NGUYỄN VĂN BIỂU
Viện Sử học Việt Nam
Nhận bài ngày 02/01/2024. Sửa chữa xong 06/01/2024. Duyệt đăng 09/01/1024.
Tóm tắt:
Đồng chí Trần Quý Kiên (thời kỳ hoạt động cách mạng trước năm 1945 ông lấy tên là Đinh Xuân Nhạ), ông sinh năm 1911 tại bến Nứa, phố Yên Phụ, Hà Nội (nguyên quán tỉnh Hà Đông cũ, nay là huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội). Ông tham gia hoạt động từ khá sớm và được Đảng tín nhiệm phân công giữ các chức vụ quan trọng, như Thường vụ xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội… Trong quá trình hoạt động cách mạng đồng chí Trần Quý Kiên đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng và khôi phục lại các tổ chức, cơ sở cách mạng của Đảng ở Bắc Kỳ, Hà Nội và Hải Phòng… trong những năm 30 của thế kỷ XX. Đồng chí Trần Quý Kiên là chiến sĩ cộng sản kiên trung, cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Từ khóa: Trần Quý Kiên, Thành ủy Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ, Đảng Cộng sản
1. Đặt vấn đề
Kể từ khi được kết nạp Đảng tháng 5 - 1930, đồng chí Trần Quý Kiên[1] hoạt động qua nhiều cương vị khác nhau của Thành ủy Hà Nội và Xứ ủy Bắc Kỳ, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua tù đày khắc nghiệt, chịu sự tra tấn dã man của nhiều nhà tù đế quốc, bị thực dân Pháp liệt vào “phần tử nguy hiểm” nên đã bị giam giữ ở nhiều nhà tù khác nhau từ Hỏa Lò, Sơn La, nhà lao Hải Phòng... Năm 1936, sau khi ra tù, đồng chí Trần Quý Kiên cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Minh… tái lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ trên cơ sở Ủy ban sáng kiến (cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ). Sau đó, đồng chí đã tham gia tái lập hàng loạt Đảng bộ các tỉnh, thành như: Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, Đảng bộ tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ… Đến năm 1938, trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội và Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cho đến khi bị bắt và bị giam ở nhà lao Bắc Giang (1940-1942)… Đồng chí Trần Quý Kiên là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
2. Quá trình hoạt động tổ chức xây dựng Đảng của đồng chí Trần Quý Kiên 1936-1939
2.1. Từ Ủy ban sáng kiến đến Bí thư Thành ủy Hà Nội
Khoảng mùa đông năm 1936, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh và Trần Quý Kiên hẹn nhau họp tại một thửa ruộng gần sân bay Gia Lâm[2]. Mục đích cuộc họp nhằm trao đổi về việc củng cố và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng. Muốn thế cần phải có hình thức tổ chức gì? Các đồng chí bàn nhau lập ra một Ủy ban - gọi là Uỷ ban sáng kiến. Nhiệm vụ của uỷ ban này là khôi phục cơ sở cách mạng, củng cố tổ chức đảng ở miền Bắc và bắt mối liên hệ với các đồng chí quen biết cũ ở các nhà tù về, quy tụ nhau lại tiếp tục hoạt động. Uỷ ban sáng kiến phân công đồng chí Tô Hiệu về công tác tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ về các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc và phân công Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh và Trần Quý Kiên phụ trách công tác móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở Đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận[3]. Ủy ban cũng phân công đồng Trường Chinh phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng.
Tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên), Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt (tức Lộc, ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn)[4]. Phạm vi hoạt động của Đảng bộ lúc này bao gồm cả Sơn Tây và Hà Đông. Thành uỷ Hà Nội được tái lập đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết của các cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân.
Cùng thời gian này, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Hải Phòng phải nhanh chóng thành lập cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ và tăng cường cho Hải Phòng đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) và đồng chí Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên, nguyên văn viết là Đinh Văn Nhạ)[5]. Tháng 4-1937, cuộc họp thành lập Thành ủy Hải Phòng được tổ chức (tại nhà đồng chí Dư, ở ngõ Đá, phố Cát Dài). Tham gia Thành ủy Hải Phòng có các đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Văn Túc, Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Vượng, Tư Thành, Hoàng Văn Trành… Đồng chí Nguyễn Văn Túc được cử làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng[6].
