...đều nhận được sự hài lòng tương đối cao về phương thức tổ chức, tiến hành in sao đề thi. Như vậy, có thể khẳng định rằng công tác in sao đề thi đã đạt được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo và đảm bảo đúng quy chế. Tuy vậy, 2% ý kiến cho biết công tác in sao đề thi tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thực hiện còn chưa tốt, họ bày tỏ sự chưa hài lòng đối với công tác in sao đề thi hiện nay.

 

2.2.2. Công tác tổ chức thi

 

Qua kết quả khảo sát về mức độ đánh giá của CBQL, GV về công tác tổ chức thi của CB, GV tương đương nhau, không có sự chênh lệch giữa 2 đối tượng. Trong đó, nội dung về quy trình coi thi được thực hiện theo đúng quy chế đạt mức phiếu cao nhất 96% ý kiến của CBQL, 95% ý kiến của GV đạt tiêu chuẩn tốt. Mức chênh lệch của 2 đối tượng khảo sát ít tạo độ tin cậy về số liệu [6, tr. 3].

 

Tuy nhiên, nội dung công tác lên danh sách thi, bố trí phòng thi đầy đủ hợp lý lại chưa nhận được nhiều sự đồng tình của cả CB và GV, 5% CB được hỏi và 4% GV được hỏi cho rằng công tác này còn yếu. Để tồn tại tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như quá trình Phòng ĐT&QLSV bổ sung danh sách SV/thí sinh học lại, thi lại,...vào danh sách phòng thi ban đầu chưa hợp lý, tạo ra khó khăn trong quản lý thi của GV và quản lý phách của TT BĐCLĐT.

 

Về công tác coi thi được thực hiện khá tốt, các bước thực hiện được đánh giá đồng đều ở khâu phân công CB coi thi. Riêng nội dung SV nghiêm túc trong quá trình thi đánh giá mức yếu là 4% đối với CBQL; 8% đối với GV cho thấy việc thi cử của SV chưa tốt. SV không hoặc chưa nhận thức được mục đích và phương pháp học tập; nhiều SV chưa ý thức được việc học của bản thân. Hiện tượng trao đổi trong phòng thi, chép bài của bạn được đánh giá chiếm tỷ lệ cao nhất 35% vi phạm mà chưa có giải pháp kiểm soát được do một số nguyên nhân khách quan, các thầy cô coi thi không lường trước hết các thủ thuật quay cóp của SV nên không chấn chỉnh kịp thời được. Việc sử dụng điện thoại trong khu vực thi/phòng thi vẫn còn xảy ra thường xuyên. Ngay khi phát hiện SV/thí sinh dự thi sử dụng điện thoại/thiết bị truyền tin, CB coi thi tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm với hình thức đình chỉ thi đối với SV/thí sinh đó. Nội dung nhờ người thi hộ không có bất cứ trường hợp thí sinh/SV nào vi phạm. Điều này cho thấy công tác rà soát phòng thi đối với thí sinh dự thi rất hiệu quả.

 

Kết thúc môn thi cuối cùng, TT BĐCLĐT tiến hành xây dựng Báo cáo tổ chức thi kết thúc học phần theo kế hoạch; trong báo cáo thể hiện đầy đủ nội dung: tổng số SV dự thi, tổng số môn thi, thời gian tổ chức thi, tổng số SV vắng thi, tổng số SV vi phạm quy chế thi,....trình BGH ký ban hành; sau đó gửi tới các đơn vị liên quan trong nhà trường.

 

Sau khi tổ chức thi kết thúc học phần, Phòng ĐT&QLSV tiến hành rọc phách, đánh số phách sau đó chuyển túi bài phách tới TT BĐCLĐT để tổ chức chấm thi, số lượng túi đựng phách sẽ được thể hiện trong sổ giao nhận túi bài thi.

 

2.2.3. Công tác tổ chức chấm thi

 

Qua khảo sát cho thấy công tác tổ chức chấm thi tuyệt đối nghiêm túc, chấp hành đúng theo quy định của nhà trường. Công tác chấm thi được tổ chức hai vòng chấm riêng biệt bởi hai GV được phân công. Điểm thi giữa hai CB chấm thi không chênh lệch, tối đa hơn kém nhau 0,5 điểm.

