Khoa Luật, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Nhận bài ngày 25/5/2024. Sửa chữa xong 03/6/2024. Duyệt đăng 08/6/2024.
Summary
In the context of integration, the issue of protecting human security is both a goal to strive for and a driving force to help the Mekong Delta stabilize the socio-political situation, promote economic growth and develop in a sustainable manner. However, due to unique characteristics, protecting human security here still faces many challenges that need to be resolved. Within the scope of the article, the author focuses on analyzing the challenges in protecting human security in the Mekong Delta today from the perspective of social welfare.
Keywords: Human security; Social Security; Mekong Delta; Sustainable Development.
1. Đặt vấn đề
An ninh con người đã trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, những rủi ro và thách thức đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống và sự phát triển của con người. Do đó, ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã đặt vấn đề an linh con người (ANCN) lên hàng đầu và mở rộng nhận thức về ANCN trên nhiều phương diện khác nhau. Ở phạm vi hẹp, ANCN là sự bảo vệ cá nhân trước những mối đe dọa bạo lực. Ở phạm vi rộng, ANCN là sự giải quyết một loạt nhu cầu con người để bảo đảm hạnh phúc của cá nhân, cũng như bảo vệ các cá nhân khỏi những mối đe dọa [2]. Như vậy, khi nói đến ANCN cũng chính là các quyền cơ bản của con người và bảo vệ ANCN chính là bảo vệ những quyền cơ bản của con người trước những nguy cơ xâm hại, đe dọa; nhờ đó mà cả cá nhân và cộng đồng mới có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc và có cơ hội để phát triển.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Những thách thức trong bảo vệ an ninh con người của Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay
Đại hội XIII (2021) của Đảng đã khẳng định vấn đề ANCN ở Việt Nam còn một số hạn chế: năng lực, trình độ nền kinh tế còn thấp ảnh hưởng đến đời sống vật chất của người dân; tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội… ở một số nơi chậm khắc phục, giảm nghèo chưa bền vững, phân hóa giàu - nghèo chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lí; chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn, bất cấp; công tác lãnh đạo, quản lí “bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội” [1, tr.32]. Là khu vực kinh tế có vị trí chiến lược và gắn liền với sự phát triển chung của cả nước, vấn đề bảo đảm ANCN ở ĐBSCL hiện nay cũng không tránh khỏi những hạn chế đó. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu những đặc điểm riêng của vùng đất phía tây nam của Tổ quốc để hiểu rõ hơn những thách thức đối với vấn đề ANCN ở ĐBSCL hiện nay.
2.1.1. Vấn đề việc làm và thất nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra hết sức sâu rộng, cùng với nó là kinh tế thị trường với sự xuất hiện của nhiều thành phần kinh tế khác nhau đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội của ĐBSCL phát triển theo hướng: năng động - đa dạng – nhạy bén – sáng tạo – táo bạo. Đây chính là cơ hội để người lao động được phát huy khả năng của mình trong lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng nghìn người lao động bị mất việc đang là những hiện tượng diễn ra khá phổ biến ở ĐBSCL hiện nay. Toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm biến đổi cơ cấu lao động khi làm mất đi nhiều ngành nghề cũ và xuất hiện thêm nhiều ngành nghề mới với những yêu cầu mới, đòi hỏi phải biết ứng dụng công nghệ mới. Do mặt bằng trình độ dân trí còn thấp, một bộ phận người lao động do không đáp ứng được yêu cầu nên đã bị mất việc. Đây là một hiện tượng khá phổ biến đối với một quốc gia vốn coi lao động giá rẻ là lợi thế cạnh tranh như Việt Nam, trong đó ĐBSCL là khu vực khá điển hình. Theo Báo cáo của Tổng Cục thống kê, về tình hình lao động và việc làm năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2022 của ĐBSCL là 2,76%, trong đó: khu vực thành thị là 3,35% và khu vực nông thôn là 2,56%; ở lao động nam là 2,59% và ở lao động nữ là 3,03%. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước là 2,34%. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tại ĐBSCL cao hơn so với mức trung bình của cả nước [4, tr.49].