Theo đồng chí Nguyễn Công Hòa là những đồng chí đảng viên của Thành ủy Hải Phòng khi ấy trong sách Con đường sống duy nhất đã viết: “… Anh Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) cũng về trong dịp này. Ít lâu sau, anh lên Hà Nội bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ và được phân công về bắt liên lạc với tôi. Sau đó, anh Trần Quý Kiên cũng được Xứ ủy cử xuống Hải Phòng hoạt động. Nối lại liên lạc với Đảng, anh em chúng tôi mừng lắm. Cuối năm 1936[7], được sự đồng ý của Xứ ủy, chúng tôi nhóm họp cán bộ để thành lập Thành ủy lâm thời. Cuộc họp này được tổ chức tại hiệu cắt tóc của đồng chí Dư, ở ngõ Đào Ký (đồng chí Dư cũng mới ở tù về). Đồng chí Bùi Lâm không tham dự được hội nghị này vì đồng chí bị lộ quá, bọn mật thám cứ bám sát suốt ngày. Thành ủy lâm thời lúc ấy phân công tôi làm Bí thư, phụ trách phong trào ở các xí nghiệp; đồng chí Cúc thường trực (Nguyễn Văn Linh); đồng chí Trần Quý Kiên phụ trách khối tiểu thủ công, học sinh, viên chức; đồng chí Bùi Lâm phụ trách khối báo chí công khai; đồng chí Trành phụ trách khối lao động tự do…”[8]. Sự kiện Thành ủy Hải Phòng được tái lập lại đánh dấu kết quả của công tác xây dựng Đảng và cơ sở cách mạng; đồng thời phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tế, tạo ra sự thống nhất và hiệu quả trong sự lãnh đạo và tổ chức phong trào.
Với vai trò là lãnh đạo được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ tăng cường cho Thành ủy Hải Phòng, hoạt động của đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên có nhiều đóng góp lớn cho phong trào cách mạng địa phương. Sau khi Đảng bộ Thành phố Hải Phòng được tái lập lại, sau một thời gian tìm hiểu kỹ mọi mặt, nhất là trình độ của đảng viên, “đồng chí Trần Quý Kiên cán bộ Thành uỷ Hải Phòng đã tiến hành thành lập lại Chi bộ Xi măng. Chi bộ gồm các đồng chí: Đổng, Phúc, Tỉnh, Tuyển, do đồng chí Đổng làm Bí thư, đồng thời chịu trách nhiệm vận động, tổ chức công nhân ở các khu vực cơ khí, tua bin, nhà lửa và nhân viên văn phòng của chủ Tây. Đồng chí Phúc phụ trách nhà Than, bộ phận dồn thùng; đồng chí Tuyển phụ trách anh em lái cần trục. Cơ quan khi đó đặt ngay tại nhà đồng chí Đổng. Anh em hàng ngày được gặp nhau ở đó để trao đổi ý kiến, bàn bạc công việc. Đồng chí Trần Quý Kiên vẫn thường xuyên đến nhắc nhở chi bộ chú ý công tác vận động quần chúng, triệt để lợi dụng tình hình công khai hợp pháp và nửa hợp pháp để tập hợp quần chúng. Đồng chí cũng không quên nhấn mạnh: công khai không có nghĩa là công khai hóa tổ chức Đảng, đảng viên phải hoạt động bí mật, thật cần thiết mới ra công khai, nên sử dụng quần chúng tích cực làm công tác công khai thì có lợi hơn”[9].
