Về với Xứ Thanh, mảnh đất địa linh nhân kiệt, chúng tôi tìm đến nhà Ông Lê Văn Thám, xóm 2, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, anh trai của Giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Lê Văn Thính, trưởng khoa thần kinh Bệnh Viện Bạch Mai, Chủ tịch hội thần kinh Hà Nội, với mong muốn tìm hiểu về một gia đình có truyền thống hiếu học lâu đời trên mảnh đất Xứ Thanh.
Ở tuổi 70 mươi, xưa nay hiếm nhưng vẫn với phong thái bình dị, ông bà Lê Văn Thám đon đả đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu. Bên ấm trà còn nóng hổi, ông bà Thám bắt đầu kể lại cho chúng tôi nghe, về một cuộc cách mạng mà ông bà cho là cam go nhất, đó là cuộc cách mạng vì sự nghiệp trồng người…
Vợ chồng ông Thám, bà Thuật vẫn còn nhớ như in những tháng ngày gian nan, vất vả chạy ăn từng bữa để nuôi nấng 6 người con được đến trường học tập. Mỗi khi nhắc lại chuyện cũ ông bà lại dơm dớm nước mắt. Bà Thuật kể: “cuộc đời vợ chồng tôi khổ hơn phim chị Dậu, nói vậy bởi chúng tôi luôn phải chiến đấu với cái đói, cái rét hàng ngày, hàng giờ để kiếm tiền nuôi con ăn học, bây giờ các cháu được thành người, có công ăn việc làm, thật sự chúng tôi rất tự hào”.
Ảnh: Ông Lê Văn Thám, bà Đỗ Thị Thuật và các cháu.
Ngồi trong ngôi nhà cổ 5 gian, được treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của các con ông, chúng tôi thấy tự hào thay cho ông bà vì có lẽ, gia sản lớn nhất của ông bà là những đứa con thành đạt. Gia đình ông bà Thám có 6 người con 4 trai, 2 gái nhưng có đến 3 người con trai tốt nghiệp đại học, con trai cả của ông bà là anh Lê Văn Anh tốt nghiệp với 2 tấm bằng đại học là Đại Học Bách Khoa Hà Nội và Đại Học Kinh Tế Quốc Dân, hai con trai út của ông bà là Lê Đình Giầu và Lê Đình Mạnh đều là thạc sỹ quản trị kinh doanh Đại Học Thương Mại Hà Nội, 3 anh em hiện tại sinh sống và làm việc tại Hà Nội. 3 người con còn lại, đều ổn định sự nghiệp và yên bề gia thất.
Khi được hỏi về bí quyết nào để ông Bà vượt qua được những ngày tháng khó khăn nuôi các con ăn học, Ông Thám lại rít điếu thuốc lào, rồi lại hào hứng kể cho chúng tôi nghe: nói thật với các chú, chúng tôi đều là nông dân nhưng được cái gia đình có truyền thống học hành, khoa bảng từ xưa. Cụ thân sinh ra tôi ngày xưa cũng trí tuệ lắm, cụ từng là bạn thân thiết của nhiều lãnh đạo tỉnh có tiếng thời đó, vì vậy chúng tôi được cụ dạy dỗ đến nơi đến chốn, em trai tôi là giáo sư, tiến sĩ Lê Văn Thính giờ là thầy thuốc nhân dân rồi, ngày xưa em tôi học có tiếng trong cả tỉnh, thi 3 môn được 30 điểm cơ mà. Vì thế Tôi luôn dạy các con, cháu tôi noi gương truyền thống gia đình.
Với những thành tích học tập của các em, con,cháu. Ông bà đã vinh dự được đảng bộ chính quyền xã tặng Bằng khen về gia đình văn hóa, gia đình hiếu học.
Giờ đây, khi cuộc sống đã ổn định, ở cái tuổi lẽ ra người ta thường an nhàn, sum vầy bên con cháu, thế nhưng vợ chồng ông Thám, bà Thuật vẫn miệt mài lao động cần cù, tích cực tham gia các hoạt động do thôn, xã phát động. Đó cũng là một cách để làm gương, răn dạy, nối tiếp và thắp sáng truyền thống hiếu học của gia đình cho thế hệ con cháu mai sau. Thiết nghĩ, gia đình ông Thám, Bà Thuật ở Xóm 2, Xuân Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa là một điểm sáng đáng được biểu dương và học tập trong cả nước.
Lê Lam Sơn