2.1.2. Phân hóa giàu - nghèo trong xã hội
Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của vùng ĐBSCL đạt 4,1 triệu đồng/tháng. Mức này thấp hơn mức trung bình của cả nước là 4,673 triệu đồng/tháng [5]. Với mức thu nhập đó thì chứng tỏ đời sống vật chất và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong khu vực này chưa cao. Những khó khăn trong đời sống vật chất và nghèo trong đời sống tinh thần cũng là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm giải quyết để bảo đảm ANCN.
Tình trạng phân hóa giàu – nghèo trong toàn vùng cũng là vấn đề đáng lo ngại đối với công tác bảo vệ ANCN. Khoảng cách giữa người có thu nhập cao nhất với người có thu nhập thấp nhất có sự chênh lệch khá lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động, dẫn tới làm giảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người nghèo, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và giáo dục [6]. “Mặc dù Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng đói nghèo và bất bình đẳng, thông qua việc triển khai gói cứu trợ trị giá 2,7 tỷ USD cho 20 triệu người dễ bị tổn thương, và chi trả một khoản trợ cấp trị giá 1,8 triệu đồng/tháng cho người lao động bị tạm hoãn hợp đồng. Nhưng hiện nay, Việt Nam mới chỉ đứng thứ hai trong khu vực ASEAN và trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 77 trên tổng số 158 quốc gia về chỉ số Cam kết Giảm bất bình đẳng (CRII) 2020” [7]. Như vậy, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo của Việt Nam là khá phổ biến. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm lớn và đã có nhiều chương trình, hành động đến vấn đề này nhưng những chỉ số giảm nghèo, giảm bất bình đẳng của nước ta còn chiếm vị trí khiêm tốn trong bảng xếp hạng của khu vực và thế giới. ĐBSCL cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Do vậy, việc giải quyết những hậu quả của sự bất bình đẳng và khoảng cách chênh lệch giàu nghèo không chỉ là nhiệm vụ của Đảng bộ và chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL nói riêng mà còn đối với cả nước nói chung [3].
2.1.3. Nâng cao sức khỏe và gia tăng tuổi thọ cho người dân
Tuy chịu sự tác động mạnh mẽ do quá trình hội nhập quốc tế mang lại nhưng ĐBSCL hiện nay vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ những điều kiện vật chật nội tại cho sự phát triển như: chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, hạ tầng cơ sở còn lạc hậu, cơ chế kiểm tra, đánh giá chưa được thực hiện nghiêm túc… đã và đang tạo ra những nguy hiểm, áp lực đối với cuộc sống con người. Với đặc điểm trình độ dân trí còn thấp, mức sống của người dân chưa cao nên ĐBSCL đã trở thành thị trường tiêu thụ của nhiều sản phẩm kém chất lượng (hàng nhái, hàng chưa được đăng kí và kiểm định, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…). Bên cạnh đó, vùng đất này còn chịu sự biến đổi của môi trường và khí hậu; cùng với các thói quen sinh hoạt của miệt vườn, miền sông nước… đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh của người dân nơi đây. Tất cả những yếu tố trên đang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.
2.1.4. Vấn đề ô nhiễm môi trường và đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của con người
ĐBSCL từng được đánh giá là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp lúa nước. ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha, trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu cùng với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa. Với những lợi thế đó, ĐBSCL đã và đang tập trung sản xuất lúa và trở thành vựa lúa số một cả nước. Diện tích gieo trồng lúa của vùng luôn đứng đầu cả nước, trung bình chiếm 52% diện tích gieo trồng lúa của cả nước. ĐBSCL đã phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; phát triển được giống gạo ST ngon nhất thế giới; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng [8]. Ngoài ra, ĐBSCL cũng có điều kiện thuận lợi để chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy hải sản; trồng các loại cây ăn trái phong phú, đa dạng...
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐBSCL đang phải đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân; Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng; Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở [9].
Như vậy, tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa phải là điều phổ biến trên diện rộng tại các tỉnh thuộc ĐBSCL. Tuy nhiên, với một số biểu hiện đang diễn ra với tốc độ nhanh ở đây thì chính quyền trung ương và địa phương cần sớm có sự can thiệp sâu rộng nhằm hạn chế tình trạng nói trên. Nếu đứng trước tình trạng đó mà không có giải pháp can thiệp kịp thời thì có thể làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở, biến đổi khí hậu... sớm lan rộng ra các vùng xung quanh tại ĐBSCL.