Theo các đồng chí hoạt động cùng thời gian và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quý Kiên, trong hồi ký viết: “… Khoảng giữa năm 1937, cô Tám và các bạn cô ở chợ Sắt, đều đã trở thành đoàn viên Đoàn thanh niên dân chủ, tổ chức quần chúng của Đảng. Nơi sinh hoạt của họ là một ngôi nhà ở phố Cát Dài, các buổi họp thường do anh Nhạ (Trần Quý Kiên) điều khiển...”[10]. Theo Lý lịch của đồng chí Trần Quý Kiên lưu tại Ban Tổ chức Trung ương (năm 1952) viết trùng với hồi ký trên: “Tháng 2 - 1937, tôi phụ trách Hải Phòng lúc đó cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Công Hòa (hiện phụ trách dân công của Trung ương) đã gây được cơ sở Đảng và quần chúng ở những nơi như nhà máy xi măng, nhà máy chai, máy sợi, máy khuy, thợ xẻ, thợ mộc, thợ cạo, thợ máy, trong các chị em buôn bán ở chợ Sắt”...
Trong hồi ký Đi trọn một chặng đường tác giả Chu Thị Kim Sơn nói về sự chỉ đạo của đồng chí Đinh Xuân Nhạ với Thành ủy Hải Phòng và Chi bộ nhà Máy Tơ: “… anh Nhạ, mấy lần vào Máy Tơ… Nhiều lần tôi đã nghe các anh các chị nói đến đồng chí Nhạ, Bí thư[11] của Thành uỷ Hải Phòng nhưng lần này mới gặp. Tôi nhìn anh một lần nữa như để nhớ kỹ anh. Như đã qui định trước, cô Giới nhẹ nhành ra ngoài cổng ngồi gác, tôi và anh Chành ngồi nghe anh Nhạ nói về tình hình cách mạng, những thắng lợi của Mặt trận Bình dân Tây Ban Nha và Pháp, về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và cuộc đấu tranh ở các nước thuộc địa. Những sự nhượng bộ của đế quốc chỉ là tạm thời, bởi vì cách mạng Pháp và Tây Ban Nha chưa giành được chính quyền thực sự, chưa có quân đội cách mạng. Trong khi đó ở nước Đức, bọn Hít-le cầm quyền đang ráo riết chuẩn bị chiến tranh, áp dụng chế độ phát xít và chúng ráo riết đàn áp cách mạng. Ở Châu Á bọn cầm quyền quân phiệt Nhật đang ra sức tuyên truyền thuyết “đại Đông Á” và rèn luyện quân sự, khẩn trương chuẩn bị chiến tranh, gây ra nhiều vụ lấn chiếm đổ máu ở biên giới Trung Quốc, biên giới Liên Xô. Chúng ta phải triệt để lợi dụng quyền tự do dân chủ mà Mặt trận Bình dân đã giành được. Ngoài việc gây cơ sở ủng hộ cách mạng, chúng ta phải mở rộng hơn nữa các hình thức và tổ chức đấu tranh, lập ra các hội để tập hợp đông đảo quần chúng, tập hợp các lực lượng cách mạng tiến tới đánh đổ tập đoàn thống trị thực dân Pháp và bọn phong kiến ở Việt Nam… Anh Nhạ nói ít nhưng dễ hiểu. Cuối cùng anh kết luận: Không phải chúng ta chỉ vận động tham gia cách mạng ở những cơ sở là công nhân xí nghiệp mà phải vận động trong mọi tầng lớp lao động nghèo khổ, kể cả những người làm nghề thủ công, nghề tự do, và những người buôn bán nhỏ...”[12].
