Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaLễ hội đền Trần: Đừng xúc phạm hàng vạn người dân về dự Lễ!

Lễ hội đền Trần: Đừng xúc phạm hàng vạn người dân về dự Lễ!

Thứ hai, 17 Tháng 2 2014 07:43
Nhiều năm trực tiếp theo dõi lễ Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), tôi và nhiều đồng nghiệp (các nhà báo đang công tác tại một số cơ quan báo chí) bảo nhau: Năm nay “đỡ” hơn nhiều đấy.

Cái “đỡ” hơn ấy hàm nhiều ý, cả về vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cả về ý thức người dân trong gửi gắm niềm tin vào độ thiêng của cánh ấn lộc đầu năm cũng đã không còn thái quá. Thế nhưng, thật ngạc nhiên khi đọc bài viết Dân đang cần lòng ngay dạ thẳng của tác giả Nguyễn Quang Thân, đăng trên Báo Tuổi trẻ ngày 15.2.2014. Tác giả này cho rằng, nhiều năm nay hội Khai ấn đền Trần bị bẻ cong, biến thành một hí trường “chạy chức” công khai vô nghĩa và đáng xấu hổ.

Tự hỏi, sao lại vẫn còn cách hiểu hồ đồ đến như vậy dẫn đến sự xúc phạm tới số đông người về dự Lễ hội đền Trần và nhận lá ấn có ghi rõ "Tích phúc vô cương"?

Dân đang cần lòng ngay dạ thẳng. Đúng là như vậy, nhưng từ cách đặt vấn đề như thế để vận vào một lễ hội và... “phán vọng” kiểu này ít nhiều cũng khiến những người lao tâm khổ tứ cho một lễ Khai ấn an lành cảm thấy bất bình. Hí trường ư? Cách dùng từ khiến người ta mường tượng đến hình ảnh một trường đua mà ở đó, ai ai cũng cố nhào về phía trước, vội vàng kệch cỡm. “Chạy chức” công khai và đáng xấu hổ ư? Ô hay, sao lại coi việc đi xin lá ấn là việc “ chạy chức” công khai? Người Việt đi lễ đền, chùa đầu năm ai chẳng cầu mong cho mình và những người thương yêu điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Có cầu công ăn, việc làm tiến bộ, thuận lợi để được tăng lương, được lên quan lên chức cũng là một phần của những mong muốn tốt đẹp ấy mà thôi. Tôi chắc rằng chưa ai nghe thấy có người đứng giữa sân đền để nói rằng họ đến cầu thăng quan tiến chức.

 

 

IMG 5958

Liệu những người dân bình thường này nhận ấn đền Trần có mơ về chuyện thăng quan, tiến chức?

IMG 5881

 

Đi lễ cầu may, các bạn trẻ này chia sẻ không nghĩ là lấy ấn để được "thăng quan, tiến chức"

Cũng có thể, có cách hiểu sai về ý nghĩa của lá ấn ở một số người, thế nhưng xem việc đưa vào thùng công đức vài chục ngàn sau khi xin ấn của hàng ngàn người là để “chạy chức” thì quá... nực cười.

Chưa kể, có mặt tại đền Trần trong đêm Khai ấn và từ sớm ngày đầu tiên phát ấn (14.2, tức ngày Rằm tháng Giêng), bản thân chúng tôi và rất nhiều đồng nghiệp cũng đã trực tiếp xếp hàng xin ấn, không quá 10, 15 phút đã tới lượt. Vậy thì, người viết có trực tiếp đến xin ấn hay không mà “phán” rằng, ý nghĩa thiêng liêng đã bị xúc phạm đến mức đã có thị trường bán chui tờ ấn với giá 50.000 đồng? Ấn xin dễ dàng như vậy thì lấy đâu ra “đất” cho nhan nhản cái thị trường ấn chui như nhiều người giống ông “phán vọng”(!)...

Đứng phía trước chúng tôi, trong dòng người tự nguyện xếp hàng để xin lá ấn lộc đầu năm, có người là công chức đến để cầu xin một năm mới an lành, mạnh khỏe, công tác tốt; có người nông dân đến cầu một năm mới mùa màng bội thu, tươi tốt; có doanh nhân mong 365 ngày thuận lợi, mua may bán đắt...

Có cả những cụ cao niên đã bạc phơ mái tóc, vẫn lặng lẽ xếp hàng với nụ cười thuần hậu, và cả những cô cậu sinh viên đứng chắp tay khấn cầu một năm học hành hanh thông, thuận lợi...

Trên loa, BTC liên tục phát thông tin về thời gian phát ấn, yêu cầu khách hành hương thực hiện đúng nội quy mà nhà đền, BTC lễ hội xây dựng và nhấn mạnh “Nhà đền đã chuẩn bị đủ số ấn để phát cho mỗi khách hành hương từ 1-2 cánh ấn”.

Phía bên trong 3 dãy nhà Giải Vũ và nhà trưng bày đền Trùng Hoa, các cụ cao niên phường Lộc Vượng bền bỉ phục vụ từng dòng người đang trật tự xếp hàng chờ đến lượt. Ông Đặng Văn Chi (Hoàng Cầu, Hà Nội) cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình ông đều đến lễ đền Trần và xin ấn lộc trong dịp đầu năm. Lá ấn được xin để cầu một năm bình an, mạnh khỏe cho các con cháu trong nhà.

DSC 0120

Đã có những lá ấn trong tay: “Rất vui vì nghĩ đến một năm gia đình yên vui, mạnh khỏe”- chị Hà trong nhóm cho biết

Thế thì, lại xin hỏi, hí trường nào cho nạn “chạy chức” công khai được tạo nên từ những người dân chân chất như vậy? Lá ấn đền Trần sẽ vẫn bị cộng đồng hiểu sai giá trị chính từ cách viết, cách phát biểu như vậy, mặc dù BTC lễ hội đã nhiều lần nói thật rõ: Ấn chỉ là một nghi thức truyền thống chứ không phải là “lá ấn thiêng” để “cầu quan, phát lộc”. Dòng chữ “Tích phúc vô cương” trên lá ấn hoàn toàn không liên quan đến quyền lực hay tiền tài.

Thế mà lại chính những người cầm bút uyên thâm, và cả sự nhiệt tình có chủ đích của nhiều cơ quan truyền thông... lại đang tiếp tay cho việc phủ lên lá ấn những ám màu hư thực. Xin thưa, trong khi BTC lễ hội và người dân địa phương đang nỗ lực để trả lại giá trị và ý nghĩa truyền thống của lễ hội và lá ấn đền Trần như vốn có thì đừng nên có thêm những cách viết, những câu phát biểu, nhận định rất chủ quan theo kiểu… suy từ bụng ta ra bụng người.

Viết như thế, nói như thế là xúc phạm đến hàng vạn người dân về đền Trần với mong muốn có những điều tốt lành nhất cho mình và người thân mỗi khi bắt đầu một năm mới.

Theo Phương Anh - Báo Văn hóa

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516