2.1.5. Vấn đề tiếp cận nguồn nước sạch
Vấn đề nước sạch cũng là một trong những nội dung quan trọng cần được nghiên cứu khi đánh giá vấn đề ANCN. ĐBSCL được coi là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc nhưng điều đó không có nghĩa rằng vấn đề cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt dễ dàng và dồi dào. Bởi vì, mặc dù sông ngòi, kênh rạch dày đặc nhưng lượng nước từ nước ngoài chảy vào vùng ĐBSCL của nước ta chiếm tỉ trọng lớn, hơn nữa ĐBSCL có khoảng thời gian là mùa khô nguồn nước không dồi dào và dễ bị hạn mặn xâm lấn, nguy cơ thiếu nước ngọt, nước sinh hoạt rất cao. Hiểu rõ được những quy luật vốn có đó, chính quyền đã nghiên cứu và có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân ở ĐBSCL. Thống kê đến năm 2018 tỷ lệ hộ dân vùng nông thôn ĐBSCL được cấp nước hợp vệ sinh đạt 86,56%, trong đó tỷ lệ được cấp nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT là 61,40% với nguồn cấp từ các công trình cấp nước tập trung [10].
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vấn đề cấp nước sạch cho người dân vẫn là bài toán đau đầu của chính quyền tại ĐBSCL. ĐBSCL hiện còn hơn 50.000 hộ gia đình đang thiếu nước sạch và phải sử dụng các giải pháp khác nhau để đảm bảo có nước sinh hoạt. Trong đó, tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ gia đình đang thiếu nước ngọt sử dụng [11]. Tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra phức tạp nhất ở thời điểm mùa khô khi lượng mưa thấp, hạn mặn có khả năng xâm lấn cao.
2.1.6. Vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục
Trên cơ sở các chính sách của nhà nước về phát triển y tế, giáo dục cho người dân, chính quyền nhiều địa phương tại ĐBSCL cũng đã có các phương án triển khai phù hợp với những đặc thù của địa phương mình. Giáo dục của khu vực ĐBSCL tiếp tục phát triển về quy mô mạng lưới trường lớp, số học sinh/sinh viên từ bậc học mầm non đến đại học đã được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu của xã hội về ngành nghề, đa dạng về loại hình. Đặc biệt từ việc ban đầu chỉ có Trường Đại học Cần Thơ, hiện nay đã có 10/13 tỉnh, thành phố trong khu vực có trường đại học. Những tỉnh còn lại đều có phân hiệu của đại học, trường đại học, hay chủ trương đầu tư trường đại học [12].
Bên cạnh đó, các hoạt động giáo dục, đào tạo tại ĐBSCL cũng còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn. Một trong những tình trạng khó khăn trong lĩnh vực giáo dục mà nhiều tỉnh tại ĐBSCL gặp phải đó là tình trạng thiếu giáo viên (GV). Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố: Cần Thơ hiện thiếu 688 biên chế GV; Đồng Tháp thiếu 852 GV; còn tại Hậu Giang, nếu năm học 2022-2023 thiếu 846 GV thì hiện nay con số này đã tăng lên 1.196 GV [13]. Một nghịch lý vẫn đang diễn ra rằng, dù số lượng GV của các địa phương thiếu trầm trọng như vậy nhưng sinh viên sư phạm khi ra trường nhiều trường hợp không xin được việc làm. Có tình trạng này xảy ra thì nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ với GV chưa thông thoáng.
Tương tự như vấn đề giáo dục, quyền tiếp cận với y tế của người dân tại ĐBSCL cũng được quan tâm đáng kể. Cũng giống như nhiều địa phương khác trong phạm vi cả nước, các tỉnh của ĐBSCL đặc biệt chú ý đến các cơ sở y tế tại chính mỗi địa phương (cấp xã, cấp huyện) nhằm giảm tải áp lực cho cơ sở y tế cấp tỉnh hoặc tại một số thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2004 - 2022, hệ thống cơ sở y tế trong vùng được hoàn thiện hơn với sự gia tăng đáng kể của cả giường bệnh và đội ngũ bác sĩ (xem bảng 1).