2.2. Phát triển Đảng trong thực tiễn hoạt động của cách mạng Việt Nam
Trong quá trình lãnh đạo Đảng, ngoài công lao đóng góp trong việc xây dựng và khôi phục lại các tổ chức, cơ sở của Đảng ở Bắc Kỳ, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây… đồng chí Trần Quý Kiên còn có công chỉ đạo, tổ chức, xây dựng, rèn luyện và kết nạp một số đồng chí trung kiên, ưu tú đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội vào Đảng mà sau này trở thành những cán bộ cốt cán, chủ chốt quan trọng của đất nước như: Đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng (được đồng chí Trần Quý Kiên kết nạp vào cuối tháng 11/1937); Đồng chí Phan Trọng Tuệ[13], Bí thư Chi bộ Đa Phúc (được đồng chí Trần Quý Kiên về công nhận đầu năm 1938), tiền thân của Đảng bộ tỉnh Sơn Tây; Đồng chí Dương Nhật Đại (được đồng chí Trần Quý Kiên kết nạp vào Đảng ngày 15/5/1938 tại Hà Đông). Sau này, đồng chí Dương Nhật Đại được cử là Bí thư Thành ủy Hà Nội tháng 9 năm 1940; Đồng chí Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (được đồng chí Trần Quý Kiên kết nạp vào Đảng ngày 8/6/1950 tại căn cứ địa trung ương ATK Việt Bắc)…
Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy Hà Nội được kiện toàn, đồng chí Đinh Xuân Nhạ làm Bí thư Thành ủy[14]. Thành ủy Hà Nội được bổ sung thêm 2 đảng viên đang hoạt động trong phong trào công nhân là Nguyễn Văn Trân và Văn Tiến Dũng. Trong hồi ký Đi theo con đường của Bác đồng chí Văn Tiến Dũng đã viết: “Anh Đinh Xuân Nhạ - người đã tổ chức tôi vào Đảng những năm trước”[15]; Cho tới mùa hè năm đó, một hôm anh Tân (Nguyễn Danh Tân, bị sốt thương hàn, mất vào giữa năm 1939) giới thiệu tôi với một người mà anh nói là “một đồng chí chính trị phạm cũng mới đi tù về”. Đó là anh Đinh Xuân Nhạ. Tuy lời giới thiệu rất vắn tắt, nhưng nhìn cung cách, thái độ của anh Tân đối với anh Nhạ, tôi cũng đoán được rằng: đây ít ra cũng là một đồng chí cấp trên.
Anh Nhạ lúc đó mở một cửa hàng sửa xe đạp ở gần Bến Nứa, đường bờ sông. Một cửa hàng sửa xe đạp nghèo nàn như tất cả mọi cửa hàng sửa xe đạp khác của Hà Nội lúc bấy giờ, với một bác thợ trạc 30 tuổi, to cao, vừa nhanh nhẹn, vừa vững chãi, ăn mặc xuềnh xoàng và có vẻ như thờ ơ trước mọi chuyện chính trị, thời cuộc. Hoàn toàn không một ai lúc đó, nếu không phải là đảng viên có trách nhiệm, có thể biết được đây lại là một đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Thành ủy Hà Nội vừa mới được khôi phục lại năm trước). Anh Nhạ phụ trách về tổ chức, chuyên đi xây dựng lại và tổ chức mới những chi bộ Đảng trong công nhân và lao động.
Theo quy định, tôi đã nhiều lần tìm gặp anh Nhạ để xin ý kiến về việc tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho hội viên, hoặc bàn về các chủ trương phối hợp đấu tranh giữa các ngành... Vì phải giữ bí mật, chúng tôi không bao giờ gặp nhau ở nhà anh hoặc nơi tôi ở mà chủ yếu là hẹn nhau lên Bách Thảo, ra hồ Bảy Mẫu hoặc xa hơn nữa: Trầm, Cổ Loa... Tác phong tuy có khác anh Tân ít nhiều, nhưng anh Nhạ quả đã chiếm được cảm tình sâu sắc của tôi. Cho tới cuối năm ấy (1938), một mùa đông đối với tôi không sao quên. Anh Nhạ hẹn gặp tôi tại vườn Bách Thảo vào một buổi sáng chủ nhật. Mưa bụi như phấn bay đầy trời. Chúng tôi nói chuyện về phong trào, và cả mơ ước của chúng tôi về một ngày mai nước nhà độc lập, ấm no... Đột nhiên, anh Nhạ gần như dừng lại. Anh xoay người, nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi cũng nhìn vào cặp mắt rất dịu dàng và kín đáo của anh. Trái tim tôi bỗng dồn nhịp đổ hồi. Tôi linh cảm rằng hình như anh sắp nói với mình một điều gì hết sức quan trọng.
Tôi đã không nhầm. Anh Nhạ thoắt rút từ trong túi áo ra một cuốn sách nhỏ xíu, in thạch, rồi cầm lấy một bàn tay tôi nâng lên, đặt cuốn sách vào đó: cuốn “Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương”. Anh đề nghị tôi hãy đọc nó với tất cả sự nghiêm chỉnh, và cũng sẽ thực hiện nó với tất cả tấm lòng mình. Tôi bỏ nhanh cuốn sách vào túi áo ngực. Trái tim tôi xao xuyến. Một niềm vui sướng, một nỗi xúc động sâu xa làm cho tôi muốn nghẹn lại[16].
