Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtVăn hóaĐể văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước

Để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước

Thứ tư, 19 Tháng 2 2014 02:30
Tiếp theo những nội dung đã đăng tải trên số 2420, số báo này, Báo Văn Hóa tiếp tục trích đăng một số ý kiến, tham luận của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ nhiều góc độ, các ý kiến đã phân tích thực trạng, thành tựu và hạn chế, đồng thời kiến nghị các giải pháp tiếp tục phát triển nền văn hóa VN trong giai đoạn mới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết ban hành một Nghị quyết mới về văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành động lực phát triển của đất nước. 
 
Coi trọng việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

 

tran-van-binh

Việc tập trung xây dựng một Nghị quyết mới của Trung ương về văn hóa hiện nay là vấn đề cực kỳ quan trọng. Từ sau Đại hội VI, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa, Đảng ta đã có cái nhìn toàn diện về văn hóa, phù hợp với quan niệm của Bác và của thế giới ngày nay. Tuy vậy, thực tiễn 15 năm triển khai nghị quyết Trung ương 5 cho thấy mặt yếu nhất trong đời sống văn hóa của đất nước chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống.

 

Chính sự yếu kém về tư tưởng, đạo đức, lối sống không những cản trở sự phát triển mà còn làm biến dạng nhiều hoạt động văn hóa cao quý như giáo dục đào tạo, VHNT, khoa học- công nghệ, kể cả chính trị...

 

Vì vậy, trong Nghị quyết mới về văn hóa, trong việc xác định quan điểm chỉ đạo cũng như những nhiệm vụ cụ thể, rất cần coi trọng việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, coi đó là khâu đột phá để xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, giàu bản sắc dân tộc.

 

Bác Hồ thường dạy: Con người cần có tài và đức, cả tài và đức đều quan trọng, nhưng phải coi đức là gốc của con người. Sự kém hiểu biết có thể gây cản trở cho sự phát triển, nhưng tâm địa xấu thì có thể gây ra sự phá hoại ghê gớm cho xã hội. Nếu ví văn hóa như một cái cây, thì bộ rễ cái chính là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Khi rễ cái bị thui chột, hoặc bị sâu bệnh phá hoại, thì sớm muộn cây sẽ khô héo và tàn lụi. Chăm sóc vun bón cây trước hết phải quan tâm đến rễ cái, tuyệt không để cho rễ cái bị xâm hại. (GS.TS TRẦN VĂN BÍNH)

 

Giữa Nghị quyết và kinh tế thị trường đang có độ chênh đáng kể

ngo-phuong-lan

Mặc dù có Nghị quyết Trung ương 5 nhưng cơ chế thị trường ngoài một số mặt tích cực, năng động thì cũng có nhiều mặt trái, tác động tiêu cực đến điện ảnh, đặc biệt là xu hướng chạy theo lợi nhuận, sự “chụp giật” làm nghiệp dư hóa hoạt động điện ảnh.

Trong khi một số nước trong khu vực xây dựng nền công nghiệp điện ảnh một cách bài bản thì điện ảnh VN lại thiếu đồng bộ, thiếu chuyên nghiệp; sự đầu tư ngày càng hạn chế của Nhà nước vào sáng tác và sản xuất phim khiến cho phẩm chất “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của tác phẩm điện ảnh có sự phai nhạt trong những năm gần đây.

Trong 2 năm nay kinh phí sản xuất phim truyện từ nguồn ngân sách nhà nước tạm ngưng do cơ chế đầu tư tài chính chưa có sự thống nhất đã khiến cho các hãng phim gần như “ngắc ngoải”, hoạt động trì trệ, đội ngũ tan tác, đi làm thuê cho các hãng phim tư nhân hoặc truyền hình. Những người bám trụ chỉ được hưởng mức lương thấp kỷ lục. Sự tâm huyết, say mê sáng tác giảm sút rõ rệt.

... Bối cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi sau 15 năm, kinh tế thị trường với mặt trái đã tác động khá mạnh đến sự phát triển của điện ảnh. Giữa Nghị quyết và thực tế kinh tế thị trường có độ chênh đáng kể. Nếu không có quan điểm, định hướng và giải pháp phù hợp thì rất khó để phát triển điện ảnh một cách bền vững.

Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với đề xuất xây dựng một Nghị quyết mới về văn hóa, trong đó quan tâm đến phát triển điện ảnh, để ngành điện ảnh có thể sáng tác và sản xuất nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển toàn diện con người VN. (TS NGÔ PHƯƠNG LAN, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ VHTTDL)

Nhiều nghệ sĩ muốn tồn tại phải “bươn chải” kiếm sống...

ongtho

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là một định hướng lớn của Đảng về phát triển văn hóa của đất nước. Tuy nhiên vì ra đời đã lâu, nhiều nội dung không còn phù hợp, do không tăng cường công tác kiểm tra giám sát nên có lúc, có nơi các địa phương không thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách. Vì vậy trong lĩnh vực sân khấu, tác phẩm ra đời còn rất nghiệp dư, đời sống văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn, không đủ sức cạnh tranh với cơ chế thị trường.

Các đơn vị, các nghệ sĩ muốn tồn tại phải bươn chải kiếm sống với các tiết mục hài hước, kịch ma, kịch kinh dị, có yếu tố sex... Trong cơ chế thị trường, giới nghệ sĩ cũng đã có sự phân chia giàu nghèo một cách sâu sắc. Một ca sĩ dòng nhạc nhẹ biểu diễn trên sân khấu 5-7 phút có cát xê trên 100 triệu đồng/ một tối. Trong khi một nghệ sĩ (NSND, NSƯT) trên lĩnh vực sân khấu truyền thống biểu diễn 120 phút được bồi dưỡng 50- 70 ngàn đồng/ một tối.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đòi hỏi phải có sự bổ sung, đổi mới một số nội dung, từ đó đặt ra những giải pháp đột phá về đào tạo đội ngũ, về đầu tư xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng cơ sở vật chất...

Đặc biệt, cần có một Nghị quyết mới về văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Trong đó, cần thiết chỉnh sửa lại chế độ lương cho văn nghệ sĩ để người nghệ sĩ sống được bằng nghề, yên tâm phụng sự nghề và sáng tạo nghệ thuật...(NSND LÊ TIẾN THỌ, Chủ tịch Hội NSSK VN)

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH- HĐH đất nước

nguyenthithuha TU

Quán triệt 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) , TP. Hồ Chí Minh đã xác định: cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.

Trong những năm qua, thành phố đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, CNH, HĐH hóa đất nước và thành phố, trong đó có nguồn nhân lực làm công tác quản lý văn hóa.

Thành phố đã đề ra chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đào tạo 300 và 500 thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay đã có trên 500 học viên hoàn tất chương trình đào tạo được bố trí công tác tại các sở, ngành, quận, huyện... của thành phố và được đánh giá là phát huy hiệu quả.

Cùng với chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức ngành văn hóa nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý các cơ sở văn hóa đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng trên địa bàn.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, bên cạnh những thành quả thì trong lĩnh vực văn hóa của thành phố vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập, nhiều yếu tố mới phát sinh, việc xây dựng con người XHCN, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển văn hóa làm nền tảng để tăng trưởng kinh tế bền vững được xác định là nhiệm vụ cấp bách.

TP. Hồ Chí Minh kiến nghị TƯ nghiên cứu ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa VN, trong đó chú trọng nội hàm “Xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc VN tiên tiến, nhân văn” để phù hợp với giai đoạn phát triển mới... (Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh)

Theo Baovanhoa.vn

 

 

 

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516