 

2.3. Đánh giá chung về công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

2.3.1. Ưu điểm

 

Đội ngũ cán bộ TT BĐCLĐT của nhà trường đã thực hiện công tác khảo thí dựa trên cơ sở pháp luật chủ yếu như: Luật Giáo dục; Điều lệ Trường Đại học, học viện; Quy chế; Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về thi, kiểm tra, quy chế tín chỉ. Các CB của nhà trường đều đã nhận thức được đúng vai trò, trách nhiệm trong công tác khảo thí. Cán bộ TT BĐCLĐT có khả năng đáp ứng được yêu cầu quản lý, có uy tín đối với CB, GV, có khả năng đáp ứng được yêu cầu về công tác trong giai đoạn hiện nay. Công tác kế hoạch hóa, tổ chức chỉ đạo việc thực hiện quy chế thi, tổ chức thi, tổ chức chấm thi được thực hiện khá đồng bộ và tương đối hiệu quả.

 

Đội ngũ GV, CB đều nghiêm túc thực hiện các quy định pháp chế về giáo dục và đào tạo, có ý chí phấn đấu vươn lên trong công việc, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, đa số CB, GV đều đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.

 

Công tác khảo thí thường xuyên nhận được sự quan tâm của BGH nhà trường về mọi mặt. Bởi vậy, về cơ bản các hoạt động KT-ĐG đã được thực hiện tương đối tốt, thể hiện ở các nội dung: Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động KT-ĐG; Xác định mục tiêu học tập cho mỗi học phần; GV có phổ biến yêu cầu về KT-ĐG cho SV, học viên; Các hình thức, phương pháp KT-ĐG phong phú; Đề thi phản ánh được mục tiêu học phần; Thời lượng thi tương đối phù hợp với nội dung thi; Đề thi đảm bảo được tính bảo mật cao; Thái độ của các CB coi thi, giám sát, thanh tra đúng mực; Thái độ nghiêm túc của SV khi đi thi; Quá trình tổ chức thi cũng được đánh giá tương đối hiệu quả.

 

Chất lượng đào tạo của nhà trường có sự ổn định, “sản phẩm” đào tạo luôn luôn được ngành Kiểm sát, cơ quan ban ngành, xã hội và doanh nghiệp tin tưởng, đánh giá cao.

 

2.3.2. Những tồn tại

 

Việc cụ thể hóa các văn bản, quy định của Bộ GD&ĐT, các ngành liên quan chưa quy định cụ thể, chưa đồng bộ trong công tác khảo thí. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn chưa đồng đều, lúng túng trong xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ khảo thí. Trong quá trình thực hiện công tác khảo thí còn dựa nhiều vào kinh nghiệm, theo thói quen được kế thừa trong quá trình công tác dẫn tới thiếu sự sáng tạo trong công tác.

 

Nhà trường chưa xây dựng quy định về biên soạn, quản lý và sử dụng ngân hàng đề thi: ngân hàng đề thi/câu hỏi là tập hợp của nhiều đề thi/câu hỏi thi của một hay nhiều môn thi và phải đảm bảo có đủ số lượng để chọn ngẫu nhiên đề thi/tổ hợp đề thi phục vụ tổ chức thi cho ít nhất 4 kỳ thi để đảm bảo tính khách quan trong kỳ thi. Tuy nhà trường đã xây dựng ngân hàng đề thi nhưng chưa đồng bộ triển khai hoặc triển khai còn mang tính hình thức nên TT BĐCLĐT bị phụ thuộc vào thời gian nộp đề của các khoa làm ảnh hưởng đến khâu chuẩn bị công tác tổ chức thi.

 

CB coi thi chưa đồng đều: Lực lượng mỏng, một số CB coi thi chưa vững nghiệp vụ, còn quá dễ dãi nên không kiểm soát được phòng thi, số khác lại quá nghiêm khắc gây tâm lý căng thẳng cho thí sinh.

 

Thái độ của SV khi đi thi chưa được nghiêm túc, vẫn còn tư tưởng gian lận trong thi cử, có hiện tượng hoãn thi đợt 1 để thi đợt bổ sung.