Hiểu rõ tâm trạng tôi, anh Nhạ chỉ mỉm cười. Hai người tiếp tục đi bên nhau. Sau mấy phút im lặng, anh Nhạ tiếp tục nói. Anh thay mặt Thành ủy nói cho tôi rõ nhiệm vụ của đảng viên và động viên tôi phải tin tưởng, nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của cả dân tộc. Khi anh nói tới cách mạng, nói tới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người thầy, người sáng lập Đảng ta thì cả hai chúng tôi đều tỏ ra hết sức tin tưởng và xúc động. Trước đây, tôi cũng đã ít nhiều được nghe nói về Người, nhưng nay được anh Nhạ nói rõ thêm, tôi càng tự hào và tin tưởng ở lãnh tụ của Đảng. Tôi thầm nghĩ, con thuyền cách mạng Việt Nam có Đảng lãnh đạo, có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chèo lái, nhất định đi tới bến bờ.
“Lễ” kết nạp đảng viên của chúng ta đã có những khi chỉ giản dị như thế. Nhưng trong hoàn cảnh hoạt động bí mật lúc bấy giờ, sự giản dị ấy thật thiêng liêng biết bao. Tôi muốn nói lên tất cả những lời hứa hẹn của mình đối với Đảng mà anh Nhạ là đại diện. Nhưng tôi vẫn không sao thốt lên được đầy đủ vì quá xúc động.
Đêm ấy, tôi gần như thức trắng. Tôi nghĩ: thế là cuộc đời tôi đã sang một bước ngoặt. Từ nay trách nhiệm của tôi sẽ nặng nề gấp bội. Một con đường rất rộng lớn nhưng rõ ràng cũng đầy chông gai đang mở ra trước mắt tôi. Tôi sẽ phải có những nỗ lực ra sao đây? Tôi sẽ phải làm những gì nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc?
Trong Hồi ký Đi theo con đường của Bác đồng chí Văn Tiến Dũng cũng nói đến việc qua đồng chí Đinh Xuân Nhạ là cấp trên mà ông đã được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: Một buổi, anh Nhạ - Bí thư Thành ủy Hà Nội (năm 1938, khi mới 27 tuổi, đồng chí Trần Quý Kiên đã giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội), người đã đóng vai trò ông thợ chữa xe đạp ở đường bờ sông khi trước, nhắn hẹn tôi hôm sau tới gốc cây gạo ở đường vào làng Ngọc Hà có việc cần. Theo thói quen, tôi không bao giờ hỏi trước đó là công việc gì, hoặc sẽ gặp ai.
Đúng hẹn, hôm sau tôi cầm một tờ báo, sắm vai một thanh niên nhàn rỗi, đi tới nơi đã hẹn. Anh Nhạ đã có mặt dưới gốc gạo cùng một người có tầm vóc trung bình, mắt hơi lé. Anh Nhạ giới thiệu, tôi biết đó là anh Nguyễn Văn Cừ. Tôi đã được nghe nói về anh, đồng chí Tổng Bí thư mới của Đảng. Tôi vui mừng và cảm động hết sức về buổi gặp mặt đầu tiên này. Đồng chí Tổng Bí thư gặp tôi lần này để hỏi thêm một số điều trong phong trào công nhân ở Hà Nội, đồng thời cũng trực tiếp chỉ thị cho tôi về hoạt động trong tình hình đã có thay đổi khác trước…
Vào đầu năm 1938, sau một thời gian theo dõi, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ uỷ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội về Đa Phúc[17] công nhận là chi bộ chính thức của Đảng, trực thuộc Thành uỷ Hà Nội, đồng chí Đinh Xuân Nhạ giao nhiệm vụ cho chi bộ Đa Phúc lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây[18], dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Chi bộ Đa Phúc là tổ chức đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây.