Bảng 1: Số giường bệnh và số bác sĩ trên 1 vạn dân [14]
Năm |
Số giường bệnh |
Số bác sĩ |
2004 |
17,8 |
5,88 |
2020 |
24,3 |
7,6 |
2022 |
29,77 |
7,65 |
Tuy nhiên, nhiều địa phương của vùng ĐBSCL, đặc biệt là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa thì điều kiện y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân còn thiếu thốn. Số lượng đội ngũ cán bộ làm trong ngành Y tế, đặc biệt là cán bộ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao chưa đáp ứng yêu cầu. Ở nhiều địa phương từ nơi người dân sinh sống cách xa các trung tâm y tế do đó trong nhiều trường hợp khi ốm đau, tai nạn thì người dân không đến các cơ sở y tế. Các vật tư y tế phải mua với giá đắt đỏ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh đôi khi còn bị hạn hẹp.
2.2. Một số giải pháp khắc phục thách thức trong bảo vệ an ninh con người ở Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay
Với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, chúng ta đang chứng kiến một ĐBSCL vươn mình trỗi dậy; một ĐBSCL đang từng ngày phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kính tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, cùng với quá trình “thay da đổi thịt” đó, ĐBSCL luôn phải nỗ lực nhiều hơn trong bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đôi khí hậu, dịch bệnh... Trong bối cảnh cảc nguy cơ, thách thức ngày càng gia tăng và đang đe dọa đến ANCN, ĐBSCL cần phải có những giải pháp thích hợp, toàn diện trên tất cả cảc lĩnh vực để bảo đảm ANCN.
Nhìn từ góc độ an sinh xã hội, để bảo vệ ANCN, ĐBSCL cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
2.1.1. Tăng cường kỷ luật của Đảng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, bảo đảm tốt an ninh chính trị
Một trong những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc đảm bảo ANCN không chỉ ở ĐBSCL nói riêng và mà còn đối với cả nước nói chung là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất; công tác chỉ đạo, tổ chức còn yếu; năng lực quản lí, điều hành hạn chế. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tiếp diễn tạo ra những hậu quả xấu cho con người, xã hội… Những điều này đã làm suy giảm uy tín, cũng như sức chiến đấu của Đảng và hiệu quả bảo đảm ANCN. Nếu như tình trạng này còn tiếp diễn sẽ tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc vấn đề ANCN để cổ xúy cho những quan điểm sai trái, gây mất an ninh chính trị, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia nói chung và ANCN nói riêng. Như vậy, nếu kiên quyết loại trừ tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh sẽ góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, tình hình chính trị - xã hội ổn định, đủ sức mạnh để đối phó với những nguy cơ xung đột, làm ảnh hưởng tới ANCN.
2.1.2. Gắn chặt phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh con người
Cơ sở vững chắc nhất để bảo vệ ANCN là phải xây dựng và phát triển một nền kinh tế vững mạnh, đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Suy cho cùng, đời sống vật chất sẽ quyết định đời sống tinh thần nên phát triển kinh tế sẽ là điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Do vậy, việc bảo đảm ANCN phải lấy phát triển kinh tế làm trọng tậm; bởi chỉ khi nào có việc làm, có thu nhập ổn định và có thêm nhiều cơ hội để gia tăng thu nhập thì lúc đó đời sống vật chất của họ mới thực sự được cải thiện và tăng mức độ thụ hưởng những thành tựu về văn hóa, khoa học và công nghệ… Khi có một nền kinh tế vững mạnh, biết hướng tới con người và vì con người thì việc mở rộng quỹ phúc lợi xã hội, xây dựng hệ thống an sinbh xã hội vững chắc để bảo vệ, chăm lo và hỗ trợ mọi mặt cho người dân không còn là bài toán nan giải. Muốn làm được điều đó đòi hỏi ĐBSCL phải quán triệt tinh thần của Đại hội XIII (2021) của Đảng đã xác định “đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầu đủ, hiện đại, hội nhập… Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế” [1, tr43-46].
2.1.3. Bảo vệ quyền con người
Đây là giải pháp quan trọng; bởi thực chất của bảo vệ ANCN cũng chính là bảo vệ quyền con người, bảo vệ các “giá trị cốt lõi” của con người. Với bản chất là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt con người ở vị trí trung tâm trong mọi chiến lược phát triển. Tất cả mọi hoạt động của Nhà nước đều nhằm bảo vệ quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và tất cả những quyền lợi chính đáng của con người. Con người luôn phải được chăm sóc, bảo vệ, tạo mọi điều kiện để phát triển toàn diện. Trách nhiệm của Nhà nước là chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; giáo dục người dân cả về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và đặc biệt là phải tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người.
