Liên quan đến thông tin Nhật yêu cầu phía Việt Nam (VN) phải hoàn trả số tiền liên quan đến vụ hối lộ của Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cho các quan chức ngành đường sắt VN ở dự án đường sắt đô thị trên cao, ngày 2-4, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại VN đã có thông tin giải thích thêm.
Không phải trả tiền “lót tay”
Theo đó, đại diện JICA cho biết trong phiên xét xử tại Nhật, phía JTC đã thừa nhận có hành vi hối lộ trong dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Như vậy hợp đồng tư vấn giữa JTC với BQL các dự án đường sắt đã không tuân thủ quy định đấu thầu của JICA. “JICA đề nghị phía VN hoàn trả toàn bộ số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn này chứ không phải Nhật Bản yêu cầu VN hoàn trả khoản tiền cán bộ nhận hối lộ” - đại diện JICA giải thích thêm.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều cùng ngày, phía JICA cho biết việc hoàn trả số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn được thực hiện theo nguyên tắc của Điều kiện chung của vốn vay ODA Nhật Bản. Cụ thể, chiếu theo Điều 4.03 của văn bản này thì phía JICA sẽ thu hồi khoản kinh phí tài trợ ODA của bên vay nếu phát hiện các hành vi tham nhũng hoặc gian lận cạnh tranh trong quá trình thực hiện hợp đồng tài trợ. Bên vay có nghĩa vụ cung cấp các thông tin liên quan đến bất cứ quan chức nào nếu để xảy ra sai phạm.
Về khoản tiền cụ thể phía VN phải hoàn lại, một cán bộ JICA cho biết đây là thông tin chưa được công bố vì còn phụ thuộc số liệu cung cấp từ phía chủ đầu tư dự án (Tổng cục Đường sắt VN). Trong trường hợp này, Tổng cục Đường sắt (Bộ GTVT) sẽ là đơn vị cung cấp thông tin cụ thể.
Một phần của tuyến đường sắt đô thị trên cao tại TP Hà Nội. Ảnh: CTV
Việt Nam đang chờ kết quả xử lý
Ngày 2-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết hiện Bộ đang chờ thông tin kết quả xử lý (bằng đường ngoại giao) vụ án JTC hối lộ quan chức ngành đường sắt VN.
“Hiện chưa có con số cuối cùng nhưng nguyên tắc của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là những phần có vi phạm thì họ không tài trợ nữa” - ông Đông cho hay.
Cũng theo ông Đông, vụ việc đang được điều tra xử lý và cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định các cá nhân để xảy ra sai phạm có phải bồi thường hay không.
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 1-4, ông Yamamoto Kenichi, phó đại diện Văn phòng JICA tại VN, cho biết đây là lần thứ hai kể từ năm 2008 phát hiện tình trạng hối lộ trong các dự án ODA của Nhật tại VN. Phía Nhật đang yêu cầu VN hoàn lại số tiền đã giải ngân cho hợp đồng tư vấn trong dự án này vì đã để xảy ra sai phạm. Ông Yamamoto Kenichi mong muốn đây là vụ hối lộ cuối cùng bởi nếu xảy ra lần thứ ba, người dân Nhật chắc chắn sẽ lên tiếng và yêu cầu Nhật dừng cấp ODA cho VN.
Liên quan đến sự vụ này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can các ông Trần Quốc Đông (nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN), Phạm Hải Bằng, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái, Trần Văn Lục, Nguyễn Văn Hiếu đều thuộc BQL các dự án đường sắt.
Cán bộ có biểu hiện tiêu cực phải thay ngay Ngày 2-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định tổng thầu (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, tiến độ, an toàn giao thông, an toàn lao động của dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ông Trường cũng yêu cầu kiểm tra lại hợp đồng với các nhà thầu phụ, hợp đồng nào đang ký dạng nguyên tắc thì phải chuyển sang ký chính thức, nhà thầu nào chưa ký hợp đồng mà đã thi công thì dừng ngay. Bên cạnh đó, tư vấn giám sát nào có biểu hiện tiêu cực, vắng mặt trong thời gian làm nhiệm vụ phải thay ngay. Theo ông Trường, phải đẩy nhanh tiến độ dự án để đến cuối năm 2015 cơ bản phải xong phần hạ tầng, có một số đoàn tàu hoạt động thử và đến tháng 3-2016, dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động theo đúng tiến độ đề ra. Trước đó, dự án đường sắt trên cao tuyến Hà Nội - Cát Linh đã để xảy ra hai vụ tai nạn nghiêm trọng làm một người chết. Sau đó, Bộ GTVT đã tạm ngừng dự án để kỷ luật, giáng chức các cán bộ liên quan. Hiện các hạng mục dự án đã hoạt động trở lại nhưng tiến độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. VIẾT LONG |
Theo PLO