Cũng trong năm 1938, đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là người trực tiếp bồi dưỡng, lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng phát triển Đảng ở tỉnh Hà Đông. Trên cơ sở phát triển đó, ngày 15-5-1938, đồng chí Đinh Xuân Nhạ thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ đã về La Cả tổ chức kết nạp 3 quần chúng vào Đảng là: Dương Nhật Đại (La Cả), Nguyễn Quý Bình (Đại Mỗ), Ngô Văn Phát (Thượng Cát) và thành lập chi bộ ghép do đồng chí Dương Nhật Đại làm Bí thư[19]. Trong hồi ký “Lớn lên trong lòng Đảng, lòng dân” đồng chí Dương Nhật Đại viết: “… Anh Hữu còn giới thiệu một đồng chí nữa mà tôi không quen, đồng chí ấy sẽ thay mặt Đảng về kết nạp chúng tôi, anh Hữu không giới thiệu tên, sau này tôi mới rõ đồng chí ấy chính là anh Đinh Nhạ tức anh Trần Quý Kiên. Chúng tôi thỏa thuận với nhau về ngày giờ và địa điểm kết nạp: sáng ngày 15-5-1938, tại nhà tôi ở La Cả… Anh Nhạ thay mặt Đảng tuyên bố kết nạp ba chúng tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, anh công nhận chúng tôi là đảng viên chính thức, hợp thành chi bộ ghép do tôi làm Bí thư, chi bộ ghép này có trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng Hà Đông, đồng thời cũng là ban vận động thành lập Đảng bộ tỉnh. Cuối cùng anh nói với chúng tôi vừa có tính chất động viên, vừa có tính chất Chỉ thị: Trước đây các đồng chí hoạt động là do nhiệt tình, do lòng yêu nước, ngày nay các đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Đảng về phong trào của một tỉnh. Đảng tin cậy ở các đồng chí, quần chúng Hà Đông trông đợi ở sự lãnh đạo của các đồng chí… Anh nói nhỏ, vừa đủ nghe, giọng nói cũng bình thường như người đang chuyện trò thân mật, song tự nhiên tôi cảm thấy nó chứa đựng một cái gì thiêng liêng. Tiếng nói của anh là tiếng nói của Đảng”[20]. Sự ra đời của Chi bộ ghép La Cả - Đại Mỗ - Thượng Cát trên địa bàn làng La Cả nay thuộc phường Dương Nội không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với phong trào ở trong tỉnh mà còn là thuận lợi to lớn đối với phong trào ở các làng La Cả, La khê, Vạn Phúc, Mai Lĩnh và Yên Lộ nay thuộc quận Hà Đông (Hà Nội).
Như vậy, có thể thấy đồng chí Đinh Xuân Nhạ - Trần Quý Kiên với vai trò trọng trách của những nhà lãnh đạo đi trước của Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, trên cương vị là Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng được tiến hành thường xuyên, mở rộng. Các đồng chí Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân… là những đảng viên đang hoạt động trong phong trào công nhân được bổ sung vào cơ quan lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, từ đó các cơ sở Đảng dần dần được xây dựng, phục hồi, nhiều cơ sở Đảng bị thực dân Pháp phá vỡ đã được đồng chí Trần Quý Kiên đi gây dựng, tái lập lại trong khoảng thời gian quý giá của Đảng ta lúc này.
3. Kết luận
Kể từ khi được kết nạp Đảng tháng 5 - 1930, đồng chí Trần Quý Kiên đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua tù đày khắc nghiệt, chịu sự tra tấn dã man của nhiều nhà tù đế quốc, bị thực dân Pháp liệt vào “phần tử nguy hiểm” nên đã bị giam giữ ở nhiều nhà tù khác nhau từ Hỏa Lò, Sơn La, nhà lao Hải Phòng... Năm 1936, sau khi ra tù, đồng chí Trần Quý Kiên cùng với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiêu biểu của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh… tái lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ trên cơ sở Ủy ban sáng kiến (cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ). Sau đó, đồng chí Trần Quý Kiên đã tham gia tái lập, xây dựng hàng loạt Đảng bộ các tỉnh, thành như: Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây, Ninh Bình… Sau năm 1945, đồng chí Trần Quý Kiên trải qua nhiều chức vụ khác nhau của Đảng và Nhà nước, như: Bí thư Tỉnh ủy Quảng Yên, Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương), Trưởng ban Căn cứ địa Việt Bắc[21], Phó Ban Tổ chức Trung ương, Phó Văn phòng Thủ tướng Phủ, Bí thư Đảng đoàn Bộ Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi… Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc rất to lớn. Ông xứng đáng là những đảng viên kiên trung thời xây dựng Đảng - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng ta trước năm 1945. Với những cống hiến xuất sắc, đồng chí Trần Quý Kiên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng Nhất (1961), Huân chương Lao động hạng Nhất (1965), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, 2003), Huân chương Sao vàng (truy tặng, 2018). Tên của đồng chí Trần Quý Kiên còn được đặt tên đường, phố ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác.