2.1.3. Phát triển hệ thống an sinh xã hội
Điều này đòi hỏi đảng bộ và chính quyền các tỉnh ĐBSCL phải “quan tâm hơn nữa công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nhiều chính sách để ổn định, từng bước nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm mức tối thiểu về nhập, bảo đảm tiền lương, đủ điều kiện sống và tài sản xuất sức lao động” [1, tr.133]. Đồng thời cần tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các mục tiêu phát triển xã hội; khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp; trợ giúp nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, nhất là người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, tạo điều kiện tốt nhất để họ hòa nhập với xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội là giải pháp mang tính đột phá giúp ĐBSCL sớm giải quyết được sụ thiếu hụt về điều kiện vật chất, giảm bớt nguy cơ đói nghèo, góp phần bảo vệ ANCN.
3. Kết luận
Bảo vệ ANCN luôn là vấn đề hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, việc bảo đảm ANCN ở góc độ an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta trong việc chăm lo phát triển mọi mặt đời sống của nhân dân – một chế độ luôn lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển. Đại dịch Covid 19 hiện nay là minh chứng rõ nét nhất cho chính sách bảo vệ ANCN. Chúng ta đã chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng cho con người. Qua đó, ĐBSCL cũng rút ra được những kinh nghiệm và những bài học cho mình trong việc bảo vệ ANCN trong bối cảnh hiện nay.
_____________________________
Tài liệu tham khảo
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia – Sựt thật.
[2] Trần Việt Hà, Đinh Ái Minh (2020), Bảo đảm an ninh con người: Kinh nghiệm quốc tế và bài học tham khảo đối với Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 955 (tháng 12 năm 2020).
[3] Lý Hoàn Ánh, Trần Mai Ước (2014), Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với việc phát triển an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 18 (28) tháng 9-10 năm 2014.
[4] Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2022, NXB Thống kê, tr.49.
[5] Võ Thị Kim Huệ (2023), Công tác giảm nghèo bền vững ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/5337-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung-o-cac-tinh-dong-bang-song-cuu-long.html/, truy cập 31/10/2023.
[6] Lê Nho Minh, Nguyễn Hà Thơ (2020), Bảo đảm “an ninh con người” trong quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Chính trị, số tháng 4 năm 2021, tr. 69.
[7] PV (2020), Việt Nam xếp thứ 2 trong ASEAN về giảm bất bình đẳng. Nguồn: https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-xep-thu-2-trong-asean-ve-giam-bat-binh-dang-20201009071956398.htm.
[8] Tổng cục Thống kê (2021), Đồng bằng sông Cửu Long - Phát huy lợi thế vựa lúa số một cả nước. Nguồn: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/08/dong-bang-song-cuu-long-phat-huy-loi-the-vua-lua-so-mot-ca-nuoc.
[9] Trang Nguyễn (2023), Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu. Nguồn: https://consosukien.vn/dong-bang-song-cuu-long-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-do-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau.htm.
[10] Phạm Văn Tùng, Hà Thị Xuyến (2020), Thực trạng cấp nước sinh hoạt nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất giải pháp khai thác, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thủy Lợi, số 61, tr.36-tr46.
[11] Thanh Huyền (2024), Hơn 50.000 hộ dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt. Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-50-000-ho-dan-o-dong-bang-song-cuu-long-thieu-nuoc-sinh-hoat-20240409130320233.htm.
[12] Việt Dũng (2023), Chỉ số giáo dục đào tạo ở ĐBSCL đạt trung bình, trên trung bình so với cả nước. Nguồn: https://giaoduc.net.vn/chi-so-giao-duc-dao-tao-o-dbscl-dat-trung-binh-tren-trung-binh-so-voi-ca-nuoc-post233359.gd
[13] Thúy An (2023), Giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long - Những bất cập cần sớm giải quyết. Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/giao-duc-o-dong-bang-song-cuu-long-nhung-bat-cap-can-som-giai-quyet-740498.
[13] Vũ Thị Bích (2023), Bảo đảm an ninh con người ở đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/thuc-tien/item/5332-bao-dam-an-ninh-con-nguoi-o-dong-bang-song-cuu-long.html.