Kết quả báo cáo 6 tháng đầu năm của các ngân hàng cũng cho thấy nợ xấu tăng cao so với năm 2012, nhưng vẫn nằm trong mức an toàn theo chuẩn quốc tế: dưới 3%, ngoại trừ 3 ngân hàng là NaviBank (6,1%), SHB (9,04%) và TechcomBank (5,28%). Các ngân hàng này được đánh giá là “dũng cảm” khi công bố mức nợ xấu cao, nhưng chính xác của các con số đến đâu vẫn chưa thể kiểm chứng được. Nếu so với con số 8,8% mà Ngân hàng Nhà nước công bố hồi tháng 9/2013 và mức “chênh vênh” 3 – 4 lần số liệu của NHNN, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 2/10 vừa qua, thì con số thực phải mang hai chữ số. Sự sai khác giữa chuẩn đo quốc tế và chuẩn đo của ngân hàng trong nước khó mà lệch cân đến thế, nếu không có sự lập lờ số liệu, nhằm giấu xấu khoe đẹp.
Cá biệt đối với trường hợp của Agribank, con số nợ xấu 33.500 tỷ đồng “nuốt trọn” vốn điều lệ 29.605 tỷ đồng của ngân hàng này, chiếm 6,45% trên tổng dư nợ nói riêng và 25% tổng nợ xấu 139.000 tỷ đồng của toàn hệ thống nói chung, khiến nhiều người trong cuộc giật mình … “nhẹ”. Giật mình vì một ngân hàng đầu ngành như Agribank với tổng tài sản và vốn điều lệ lớn nhất hệ thống: 618.000 và 29.605 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động trên 573.000 tỷ, dư nợ tín dụng trên 512.000 tỷ đồng, lại có hòm nợ xấu lớn hơn cả vốn điều lệ. “Nhẹ” là bởi con số này hẳn vẫn còn khiếm tốn so với thực tế, khi đặt trong bối cảnh các ngân hàng đều cố tô son cho đống sổ sách của mình.
Một số chuyên gia và lãnh đạo Agribank cho rằng tỷ lệ nợ xấu 6,45% là lẽ thường tình, bởi ngân hàng có dư nợ cao, hơn nữa 70% dư nợ lại là cho vay nông nghiệp. Tuy nhiên, cách giải thích này thiếu thỏa đáng, dư nợ cao không đồng nghĩa với việc nợ xấu lấn lướt vốn điều lệ. Thái độ chủ quan lấp liếm, coi mọi chuyện là lẽ thường lại càng gây nguy hiểm hơn nữa đối với nền kinh tế.
Việc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mua lại khoản nợ 2.534 tỷ của Agribank với giá 1.723 tỷ đồng và rục rịch mua lại nợ của SCB, SHB, PGBank, thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, đã vỗ về phần nào nỗi lo của thị trường. Tuy nhiên, VAMC chi là giải pháp tình thế để thể hiện sự ủng hộ các ngân hngf chứ không thể cắt bỏ được “khối u ác tính” của toàn hệ thống.
Che giấu nợ xấu không những phản ánh sai lệch thực trạng của ngành ngân hàng mà còn khiến các biện pháp gỡ rối như cơ cấu nợ, mua nợ, tái cơ cấu hệ thống … đi vào ngõ cụt. Nền kinh tế sẽ còn thăng trầm, thậm chí suy kiệt với hệ thống “mạch máu ngân hàng” sơ vữa như hiện nay, nếu không được trải qua một cuộc đại phẫu kịp thời.
Theo: songmoi.vn