[1] Trong khoảng thời gian từ năm 1945-1946, ông lấy tên là Dương Văn Ty, thời kỳ hoạt động ở Sơn La, Lai Châu.
[2] Nguyễn Văn Minh, Kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Nguyễn Văn Cừ. In trong Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam (hồi ký), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.304-305. Lúc đầu chỉ có vài ba người, nhưng đến tháng chạp năm 1936, khi tổ chức cuộc họp của Uỷ ban ở nhà đồng chí Động ở phố Hàng Đường (Hà Nội), thì Uỷ ban đã tập hợp được mấy chục anh em, những cốt cán trung kiên, những hạt giống quý giá của Đảng.
[3] Trường Chinh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.83-84.
[4] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội (2004), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), NXB, Hà Nội, tr.63.
[5] Nguyễn Văn Linh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.53.
[6] Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng (1991), Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng (tập 1), (1925-1955), NXB Hải Phòng, tr.137.
[7] Có lẽ về mặt thời gian tác giả hồi ký Nguyễn Công Hòa nhớ nhầm!?
[8] Nguyễn Công Hòa (1972), Con đường sống duy nhất, NXB Lao động, Hà Nội, tr.125.
[9] Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Xi măng Hải Phòng (2007), Lịch sử phong trào công nhân Xi măng Hải Phòng (1899 - 2005), NXB Hải Phòng, tr.104-105.
[10] Nhiều tác giả (2000), Tuyển Hồi ký hay, NXB Phụ nữ, Hà Nội, tr.212.
[11] Đồng chí Đinh Xuân Nhạ (Trần Quý Kiên) được Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ cử xuống tăng cường cho Thành ủy Hải Phòng, đồng chí Nhạ không giữ chức Bí thư Thành ủy mà hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo trong Thành ủy Hải Phòng, có lẽ tác giả hoạt động cùng thời, trong Chi bộ đảng Máy Tơ, được đồng chí Nhạ nhiều lần về chỉ đạo, nên có thể tác giả đã nhầm lẫn, tưởng ông giữ chức Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
[12] Chu Thị Kim Sơn (2010), Đi trọn một chặng đường, hồi ký cách mạng, NXB Hải Phòng, tr.33-34.
[13] Năm 1934, khi 17 tuổi đồng chí Phan Trọng Tuệ được kết nạp vào Đảng.
[14] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (2004), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), NXB Hà Nội, tr.70.
[15] Văn Tiến Dũng (2004), Đi theo con đường của Bác, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội, tr.172.
[16] Đại tướng Văn Tiến Dũng (2004), Đi theo con đường của Bác, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.37-38.
[17] Tháng 8-1936, tổ cộng sản Đa Phúc (Quốc Oai, nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội) là tổ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sơn Tây được thành lập gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Văn Thọ (tức Thoả), Phan Trọng Tuệ và Đào Văn Tiễu.
[18] Địa chí Hà Tây (2011), NXB Hà Nội, tr.288.
[19] Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông (2014), Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926-2010), NXB Hà Nội, tr.55.
[20] Dương Nhật Đại (1970), Từ những buổi đầu, trích trong hồi ký “Lớn lên trong lòng Đảng, lòng dân” in trong: Hồi ký cách mạng Hà Tây (tập 1), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Hà Tây xuất bản, 1970, tr.22.
[21] Bí thư Đảng ủy Liên chi bộ Căn cứ địa Trung ương Việt Bắc.