Gần 200 triệu đồng tiền bản quyền
Đây là thông tin được đại diện truyền thông của đêm nhạc Khánh Ly, ông Hồng Quang Minh cung cấp trên Tuổi trẻ.
Theo ông Hồng Quang Minh, trước giờ diễn ra show diễn "Khánh Ly in Hà Nội" đại diện của ban tổ chức là công ty Công ty Giải Trí Đồng Dao đã thỏa thuận sẽ nộp gần 200 triệu đồng tiền bản quyền các ca khúc được biểu diễn trong đêm nhạc Khánh Ly cho trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC.
Nói về cách tính giá tiền bản quyền tác giả của VCPMC, ông Minh cho rằng, cách tính của VCPMC rất phức tạp, và hiện nay trong các văn bản pháp luật không quy định cụ thể bảng mức giá tiền bản quyền các ca khúc được biểu diễn.
Trong khi trước đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam từng cho biết, cách tính của VCPMC dựa vào các quy định hiện hành. Thông tư của Bộ Văn hóa quy định rằng những người tổ chức biểu diễn âm nhạc phải trích từ 15-21% doanh thu trả cho tác giả trong chương trình.
Khánh Ly và Quang Dũng trong đêm liveshow "Khánh Ly in Hà Nội" - Ảnh: VietNamnet
"Riêng chương trình Khánh Ly, vì ban tổ chức than thở là vé ế nhiều nên chúng tôi thông cảm chỉ thu tiền tác quyền 5% của doanh thu của 50% số ghế trong rạp. Đây là cách tính dựa vào giá vé và số ghế bán được cho khán giả, gọi là "trả nhuận bút cho tác giả theo doanh thu", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.Vì có nhiều tác giả trong một chương trình: tác giả bài hát, tác giả dàn dựng, phối khí, kịch bản, biên đạo múa... nên chúng tôi chỉ nhận khiêm tốn là 5% doanh thu cho tác giả ca khúc. Thêm nữa, như ở TP.HCM, chúng tôi chỉ tính doanh thu ở mức bán được 75% số ghế, Hà Nội còn thấp hơn là 65%.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thời điểm chưa nhận được thỏa thuận về số tiền bản quyền tác giả đã từng chia sẻ nếu không nhận được bản quyền tác giả những ca khúc sẽ được biểu diễn trong đêm nhạc, ông buộc phải tiến hành biện pháp mạnh là đến "biểu tình" ở ngay sân khấu của Trung tâm hội nghị Quốc gia nơi diễn ra đêm nhạc Khánh Ly.
Tờ Gia đình và xã hội trích đăng ý kiến của nhạc sĩ Phó Đức Phương: "Có lẽ do mình làm căng lên thì họ cũng bắt đầu có thái độ hợp tác chứ không trốn tránh như trước. Dù trước đó tôi đã chuẩn bị mọi tình huống cho việc đòi bản quyền theo cách bất đắc dĩ, thậm chí không ngại xô xát, nhảy lên sân khấu nến họ tiếp tục không thực hiện... nhưng thật đáng mừng là họ đã có phần “xuống nước” để đàm phán với Trung tâm bản quyền âm nhạc Việt Nam”.
Hai lần đấu tranh đòi bản quyền
Đây là show diễn thứ 2 được diễn ra chỉ cách show diễn trước đó 3 tháng nhưng trong show diễn trước đó vấn đề bản quyền không được đặt ra mà đến thời điểm này đại diện trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam mới tỏ ra bức xúc.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương
Về phía nhạc sĩ Phó Đức Phương thì đây không phải là lần đầu tiên ông đi đòi tiền bản quyền ngay tại chương trình.Được biết, show diễn ngày 9/5, không chỉ khán giả thủ đô mà nhiều khán giả ở khắp mọi miền đất nước đã đặt vé để được nghe Khánh Ly hát. Ca sĩ Hà Anh Tuấn, người đã góp phần trong việc mời Khánh Ly về Việt Nam (và cũng là một trong 4 ca sĩ khách mời của đêm nhạc, cùng Tuấn Ngọc, Thái Châu, Quang Thành) đã thông tin với Thanh Niên, vé show diễn đã “cháy” không còn một tấm nào trước ngày diễn 5 ngày.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương từng chia sẻ, cách đây mấy năm, ông cũng đã buộc phải làm vậy với một chương trình ở Nhà hát Lớn Hà Nội. "Cuộc đấu tranh" sau đó cũng đã có kết quả tốt hơn. Tuy nhiên, những vấn đề nan giải trong việc thu phí bản quyền tác giả âm nhạc với Trung tâm VCPMC chưa bao giờ dễ dàng và suôn sẻ do các đơn vị tổ chức luôn cho rằng, mức thu phí hiện nay chưa hợp lý .
Theo Datviet