 

Cơ sở vật chất tại phòng in sao đề thi, các phòng thi chưa đáp ứng được tình hình thực tế, chưa khắc phục kịp thời.

 

Trong thực tế, KT-ĐG theo phương thức cũ đã trở thành lối mòn trong cách học của SV vì thế cần phải có quá trình để thực hiện đổi mới.

 

Công tác tổ chức thi luôn bị động do CB coi thi quên lịch, thiếu hụt lực lượng GV, CB coi thi nên công tác tổ chức thi chưa được chuyên nghiệp.

 

Công tác chấm thi luôn bị chậm so với kế hoạch thi và quy chế đào tạo.

 

2.3.3. Nguyên nhân của những tồn tại

 

 Về cơ sở vật chất tại phòng in sao đề thi: máy in sao đề thi cũ, sửa chữa nhiều lần, số lượng ít nên việc in sao đề thi bị mất nhiều thời gian. Đồng thời, cơ sở vật chất tại các phòng thi thường xuyên xảy ra tình trạng bóng điện bị cháy, điều hòa bị hỏng nên việc đảm bảo ánh sáng, nhiệt độ phòng thi không được đảm bảo tốt nhất cho SV/thí sinh dự thi.

 

Số lượng CB TT BĐCLĐT còn mỏng nên việc thực hiện các nhiệm vụ trong tổ chức thi kết thúc học phần còn nhiều hạn chế; Số lượng GV thiếu hụt nên phải cử một số CB phòng ban đi coi thi dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức thi, không phù hợp với quy chế, tổ chức hoạt động, quy chế làm việc của GV.

 

Nhà trường chưa có phần mềm quản lý ngân hàng đề thi dẫn đến tính bảo mật đề thi còn nhiều vướng mắc, đặc biệt trong khâu liên quan đến ra đề thi và duyệt đề thi. Bên cạnh đó, việc đề thi được bàn giao muộn cũng dẫn tới việc cán bộ TT BĐCLĐT thiếu tính chủ động trong bốc thăm đề.

 

Theo điểm b Điều 8 Quyết định số 483/QĐ-T2-BĐCL ngày 30/6/2022 của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội quy định về xét điều kiện dự thi và công bố danh sách phòng thi của mỗi học phần trên website chậm nhất là trước 03 ngày làm việc tính đến ngày thi học phần đó, tuy nhiên thực tế danh sách thí sinh đủ điều kiện thi do Phòng ĐT&QLSV chuyển sang TT BĐCLĐT luôn bị chậm, có những thời điểm danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi được gửi cho cán bộ TT BĐCLĐT trước giờ thi 3-4 giờ; dẫn đến tình trạng công tác chuẩn bị gấp gáp, việc ghi thông tin số lượng đề thi trên túi bài thi luôn bị chậm.

 

Tuy Phòng ĐT&QLSV lập kế hoạch thi gửi đến TT BĐCLĐT đúng thời hạn, CB TT gửi thông báo tới các phòng, khoa chuyên môn với nội dung đăng ký CB coi thi kết thúc học phần đó theo kế hoạch thi. Sau khi nhận được đăng ký từ các phòng, khoa chuyên môn, TT BĐCLĐT xây dựng phương án phân công CB coi thi theo kế hoạch nhưng tình trạng GV coi thi thường xuyên quên lịch thi do không cập nhật lịch trên phần mềm egov.

 

Công tác chấm thi thường xuyên bị chậm trễ so với kế hoạch thi và quy chế do Phòng ĐT&QLSV chuyển túi bài thi đã cắt phách đến TT BĐCLĐT muộn dẫn tới việc công bố điểm thi kết thúc học phần cho SV/thí sinh dự thi bị muộn so với kế hoạch đào tạo.

