Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên cả nước chỉ có 2% có quy mô lớn, 2% quy mô vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Xét về tiêu chí lao động và vốn, xu hướng thiếu DN quy mô vừa vẫn tiếp tục gia tăng, dẫn đến thiếu hụt về nguồn lực: DN nhỏ không đủ điều kiện và không đủ sức để vươn lên thành DN vừa và khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chỉ 21% DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.
Nhân tố chính của hội nhập
Đánh giá về hội nhập sắp tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có nhiều cơ hội phát triển hơn. Tuy nhiên, hiện DN tư nhân chưa được tạo điều kiện tốt để cạnh tranh bình đẳng với DN nhà nước và khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đa số DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận vốn nên chưa thể phát triển mạnh. Để tạo hành lang pháp lý cho DN phát triển, Chính phủ có thể nghiên cứu ban hành luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, nghị định về công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN tham gia chuỗi cung ứng để tập trung hơn năng lực cạnh tranh của các DN và giúp DN nhỏ, siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành DN vừa, lớn.
Thép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014 lên đến 6,3 triệu tấn, trị giá hơn 3,8 tỉ USD Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Yasuzumi Hiro, Giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, dẫn chứng tại Nhật, DN vừa và nhỏ đóng vai trò rất quan trọng và hỗ trợ những DN lớn về kỹ thuật. Ngân sách nhà nước dùng để phát triển, hỗ trợ cho khối DN này là rất lớn. Trước đây, Nhật có 4 quỹ công cho vay DN vừa và nhỏ trong các lĩnh vực sản xuất, công thương, nông nghiệp nông thôn. Hiện tập trung lại còn 1 quỹ và cho vay với lãi suất thấp, đồng thời có chính sách khuyến khích thành lập những hợp tác xã để tập hợp, nắm bắt nhu cầu của DN rồi phản ánh lên cơ quan nhà nước.
Cũng theo ông Yasuzumi Hiro, Nhật có cả giải pháp thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ cho khối DN vừa và nhỏ từ khâu đầu tư máy móc thiết bị mới, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm… Các cơ quan nhà nước khi cần mua vật tư, máy móc cũng được khuyến khích đặt hàng từ DN vừa và nhỏ. “Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang soạn thảo các điều luật liên quan đến phát triển DN vừa và nhỏ. Tôi cho rằng cần phải có thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khối DN vừa và nhỏ nhưng phải thiết thực, để DN tiếp cận được” - ông Yasuzumi Hiro nói.
Phải được cạnh tranh công bằng
Thời gian qua, quá nhiều ưu đãi cho khối DN FDI và trao cho DN nhà nước nhiều đặc quyền, trong khi DN tư nhân gần như phải tự bươn chải. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, quan điểm DN tư nhân không được ưu tiên đã lạc hậu, cần phải thay đổi. Ngay trong năm 2015, Việt Nam cần có nhiều chính sách hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt thúc đẩy DN nhỏ và vừa, DN tư nhân phát triển. Theo đó, DN tư nhân phải trở thành nền tảng, động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền kinh tế.
Bản thân các DN tư nhân, từ hoạt động thực tiễn của mình, đề xuất Chính phủ và cơ quan chức năng bên cạnh việc hỗ trợ chính sách cho DN phát triển còn tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát hàng gian, hàng giả và có biện pháp bảo vệ những DN làm ăn chân chính. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Hoa Sen, cho rằng những DN làm ăn tiểu xảo, “lừa đảo” đang ảnh hưởng đến DN làm ăn chân chính. Ngành thép đã gửi văn bản lên Chính phủ, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… phản ánh việc nhiều DN nhập khẩu lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để làm ăn gian dối.
“Nếu không có những DN Việt lớn thì khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ngành thép sẽ là của Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, chứ không còn của Việt Nam. Lúc đó, người dân Việt Nam sẽ phải mua thép với giá rất cao. Chúng tôi còn phải cạnh tranh không sòng phẳng với DN nước ngoài. Trong khi Tôn Hoa Sen phải đóng hơn 20% thuế thu nhập DN thì Formosa (dự án của nước ngoài) chỉ đóng 10% thì làm sao cạnh tranh được? Mong nhà nước tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng” - ông Vũ đề xuất.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng một nền kinh tế mà không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì không thể phát triển mạnh. Phải tăng cường năng lực nội tại của nền kinh tế, với DN vừa và nhỏ còn yếu về tài chính, năng lực sản xuất có thể chọn cách liên doanh, liên kết với DN nước ngoài để chuyển giao công nghệ, nâng năng lực quản trị… Đây cũng là cách để nâng chất lượng hàng hóa, dịch vụ của DN Việt, thông qua đó áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật hiệu quả hơn.
Sẽ cạnh tranh được, nếu…
Nhiều ý kiến lo ngại khi mở toang cửa thị trường sẽ đẩy ngành chăn nuôi vào tình thế khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tình hình không quá bi đát như vậy. Lo ngại này sẽ được giải quyết nếu chúng ta thực hiện được 3 việc: Hạ giá thành chăn nuôi bằng hệ thống con giống; phát triển chăn nuôi lớn để giảm các tầng nấc đại lý thức ăn, từ đó giảm chi phí hoa hồng; hạn chế, kiểm soát dịch bệnh dẫn đến hao hụt đàn. Thực hiện tốt 3 giải pháp này sẽ giảm được ít nhất 12% - 13% chi phí giá thành, DN sẽ đủ sức cạnh tranh.
“Muốn làm được như vậy, ngoài nỗ lực của các DN, nhà nước cần có hệ thống tín dụng cho DN vay với lãi suất phù hợp vì lợi nhuận ngành thấp, chu kỳ chăn nuôi lâu, hoàn vốn chậm. Ngân hàng Thế giới hiện đang cho vay vốn lĩnh vực này với lãi suất chỉ 0,1 phần ngàn!”- ông Vang nói.
Theo Nguoilaodong