 

2.4. Một số giải pháp nhằm nâng cao công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

2.4.1. Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản, in sao đề thi

 

Sau khi tiếp nhận đề thi, cán bộ TT BĐCLĐT quản lý, bảo quản mật theo quy định của pháp luật. Bộ đề thi gốc cùng đáp án được dán và ký niêm phong bảo mật, mỗi đề thi, đáp án được niêm phong vào 01 phong bì riêng. CB tham gia bốc thăm đề thi ngoài việc bốc 01 đề thi chính thức phải tiến hành bốc thăm 01 đề thi dự phòng trong trường hợp đề thi chính thức không sử dụng được vì một lý do khách quan [5, tr. 6].

 

Các khoa nên sử dụng mẫu đề thi do TT BĐCLĐT cung cấp thể thống nhất về hình thức đề thi: thông tin về ngày thi, học kỳ, thời gian làm bài, các thông tin không cần thiết hoặc không được phép thể hiện trên đề thi thì không ghi vào đề.

 

Nâng cao việc viết sổ nhật ký làm đề hoặc thông tin cơ bản về quá trình ra đề thi: ngày giờ làm đề, người làm đề, kết quả bốc thăm đề.

 

Tăng cường sử dụng phần mềm tiếp nhận, lưu trữ nhằm cụ thể hóa thời gian tiếp nhận, bốc thăm đề đảm bảo tính khách quan. Đồng thời, việc ứng dụng CNTT vào tiếp nhận và lưu trữ đề thi cũng đảm bảo tiết kiệm vật tư văn phòng phẩm, diện tích, nơi bảo quản. Ngoài ra, thông qua ứng dụng của CNTT, giám đốc TT, phòng ban, Hiệu trưởng có thể quản lý, kiểm soát, kiểm tra được chất lượng công việc của các đơn vị, cán bộ, nhân viên tốt hơn.

 

2.4.2. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi

 

Kế hoạch xác định thời gian tổ chức thi kết thúc học phần cho các lớp, khóa đào tạo. Kế hoạch thi được sắp xếp cho từng học phần đảm bảo số ca tổ chức thi cho học 1 phần là ít nhất. Kế hoạch thi phải được thông báo trước thời điểm thi ít nhất là 15 ngày với lần thi 1 và 7 ngày với lần thi 2. Phòng ĐT&QLSV cần lập kế hoạch, văn bản gửi các bộ phận liên quan đến công tác tổ chức thi đảm bảo đúng thời gian [5, tr. 8].

Quán triệt CB coi thi, CB giám sát, thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi: thẻ SV/CCCD. Những thí sinh vi phạm trong phòng thi: quay cóp, đến muộn giờ, không đến thi, mang điện thoại vào khu vực thi,… CB coi thi cần nghiêm túc lập biên bản, ghi đầy đủ thông tin cần thiết, xử lý theo đúng quy chế đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh trong phòng thi.

 

2.4.3. Nâng cao công tác tổ chức, quản lý chấm thi nhằm hạn chế tiêu cực, sai sót trong quá trình chấm thi

 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm từ các phòng ban có liên quan đến công tác chấm thi, đặc biệt là Phòng ĐT&QLSV trong việc chuyển bài thi đã cắt phách tới TT BĐCLĐT đúng thời gian quy định nhằm đảm bảo đúng tiến độ chấm thi theo kế hoạch thi và quy chế của trường: tổ chức làm phách và bàn giao bài thi đã cắt phách cho TT chậm nhất 04 ngày làm việc sau khi thi kết thúc học phần. Bên cạnh đó, việc giao nhận bài thi cũng phải được bàn giao đúng thời gian: tối đa 01 ngày kể từ thời điểm làm phách xong để đảm bảo thời gian xây dựng kế hoạch chấm thi và cử CB chấm thi.

 

Nâng cao tinh thần tự giác, ý thức nghiêm túc trong quá trình chấm thi, đảm bảo tuyệt đối tính minh bạch, công bằng trong quá trình chấm thi. Tất cả các bài thi phải được dọc phách, không để người chấm biết bài làm của bất cứ thí sinh nào. Việc này cần có người giám sát chặt chẽ nghiêm túc để đảm bảo tính công minh, nghiêm túc. Tổ chức chấm thi có kế hoạch đảm bảo công tác giảng dạy không bị gián đoạn, không bị ảnh hưởng, đồng thời CB chấm thi tập trung được cao độ để đạt được hiệu quả tốt nhất.

 

Thực hiện nghiêm túc và thường xuyên kế hoạch chấm thẩm định bài thi thường xuyên với quy mô rộng, với tất cả các môn thi, hệ đào tạo.

 

2.4.4. Ứng dụng CNTT trong công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

 

Tiếp tục hoàn thiện, cơ sở vật chất, phòng học đáp ứng tốt hoạt động đào tạo và công tác khảo thí, xây dựng và triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý đào tạo, quản lý công tác khảo thí, bao gồm: tăng cường hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến nhằm đánh giá toàn diện, trắc nghiệm trên máy tính; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các phòng học, phòng thi giúp hỗ trợ trong công tác quản lý, điều hành.

 

Hoàn thiện và nâng cấp website của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho SV đăng ký kế hoạch học tập online, đăng ký thi, công khai các kết quả thi, KT-ĐG thông tin kịp thời kết quả lên cổng thông tin điện tử của nhà trường và tổ chức tiếp nhận thông tin phản hồi từ phía SV, học viên; xử lý ngay những kiến nghị về kết quả KT-ĐG.

 

2.4.5. Tăng cường công tác thi đua, khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến về công tác khảo thí

 

Công tác thi đua, khen thưởng có vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy phong trào phát triển, là biện pháp nhằm khuyến khích, động viên mọi người hăng hái lập thành tích trong lao động, học tập. Việc khen thưởng kịp thời, công bằng sẽ giúp tạo động lực cho mọi người phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Cần đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình trên tiền đề có hình thức biểu dương và nhân rộng, noi gương trong toàn trường như “ngọn cờ đầu”, những “tấm gương sáng” tạo được sự lan tỏa cần thiết trong mỗi đơn vị nói riêng, toàn trường nói chung.

 

3. Kết luận

 

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo cán bộ, học viên ngành Kiểm sát cho cả nước. Vì vậy, đổi mới phương thức KT-ĐG tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học và theo kịp xu thế đào tạo hiện đại của thế giới hiện nay là điều cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn vô cùng lớn. Tuy nhiên, do số lượng SV còn ít, việc đào tạo theo tín chỉ “lấy người học làm trung tâm” chưa phát huy hiệu quả. Việc đánh giá kết quả học tập của SV cần tập trung một số điểm cơ bản sau: - Tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đây được xem là công cụ đầu tiên để tiến hành các quy trình đổi mới hoạt động KT-ĐG; - Ứng dụng mạnh mẽ phần mềm vào quản lý đào tạo, thay đổi cơ bản hình thức quản lý từ thụ động sang chủ động; phối hợp cao trong các thành viên, các bộ phận, các đơn vị, phòng ban trong nhà trường về công tác khảo thí; - Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ công tác khảo thí, đáp ứng yêu cầu mới cho phù hợp với mục đích, nội dung, chương trình theo quy định của nhà trường; - Thay đổi cơ cấu nhân sự, phòng ban chức năng cho phù hợp với tình hình mới, liên kết tạo thành một thể thống nhất, tạo sự kiểm soát chặt chẽ với nhauBài viết đã đề cập những điểm nổi bật liên quan đến công tác khảo thí tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của công tác khảo thí hiện nay để đưa ra những nội dung mới nhằm nâng cao chất lượng công tác này cho phù hợp với thực tiễn.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

 

[1] Quốc hội (2019), Luật Giáo dục, NXB Lao động, Hà Nội.

 

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Thông tư số 08/2021-TT-BGD ĐT, ngày 18/3/2021 ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học.

 

[3] Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2016), Quy định số 1149/QĐ-TKS, ngày 22/12/2016 về chức năng, nhiệm vụ của Tổ Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo.

 

[4] Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2022), Quyết định số 483/QĐ-T2-BĐCL, ngày 30/6/2022 Ban hành quy định về tổ chức thi kết thúc học phần.

 

[5] Trung tâm Bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2023), Bản dự thảo Quy định về tổ chức thi kết thúc học phần.

 

[6] Trung tâm Bảo đảm chất lượng đào tạo, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2023), Báo cáo khảo sát về công tác khảo thí.

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516